Ngày xưa, người ta kỹ sống kỹ ăn kỹ nói. Không cùng gia tộc, những người đàn ông tử tế định nghĩa quan hệ mật thiết với nhau bằng hai từ bạn hữu.
Họ có dùng từ thân hữu, để chỉ mối quan hệ lớn hơn, trang trọng nhưng không hẳn là chí cốt. Họ cũng có thể dùng hai từ bằng hữu nhưng là để cho những quan hệ có tính chất rất đặc biệt, cùng đi khẩn hoang rồi tụ lại bên nhau như ruột rà; hoặc cùng học hành tấn tới; hoặc cùng chinh chiến trận mạc…
Bạn hữu gặp nhau ở sự mực thước, tao nhã, bữa trà bữa giỗ bữa tiệc ngày xuân ngày tết… Công việc, kinh tế, nhà cửa, sức khỏe, con cháu, xóm thôn, trường học, nếp ăn nếp sống…
Chính quyền ở trên cao, họ, những lão nông tri điền tri túc tri kỷ ấy là gạch nối không chê vào đâu được. Xóm ấp yên bình nhưng cũng có ăn cắp vặt, có những Thị Mầu, có những kẻ lười biếng. Có, có hết, nhưng không thành tệ nạn.
Không biết từ bao giờ xuất hiện hai từ bạn bè. Bạn hữu dành cho những người trang trọng ít ỏi với nhau, bằng sự sàng lọc tinh tế của từ ngữ. Một người vợ càu nhàu chồng hay viện lý do kết nối các quan hệ để về muộn: “Ông suốt ngày bạn bè!”.
Đứa con nghe về bạn hữu từ ông bà của chúng, buột miệng: “Vậy bác A đó là bạn hữu hay bạn bè hả mẹ?”. Người mẹ khen con có ý thức quan sát và biết lọc chữ nghĩa, bắt đầu giải thích: “Đúng, bác A là bạn hữu còn mấy ông bợm kia là bạn bè”.
Dần rõ. Bạn bè là có ý nghĩa bè cánh, bè nhóm. Và rồi có cả ý nghĩa bè phái. Đời sống mở, kinh tế sôi động, chính quyền không tránh được chèo kéo để là bạn bè của những khát vọng “cứu mình trước khi trời cứu”.
Bên cạnh những ly bia sủi bọt thì hai chữ bạn bè thống trị từ phòng lạnh đến vỉa hè, đến cả tận phòng ngủ của từng gia đình.
Những bạn hữu thực chất tìm nhau bởi nhu cầu nội tâm là cựu chiến binh, cựu học sinh… ở đây, họ phân thân rõ ràng, gặp nhau hôm nay toàn bạn hữu còn bạn bè ư, đầy ra, không đếm xuể, dành cho việc thường nhật làm ăn, đi lại, đi đêm và cả đi ngang nhiên, không cần đề phòng hay bất kỳ một định nghĩa trang trọng nào.
Rồi dần dà. Từ bạn đã bị xét lại. Hình như những mối quan hệ mà những người đàn ông gánh vác gia đình và giải quyết khát vọng kiếm tiền, gọi nôm là làm giàu (có cả phụ nữ dấn thân vào), phải, từ bạn không đủ diễn tả mà chính những “người trong cuộc” cũng thấy tổn thương cái từ ấy.
Hai từ cánh hẩu xuất hiện. Tuyệt. Ngôn ngữ là sinh ngữ, tiếng Việt luôn tuyệt ở góc độ đi từ vỉa hè vào trong não mọi người. Như đã từng có sau 1975 từ con phe, dỏm, cà chớn, cà khịa…
Cánh hẩu không xuất phát từ phía Nam như dỏm hay cà chớn mà chắc chắn nó phải ở đúng nơi nó xuất phát, khi quyền lực là một thứ quyền lực có thể thao túng tất cả.
Cánh hẩu xuất hiện khắp nơi, giới nào cũng có, thậm chí làng báo, làng văn, cả làng bóng đá nữa. Đơn cử vài chuyện làng văn mà thoạt nghe, dân chúng nghĩ là bèo nhất, ít phức tạp nhất và có vẻ, như sạch nhất.
Ví như đã thân với anh Q thì không nên kết giao với ông Đ nữa cho dù hai ông ấy là “cây cao bóng cả” trong mắt chính quyền và trong mắt nhiều đồng nghiệp trẻ.
Ban đầu là cá tính văn chương, hợp cạ nhau thì chơi với nhau, sau thì quyền lợi hẳn hoi, đầu tư, đi trại viết, hỗ trợ in ấn và rồi nó len vào sự sắp xếp ở các giải thưởng.
Ban đầu là giải thưởng của một cuộc thi, sau thì giải thưởng thường niên, giải thưởng nhiều năm, giải thưởng cống hiến và cả giải thưởng cấp quốc gia. Vậy đó, hoan nghênh hai từ cánh hẩu chính xác, tuyệt vời.
Sống để lách ra khỏi các cánh hẩu đã trở thành sự lựa chọn nghiệt ngã. Khoanh tay bên lề đứng nhìn mọi cuộc nhậu nhẹt tụ tập chạy vạy là một thái độ kiêu hãnh nhưng vẫn không tránh được thị phi.
Có những vấn đề xã hội cựu nhà báo hoặc nhà văn lên tiếng, lập tức bị nghi ngờ ai đứng sau vậy, thế lực nào? Chừng như trong cái nhìn trong quan niệm của đám đông là không ai có thể đứng một mình được, lúc này.
Vì sao? Vì phải đốt đuốc đi tìm mà ngay ở đây, không phải không còn đuốc mà vì không ai bình tâm xem xét một số ít hay một vài người vì sao kiên quyết không cánh hẩu!
Người tiết tháo, hay hôm nay gọi là cương trực luôn tiềm tàng cho dù xã hội có rối ren và băng hoại. Không còn những người dám cất tiếng và dám hành động là một xã hội đang chết lâm sàng.
Cương trực thì hay xông pha kiểu “giữa đường gặp chuyện bất bằng nào tha”, thiết nghĩ, trong tình thế cánh hẩu đã nhiều lên, khắp nơi, như nấm sau mưa thì những người coi nhau như bạn hữu, như chiến hữu sẽ tìm thấy nhau.
Ấy là quy luật cân bằng, bởi cuộc sống luôn mang trong nó sức mạnh, bí mật và cả những bất ngờ.
Tác giả: Dạ Ngân
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên