12 ngày bị cô lập trong lũ dữ
Vừa dùng xẻng hất lớp bùn đất dày ở thềm nhà, ông Hoàng vừa kể: "Đợt lụt vừa rồi hãi hùng quá, ban đầu nước chỉ ngập nhà 1 mét, sau đó dâng dần lên, đồ đạc nổi lềnh phềnh mà không làm gì được. Cả xóm có 9 nóc nhà thì đều ngâm mình trong lũ hết. Tôm, cá, thóc, gạo đều theo nước mà trôi đi. Nhà tôi có xuồng cứu trợ nhưng cũng không đi qua bên kia cầu được (cầu xóm Soi bắc qua sông Hiếu). 12 ngày chúng tôi bị cô lập trong biển lũ, sóng điện thoại thì chập chờn, điện mất, cơm không nấu được. Mà lực lượng cứu hộ bên kia sông cũng chẳng thể tiếp cận chúng tôi nổi vì nước sông Hiếu những ngày ấy chảy rất xiết, vô cùng nguy hiểm".
Nói về lí do tại sao không di tản sang bên kia sông khi nước lũ còn ở mức bình thường, ông Trương Quang Vân (68 tuổi, người dân xóm Soi) ngậm ngùi bảo: "Nhà tôi có di tản chứ, nhưng là cho bà nhà (Trương Thị Vệ) bị ung thư tuyến giáp sang ở nhờ chỗ người quen, bệnh tật mà ngâm mình trong lũ thì tội lắm. Còn tôi và con trai (SN 1985) thì phải ở lại, lo giữ đồ đạc vì cái nhà xây tạm có tuổi đời 22 năm này mà bung thì sau lũ chẳng còn gì nữa.
"Nhà tôi ngay chân cầu nên lúc mới lụt thì di tản sang bên kia được, đồ đạc có chi mô mà giữ, được vài bộ áo quần thì ướt sạch hết rứa. Đàn ông trong nhà chỉ có thằng con trai nhưng đau ốm liên miên mà đợt ni con dâu mới sinh cháu bé nên lụt lội là phải bỏ nhà đi ngay. Mà sang nhờ nhà họ cũng khó khăn trong khi cháu mình dại nên quấy khóc suốt. Nhớ lại cảnh 3 giờ sáng bà cháu, mẹ con bồng bế nhau đi trong mưa để chạy lũ mà ôi chao! trời ơi khi mô mới hết khổ răng...", bà Trương Thị Nguyệt (62 tuổi), một người dân khác trong xóm vừa bế cháu vừa ngậm ngùi kể lại.
Lũ đi để lại nỗi buồn
Ngồi bần thần nhìn vợ - bà Lê Thị Em (71 tuổi) đang đổ bao thóc đã nảy mầm ra phơi, ông Trương Văn Cường (75 tuổi, cạnh nhà ông Lê Văn Hoàng) kể đồ đạc trong nhà ông phần lớn bị ngâm nước đã hư hỏng nặng. "Nhà có mấy mụn con mà đều đi làm xa hết, hai ông bà tự chăm nhau. Hôm con lũ lên, chúng tôi di tản, đồ đạc cái kê được thì ngấm nước nhẹ, cái không kịp đưa lên cao thì coi như bỏ. Được mấy bao thóc thì ướt hết, giờ chỉ đổ ra cho vịt ăn thôi, mà giờ ngâm lâu bị ủng không biết tụi nó chịu ăn không nữa".
Hướng ánh mắt đượm buồn về chiếc ao đục ngàu trước nhà, ông Trương Quang Vân cho biết lũ đã mang cả gia tài của ông đi cả rồi, bao nhiêu, tôm, cá trong đầm mất hết. "Thóc giờ đã lên mạ, tường nhà thì bong tróc và nứt nẻ khắp nơi. Xã cũng nhiều lần gọi đi lấy đồ cứu trợ nhưng bên ni sóng kém, bữa ai gọi điện mà nghe được thì biết mà đi, bữa mất sóng đành chấp nhận. Cũng có hôm đoàn từ thiện gọi sang chân cầu lấy quà vì đường xóm ni lầy quá"
Ước mong của người dân xóm nghèo
Đến ngày 23/10, mặc dù lũ đã rút được 3 ngày nhưng con đường vào xóm Soi vẫn khiến người đi phải lắc đầu ngao ngán vì lớp bùn đặc quánh và mùi hơi đất ngâm nước lâu ngày trong nước. Theo ông Lê Văn Hoàng thì trước đây khi chưa có cầu, để qua bên kia sông mọi người phải chèo ghe rất vất vả, cũng vì thế mà người dân trong xóm lần lượt thoát li khỏi nơi này. Một năm trở lại đây, nhờ sự vận động xã hội của chính quyền xã Gio Mai nên xóm Soi mới có cầu để đi lại.
Ông Hoàng cũng cho biết, hiện tại xóm Soi đây vẫn chưa có nước sạch, mọi người phải qua bên kia sông xin nước uống về tích cóp, nấu ăn thì dùng nước mưa vì giếng ở đây nhiễm phèn và mặn rất nặng nên chỉ dùng để giặt giũ hoặc họa hoằn lắm mới nấu ăn.
"Nhà tôi ở đây đã 3 đời, dễ đến hơn 100 năm nhưng mà chưa bao giờ biết đến nước sạch, sang bên kia sông thấy họ dùng nước thoải mái mà ôi chao thèm. Thằng con tôi năm nay đã 35 mà chưa ai chịu lấy cũng vì bên ni đâu có nước sạch, nhà lại còn nghèo nữa... Mấy bữa nay lụt lội cũng chả dám sang nhà dân bên kia xin nước, may có mấy chai nước lọc của đoàn từ thiện chứ không khát khô. Bây giờ được mọi người giúp đỡ sau lũ chúng tôi biết ơn lắm, mì tôm và gạo giờ cũng có rồi, mà ước chi ai cho ít tôm, cá, lúa giống và đường nước sạch để làm ăn thì hạnh phúc biết mấy", ông Trương Quang Vân nói thay cho nỗi lòng của người dân trong xóm nghèo.
Trao đổi với ông Hoàng Thanh Lương, Chủ tịch UBND xã Gio Mai về vấn đề nước sạch của xóm Soi, ông Lương cho biết: "Xóm Soi có diện tích 120 héc - ta, lúc trước có gần 30 hộ giờ còn lại khoảng 9 hộ và hiện tại ở đây vẫn chưa có nước sạch. Nhưng không riêng gì xóm Soi mà trên địa bàn xã Gio Mai đến nay vẫn còn 150 hộ cũng chưa có nước sạch để sinh hoạt.
Chúng tôi cũng rất trăn trở về vấn đề này và đã cố gắng vận động xây được cầu cho bà con đi lại thuận tiện và an toàn hơn nhưng vấn đề nước sạch thì mặc dù đã nhiều lần đề xuất với huyện Gio Linh nhưng ngân sách của địa phương hiện nay chưa thể đáp ứng được khó khăn này của bà con.
Vừa qua chúng tôi đã được huyện phê duyệt kế hoạch đưa xóm Soi trở thành khu du lịch sinh thái để góp phần giúp bà con cải thiện điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, việc gì cũng vậy, đều cần nhận được sự phối hợp của người dân và nguồn vốn xã hội hóa. Nhà nước và nhân dân cùng làm thì mới phát triển bền vững được".
Theo Lộc Liên/Tiền phong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên