Nga sẽ phản ứng đáp trả các trừng phạt của EU và Mỹ

Thứ tư - 03/03/2021 10:19

Ngày 2/3, EU và Mỹ nối tiếp nhau đưa ra tuyên bố về các trừng phạt đối với một số quan chức chính phủ và tổ chức của Nga liên quan đến vụ việc của nhân vật đối lập Alekxei Navalny.

Liên minh châu Âu đã mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga bằng cách đưa 4 công dân Nga vào danh sách đen, gồm Tổng công tố Liên bang Nga Igor Krasnov, người đứng đầu Ủy ban điều tra Alexander Bastrykin, người đứng đầu Cơ quan thi hành án liên bang Alexander Kalashnikov và chỉ huy Lực lượng vệ binh quốc gia Nga Viktor Zolotov. Tất cả họ bị cấm nhập cảnh vào các nước EU, cũng như giữ tiền trong các ngân hàng ở các nước này.

Các biện pháp hạn chế lần đầu tiên được đưa ra như một phần của cơ chế trừng phạt vi phạm nhân quyền. Điều này được nêu trong "Tạp chí Chính thức của Liên minh châu Âu", nơi các quy định liên quan đã được công bố trong ngày 2/3.

111
Bộ Ngoại giao Nga (Ảnh: Tass).

Trước đó, Quyết định chính trị áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Liên bang Nga đã được đưa ra tại cuộc họp của ngoại trưởng 27 nước EU vào ngày 22 tháng Hai.

Cũng trong ngày 2/3, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 7 quan chức chính phủ Nga và 14 tổ chức của nước này liên quan đến sản xuất hóa học, đồng thời tuyên bố về các biện pháp bổ sung chống Nga do tình hình xung quanh nhân vật đối lập Alexei Navalny.

Trong 7 cá nhân, có 2 người đã rơi vào danh sách trừng phạt của EU là Tổng Công tố Liên bang Nga Igor Krasnov và người đứng đầu Cơ quan thi hành án liên bang Alexander Kalashnikov, đáng chú ý có thêm Giám đốc Cơ quan An ninh LB Alexander Bortnikov; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga Alexei Krivoruchko và Pavel Popov.

Mỹ cũng quyết định ngừng cung cấp hỗ trợ cho Nga theo Đạo luật viện trợ nước ngoài năm 1961, "ngoại trừ viện trợ nhân đạo khẩn cấp." Đưa Nga ra khỏi danh sách các quốc gia được phép bán và xuất khẩu vũ khí. Chấm dứt mọi chương trình tài trợ quân sự nước ngoài có sự tham gia của Liên bang Nga. Từ chối cung cấp bất kỳ khoản vay, đảm bảo khoản vay hoặc hỗ trợ tài chính nào khác. Hạn chế hợp tác không gian thương mại với Nga. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các hạn chế áp đặt có thể được dỡ bỏ chỉ sau 12 tháng và sau khi Matxcơva đáp ứng các điều kiện nhất định.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố, nước này sẽ phản ứng một cách rõ ràng trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại. Ông lưu ý rằng, “không ai hủy bỏ một trong những quy tắc ngoại giao, đó là có đi có lại”.

Theo ông Sergei Lavrov, Bộ Ngoại giao Nga đã nhiều lần bày tỏ thái độ trước "các biện pháp trừng phạt đơn phương phi pháp, mà các đồng nghiệp Mỹ và các nước thành viên Liên minh châu Âu noi gương của họ hầu như luôn viện đến mà không có bất kỳ lý do gì."

Trước đó, trong ngày 1/3, liên quan đến các biện pháp trừng phạt của EU, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Aleksander Grusko tuyên bố, Matxcơva sẽ phản ứng đáp trả. Ông nhấn mạnh rằng, quyết định của Liên minh châu Âu (EU) thông qua các trừng phạt về vụ A.Navalny đối với Matxcơva không phải là bất ngờ, nhưng những hành động như vậy có tác động phá hoại quan hệ song phương.

Theo ông “EU tiếp tục đi theo một con đường hoàn toàn bất hợp pháp, đây là một ngõ cụt, có tác động phá hoại quan hệ song phương và không thể đáp ứng được lợi ích của chính các nước châu Âu”.

Trong diễn biến liên quan, phát biểu trong cuộc họp mới đây với Cơ quan An Ninh LB Nga, Tổng thống V.Putin đã tuyên bố, các biện pháp trừng phạt kinh tế và các biện pháp trừng phạt khác, những khiêu khích từ bên ngoài, chính sách kiềm chế Nga là vô ích, không có triển vọng./.

 

Theo Anh Tú/VOV-Moscow

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây