Công an tỉnh Đắk Lắk đang điều tra, làm rõ hành vi có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của lãnh đạo, cán bộ 4 công ty lâm nghiệp (đều thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk và đều quản lý rừng ở huyện Ea Súp).
Hậu quả nghiêm trọng mà những lãnh đạo, cán bộ này gây ra là để hơn 22.000 ha rừng tự nhiên bị xóa sổ hoàn toàn (trong đó Công ty lâm nghiệp Cư M’lan để hơn 10.500 ha rừng bị tàn phá, Công ty lâm nghiệp Rừng Xanh hơn 2.270ha…), thiệt hại về tài nguyên gỗ, giá trị môi trường rừng, gây dư luận xấu.
Hậu quả còn ở chỗ, như Sở Tài nguyên – Môi trường Đắk Lắk thừa nhận, là phần lớn diện tích rừng bị lấn chiếm hiện nay rất khó thu hồi để trồng lại rừng, do người lấn chiếm đã sử dụng ổn định từ trước năm 2015. Việc thu hồi dễ tạo ra "điểm nóng" phức tạp. Và nếu muốn thu hồi thì nhà nước phải mất thêm tiền, hàng chục tỷ đồng và có thể nhiều hơn (để hỗ trợ hoặc tái định cư, tái định canh cho những người đang chiếm giữ trái phép đất rừng).
22.000 ha rừng bị tàn phá là con số quá khủng khiếp. Đó là bạt ngàn những quả đồi bị "cạo trọc", đốt cháy, liên tục từ năm này sang năm khác. Cùng đó là tình trạng mua bán đất rừng nhộn nhịp, công khai. Vậy mà lực lượng bảo vệ rừng vẫn "không nghe, không thấy, không biết". Ngoài việc buông lỏng, làm ngơ trước nạn phá rừng, các công ty lâm nghiệp còn giấu nhẹm việc mất rừng để… trốn trách nhiệm. Vì vậy cơ quan có thẩm quyền không kịp thời nắm được thực trạng phá rừng để có chỉ đạo, biện pháp xử lý.
Nếu chẳng may việc phá rừng bị vỡ lở, các công ty lâm nghiệp sẽ bao biện bằng nhiều lý do thật "khách quan" như diện tích rừng quá lớn, lực lượng mỏng, trang bị yếu, quyền hạn chưa đủ mạnh... Rồi áp lực về dân di cư tự do, áp lực về lợi nhuận quá lớn từ gỗ rừng, đất rừng. Rồi cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập… nên không giữ được rừng. Nhưng thực tế, chưa thấy ông giám đốc nào từ chức vì những điều đó cả, dù "chẳng ai ép làm".
Ngay trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, Công an huyện Krông Bông (Đắk Lắk) đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sỹ mật phục bắt quả tang 6 lâm tặc đang dùng 5 con trâu kéo gỗ pơ mu quý hiếm ra khỏi rừng thuộc lâm phần Công ty lâm nghiệp Krông Bông. Trong khi đó, công ty lâm nghiệp này không hề phát hiện, dù vẫn bố trí lực lượng bảo vệ rừng dịp Tết.
Nạn phá rừng khủng khiếp tại các công ty lâm nghiệp ở Đắk Lắk còn đang dần hé lộ trong một câu chuyện khác. Đó là thực hiện Đề án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động công ty lâm nghiệp theo Nghị quyết 30 – QN/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ, các công lâm nghiệp ở Đắk Lắk dự kiến sẽ giao về cho huyện, xã khoảng 34.000 ha rừng.
Nhưng trên thực tế diện tích này không còn rừng, hoặc chỉ còn lại manh mún, xen kẽ, bởi phần lớn đã bị lấn chiếm. Nghĩa là chỗ nào còn nhiều rừng, nhiều gỗ thì công ty lâm nghiệp tiếp tục nhận quản lý. Chỗ nào rừng bị phá hết, đất bị lấn chiếm thì họ chuyển giao cho huyện, xã.
Đại diện Công an tỉnh Đắk Lắk nói việc mất 22.000 ha rừng tại 4 công ty nghiệp này diễn ra từ năm 2006 – 2016, thiệt hại vô cùng nghiêm trọng nhưng đến nay không ai bị xử lý, chưa ai chịu trách nhiệm.
Điều khiến dư luận bức xúc là không chỉ công ty lâm nghiệp bảo vệ rừng, mà có cả lực lượng kiểm lâm hùng hậu từ tỉnh đến huyện, mỗi xã đều có kiểm lâm "nằm vùng", ban lâm nghiệp… Vậy mà hàng chục nghìn ha rừng vẫn bị xóa sổ không thương tiếc, "con voi" chui lọt… cả hệ thống.
Theo Đặng Trung Kiên/Dân Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên