Tháng 4/2016, Thứ trưởng Trần Hồng Hà chính thức nhận chiếc “ghế nóng”, trở thành Bộ trưởng thứ 4 của ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT). Chỉ ít ngày sau, sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa xả thải gây ảnh hưởng tới một loạt tỉnh miền Trung xảy ra…
18h chiều 27/4/2016, phòng họp tầng 1 nhà B - Bộ TN&MT có rất đông phóng viên túc trực từ nhiều giờ trước đó.
Những lãnh đạo chủ chốt của Bộ, đại diện 7 Bộ, ban ngành đang họp với ban lãnh đạo của tập đoàn thép Hưng Nguyên (Formosa Hà Tĩnh) - đơn vị gây ra sự cố môi trường chưa từng có.
20h, cuộc họp kết thúc. Thứ trưởng TN&MT Võ Tuấn Nhân cung cấp những thông tin ban đầu.
2 tháng sau, ngày 29/6/2016, ban lãnh đạo tập đoàn Hưng Nguyên xin lỗi công khai Chính phủ và người dân về sự cố Formosa.
Sau Formosa, nhiều sự kiện liên quan tới môi trường khác đã xảy ra như nhiệt điện Vĩnh Tân xin nhận chìm tại biển Hòn Cau; hạn hán, ngập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long; sạt lở đất ở Nam Trung Bộ; rò rỉ thủy ngân do cháy nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông; tràn dầu thải đầu nguồn nước sạch sông Đà…
Trải qua nhiệm kỳ 5 năm ngồi ghế nóng, người phụ trách “siêu Bộ” với 9 lĩnh vực quản lý thừa nhận, nhiệm kỳ của ông là thời gian khó khăn, sóng gió.
“Các lĩnh vực quản lý của ngành luôn đứng trước những vấn đề nóng. Cá nhân tôi cũng như toàn thể cán bộ trong ngành đều luôn có tâm trạng lo lắng. Giai đoạn đó chúng tôi tập trung toàn tâm toàn ý để giải quyết các sự vụ để ứng phó với các vấn đề nảy sinh”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ.
Theo ông, điều này cũng không có gì là quá bất ngờ, bởi Đảng và Nhà nước xác định đây là giai đoạn chuyển tiếp từ phát triển kinh tế sử dụng triệt để tài nguyên thiên nhiên sang phát triển kinh tế bền vững, không gây tác động xấu tới môi trường; phát triển kinh tế dựa trên việc quản lý chặt chẽ tài nguyên, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng khẳng định, đây cũng là bài học hết sức quan trọng đối với công tác quản lý tài nguyên môi trường. Nếu còn quan điểm phát triển kinh tế trước, xử lý môi trường sau thì sẽ phải trả giá rất đắt. Bài học Formosa là một ví dụ.
Kinh nghiệm là phải thiết lập các công cụ quản lý đối với các dự án lớn (như Formosa) khi chúng ta hội nhập. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý phải nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm thế giới để có thể tiếp cận với công nghệ, có năng lực tốt hơn điều chỉnh các chính sách, công cụ quản lý cho phù hợp hơn.
Tiếp đến, phải xem xét lại các chủ trương liên quan tới quản lý tài nguyên, tới chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Bảo vệ môi trường cần phải thay đổi theo hướng: lấy phòng ngừa, ngăn chặn là chính.
“Rất nhiều vấn đề trong thực tế, trong quản lý đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, chúng tôi đã tập trung rà soát, lắng nghe các địa phương để thấu hiểu những vướng mắc, cùng các địa phương điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn; chú trọng các trình tự, thủ tục, quy trình bằng cách minh bạch, khoa học; đơn giải hóa các thủ tục hành chính, đồng thời đảm bảo các tài nguyên thiên nhiên phải được sử dụng một cách tổng hợp và hiệu quả”, ông Trần Hồng Hà cho biết.
Theo Bộ trưởng, với rất nhiều chính sách, nghị định, công tác quản lý tài nguyên môi trường đã chuyển biến từ bị động, bất ngờ sang giai đoạn chuẩn bị một cách bài bản, đồng bộ về các cơ chế chính sách; nhận thức của các cấp, các ngành, đặc biệt là nhận thức của người dân đối với môi trường được nâng cao.
Các nguồn tài nguyên được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả. Tài nguyên khoáng sản, giá trị địa chất được điều tra, quản lý, sử dụng hiệu quả gắn với công nghiệp chế biến đóng góp cho tăng trưởng. Các lợi thế của vùng biển, ven biển tiếp tục được phát huy, đóng góp 60% GDP của cả nước. Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách khó khăn, nguồn thu từ đất đai vẫn đạt 133% kế hoạch, khoáng sản đạt 112% kế hoạch đóng góp cho ngân sách.
Tài nguyên nước từng bước được quản lý sử dụng bền vững, đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ đa mục tiêu; tập trung triển khai thực khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các dòng sông lớn.
Các quyết sách về ứng phó với biến đổi khí hậu được chủ động đề xuất, thúc đẩy triển khai có hệ thống với tầm nhìn chiến lược; công tác dự báo khí tượng thuỷ văn được tập trung hiện đại hóa, nâng cao chất lượng để các bộ, ngành, địa phương chủ động phương án sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Đợt hạn mặn năm 2019 - 2020, mức độ ảnh hưởng lớn gấp 2 - 2,5 lần năm 2016 nhưng mức độ thiệt hại giảm 9,6%.
Chính nhờ sự ủng hộ của người dân, giai đoạn cuối nhiệm kỳ, về cơ bản đã thay đổi được các tư duy, các quan điểm cũng như phương pháp quản lý. Mô hình “kinh tế nâu”, “năng lượng nâu” chuyển sang mô hình “kinh tế xanh”, “năng lượng xanh”; kinh tế chưa bền vững sang kinh tế bền vững, trong đó môi trường có một vai trò tác động vào, phải đi tiên phong.
Bộ TN&MT nhận định, dù có cơ sở vật chất, thêm nhân lực nữa cũng không bao giờ làm được những vấn đề hết sức rộng lớn, 9 lĩnh vực, xảy ra ở các thời điểm khác nhau.
“Chính vì vậy, chúng tôi coi việc chuyển sang kinh tế ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, quan trắc, điều tra cơ bản… Đấy là một trong những nhiệm vụ Bộ TN&MT thực hiện khá thành công. Chúng tôi là một trong số các bộ tiên phong trong việc xây dựng, hình thành chính phủ số”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Bộ xác định, chuyển đổi số, ứng dụng KHCN là nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn mới. Cho đến nay, 85% ý kiến người dân hài lòng với các dịch vụ công của Bộ. Trong 5 năm, hơn 950 ngàn tỷ đồng được đóng vào nguồn thu ngân sách.
Nguồn thu từ đất hiện nay đã được tính toán theo hiệu quả sử dụng đất đai. 230 ngàn ha đất đã được chuyển đổi để phục vụ phát triển kinh tế, gần 1 triệu ha chưa sử dụng trước đây được đưa vào phát triển rừng; hàng trăm ngàn ha đất thuộc các dự án chậm sử dụng và sử dụng chưa hiệu quả đã được đưa vào sử dụng.
Trên thực tế, tài nguyên môi trường dần dần trở thành một ngành kinh tế hết sức quan trọng đối với đất nước.
Phần 2: Chuyển đổi số - chìa khóa của ngành Tài nguyên Môi trường
Kiên Trung - Thiết kế: Huệ Nguyễn
Nguồn VietNamnet
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên