Nhiều nhà máy Trung Quốc bị thiêu rụi, Myanmar trải qua ngày đẫm máu

Thứ hai - 15/03/2021 16:40
Ít nhất 39 người đã thiệt mạng vì đụng độ giữa các đám đông biểu tình chống chính biến với lực lượng an ninh Myanmar, đúng vào ngày các nhà máy Trung Quốc tại nước này bị đốt cháy.

Hãng thông tấn Reuters đưa tin, ít nhất 22 người biểu tình đã thiệt mạng khi chạm trán với cảnh sát ở khu công nghiệp Hlaingthaya, ngoại ô thành phố Yangon hôm 14/3, sau khi các nhà máy của Trung Quốc tại đây bị phóng hoả.
111
Những người biểu tình đang hỗ trợ một thành viên bị thương ở Hlaingthaya, Yangon, Myanmar ngày 14/3. Ảnh: AP

Cùng ngày, thêm 16 người biểu tình và một cảnh sát thiệt mạng ở những nơi khác tại quốc gia Đông Nam Á, khiến đây trở thành ngày đẫm máu nhất kể từ khi quân đội tiến hành đảo chính hôm 1/2, lật đổ chính quyền dân sự, bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint cùng nhiều quan chức thuộc đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD).

Đại sứ quán Trung Quốc cho biết, nhiều nhân viên nước này đã bị thương và mắc kẹt trong các cuộc đốt phá, do những kẻ không rõ danh tính thực hiện, nhằm vào các nhà máy may mặc ở Hlaingthaya. Đại sứ quán kêu gọi Myanmar bảo vệ tài sản và công dân Trung Quốc.

111
Khói bốc lên từ đám cháy tại một nhà máy Trung Quốc ở ngoại ô Yangon ngày 14/3. Ảnh: Reuters

Khi khói cuồn cuộn bốc lên từ khu vực công nghiệp, lực lượng an ninh được cho là đã nổ súng vào những người biểu tình ở Hlaingthaya, nơi tập trung lao động nhập cư đến từ khắp cả nước. Một phóng viên ảnh có mặt tại hiện trường mô tả những gì diễn ra "rất khủng khiếp".

Quân đội hiện đã áp lệnh thiết quân luật ở Hlaingthaya và quận Shwepyitha thuộc thành phố Yangon, trung tâm thương mại và cũng là thủ đô trước đây của Myanmar.

111
Lực lượng an ninh được huy động trấn áp đám đông biểu tình phản đối chính biến ở Myanmar. Ảnh: Times of India

Đài truyền hình Myawadday do quân đội điều hành đưa tin, lực lượng an ninh đã phải hành động sau khi 4 nhà máy may mặc và một nhà máy phân bón bị phóng hỏa. Khoảng 2.000 người đã ngăn cản các xe chữa cháy tiếp cận hiện trường.

Một nguồn tin độc lập thống kê, số người thiệt mạng kể từ khi chính biến xảy ra ở Myanmar cho tới nay đã lên tới 126 người. Tính đến hết ngày 13/3, trên 2.150 người đã bị bắt giữ, với hơn 300 người trong số đó đã được trả tự do.

111
Người biểu tình đang tìm cách chống lại lực lượng an ninh ở Mandalay, Myanmar ngày 14/3. Ảnh: Reuters

Đại sứ quán Trung Quốc mô tả tình hình tại Myanmar hiện "rất nghiêm trọng". Hôm 12/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi tất cả các bên tại Myanmar kiềm chế, giải quyết các tranh chấp và bất đồng trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật thông qua đối thoại và tham vấn, dựa trên các lợi ích căn bản của người dân và tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi dân chủ.

Theo người phát ngôn, Bắc Kinh sẵn sàng đóng vai trò xây dựng trong việc giảm căng thẳng tại quốc gia Đông Nam Á, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế giúp tạo điều kiện cho hòa giải ngoại giao nhằm xoa dịu tình hình tại đây.

Trong khi đó, Christine Schraner Burgener, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar và Đại sứ Anh Dan Chugg đều lên án bạo lực chống lại người biểu tình và yêu cầu quân đội Myanmar trao trả quyền lực cho các đại biểu dân cử.


Theo Tuấn Anh/VietNamnet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây