Những cú sốc khó lường
Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, đến thời điểm 31/12/2020, tổng công suất lắp đặt về điện mặt trời trên cả nước đạt khoảng 19.400 MWp (trong đó gần 9.300 MWp là điện mặt trời mái nhà), tương ứng 16.500 MW - chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia.
Theo số liệu thống kê, toàn bộ sản lượng điện phát từ điện mặt trời trên toàn quốc trong cả năm 2020 là 10,6 tỷ kWh (trong đó riêng điện mặt trời mái nhà là 1,16 tỷ kWh), chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia.
Mức giá hơn 2.000 đồng/kWh (tương đương 9,35 cent/kWh) tại Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo ra một làn sóng đầu tư vào năng lượng mặt trời. Sau đó, tại Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ, mức giá cao tiếp tục dành cho các dự án trên địa bàn Ninh Thuận.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư không ngờ đến những chông gai phía trước. Việc các dự án dồn dập đi vào vận hành cùng lúc đã khiến hệ thống lưới điện không theo kịp, dẫn đến phải cắt giảm công suất các nhà máy điện mặt trời.
Ngoài ra, dịch Covid-19 bùng phát ở khắp thế giới khiến nhu cầu tiêu thụ điện trong nước suy giảm. Một vấn đề chưa từng có xuất hiện, đó là hệ thống điện có hiện tượng thừa điện ở một số thời điểm (trưa khoảng từ 10h-14h, nhất là vào các ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ). Tình huống này khiến các nhà máy tiếp tục lâm vào cảnh bị cắt giảm công suất.
Mới đây, một nhà đầu tư dự án điện mặt trời lớn đã phải kêu cứu lên Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN vì dự án bị cắt giảm công suất. Có thời điểm, dự án của họ bị cắt giảm đến hơn 50% công suất.
Một nhà đầu tư cho biết: Về mặt tài chính, nhà đầu tư cân nhắc cả vòng đời dự án chứ không phải chỉ một vài năm giảm phát. 9,35 cent/kWh là giá tốt, không hẳn do chính sách, mà có việc năm 2019, Trung Quốc có chính sách mới làm giá tấm quang điện giảm, giúp suất đầu tư điện mặt trời giảm đi. Vì thế, dự án nào được hưởng giá 9,35 cent/kWh vẫn là mức giá hấp dẫn.
“Trước đây, khi xây dựng dự án, các nhà đầu tư đều không tính đến kịch bản giảm phát. Giờ khi làm dự án mới phải tính đến vấn đề này để cân đối dòng tiền và doanh thu. Dựa trên các kịch bản giảm phát để xem dự án còn khả thi hay không”, vị này cho biết.
Đánh giá về việc thừa điện ở một số thời điểm, nhà đầu tư này nêu quan điểm: Việc sụt giảm nhu cầu phụ tải do Covid-19 xảy ra trên toàn cầu. Khi nào thế giới phục hồi thì nhu cầu dùng điện mới quay trở lại như trước đây vì Việt Nam là nền kinh tế xuất khẩu. Còn trong tương lai, nhu cầu điện vẫn sẽ tăng nhanh do thu hút đầu tư của Việt Nam vẫn tương đối tốt.
Dự án của doanh nghiệp nhà nước cũng “mắc kẹt”
Ngoài nỗi lo giảm phát, hiện nay, một số dự án điện mặt trời còn chưa xác định được giá bán. Lý do là bởi các dự án này có phần công suất đã được vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021, nhưng có chủ trương đầu tư sau 23/11/2019 nên không được áp giá 7,09 cent/kWh (hơn 1.600 đồng) theo Quyết định 13. Điều đó dẫn đến việc các chủ đầu tư và EVN chưa ký được hợp đồng mua bán điện, chưa thực hiện thanh toán sản lượng điện đã phát lên lưới.
Hiện nay, Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích dự án điện mặt trời đã hết hiệu lực nên Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép những dự án này được bán giá 7,09 cent/kWh để đảm bảo kế hoạch tài chính cho các nhà đầu tư.
Đáng chú ý, ngay cả một dự án của doanh nghiệp nhà nước là EVN cũng gặp cảnh chưa xác định được giá bán. Đó là Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 1 do công ty mẹ Tập đoàn Điện lực Việt Nam là chủ đầu tư. Dự án được công nhận vận hành thương mại ngày 9/7/2020, với công suất vận hành là 42 MW, trong khi công suất thiết kế là 50 MWp
Thế nhưng, UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, nhà máy điện mặt trời Phước Thái 1 hạch toán phụ thuộc EVN, không có hợp đồng mua bán điện với EVN nên không có giá bán điện tương đương 9,35 cent/kWh. Do đó, không thuộc tổng công suất tích lũy 2.000 MW của tỉnh Ninh Thuận được Chính phủ đồng ý tại Nghị quyết 15. Bộ Công Thương cũng nghiêng về ý kiến của tỉnh Ninh Thuận và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không cho dự án này được hưởng mức giá 9,35 cent/kWh.
Vậy dự án này được hưởng mức giá nào? Một cán bộ có trách nhiệm cho biết dự án của EVN không được áp dụng giá 9,35 cent/kWh cũng như 7,09 cent/kWh. Việc thu chi của dự án do EVN tự cân đối.
Trong khi đó, EVN không đồng tình với những lập luận trên của Ninh Thuận. Trong hàng loạt văn bản gửi các cơ quan, EVN cho rằng chính sách giá bán điện tương đương 9,35 cent/kWh được áp dụng cho các dự án điện mặt trời thuộc tổng công suất tích lũy 2.000 MW và được công nhận COD trong năm 2020 “không phân biệt EVN hay các đơn vị khác là chủ đầu tư”.
Theo EVN, nhà máy điện mặt trời Phước Thái 1 được hưởng giá bán điện tương đương 9,35 cent/kWh theo Quyết định 13 là quan trọng để đảm bảo hiệu quả tài chính và khả năng trả nợ đúng với phương án vay vốn của EVN và EVN đã sử dụng giá 9,35 cent/kWh để quyết định đầu tư, xuất hóa đơn, xác định doanh thu nội bộ, nộp thuế năm 2020.
Theo đánh giá của một nhà đầu tư, chính sách giá điện liên quan đến phát triển điện mặt trời không ổn định, khó năm bắt là một trong những lý do khiến các dự án điện khó thu hút nhà đầu tư đến từ châu Âu và Mỹ, chỉ thu hút được nhà đầu tư từ Trung Quốc. Bởi các nhà đầu tư từ Trung Quốc quen với cách làm như vậy, quen với rủi ro, còn các tập đoàn lớn nước ngoài không bao giờ chấp nhận. Các nhà đầu tư châu Âu luôn đánh giá sự chắc chắn của một dự án đầu tư.
Theo Lương Bằng/VietNamnet
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên