"Bộ Tứ kim cương" xây bức tường thành tiềm tàng đối phó Trung Quốc

Chủ nhật - 14/03/2021 16:48
Mỹ và các đồng minh chủ chốt ở Thái Bình Dương không giấu giếm ý định xây dựng "một bức tường thành tiềm tàng" để đối phó các hoạt động chính trị, thương mại và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
111
Các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ gồm: (Từ trái sang phải) Thủ tướng Australia  Scott Morrison, Tổng thống Mỹ Joe Biden,
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (Ảnh: Reuters).

Các nhà lãnh đạo của nhóm "Bộ Tứ kim cương" gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ ngày 12/3 lần đầu tiên có cuộc họp thượng đỉnh, nhằm thảo luận một tầm nhìn mới cho tương lai khu vực.

Tại cuộc họp lần này, các nhà lãnh đạo đã thảo luận hàng loạt vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trao đổi về các khía cạnh hợp tác nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do; các đối sách nhằm đối phó với chiến lược ngoại giao vắc xin; phá thế thống trị về đất hiếm cũng như các hoạt động lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông.

"Một mỏ neo mới cho hòa bình và ổn định"

Các nhà lãnh đạo trong nhóm "Bộ Tứ" đã đưa ra nhiều cam kết quan trọng với tình hình khu vực và thế giới nhằm duy trì hòa bình, ổn định và chống lại các thách thức ở khu vực. 

Phát biểu trong cuộc họp, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: "Một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở là điều cần thiết cho tương lai của chúng ta. Mỹ cam kết sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực để đảm bảo sự ổn định". 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết: "Nghị trình của chúng ta bàn về nhiều lĩnh vực như vắc xin ngừa Covid-19, biến đổi khí hậu, các công nghệ đang nổi lên… nhằm giúp cho Bộ Tứ trở thành một động lực cho thế giới".

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nói rằng, ông muốn 4 nước "hành động mạnh mẽ để hướng tới việc hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, và đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực, bao gồm cả mục tiêu cùng vượt qua đại dịch Covid-19". 

Còn Thủ tướng Australia Scott Morrison so sánh: "Khi các chính phủ xích lại gần nhau ở cấp độ cao nhất, một cấp độ hợp tác hoàn toàn mới đã được thiết lập nhằm tạo ra một mỏ neo mới cho hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Các nước trong nhóm "Bộ Tứ" có thể đi đầu trong việc đẩy mạnh hợp tác an ninh hàng hải, tăng cường chia sẻ thông tin, thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra hàng hải, tự do hàng hải chung ở các vùng biển quốc tế, ngăn chặn sự đe dọa trong khu vực; cùng nhau nỗ lực để xây dựng các chuỗi cung cấp hàng hóa an toàn.

Trong cuộc đua 5G, cả 4 nước trong nhóm "Bộ Tứ" đang bị tụt lại phía sau Trung Quốc, nhưng các nước này có thể tập trung vào phát triển công nghệ viễn thông thế hệ tiếp theo và mở rộng các lựa chọn vượt ra ngoài Trung Quốc.

Về ngoại giao, nhóm "Bộ Tứ" có thể tận dụng sự đa dạng của các nước thành viên để thúc đẩy ngoại giao với các nước khác ở khu vực châu Á, cũng như hợp tác với các tổ chức trong khu vực như Cấp cao Đông Á, ASEAN và Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.

Đối phó với các thách thức từ Trung Quốc

Nhóm "Bộ Tứ" được cho là đang lên kế hoạch xây dựng chuỗi thu mua đất hiếm, nhằm phá thế thống trị của Trung Quốc về nguồn cung nguyên liệu quan trọng này. Được biết, Trung Quốc gần như nắm thế độc quyền trong lĩnh vực tách và tinh chế đất hiếm. Nhiều ý kiến lo ngại rằng Trung Quốc có thể sẽ biến đất hiếm thành "vũ khí địa chính trị".

Nhóm "Bộ Tứ" dự kiến sẽ đối phó thông qua hợp tác tài trợ công nghệ sản xuất mới và các dự án phát triển, cũng như đi đầu trong việc soạn thảo các quy tắc quốc tế. Mục tiêu của nhóm là thiết lập nên một chuỗi mua bán đất hiếm để thách thức sự thống trị của Trung Quốc.

Các mạch đất hiếm thường chứa các chất phóng xạ, và một lượng lớn chất thải phóng xạ được tạo ra trong quá trình tinh chế. Do đó, các nước "Bộ Tứ" sẽ đầu tư phát triển công nghệ tinh chế đất hiếm, tập trung vào việc đưa ra các công nghệ lọc chất thải phóng xạ ở mức thấp và chi phí rẻ.

Việc nâng cao năng lực sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 để đối phó với chiến lược ngoại giao vắc xin của Trung Quốc là một trong những trọng tâm của thượng đỉnh "Bộ Tứ".  Cho đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã cam kết cung cấp ít nhất 463 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 tự sản xuất cho các nước trên toàn thế giới, từ châu Á, châu Âu cho tới Mỹ Latinh thông qua xuất khẩu và viện trợ. Hầu hết các quốc gia nhận viện trợ và nhập khẩu vắc xin của Trung Quốc là các nước đang phát triển. Có các nhận định cho rằng, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc cung cấp vắc xin cho những nước nghèo hơn với hy vọng nhận được sự đền đáp về mặt ngoại giao và thiết lập quyền lực "mềm" của Trung Quốc.

Nhóm "Bộ Tứ" đang đẩy mạnh nỗ lực mở rộng tiêm chủng toàn cầu nhằm khắc chế chiến lược ngoại giao vắc xin của Bắc Kinh. Theo thông tin do truyền thông Mỹ, "Bộ Tứ" dự định cung cấp 1 tỷ liều vắc xin ngừa Covid-19 cho các nước khác trong năm 2022. Ấn Độ tin rằng họ đang có vị thế tốt nhất để dẫn đầu nỗ lực này. Mỹ cũng tập trung vào việc mở rộng tiêm chủng, sản xuất và phân phối vắc xin toàn cầu.

Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định, nước này không có ý định đạt được bất cứ mục tiêu nào về địa chính trị hay tính toán về các lợi ích kinh tế, cũng không kèm các điều kiện về chính trị trong hợp tác quốc tế về vắc xin. Những lo ngại về việc Bắc Kinh dùng vắc xin để gây ảnh hưởng tới các nước khác chỉ là "tư tưởng hẹp hòi".

Ngoài chiến lược ngoại giao vắc xin, những tuyên bố chủ quyền phi lý, việc xây dựng, quân sự hóa trái phép các đảo, đá ở Biển Đông, xâm nhập các vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), Bắc Kinh đã làm dấy lên căng thẳng trong khu vực. Luật hải cảnh mới cho phép cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ khí với tàu nước ngoài cũng có thể làm dấy lên nguy cơ đối đầu vũ trang.

Giữa bối cảnh đại dịch Covid-19, các hành vi gây hấn và cưỡng ép của Bắc Kinh trên biển đã khiến các thành viên của "Bộ Tứ" tăng cường hợp tác với nhau hơn. Các chuyên gia dự báo: "Trong tương lai, mức độ hợp tác của "Bộ Tứ" sẽ dựa trên thực tế hành vi của Trung Quốc.

Chỉ vài tháng trước đây, cuộc họp "Bộ Tứ" tại Nhật Bản còn mang tính ôn hòa, thế nhưng, kể từ cuộc họp ngày 18/2, Bộ Tứ đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn và sự sẵn sàng từ chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đối với việc chia sẻ các mối quan tâm của đồng minh. Do vậy, có thể coi hội nghị thượng đỉnh này mang tính lịch sử đối với quá trình phát triển của "Bộ Tứ kim cương".
 

Theo Nguyễn Nhâm/Dân trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây