Những cánh đồng miền Trung quê tôi nhỏ và chia cắt, sau vài năm gặp lại, thấy nham nhở vài luống khoai, đậu, lạc giữa mênh mông cỏ dại.
Những cánh đồng miền Trung quê tôi nhỏ và chia cắt, sau vài năm gặp lại, thấy nham nhở vài luống khoai, đậu, lạc giữa mênh mông cỏ dại vì ruộng đất bỏ hoang nhiều hơn canh tác. Nhìn cảnh ấy, không thể nén tiếng thở dài lo lắng băn khoăn.
Khi các khu công nghiệp mở ra, rồi ở địa phương vùng ven cũng có những nhà máy xí nghiệp tự phát mọc lên, với lương khoảng 1 tấn thóc/tháng, người nông dân dần bỏ lại ruộng đất sau lưng để bước chân vào xí nghiệp. Về quê, thấy nhà nào cũng ti vi màn hình rộng, xe tay ga, và lác đác xếp hộp… Nông thôn đang giàu lên? Nhiều người cảm thấy may mắn vì những nhà máy ấy đã cứu họ thoát khỏi cơn bĩ cực.
Tôi từ miền Nam trở về, nơi mà đất trồng cây lâu năm đang bị “cò” băm nát, để lại chứng kiến những cánh đồng ngày xưa vốn xanh mướt những lúa, khoai, đậu, lạc, nhưng nay bỏ hoang, cỏ dại lưu cữu từ mùa này qua mùa khác. Người nông dân đang dần từ bỏ ruộng đồng, mảnh đất mà nhiều thập kỷ trước cha ông họ đã sẵn sàng chết để dành lại vì lý tưởng “người cày có ruộng”. Một sự từ bỏ như thế là tất yếu, vì đồng ruộng đã không thể nuôi sống họ trong một xã hội hiện đại khi tổng thu nhập cả năm từ đất đai không bằng một tháng lương công nhân.
Chúng ta thử nhìn ra, một trái dưa của người Nhật có thể bán với giá nhiều triệu đồng, những người nông dân sống giàu có trên xứ sa mạc Israel, những người nông dân đã làm thành “trụ đỡ” cho nền kinh tế của đất nước Thái Lan… Hầu hết các quốc gia tiên tiến đều có một nền nông nghiệp bền vững và được coi trọng đặc biệt. Việt Nam là đất nước nhiệt đới với những điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tuyệt vời cho phát triển nông nghiệp nhưng, dường như nông nghiệp đang bị “bỏ lại phía sau” để theo đuổi giấc mơ “công nghiệp” vốn luôn quá sức.
Cây lúa đậu ngô khoai sắn kiểu Việt Nam không thể cạnh tranh và tồn tại được trước nhu cầu cuộc sống và những lựa chọn khác có ưu thế hơn. Trong miền Nam và Tây Nguyên thì tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa đang khiến nông dân chặt điều trồng tiêu, chặt tiêu trồng cao su, chặt cao su trồng... sắn. Một cái vòng lẩn quẩn đầy bi kịch đã lặp lại suốt nhiều thập kỷ qua.
Số phận người nông dân gắn chặt với sự mò mẫm trong bóng tối, với những kinh nghiệm truyền tai, với những lời đồn thổi, với bàn tay thương lái… Nhà nước, địa phương ở đâu, làm gì trước những vụ chặt hạ vườn tiêu xanh mướt, trước những rừng cao su không buồn cạo, trước những bạt ngàn ruộng đất bỏ hoang?
Đô thị hóa đang tạo ra một sự phát triển lộn xộn với một đời sống nhọc nhằn của công nhân vì đồng lương bèo bọt, với tệ nạn xã hội và văn hóa suy vi; nền tảng giá trị đổ vỡ; các chuẩn mực mong manh/không còn; xã hội rơi vào tình trạng loạn chuẩn/phi chuẩn. Đó là bức tranh mà chúng ta đang phải chứng kiến từ nông thôn đến thành thị và những khu vực “đô thị hoang dã”.
Giá đất bỗng bị thổi lên, người nông dân cắt đất bán đi, mua xe, sửa nhà, sắm đồ…, như con thằn lằn tự ăn chiếc đuôi của mình trong mùa đông giá rét. Và ta gọi đó là những con thằn lằn có của ăn của để!
Làm sao để nông dân sống được trên mảnh đất của mình, đó là bài toán căn bản, hệ trọng, và dứt khoát phải có lời giải sớm.
Theo Thái Hạo/NNVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên