Vừa qua tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Thời gian tới sẽ thực hiện thí điểm một số chủ trương như người đứng đầu được lựa chọn giới thiệu và phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình...”.
Việc này nếu được thực hiện một cách bài bản, khoa học sẽ là bước đột phá trong công tác cán bộ và cũng là một trong những giải pháp kiểm soát quyền lực có hiệu quả.
Một trong những trường hợp điển hình là vụ việc bà Trần Huyền Trang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc khi chỉ mới 31 tuổi không đúng quy trình, quy định của Đảng vào tháng 2/2021 và một số trường hợp khác ở các địa phương, ban ngành.
Theo ông Nguyễn Anh Liên, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên nhân cơ bản của sự việc nằm ở vai trò người đứng đầu và cấp ủy không tuân thủ đúng quy định của Đảng về công tác cán bộ vì những lý do khác nhau, trong đó chủ yếu là do vụ lợi hay thiếu trách nhiệm của người đứng đầu và cơ quan đơn vị có thẩm quyền trong công tác cán bộ.
Ông Liên cho rằng, các quy định về bổ nhiệm, đề bạt, bầu cử vào các vị trí quan trọng đều đã có đủ. Cứ làm theo đúng quy định thì sẽ không xảy ra những vụ việc như trên. Chỉ có bao che, dung túng, động cơ cá nhân của người đứng đầu mới làm cho công tác bổ nhiệm cán bộ bị sai lệch.
Tiến sĩ Vũ Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực II, cho rằng, Bộ Chính trị đã có Quy định 89 về khung tiêu chuẩn chức danh định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ quản lý các cấp; Chính phủ cũng có quy định hướng dẫn các địa phương, trong đó nêu rõ, có thể xem xét tiêu chuẩn cụ thể đối với từng trường hợp nhưng các tiêu chuẩn cán bộ không được thấp hơn yêu cầu quy định của Trung ương. Đặc biệt, sau Đại hội XIII của Đảng có thêm nhiều quy định mới về công tác cán bộ nhưng đâu đó vẫn xảy ra tình trạng sai phạm trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Thực tế này đặt ra vấn đề cần quy định rõ ràng tách bạch trách nhiệm của tập thể cấp ủy và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
“Công tác cán bộ là công tác của cấp ủy tùy theo tổ chức đảng nhưng về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, rõ ràng chưa có những quy định cụ thể. Trong bối cảnh xác định công tác cán bộ là then chốt của then chốt trong công tác xây dựng đảng, cần phải có những quy định cụ thể, chặt chẽ về trách nhiệm của người đứng đầu, của Ban Thường vụ cấp ủy khi cán bộ có sai phạm sau khi được bổ nhiệm”, Tiến sĩ Vũ Trung Kiên nêu thêm.
Còn theo Tiến sĩ Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Tổ chức khoa học Nhà nước (Bộ Nội vụ), việc thực hiện thí điểm chủ trương giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình cũng như việc người giới thiệu cán bộ vào quy hoạch để lựa chọn bầu, bổ nhiệm hoặc phải chịu trách nhiệm đến cùng về sự giới thiệu của mình sẽ là bước đột phá trong công tác cán bộ. Tuy nhiên cũng cần phải có quy định rạch ròi về trách nhiệm của người đứng đầu và của tập thể khi giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
“Phải có sự phân biệt một cách rạch ròi giữa trách nhiệm của người đứng đầu, chính là trách nhiệm cá nhân, với vai trò là người đứng đầu. Cùng với đó là trách nhiệm của Ban Thường vụ, chính là trách nhiệm của tập thể. Nếu không có sự phân tách giữa trách nhiệm cá nhân với trách nhiệm của tập thể sau này sẽ không xử lý được trách nhiệm. Thực tế trong những năm vừa rồi, có cả 2 trường hợp, vừa xử lý trách nhiệm cá nhân, vừa xử lý trách nhiệm tập thể, thậm chí cả hai vừa kỷ luật người đứng đầu vừa kỷ luật Ban Thường vụ khi có vi phạm, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đến cùng chứ không thể đổ lỗi, hay quy cho yếu tố khách quan”, Tiến sĩ Tạ Ngọc Hải nêu quan điểm.
Thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đến cùng của người đứng đầu và cấp ủy trong công tác cán bộ, đảm bảo nguyên tắc minh bạch, công tâm, khách quan là điều kiện thuận lợi để cán bộ phát huy hết năng lực, góp phần kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền cũng như ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Phát huy tốt tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác cán bộ sẽ đẩy lùi được chủ nghĩa cá nhân, can thiệp không trong sáng trong bổ nhiệm cán bộ thay vào đó là giao quyền, đồng thời trao trách nhiệm cho người đứng đầu để ý thức cao hơn về quyết định của mình.
Theo Tiến Anh/VOV1
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên