Sáng 8/2, tại Trụ sở Báo Nhân Dân (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Báo Nhân Dân tổ chức giao ban báo chí đầu xuân Nhâm Dần 2022.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Cùng dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Lê Ngọc Quang, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; các nhà báo lão thành, lãnh đạo các ban, bộ, ngành cùng đông đảo lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, nhà báo Lê Quốc Minh cho biết, 2 năm qua là thời gian rất khó khăn của giới báo chí nói chung. Năm 2022 tuy còn nhiều khó khăn nhưng dưới góc độ của Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân, nhà báo Lê Quốc Minh bày tỏ niềm tin vào sự phát triển của báo chí nước nhà.
Bên cạnh đó, theo nhà báo Lê Quốc Minh, thách thức chung của giới báo chí trong năm 2022 và thời gian tới là làm sao thu hút được sự quan tâm của công chúng trước sự phát triển của các nền tảng.
“Nếu không thu hút được sự quan tâm của người dân thì rất khó để báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để báo chí phát triển được cả về nội dung, hình thức và kinh tế báo chí mà không phụ thuộc quá nhiều vào các nền tảng”, nhà báo Lê Quốc Minh nêu vấn đề và cho rằng báo chí cần hợp sức lại để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền trong tình hình mới.
Kỳ vọng một năm mới với kinh tế xã hội phục hồi và phát triển bền vững
Tại hội nghị, đại diện Vụ báo chí xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương đã điểm qua các nội dung thông tin báo chí dịp Tết Nhâm Dần 2022. Theo đó, các ấn phẩm, chương trình phát thanh, truyền hình Tết được đầu tư công phu, chăm chút về nội dung và hình thức, thể hiện sống động không khí Tết sum vầy, Xuân bình an.
Trang bìa các ấn phẩm, giao diện các trang báo điện tử, hình ảnh các chương trình được trình bày sống động, nêu bật nội dung các sự kiện lớn của đất nước, bộ, ngành, địa phương trong năm 2021, hình ảnh linh vật năm 2022.
Cùng với đó, nhiều các cơ quan báo chí được chọn một chủ đề trung tâm, xuyên suốt để triển khai các tuyến bài viết, chương trình. Trong đó, chủ đề nổi bật được nhiều các cơ quan báo chí lựa chọn là kỳ vọng, khát vọng một năm mới với vận hội mới, kinh tế xã hội phục hồi và phát triển bền vững. Từ đó tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tin tưởng của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, tạo động lực, niềm tin, quyết tâm vào việc tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đối với công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19, nhiều chủ đề được các cơ quan báo, đài, trang thông tin điện tử, chương trình phát thanh… dành nhiều thời lượng thông tin đậm nét, phân tích, đánh giá bình luận về sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị…
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn kết nối các cơ quan báo chí
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời chúc mừng năm mới và lời cảm ơn Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân và tất cả các cơ quan báo chí cùng đội ngũ người làm báo cả nước đã luôn luôn đồng hành, chung tay, chung sức hỗ trợ Chính phủ vượt qua một năm có rất nhiều khó khăn nhưng cơ bản vẫn hoàn thành được những mục tiêu lớn trên tất cả các mặt.
Theo Phó Thủ tướng, năm vừa qua là 1 năm rất đặc biệt, là năm có nhiều sự kiện trọng đại, ngày hội lớn của đất nước. Đó là Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp rất thành công.
“Tuy nhiên năm vừa qua cũng là một năm vô cùng khó khăn khi chúng ta phải đối mặt với ảnh hưởng của dịch bệnh” Phó Thủ tướng nói và cho rằng, trong bối cảnh bình thường mới, các cơ quan báo chí cần phải có sự thích ứng và phải lường trước được những rủi ro. Từ đó có những định hướng truyền thông rõ ràng để người dân hiểu rõ các chủ trương, chính sách.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, các cơ quan Nhà nước cần phải có trách nhiệm, chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin cho báo chí.
“Chúng ta chỉ có thể định hướng được nếu chúng ta cung cấp thông tin chính thống và thật nhanh, kịp thời. Do đó, đề nghị các cơ quan nhà nước cập nhật các thông tin, có thông cáo báo chí tới các cơ quan báo chí. Các cơ quan nhà nước cần chủ động hơn trong nội dung này”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng cần xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu lớn kết nối các cơ quan báo chí.
“Vì báo chí không nói theo cảm tính mà phải nói có dữ liệu, có phân tích. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng cần có chính sách hỗ trợ giúp các cơ quan báo chí có hệ thống phân tích dữ liệu, nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác thông tin tuyên truyền trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị.
Theo Trịnh Dũng/Nhân dân
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên