Bên thềm Giải BCQG năm 2020, nhìn lại Giải BCQG năm 2019: Ghi nhận sự cố gắng của nhiều Đài địa phương, Đài PTTH Thanh Hóa và Đài PTTH Phú Thọ đoạt Giải A của thể loại báo chí quan trọng

Thứ năm - 04/03/2021 08:59
Bài 1:

Giải BCQG năm 2019 là năm có nhiều tác phẩm dự thi nhất với 1700 tác phẩm của hầu hết các cơ quan báo chí, của các Hội Nhà báo trong toàn quốc dành cho Báo in, Báo điện tử, Phát thanh, Truyền hình và Ảnh báo chí, gồm 11 nhóm giải. Cụ thể Báo in có 3 nhóm giải: Giải Tin, bài phản ánh phỏng vấn; Giải Xã luận, bình luận, chuyên luận; Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, kí, ghi chép báo chí; Báo Điện tử có 2 nhóm giải: Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu và Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, kí, ghi chép báo chí; Phát thanh có 2 nhóm giải: Giải Tin, bài phản ánh, bình luận, chuyên luận, phỏng vấn, tọa đàm và Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, bút kí; Truyền hình có 3 nhóm giải: Giải Tin phóng sự, kí sự ; Giải phim Tài liệu, và Giải Bình luận, tọa đàm, giao lưu; Và giải Ảnh báo chí.
111
Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Giải A cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt Giải BCQG 2019
Các tiểu ban chấm vòng sơ khảo và lựa chọn từ 10% - 15% tác phẩm để đưa vào chấm chung khảo. Hội đồng Chung khảo giải Báo chí Quốc gia gồm khoảng 40 nhà báo có uy tín của cả nước chấm chung toàn bộ các tác phẩm do các tiểu ban sơ khảo chấm trước đó và lựa chọn khoảng 5% - 7% số tác phẩm tham dự để trao giải từ A, B, C cho tới khuyến khích.

Như nhiều năm trước, các đơn vị Báo chí Trung ương thường được giải cao, như Báo Nhân Dân năm 2019 được 7 giải (trong đó có 2 giải A cho tác phẩm “Trò chuyện văn chương” 5 kì thể loại phỏng vấn và tác phẩm “Hàng trăm nghìn tỉ đang bị đóng băng bào mòn” 3 kì thể loại phóng sự báo in, và 2 giải B, 3 giải C). Đài Tiếng nói Việt Nam được 8 giải (trong đó có 1 giải A với tác phẩm “Nông nghiệp Tây Nguyên tìm động lực cho giai đoạn mới” 5 kì thể loại Bình luận, chuyên luận, bài phản ánh, và 2 giải B, 4 giải C và 1 KK).

Nhưng Giải Báo chí Quốc gia năm 2019 cũng chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của các đài địa phương khi có Đài Thanh Hóa và Đài Phú Thọ giành giải A tại những thể tài báo chí quan trọng là Phóng sự và phim Tài liệu.(Đài Thanh Hóa còn giành giải C cho phóng sự phát thanh “Phanh phui thủ đoạn lập bệnh án khống”). Về mặt số lượng, các đài địa phương cũng chiếm tỉ lệ đạt giải khá cao. Ví dụ, tại thể loại phóng sự truyền hình, tổng số có 12 tác phẩm đạt giải thì đã có 10 đài đạt giải, như vậy các đài địa phương chiếm hơn 80% số giải. Thể loại phóng sự Phát thanh có 12 giải thì các đài địa phương đạt 8 giải, chiếm gần 70% số giải. Đối với thể loại phim tài liệu, đài địa phương đạt 5 trong tổng số 10 giải, chiếm 50% số giải. Trong khi đó, Giải Phóng sự, phóng sự điều tra Báo in năm 2019 có 11 giải thì các báo Trung ương “ẵm” 10 giải, chiếm hơn 90%, chỉ có một báo địa phương là Nghệ An đạt giải C, chiểm tỉ lệ chưa đến 10%. Tương tự, giải giành cho thể loại Xã luận, Bình luận chỉ có một báo địa phương đạt giải, chiếm tỉ lệ 12%, còn lại 7 giải khác đều thuộc về các báo Trung ương. Giải giành cho thể loại  Tin, phỏng vấn, phản ánh của Báo in có 12 giải thì chỉ có 2 báo địa phương đạt giải, chiếm tỉ lệ gần 30%, trong đó Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh đạt 3 giải, Báo Lâm Đồng đạt 1 giải.

Năm 2019, nếu tính cả báo Tuổi trẻ và các báo thuộc Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh thì các báo địa phương chỉ đạt 10 giải báo chí Quốc gia gồm: báo Tuổi trẻ 3 giải, Cà Mau 2 giải, Người Lao động thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Lâm Đồng, Nghệ An, Khánh Hòa đều cùng 1 giải.  Trong khi đó các báo Trung ương được 21 giải. (Như vậy, báo địa phương chỉ bằng gần ½ số giải của Báo chí Trung ương). Nêu lại số liệu này để thấy rằng, các Báo in địa phương đạt giải Báo chí Quốc gia là không dễ dàng gì, thậm chí là báo địa phương rơi vào “bảng đấu không cân sức”, báo nào có bản lĩnh, có tính chuyên nghiệp cao, và phải biết tính toán, có thể là gặp may, mới đạt được giải.

Trở lại với 2 giải A của thể loại Phóng sự và phim Tài liệu mà 2 đài địa phương là Thanh Hóa và Phú Thọ đạt được, đây là hai giải rất danh giá, thường là do đài Quốc gia chiếm lĩnh. Nhưng một vài năm gần đây, một số đài địa phương đã có sự phát hiện về đề tài cùng với sự đầu tư công phu, và có sự dũng cảm dấn thân, nên tác phẩm của họ đã được vinh danh và nhận giải cao nhất của Giải BCQG- Một vinh dự mà người làm báo nào cũng mong muốn.

Trước thực trạng một số huyện tại Thanh Hóa thành lập ra doanh nghiệp để lấy chỉ tiêu thi đua, doanh nghiệp có biển treo và có con dấu nhưng không hoạt động, rồi huyện báo cáo lên tỉnh đã hoàn thành số lượng thành lập doanh nghiệp, nữ nhà báo Minh Tuyết và các đồng nghiệp Đài Thanh Hóa đã làm phóng sự “Làm đẹp những con số” để phê bình tình trạng “làm dối, báo cáo hay”, phê bình bệnh “thành tích”. Phóng sự này đã vượt qua hơn 200 phóng sự để giành giải nhất - giải A. Còn với phim tài liệu “Ông giũ rối”, nhà báo Đào Gia Thái cùng các đồng nghiệp tại Đài Phú Thọ đã vượt qua gần 80 phim tài liệu để giành ngôi vị cao nhất của thể loại báo chí rất khó này. Phim kể lại câu chuyện Bí thư Đảng bộ xã Lương Lô, huyện Thanh Ba Nguyễn Văn Long, vào năm 2013 đã sáng tạo và dũng cảm chia lại ruộng đất của xã bình quân từ 8 thửa xuống còn 2 thửa để phát triển sản xuất. Sau này nhiều huyện, và cả tỉnh Phú Thọ làm theo. Phim tài liệu đã để rất nhiều nhân chứng kể lại những khó khăn phức tạp khi thực hiện dồn ruộng, cũng như cách thức đảm bảo công bằng khi triển khai và hiệu quả của những cánh đồng không manh mún... Hình ảnh và lời bình của phim công phu, không rườm rà mà khúc chiết tự người trong cuộc nói lên thành công của Bí thư Đảng ủy xã Lương Lô - Nguyễn Văn Long.

Ngoài 2 giải A, các đài địa phương còn được 4 giải khác của phim Tài liệu (Đài Nghệ An giải B với “Người thầm lặng lan tỏa văn hóa”, Đài Vĩnh Long giải C “Với Đảng trọn niềm tin”, Đài Khánh Hòa và Đài Bắc Giang cùng đạt Khuyến khích với “Ba đứa chúng mình” và “ Chuyện dưới chân núi Huyền Dinh”), 10 giải của thể loại Phóng sự truyền hình (Đài Khánh Hòa giải B với “Góc tối”, các Đài Quảng Ngãi, Gia Lai, Thừa Thiên Huế đạt giải C với các tác phẩm “Chị Hai”, “Khi nước đợi đất, lúc đất đợi nước”, “Dò sông dễ hay khó”), 8 giải phóng sự Phát thanh (Đài Quảng Ninh giải B với tác phẩm “Mặn chát như sứa ngủ đông”, Đài Ninh Thuận giải C với “Giải cứu điện”, Đài Thanh Hóa giải C với “Phanh phui thủ đoạn lập bệnh án khống” và 5 giải khuyến khích của các Đài Hà Nội, Đài TP Hồ Chí Minh, Đài Hải Phòng, Đài Gia Lai, Đài Quảng Ngãi, 5 giải thuộc thể loại tọa đàm, bài phản ánh phát thanh (Đài Thái Bình giải B với “Lời giải ruộng hoang”, Đài Quảng Nam giải C với “Giữ kho báu giữa đại ngàn” cùng 3 giải KK của các Đài Yên Bái, Đài Đồng Nai và Đài Hậu Giang), và 2 giải của thể loại Bình luận, tọa đàm, giao lưu truyền hình (Đài Đà Nẵng giải C với tác phẩm tọa đàm “Soi để sửa”, Đài Hưng Yên giải KK).

Tổng số các đài địa phương đã giành được 30 giải các loại, chiếm gần 1/3 tổng số giải báo chí quốc gia năm 2019 (Năm 2019 có 100 giải), và nhiều hơn 13 giải so với các Đài Phát thanh và Truyền hình quốc gia. (Năm 2019, các Đài Phát thanh và các Đài Truyền hình Quốc gia được 17 giải báo chí Quốc gia)

Hai giải A của những thể tài báo chí quan trọng và nhiều giải mà các đài địa phương giành được trong năm 2019 đang là sự cổ vũ, đồng thời tiếp thêm kinh nghiệm cho các đài địa phương tại sân chơi nghề nghiệp uy tín nhất của Báo giới toàn quốc. Chúng ta chờ đợi thành tích của báo chí địa phương tại Giải BCQG năm 2020 và chuẩn bị cho Giải BCQG năm 2021. Kì sau, xin có đôi điều bàn về sự lựa chọn thể tài dự thi cùng những vấn đề, đề tài và cách thể hiện những tác phẩm chất lượng cao dự Giải Báo chí Quốc gia.
                                            

Công Đán

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây