Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Nhiệt huyết, sáng tạo làm nên sức sống mới

Thứ sáu - 19/02/2021 16:55
Đó chính là tinh thần xuyên suốt của nhiệm kỳ X mà Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận trước thềm Đại hội lần thứ XI HNBVN, nhiệm kỳ 2020-2025.

Nhìn lại một nhiệm kỳ sôi động, quyết liệt, sáng tạo để tạo bước chạy đà sung sức, tiếp tục mở ra hành trình mới khởi sắc và thành công hơn nữa.

Quyết liệt đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

+ Tôi luôn có cảm giác trong ông là cả một bầu nhiệt huyết, sục sôi đổi mới, sáng tạo... để rồi từng công việc được vận hành, được chuyển động nhịp nhàng. Trong những ngày cuối năm bận rộn, chuẩn bị đón Xuân Tân Sửu, lắng lại để nghĩ về hành trình của 5 năm qua, Phó Chủ tịch Thường trực nghĩ đến điều gì trước nhất, thưa ông?

- Ngẫm lại chặng đường đã đi qua với những dấu ấn đẹp đẽ gắn liền với rất nhiều nỗ lực của Hội Nhà báo Việt Nam suốt hành trình 5 năm, có thể nói, bao trùm lên tất cả là quyết tâm đổi mới nội dung cũng như phương thức hoạt động để tạo nên sức sống mới cho Hội. Bằng những hoạt động hiệu quả, có sức thu hút mạnh đối với hội viên và công chúng báo chí, vai trò, vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam đối với đời sống báo chí và đời sống xã hội không ngừng được nâng cao. Trong không khí của những ngày đầu năm mới 2021 này, tôi lại nghĩ về Hội báo toàn quốc, một nét nổi bật đặc sắc trong hoạt động của Hội chúng ta. Suốt 5 năm qua, năm nào ở thời điểm này các cấp hội từ trung ương đến địa phương đều đang nỗ lực cho công việc ý nghĩa ấy. Với 4 lần tổ chức từ 2016 - 2019 (năm 2020 vì dịch Covid-19 nên phải hoãn lại), có thể nói Hội báo Toàn quốc là cuộc hội tụ nghề nghiệp tinh thần, văn hóa rất sống động của giới báo chí và của công chúng báo chí. Đây là cuộc biểu dương sức mạnh của báo chí trong thời đại công nghệ số, thể hiện vai trò, sứ mệnh quan trọng không thể thay thế của báo chí, đồng thời cũng là dịp để các nhà báo nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình, sự kỳ vọng của xã hội đối với báo chí. Từ đó tăng cường sự gắn kết giữa báo chí với xã hội, với nhân dân. Hội báo toàn quốc là sự kiện đặc sắc, làm nổi bật thương hiệu của Hội Nhà báo Việt Nam, có sức ảnh hưởng lớn, lan tỏa sâu sắc từ trung ương đến địa phương.

+ Người Việt Nam có câu “sâu rễ bền gốc”. Cây có bộ rễ rộng bám sâu vào lòng đất, gốc mới to, vững, thân mới chắc, khỏe, cành mới cao, tán lá mới xum xuê... Tôi cho rằng, ở nhiệm kỳ qua chúng ta đã rất nỗ lực thực hiện công tác tổ chức để Hội phát triển lớn mạnh, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Xin ông chia sẻ thêm về điều này?     

- Đó là một trong những công việc rất quan trọng mà lãnh đạo HNBVN đã hết sức cố gắng bằng nhiều biện pháp hiệu quả. Tôi nhớ lại, khi một số địa phương xây dựng đề án hợp nhất Hội Nhà báo với Hội Văn học Nghệ thuật thì ngay lập tức Đảng đoàn HNBVN đã có công văn báo cáo với Ban Bí thư cũng như gửi các Thành ủy, Tỉnh ủy trong cả nước đề nghị chưa thực hiện Đề án đó và chờ chỉ đạo của Ban Bí thư. Đồng thời, Hội đề nghị Ban Bí thư cho phép tổng kết Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư về Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HNBVN trong giai đoạn mới. Chúng ta đã tổng kết Chỉ thị 37-CT/TW một cách hết sức nghiêm túc. Trên cơ sở đó, Hội đã đề nghị Ban Bí thư ban hành chỉ thị mới - Chỉ thị 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HNBVN trong thời kỳ mới. Có thể nói đây là chỉ thị hết sức quan trọng để đảm bảo HNBVN là một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của giới báo chí cả nước, có một hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến địa phương. Tinh thần xuyên suốt của Chỉ thị 43-CT/TW là mỗi cấp hội, mỗi cơ quan báo chí, mỗi hội viên đều thấu suốt được việc làm báo là làm cách mạng, và người làm báo là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, nâng cao tính Đảng trong hoạt động báo chí và trong tổ chức Hội. Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong mỗi cơ quan báo chí, cấp hội, mỗi hội viên, tăng cường học tập lý luận chủ nghĩa Mác Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh... Đây là chỉ thị mang tính “kim chỉ nam” cho hoạt động Hội, có ý nghĩa không chỉ đối với HNBVN mà còn đối với giới báo chí cả nước.

Bên cạnh đó, việc củng cố tổ chức hội cũng được đặc biệt chú trọng thông qua việc tiến hành Đại hội hết nhiệm kỳ ở các cấp hội. Chúng ta biết, nhiều năm trước, nhiệm kỳ HNBVN và các địa phương không khớp với nhau dẫn đến sự chỉ đạo hoạt động của Hội gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình này, Đảng đoàn HNBVN đã phối hợp với các Tỉnh ủy, Thành ủy và các bộ ngành T.W tiến hành khớp nối, thống nhất nhiệm kỳ. Chủ trương này được các Tỉnh ủy, Thành ủy, các bộ ban ngành trung ương ủng hộ, các cấp hội nhiệt liệt hoan nghênh. Hiện nay, chúng ta đã cơ bản thống nhất được nhiệm kỳ giữa Trung ương và địa phương để bảo đảm cho hoạt động, triển khai chương trình hành động có tính thống nhất cao. Đây thực sự là công việc không hề dễ dàng, đòi hỏi sự quyết tâm, đoàn kết, phối hợp chặt chẽ.

111
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi. Ảnh: Sơn Hải

Giáo dục đạo đức người làm báo – vấn đề sống còn

+ Chúng ta luôn nhắc về câu chuyện làm sao để “mái nhà chung” có những hoạt động “hiệu quả, thiết thực” gắn kết hội viên, nhà báo. Nhưng để sự gắn kết ấy được bền lâu, để tính thiết thực luôn là chất keo kết dính mỗi người trong hoạt động Hội, thiết nghĩ trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam là rất lớn, thưa Phó Chủ tịch Thường trực?

- Đúng vậy. Trong hành trình của 5 năm đầy sôi động, ngoài việc củng cố tổ chức Hội, HNBVN đã xác định đúng những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung thực hiện. Chúng ta luôn hiểu rằng, sự “thiết thực, hiệu quả” chính là chìa khóa để thu hút, quy tụ hội viên, nhà báo. Nổi bật nhất là vấn đề bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ của Hội mỗi năm mở hơn 100 lớp, luôn cập nhật những nội dung mới, bắt nhịp xu hướng thời đại truyền thông số. Tính tổng cộng trong 5 năm mở tới hơn 500 lớp, với hơn 15.000 lượt nhà báo được tham dự, dưới sự giảng dạy của các giảng viên uy tín ở trong nước và nước ngoài. Đồng thời, chúng ta cũng đã thực hiện rất nhiều chương trình tọa đàm, hội thảo về nghiệp vụ, gắn kết các hội viên, nhà báo giao lưu chia sẻ các vấn đề nóng, cấp thiết trong nghề. Không chỉ Trung ương hội mà các hội nhà báo địa phương, các cơ quan báo chí lớn cũng rất tích cực trong nhiệm vụ này. Tính trong 5 năm qua, hàng trăm sự kiện đã được thực hiện. Bên cạnh đó, Hội tiếp tục thực hiện tốt Đề án Tác phẩm báo chí chất lượng cao do Chính phủ hỗ trợ, từ đó có rất nhiều tác phẩm chất lượng tham gia Giải báo chí Quốc gia cũng như các giải báo chí toàn quốc chuyên ngành khác. Uy tín của Giải báo chí quốc gia ngày càng được khẳng định và nâng cao, trở thành giải thưởng báo chí danh giá nhất. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với các Bộ, Ban, ngành trung ương tổ chức thành công hàng chục giải báo chí toàn quốc khác như: Búa liềm vàng; Phòng, chống tham nhũng lãng phí; Đại đoàn kết toàn dân tộc; Dân vận khéo; Giảm nghèo; Tự hào nông dân Việt Nam; Bảo vệ môi trường; Vì An ninh tổ quốc; Vì nền Giáo dục Việt Nam… Đó là chưa kể, các Câu lạc bộ báo chí đều có rất nhiều hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành nổi bật, tạo ra những sân chơi hữu ích cho hội viên. Đặc biệt, vấn đề đạo đức nghề nghiệp cũng được Hội rất coi trọng, đặt ra là vấn đề sống còn trong hoạt động báo chí.

111
Hội báo Toàn quốc đã trở thành thương hiệu của Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ qua. Ảnh Sơn Hải

+ Vấn đề “sống còn” ấy đã được thể hiện thông qua các hoạt động như thế nào trong 5 năm qua, thưa ông?

- Việc tu dưỡng, nêu cao đạo đức người làm báo là trách nhiệm của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam. Trong nhiệm kỳ qua, nhiệm vụ này được đặt lên hàng đầu. Do vậy, Hội đã xây dựng, ban hành và tổ chức học tập rộng rãi trong các cấp hội, các cơ quan báo chí 10 điều quy định đạo đức người làm báo, vừa khích lệ tinh thần cống hiến của các nhà báo nhưng cũng tăng cường kỷ cương, ngăn chặn sai phạm trong hoạt động báo chí. 10 Điều Quy định này đã trở thành nguyên tắc làm nghề, là lời cam kết thiêng liêng, giúp người làm báo luôn ý thức được một cách sâu sắc trách nhiệm của mình với xã hội, với đất nước. Ngoài ra, các vấn đề nảy sinh từ mạng xã hội đối với báo chí cũng được HNBVN nắm bắt kịp thời và ban hành Quy tắc về sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Hội đã thành lập hệ thống các Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp từ trung ương đến địa phương, đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Thêm nữa, chúng tôi còn ban hành Quy định 979 về sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú của cơ quan báo chí tại các địa phương để đảm bảo quản lý chặt chẽ hội viên hoạt động xa tòa soạn. Đồng thời, Hội đã đưa vào sử dụng phần mềm theo dõi việc đăng, sửa bài trên báo điện tử và về cơ bản đã ngăn chặn được hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”. Hằng năm, đều tăng cường công tác kiểm tra giám sát, tổ chức hàng trăm cuộc kiểm tra, giám sát ở các cấp hội... trong nhiệm kỳ.

+ Thưa Phó Chủ tịch Thường trực, việc siết chặt kỷ cương là rất quan trọng nhưng việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các hội viên cũng quan trọng không kém. Trong hoạt động nghề nghiệp, nhất là trong lĩnh vực chống tiêu cực, tham nhũng, nhà báo phải hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn và nhiều nguy hiểm. Hội Nhà báo Việt Nam trong thời gian qua đã có động thái gì để hỗ trợ kịp thời hội viên khi bị cản trở tác nghiệp, thưa ông?   

- Đây là nhiệm vụ, chức năng có tính sứ mệnh của Hội Nhà báo. Trên thực tế, có nhiều nhà báo bị ngăn cản hoạt động đúng pháp luật, bị phá hoại phương tiện, thu giữ tài liệu, bị đe dọa, hành hung không chỉ với bản thân họ mà còn với gia đình họ. Khi xảy ra những vụ việc như vậy thì lập tức Hội có thái độ mạnh mẽ, lên án, phối hợp với cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chủ quản bảo vệ phóng viên, nhà báo. Nhiều trường hợp đe dọa, cản trở, xúc phạm, hành hung phóng viên tác nghiệp đã bị xử lý nghiêm theo quy định. Qua đó, Hội Nhà báo đã và đang trở thành chỗ dựa về tinh thần rất quan trọng với hội viên, được các cấp hội và hội viên đánh giá cao.

+ Một trong những thành công của nhiệm kỳ được hội viên đánh giá cao là chúng ta đã thành lập và khai trương được Bảo tàng báo chí Việt Nam, thưa Phó Chủ tịch Thường trực?

- Quả đúng vậy! Đây là mong ước qua nhiều nhiệm kỳ, nay đã trở thành hiện thực, đáp ứng được sự kỳ vọng của các cấp hội, các thế hệ làm báo. Bảo tàng là nơi lưu giữ và phát huy giá trị cao quý rất đáng tự hào của báo chí Việt Nam. Thấy được ở Bảo tàng không chỉ lịch sử báo chí mà còn là dòng chảy của lịch sử, văn hóa, tinh thần dân tộc. Đây là nơi học tập, giao lưu hết sức hiệu quả với các nhà báo, cũng là nơi truyền lửa cho thế hệ trẻ khi bước vào nghề. Cũng phải nói thêm rằng, trong nhiệm kỳ này, chúng ta đã xác lập, xây dựng Bia tưởng niệm nơi ra đời Trường dạy viết báo đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng, làm được con đường bê tông kiên cố vào nơi ra đời Hội nhà báo Việt Nam tại Thái Nguyên... Những hoạt động ấy là minh chứng cho sự tri ân các thế hệ tiền bối, coi trọng giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống của Hội Nhà báo chúng ta.

Ngoài ra, Hội đã tổ chức được rất nhiều hoạt động về văn hóa, thể thao, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh cho các hội viên. Sau rất nhiều năm không tổ chức được giải bóng bàn truyền thống thì nhiệm kỳ này đã khôi phục lại, tổ chức được thường niên suốt 4 năm qua. Liên hoan Tiếng hát người làm báo 2 năm/lần cũng diễn ra sôi nổi, thu hút được các cấp hội tham dự. Mỗi năm Hội NBVN đã tổ chức được từ 8 đến 10 chương trình nghệ thuật, được truyền hình trực tiếp nhân dịp các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước và báo chí. Các hoạt động xã hội từ thiện cũng được chú trọng, nhất là vào thời điểm diễn ra thiên tai lũ lụt. Hoạt động đối ngoại của Hội cũng để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, nổi bật nhất là chúng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Chủ tịch Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ) mà đồng chí Thuận Hữu là Chủ tịch và tôi là Tổng thư ký Liên đoàn.

Hôm nay đã tốt, ngày mai càng cần phải tốt hơn nữa

+ Kể về các hoạt động của Hội nhiệm kỳ này quả thực là rất nhiều việc chúng ta đã làm được. Nhưng hẳn là, trong vai trò của  mình, ông ít nhiều vẫn còn những trăn trở, băn khoăn, thưa Phó Chủ tịch Thường trực? 

- Trăn trở lớn nhất là làm thế nào để ngày hôm nay đã tốt, ngày mai càng cần phải tốt hơn nữa. Bởi đòi hỏi, mong mỏi của xã hội với báo chí là quá lớn mà sự đáp ứng của chúng ta ít nhiều còn hạn chế khi đứng trước thách thức lớn của nghề nghiệp. Còn đó những lo lắng về khả năng đáp ứng của báo chí với xã hội cả về mặt đội ngũ con người, phương tiện công nghệ. Mà nói đến con người là nói đến trình độ, đạo đức, tâm thế làm nghề. Tôi đã có thời gian làm báo hơn 40 năm, đã kinh qua nhiều công việc trong lao động báo chí rồi mới chuyển sang công việc của Hội. Trong chặng đường nghề nghiệp, điều đau buồn nhất là vẫn còn hiện tượng vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong bộ phận người làm báo. Chúng ta chưa khắc phục được điều này một cách triệt để, mặc dù đã có nhiều cố gắng. Cách làm nghề thiếu chuẩn mực của một bộ phận người làm báo đã làm tổn hại thanh danh báo chí, lòng tự trọng của người làm báo chính trực, làm suy giảm vai trò và hiệu quả của báo chí với xã hội. Tôi nghĩ rằng, với vấn đề này, chúng ta cần phải hoạt động kiên trì và quyết liệt hơn nữa trong nhiệm kỳ tới. Ngoài ra, vấn đề đào tạo nâng cao nghiệp vụ người làm báo gắn với sử dụng công cụ truyền thông mới cũng cần phải trở thành mối quan tâm hàng đầu nếu chúng ta không muốn tụt hậu. Vấn đề nữa tôi chưa thật sự yên lòng là vấn đề quy hoạch báo chí.

111
Các đại biểu tham dự triển lãm ảnh “Che Guevara, Fidel Castri - Ngọn hải đăng cách mạng Cuba”. Ảnh Sơn Hải

+ Thưa ông, quy hoạch báo chí là một chủ trương lớn của Chính phủ, vậy điều gì khiến Phó Chủ tịch Thường trực chưa yên lòng?

- Hiện nay về cơ bản chúng ta đã sắp xếp xong nhưng hiệu quả thực sự, chất lượng thực sự của việc đó đang ở đâu? Đây mới chỉ là bắt đầu thôi, triển khai hoạt động cần sự điều tra, giám sát và điều chỉnh kịp thời để tránh tình trạng “bình mới rượu cũ”, tức là sắp xếp lại theo cơ quan mới nhưng cách thức hoạt động nhìn chung vẫn như cũ. Chẳng hạn trước đây là báo, giờ là tạp chí mà trên thực tế chưa có gì khác lắm. Để thực hiện một cách hiệu quả một chủ trương đúng đòi hỏi sự phối hợp của cơ quan chỉ đạo, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và đặc biệt là nhận thức của chính các cơ quan báo chí chuyển đổi mô hình. Trong câu chuyện quy hoạch báo chí, cần quan tâm đúng mức quyền lợi chính đáng của hội viên, người làm báo bị tác động không mong muốn. Thêm vào đó, chúng ta chưa có lối đi rõ ràng trong vấn đề kinh tế báo chí. Làm sao để các tờ báo vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình mà vẫn bảo đảm nguồn thu để guồng máy của tòa soạn hoạt động hiệu quả, đời sống của công nhân viên được ổn định, đảm bảo, để cơm áo gạo tiền...không còn là nỗi lo quá lớn.

+ Nhưng quả thực vấn đề kinh tế ở từng cơ quan báo chí trong bối cảnh tự chủ vẫn đang là nỗi lo quá lớn, thưa ông?  

- Tôi rất hiểu điều này. Nhiều cơ quan báo chí bắt kịp được xu hướng kinh tế truyền thông hiện đại đã tạo được những sản phẩm báo chí vừa phù hợp tôn chỉ mục đích, vừa tạo được nguồn thu cho tòa soạn. Tuy nhiên, nhìn tổng thể về kinh tế báo chí của cả nước còn nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập, vướng mắc. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta vẫn rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ban ngành. Chúng ta nói đến đặt hàng nhưng đặt hàng thế nào để báo chí sống được lâu dài, bền vững phải cần cơ chế cơ bản, căn cơ...

+ Một hành trình mới mở ra với ít nhiều thách thức cùng cơ hội đang đón đợi. Thưa Phó Chủ tịch Thường trực, ông đánh giá như thế nào về trách nhiệm nặng nề và rất vinh quang của báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam trong hành trình tiếp bước?

- Phải nói rằng, với những người làm báo, trách nhiệm nặng nề nhưng niềm vinh quang mà nghề nghiệp mang đến cũng rất to lớn. Đó cũng chính là động lực mạnh mẽ để chúng ta tin tưởng và kiên định vào con đường mà mình đã lựa chọn. Có thể, khi chuẩn bị đón một mùa Xuân mới, ai trong chúng ta cũng còn những buồn vui của nghề, trăn trở ít nhiều về sứ mệnh của báo chí hôm nay, giữa những bộn bề thách thức. Nhưng tôi cho rằng, dù trong bất kỳ khó khăn, thử thách nào, báo chí vẫn góp phần quan trọng và đáng tự hào vào thành tựu chung của đất nước. Tinh thần sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc trong thời chiến đến tinh thần dấn thân, cống hiến vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam mãi mãi là ngọn lửa soi đường cho lớp lớp thế hệ mai sau. Với Hội Nhà báo Việt Nam, trong dòng chảy của thời cuộc, chúng ta chắc chắn sẽ tiếp tục giữ gìn được truyền thống, tiếp tục đổi mới, sáng tạo hơn nữa trong hoạt động. Tôi luôn tin tinh thần ấy sẽ được phát huy, là động lực mạnh mẽ trong thời gian tới để hội viên, nhà báo phấn đấu vì một nền báo chí hiện đại, nhân văn, vì một “mái nhà chung” ấm áp.   

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà Vân (Thực hiện)
Theo NB&CL

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây