Giai phẩm Tết thời hiện đại

Thứ hai - 08/02/2021 10:19
Báo Tết là món ăn tinh thần, cũng “ngon”, cũng hấp dẫn không kém những món ăn đặc trưng ngày Tết, nên những người làm báo gọi đó là “giai phẩm”. Vậy “hương vị” của món ăn tinh thần này ở các giai phẩm Tết hiện đại bây giờ ra sao?

Hầu hết ở các nước sử dụng tiếng Anh không có báo Tết, mà chỉ kết thúc năm cũ và bắt đầu một năm mới bằng những bài tổng kết trên nhiều lĩnh vực, không có những bài giải trí, văn hóa chào mùa xuân. Còn ở nước ta, giai phẩm mừng xuân đã có hơn 100 năm nay. Từ Tết Mậu Ngọ năm 1918, Báo Nam Phong đã cho ra một tuyển tập thơ văn như một giai phẩm mừng xuân. Theo cụ Vương Hồng Sển, có thể xem đó là “thủy tổ các số báo xuân, báo tân niên, báo đặc biệt” ở Việt Nam.

Những năm tiếp theo báo xuân bắt đầu có rải rác, phổ biến sau năm 1930, cùng với sự phát triển của báo chí cả nước, cho đến nay.

111
Các ấn phẩm báo Tết Xuân Kỷ Hợi 2019. Ảnh: nhandan.com.vn

Vì sao dân ta thích báo xuân?

Với độc giả, giai phẩm mùa xuân mang tính giải trí cao nên luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày Tết. Còn với những người làm báo, làm báo xuân, viết báo Tết cũng là một khát vọng văn chương, cuối năm xả hết tâm tình với bạn đọc bằng những bài viết ăm ắp tâm tư tình cảm, đọc lên đã thấy được mùa xuân ngay trước mắt.

Để lý giải vì sao dân ta lại thích báo xuân và xem đây là món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày Tết có lẻ nên bắt đầu từ những giai phẩm xuân hay của những nhà báo tiền bối. Đó là những bài viết của những cây bút lừng danh như Tản Đà, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Thanh Châu, Thạch Lam, Hoàng Đạo... Kèm theo đó là những bức tranh Tết của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Lemur (Cát Tường)… với những bìa báo đơn giản nhưng thật sự gây ấn tượng.

Và cũng từ những giai phẩm Tết có tính cổ điển, góp phần tạo ra một món ăn tinh thần làm mê hoặc độc giả trong những ngày Tết mới thấy những người làm báo xuân thời hiện đại máy móc quá. Chưa coi trọng tính giải trí, văn hóa, để tính thời sự, chính trị lấn át, làm “khô cằn” giai phẩm Tết, mà quên rằng báo xuân cũng thể hiện khát vọng văn chương của các nhà báo. Mỗi giai phẩm đón Tết là sự sáng tạo của tòa soạn, mỗi bài báo Tết có hàm lượng văn hóa, giải trí cao, nâng tầm người viết lẫn người đọc, làm cho những ngày Tết thật sự là những ngày xuân.

Người Việt bây giờ dù ăn Tết có phần hiện đại hơn, du lịch, nghỉ ngơi là chủ yếu nên có thể không cần đến “thịt mỡ dưa hành”. Nhưng một giai phẩm Tết vừa đẹp vừa hay thì dường như không thể thiếu trong những ngày đầu năm mới.

Vậy báo xuân thời hiện đại có gì?

Báo xuân thời đại công nghệ 4.0, tư duy sáng tạo ngày một ít đi, dù kỹ thuật in ấn, kỹ thuật trình bày rất tiên tiến. Đặc biệt là bìa báo, không còn là những tác phẩm hội họa độc đáo, những tác phẩm ảnh tuyệt đẹp như mùa xuân đang từ đó bước ra. Thay vào đó thường là những bức ảnh được “công nghệ hóa” theo chủ đề chính trị, xã hội, người đẹp, những bức ảnh khô khan minh họa cho thành tựu này nọ.

Nhớ, mùa xuân năm con gà, tình cờ gặp họa sĩ Thái Tuấn (1918-2007), tôi đặt ông vẽ con gà cho số báo tất niên. Ba ngày sau ông gửi một tranh con gà cồ tuyệt dũng, vươn cao cổ, nhìn rất lạc quan. Số báo tất niên Người Lao Động năm đó nhiều người khen, cũng vì con gà tuyệt dũng ấy! Bức tranh con gà ấy giờ tôi vẫn treo trên tường nhà!

Còn nội dung? Đây là vấn đề cốt lõi làm nên bản sắc của từng giai phẩm xuân. Tôi đã từng làm báo xuân nhiều năm trước đây. Bao giờ tòa soạn cũng có đề cương, duyệt đề cương, chủ đề, rồi đặt bài cho những tên tuổi lớn. Các báo ở TP.HCM phải có những tên tuổi như Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Trần Bạch Đằng, Trần Văn Giàu, Chánh Trinh… phải đặt bài cho được.

Tôi nhớ năm đó đặt bài ông Trần Bạch Đằng rất khó khăn, vì có quá nhiều báo đặt nhưng ông viết rất nhanh và chất lượng nhưng chờ bài cũng “gian nan”.

Nhà văn Sơn Nam thì đơn giản, có bài ngay và cứ gần Tết ông gửi bài, mà bài nào cũng chẳng thèm đặt title, hỏi thì ông bảo: “Tao có đặt title thì tụi bay cũng sửa hà”! Nhớ năm đặt bài cụ Vương Hồng Sển (rất khó), lợi dụng cơ hội tôi mới viết bài giới thiệu cuốn “Một nửa đời hư” của cụ, đến nhà tặng ông tờ báo, có đăng bài “Một nửa đời hư: Hư hay không hư?”, cụ hỏi: “Tao hư hay không hư”? Tôi hổng dám trả lời vì cụ đã nói “hư” rồi mà, nói hổng hư, lỡ cụ la thì mệt, tôi cười khà khà hỏi chuyện đông tây kim cổ, ghi âm lại, về cho bóc băng, được bài hay, ký tên cụ, là oách rồi. Vì với các tên tuổi lớn như Nhà văn Sơn Nam, các tòa soạn luôn phải chờ, đợi!

Tôi cũng nhớ một vài cây bút khá nổi tiếng Hà Nội, vào Sài Gòn, nằm khách sạn “cày” liên tục và “nộp sổ” cho các tòa soạn. Dĩ nhiên khách sạn tòa soạn lo, nhuận bút lãnh trước, lãnh đủ và bài cũng tương đối, chính trị là chính.

Còn các nhà thơ trẻ thì rải bài. Có người mỗi Tết được đăng 5, 7 bài, tiền nhuận bút đủ nhậu Tết nhưng có người thì không, còn trách lên trách xuống…

Giờ thì những cây bút cây đa cây đề ngày càng ít đi, xu thế báo xuân hiện đại cũng đã khác. Tính thời sự, kinh tế, chính trị lấn át, trong khi tính văn hóa, giải trí chất lượng lại không cao, hàm lượng chất xám ít, thơ văn nhạt nhẽo không khí Tết, xuân nhàn nhạt, gượng ép.


Theo Lưu Vĩnh Hy/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây