Cuốn sách lưu giữ lịch sử của Hội, của nghề báo

Thứ năm - 11/02/2021 15:22

Ra mắt đúng dịp chào mừng Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam, cuốn sách ảnh “70 năm Hội Nhà báo Việt Nam - Hành trình vẻ vang vì Tổ quốc và nhân dân” giúp các hội viên, nhà báo phần nào hình dung được hành trình lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam. Cuốn sách có rất nhiều những khoảnh khắc được tập hợp, trình bày trang trọng, trở thành cuốn tư tiệu ý nghĩa, giá trị. Nhân dịp này, Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với nhà báo, Tiến sỹ Trần Bá Dung - ủy viên Ban Thường Vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam - chủ biên cuốn sách.

 

111
TS Trần Bá Dung giới thiệu cuốn sách ảnh “70 năm Hội nhà báo Việt Nam
Hành trình vẻ vang vì Tổ quốc và Nhân Dân”. Ảnh: V.V

Cẩn trọng tới từng chi tiết nhỏ

+ Thưa ông, là người đã có mấy chục năm trọng nghề báo, hơn mười năm nay gắn bó với công việc của Hội, cuốn sách ảnh này không phải là cuốn đầu tiên nhưng dường như đã là cuốn sách khiến ông trăn trở nhất?
- Quả thực, tôi đã quen với công việc làm sách, sách ảnh cũng đã 3 cuốn, nhưng cuốn sách ảnh “70 năm Hội Nhà Nhà báo Việt Nam - Hành trình vẻ vang vì Tổ quốc và nhân dân” thì đúng là rất vất vả, thậm chí có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc. Cuốn sách là chủ trương của lãnh đạo Hội để đón chào Đại hội lần thứ XI của Hội, đồng thời cũng là để kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 4/2020). Ngay từ tháng 2/2020 đã lên kế hoạch thực hiện, công văn đã gửi các cấp Hội cả nước, nhưng vì đại dịch Covid-19, mọi hoạt động đều bị đình trệ, việc liên lạc với các đơn vị, các địa phương đều bị cách trở. Cho đến 3 tháng cuối năm với sự quyết tâm cao của lãnh đạo Hội, Ban biên soạn (mà trực tiếp là Ban Nghiệp vụ) đã cố gắng làm hết sức có thể.


Cuốn sách cố gắng khái quát 70 năm hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam bằng ảnh, chứ không phải là bằng chữ. Tôi phải nhấn mạnh điều này, bởi vì nếu làm một cuốn sách thông thường, thực hiện dễ hơn nhiều, có thể đặt người này, người kia viết bài, chất lượng, dài ngắn thế nào cũng được nhưng để làm một cuốn sách ảnh thì lại rất khác. Sách ảnh chủ yếu là phải sưu tầm ảnh chứ không bao giờ làm lại hay thay đổi được nữa. Công việc chính của chúng tôi là đi tìm nguồn, sưu tầm, lựa chọn và biên tập để đưa vào sách, lưu giữ lịch sử của Hội bằng hình ảnh. Khó lắm.

+ Sự khó của cuốn sách ảnh, như ông vừa chia sẻ, ngoài yêu cầu “kể lại hành trình 70 năm của Hội Nhà báo Việt Nam bằng hình ảnh”, hẳn còn là nhiều thử thách khác mà những người tham gia biên soạn đã phải rất nỗ lực, dày công, thưa ông?

 Đúng là tôi đã từng chủ biên một số cuốn sách ảnh nhưng điều khó khăn không hẳn là việc có kinh nghiệm hay không, mà cái khó nhất là nguồn ảnh hiện nay của Hội hầu như không có ai lưu trữ. Điều này là khó khăn và áp lực lớn. Nguồn ảnh vãng lai ở các nhà báo, các cơ quan báo chí khác thì cũng phải đi hỏi rất nhiều, có người có người không, người nhớ người không nhớ. Nguồn ảnh lớn nhất là ở Thông tấn xã Việt Nam nhưng đây là nguồn ảnh của Quốc gia nói chung chứ nguồn ảnh riêng về hoạt động Hội Nhà báo là không nhiều. Nguồn ảnh từ các địa phương hay các cơ quan báo chí khác về Hội lại càng ít. Gửi công văn đi nhưng chỉ được mấy Hội Nhà báo tỉnh và mấy cấp Hội khác gửi ảnh về thôi, vì bản thân họ cũng không lưu trữ được.

Một khó khăn mới mà ít người nghĩ đến, đó là hiện nay chúng ta ai cũng chụp ảnh bằng điện thoại, lưu trong điện thoại là chính, máy ảnh hầu như là một thứ xa xỉ, cho nên để có ảnh chuẩn chụp từ máy ảnh là rất hiếm. Các phóng viên ảnh chuyên nghiệp thì mới sử dụng máy ảnh còn lại thường là chụp bằng các thiết bị thông minh để cá nhân lưu là chính. Có ảnh đấy nhưng không dùng được. Kể cả ảnh dùng trên internet đôi lúc cũng là ảnh chụp từ điện thoại dùng để đưa lên trang web thì được, còn để in sách thì không được vì độ phân giải thấp. Nghịch lý là ngày càng nhiều người chụp ảnh, nhưng chất lượng ảnh đăng báo càng kém vì dễ dãi quá. Ảnh đăng báo vốn đã khó rồi mà ảnh in sách lại phải dùng ảnh mang tính tư liệu lịch sử, nên lại càng khó.


+ Rồi trong cái khó đó, ông và cộng sự đã làm gì để có được những bức ảnh quý, thưa ông?

Chúng tôi phải khai thác nhiều nguồn. Trước hết là nguồn ảnh lịch sử, ảnh đen trắng từ thời chống Pháp, chống Mỹ trong cuốn sách ảnh 50 năm Hội Nhà báo Việt Nam. Cuốn đó làm cách đây hơn 20 năm, có một số ảnh phải dùng lại vì có những sự kiện, những bức ảnh quý không thể thay thế được. Ngoài ra, Ban biên soạn cũng cố gắng tìm tòi, sưu tầm thêm ảnh từ các nguồn khác: Văn phòng Hội, các đơn vị trong cơ quan Hội; các bác về hưu, ai có ảnh gì xin cứ gửi, các cấp Hội. Tôi cũng phải đọc gần chục cuốn sách về Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ để chọn một số ảnh và tư liệu trong đó. Rồi phải hỏi thăm các báo khác, ví dụ như Báo Nông nghiệp Việt Nam vừa rồi kỷ niệm 75 năm ngày thành lập, mới phát hiện được một bức ảnh rất quý là ảnh tờ báo Tấc Đất do Bác Hồ đặt tên và viết bài cho số báo đầu tiên (ra ngày 7/12/1945), tiền thân của Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày nay. Hay phải nhờ bên Báo Nhân Dân tìm ảnh tư liệu về số báo ra đầu tiên ngày 11/3/1951, Báo Quân đội Nhân dân số đầu tiên ngày 20/10/1950... Tất cả đó đều phải tự vận động, hỏi han tìm kiếm bè bạn, đồng nghiệp, không có kho lưu trữ nào. Gần đây may mắn có phóng viên ảnh Trần Sơn Hải của Báo Nhà báo & Công luận đã chụp và lưu giữ được nhiều bức ảnh đẹp, chất lượng. Để ra được một cuốn sách với khoảng 500 bức ảnh chúng tôi đã phải chọn lọc trong hơn 1.500 bức ảnh đủ loại đủ kiểu, có được từ nhiều nguồn.
111
Các nhà báo lão thành thăm Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Sau khi đã có nguồn ảnh thì phải thẩm định tính xác thực của ảnh, xuất xứ của ảnh như thế nào, cũng là việc không dễ. Khó nhất là phải xác thực chú thích ảnh, cẩn trọng tới từng chi tiết nhỏ trong ảnh, từng chữ. Cùng một nhân vật nhưng mỗi thời điểm họ thay đổi chức danh, chức vụ, vị trí công tác, đặc biệt là ảnh những nhân vật lịch sử, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Ví dụ như đồng chí Trương Tấn Sang có hai ảnh làm việc với Hội, nhưng ảnh năm trước là chức vụ Thường trực Ban Bí thư, ảnh năm sau đã là Chủ tịch Nước. Không tinh ý dễ nhầm lẫn... Cũng may mắn là những kiến thức nghiên cứu lịch sử báo chí giúp tôi biết được nhiều sự kiện và nhân vật.

Những bức ảnh được chọn tiêu biểu cho chủ đề dòng chảy 70 năm của Hội

+ Thưa ông, được thực hiện với sự công phu, cẩn trọng như vậy, cuốn sách ảnh kể về hành trình 70 năm của Hội Nhà báo Việt Nam có những điểm nổi bật như thế nào?


- Trước nhất Ban biên soạn đưa ra tiêu chí chọn ảnh rất cụ thể, đó là mang tính lịch sử về hoạt động của Hội và hoạt động báo chí. Thứ hai là ảnh mang tính chân thực không được dàn dựng, photoshop và thứ ba đó là thông tin về ảnh phải cụ thể và chính xác. Sách ảnh được chia ra từng thời kỳ, thời kỳ đầu là trước năm 1950, thời kỳ hai là từ lúc thành lập Hội Nhà báo Việt Nam năm 1950 đến năm 1975, thời kỳ ba là từ năm 1975 đến năm 1985 trước đổi mới và sau khi đất nước thống nhất, thời kỳ bốn là từ năm 1986 đổi mới cho đến nay. Dĩ nhiên là ảnh không thể có để chia đều cho bốn thời kỳ được. Mỗi thời kỳ đều có bài viết ngắn giới thiệu thông tin khái quát, nổi bật nhất... Tất cả thông tin vắn tắt nhưng đầy đủ 10 kỳ Đại hội, mỗi kỳ đều có những chủ để riêng, đều có trong sách.

Điều có thể nhìn thấy rất rõ là hoạt động Hội luôn được Bác Hồ, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Bác Hồ khẳng định Hội Nhà báo Việt Nam là Hội chính trị - nghiệp vụ. Những bức ảnh lịch sử đã thể hiện sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua từng thời kỳ đối với báo chí cũng như đối với Hội Nhà báo. Trong sách có ảnh Tổng Bí thư - Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng và Thư chúc mừng 70 năm thành lập Hội; Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư; Luật Báo chí 2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội. Các chủ đề về quan hệ quốc tế, quan hệ báo chí trong khu vực ASEAN như thế nào, vai trò, sức ảnh hưởng của Hội Nhà báo Việt Nam ra sao... Nội dung thứ tư đó là hình ảnh các hoạt động của Hội Nhà báo trong nước, bám sát theo nhiệm kỳ của từng đại hội. Ảnh nói về hoạt động chung của Hội, hoạt động nghiệp vụ, chăm lo quyền lợi của hội viên, hoạt động văn hóa - xã hội - từ thiện, hoạt động truyền thông... Các sự kiện nổi bật của từng nhiệm kỳ đều được thể hiện bằng ảnh. Những hoạt động mang tính giáo dục truyền thống của Hội khá đậm nét, như trở về nguồn cội nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam,  hoạt động chăm sóc những gia đình của các nhà báo liệt sĩ, thương binh... Nhất là hình ảnh hoạt động Hội những năm gần đây có phần nổi bật hơn.

 Trong cuốnốsách cũng dành dung lượng cho những bức ảnh về các nhà báo tác nghiệp tại điểm nóng Covid-19 và lũ lụt miền Trung trong năm 2020. Thưa ông, dù là tính thời sự rất cao nhưng đây là cuốn sách nói về lịch sử xây dựng và phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam. Đưa nội dung này vào có ý nghĩa gì?

- Mặc dù đây là cuốn sách ảnh về hoạt động Hội Nhà báo Việt Nam nhưng dòng chảy 70 năm ấy không thể nằm ngoài dòng chảy chung của đời sống báo chí cách mạng Việt Nam. Vậy nên, ngoài ảnh nói về hoạt động của Hội là chính, Ban biên soạn, đồng chí Phó Chủ tịch Hồ Quang Lợi cũng muốn thể hiện sinh động bằng các hoạt động thời sự báo chí. Cuốn sách còn chọn đưa một số tác phẩm ảnh tiêu biểu đã đoạt Giải Báo chí Quốc gia như ảnh về Trường Sa, ảnh biển đảo, ảnh về các thành tựu lao động sản xuất, về phòng chống thiên tai, bão lũ, v.v... Tất cả những bức ảnh giá trị ấy đều không nằm ngoài chủ đề của cuốn sách và nó còn làm phong phú, sống động hơn. Đây cũng là cách rất mới để tôn vinh sự đóng góp của chính các hội viên, nhà báo của chúng ta.

+ Cũng từ trong muốn tôn vinh những cống hiến của hội viên nhà báo nên trong cuốn sách ảnh tôi thấy còn có cả một phần trang trọng đăng danh sách các nhà báo - liệt sĩ. Đây là nội dung rất đặc biệt, thưa ông?

- Đúng vậy. Chúng ta đã có một cuốn sách “Chân dung các nhà báo - liệt sĩ” với danh sách 349 nhà báo liệt sĩ, xuất bản năm 1996, tái bản từ năm 1999. Làm Ban Nghiệp vụ của Hội, tôi luôn đau đáu câu chuyện tái bản cuốn sách này. Trong 3 năm vừa qua, được lãnh đạo Hội đồng ý, tôi cũng đã đi liên hệ, gặp gỡ, sưu tầm, tìm kiếm, xác minh lại thông tin ở nhiều cấp Hội và đặc biệt là được sự phối hợp rất chặt chẽ, tận tình cung cấp thông tin của nhà báo Văn Hiền - nguyên Phó Tổng biên tập báo Nghệ An, các nhà báo Dương Phước Thu (Thừa Thiên Huế), Đoàn Pháp (Phú Yên), Hà Minh Đích (Quảng Ngãi), Lê Quốc, Bùi Thị Thanh Minh, Thu Phượng, Nguyễn Bá Thâm (Quảng Nam), bác Nguyễn Đình An (Đà Nẵng),... Trong danh sách bổ sung lần này, chúng tôi đã tập hợp được danh sách 547 nhà báo - liệt sĩ. Số lượng tăng lên như vậy, chỉ có một số nhà báo - liệt sĩ mới hy sinh, còn lại phần nhiều là có những liệt sĩ trước đây chưa phát hiện được, chưa có thông tin. Trong lúc đang chờ tái bản sách, chúng tôi đưa danh sách vào sách ảnh này như tấm lòng tri ân đối với sự hy sinh của các nhà báo - liệt sĩ, dù có thể còn chưa đầy đủ. Các nhà báo liệt sĩ có một vị trí rất đặc biệt trong lịch sử, họ chính là một bộ phận hợp thành lịch sử vẻ vang 70 năm Hội Nhà báo Việt Nam và danh sách như là một văn bia khắc tên họ vào lịch sử. Đây cũng là một nghĩa cử của cuốn sách, mặc dù có thể chưa được như mong muốn.

+ Cuốn sách đã xuất bản rất đẹp và trang trọng, vậy có điều gì vẫn khiến ông cảm thấy tiếc nuối không, thưa ông?


 Nói khái quát thì những bức ảnh được chọn ở trong đây đều là tiêu biểu cho chủ để dòng chảy 70 năm của Hội. Tôi tin là, với các bạn trẻ làm báo thật sự yêu nghề khi cầm cuốn sách ảnh này lên, nhìn vào đó sẽ thấy được giá trị của nghề báo, đồng thời là giá trị lưu giữ lịch sử của Hội, của nghề báo bằng hình ảnh. Có những bức ảnh nói lên giá trị mà bài viết không thể tả hết được. Nhưng, vẫn có những điều cảm thấy nuối tiếc vì có những sự kiện tôi biết là thực tế có diễn ra nhưng không thể tìm thấy ảnh. Có rất nhiều điều đã qua không thay đổi được nữa, giống như ảnh, là những khoảnh khắc lưu giữ lịch sử không có lần thứ hai. Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn tới các tác giả ảnh, các nhà báo, các cơ quan báo chí và cấp Hội, các đơn vị trong cơ quan Hội, các đồng chí cán bộ lãnh đạo Hội đã nghỉ hưu, đang công tác, đã nhiệt tình cung cấp ảnh và tư liệu, chỉ bảo, góp ý... để cuốn sách được hoàn thành. Và mong được lượng thứ về những điều cuốn sách chưa đáp ứng được.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
                                                                     
Minh Vinh (thực hiện) 

                                                                  Nguồn NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây