LTS: Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ra đời đã thực sự là kim chỉ nam cho hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, thể hiện sự đánh giá cao vai trò vị trí, sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người hoạt động báo chí, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nhà báo Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), Báo Nhà báo và Công luận thực hiện vệt chuyên đề: “Chỉ thị 43-CT/TW - Kim chỉ nam cho hoạt động Hội trong tình hình mới” để làm rõ hơn vấn đề này.
Chỉ thị 43-CT/TW là một chỉ thị quan trọng đã và đang được quán triệt sâu sắc từ Trung ương đến địa phương. Từ tinh thần của chỉ thị, các cấp Hội, đội ngũ hội viên, nhà báo tiếp tục đổi mới, sáng tạo, xây dựng tổ chức Hội Nhà báo vững mạnh.
Kể từ khi được thành lập đến nay, với bề dày truyền thống 70 năm, nhất là sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 18/3/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, Hội Nhà báo Việt Nam không ngừng được củng cố và phát triển, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đặc biệt có thể thấy, Chỉ thị 37–CT/TW đã đi vào thực tiễn hoạt động của HNBVN, tạo nên những bước chuyển căn bản và tích cực. Hội Nhà báo Việt Nam đã thể hiện rất rõ vị thế, trách nhiệm của một tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam.
Thật vậy, qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 18/3/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng được củng cố, kiện toàn, đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng và phát triển đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu, nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng là chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng.
Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN Hồ Quang Lợi nhấn mạnh: Thông qua đợt nghiên cứu, quán triệt, sơ kết 5 năm, 10 năm, đặc biệt là việc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị từ cơ sở, hầu hết các đơn vị, địa phương, các cấp Hội và hội viên đều nhận thấy rằng Chỉ thị 37-CT/TW ra đời đã tạo được luồng sinh khí mới, thể hiện sự quan tâm sâu sát và thiết thực của Đảng và Nhà nước đối với tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp của những người hoạt động báo chí, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để người làm báo hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Qua 15 năm thực hiện, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam có những bước chuyển biến rõ nét, vai trò của Hội được nâng lên, tổ chức Hội ngày càng được củng cố và hoàn thiện, phương thức hoạt động từng bước được đổi mới, phong phú hơn, hiệu quả hơn, thu hút nhiều hội viên tham gia. Các cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện cho Hội hoạt động. Hội chủ động tham gia vào công tác quản lý, chỉ đạo báo chí, đóng góp nhiều ý kiến vào việc xây dựng các chủ trương, chính sách đối với báo chí. Chất lượng hội viên và những người làm báo được nâng lên. Nhìn chung, 6 nhiệm vụ Ban Bí thư nêu ra trong Chỉ thị nhằm nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới đã được triển khai nghiêm túc và đạt được những kết quả đáng mừng.
Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TƯ, ngày 18/3/2004 của Ban Bí thư cũng đã chỉ rõ những hạn chế trong hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam. Vì vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 43-CT/TW, ngày 08/4/2020 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”. Đây là chỉ thị vừa mang ý nghĩa như một sự nhắc nhở đối với những người làm công tác báo chí trước thách thức trong tình hình mới, vừa đưa ra những yêu cầu, gợi ý, giải pháp mà Hội cần thực hiện để “vượt khó”, “bắt nhịp” và tiếp tục vững bước.
Trong đó, Chỉ thị nhấn mạnh nhiệm vụ “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với báo chí theo hướng bảo đảm báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và quyền tự do, dân chủ của nhân dân”. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở đây không chỉ đối với Trung ương Hội mà còn ở tất cả các cấp Hội, các Hội Nhà báo 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đặc biệt, Chỉ thị cũng đưa ra “chìa khóa” tháo gỡ những hạn chế, trong đó công tác xây dựng, củng cố tổ chức của Hội Nhà báo Việt Nam là một giải pháp quan trọng trong thời gian tới: “Củng cố, xây dựng hệ thống tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam thống nhất, chặt chẽ theo Điều lệ Hội. Phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực. Việc kết nạp và cấp thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam phải bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của Điều lệ Hội. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh người làm báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp...”. Điều này cho thấy, tinh thần của Chỉ thị là vừa tích cực xây dựng, nâng cao chất lượng hội viên vừa phải kiên quyết sàng lọc, chống lại những vi phạm đạo đức trong nghề nghiệp. Coi trọng tính kỷ cương, sự giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm cũng góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Hội trong nhiệm kỳ mới hứa hẹn sự đổi mới, sáng tạo và phát triển. Bởi vậy, Chỉ thị cũng lưu ý thêm rằng: “Lãnh đạo các cấp hội phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển và quản lý báo chí, đội ngũ người làm báo. Tham gia công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, lãnh đạo các cấp Hội, có cơ chế để thu hút cán bộ có kinh nghiệm, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý làm công tác Hội”...
Có thể nói, nhận thức về vai trò, vị trí của Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục được nâng lên một bước, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong hành động. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan báo chí, các cấp Hội và bản thân các hội viên nhận thức đầy đủ hơn, có giải pháp đúng đắn, mạnh mẽ hơn để tiếp tục nâng cao vai trò, vị trí, trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp Hội. Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN cho rằng: “Thời gian tới, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường tác động mạnh đến nước ta và trong kỷ nguyên truyền thông số, bên cạnh những thuận lợi và cơ hội, hoạt động báo chí và hoạt động Hội Nhà báo đang gặp nhiều khó khăn, thách thức rất gay gắt. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và các cấp Hội Nhà báo Việt Nam. Từ đó, nâng cao vai trò nòng cốt của lực lượng báo chí, của Hội Nhà báo Việt Nam trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, định hướng đúng đắn dư luận xã hội, góp phần nâng cao dân trí, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Tiếp thu tinh thần chỉ đạo, Hội Nhà báo Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới với nhiều thời cơ và cũng không ít thách thức, đòi hỏi việc tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo trong tình hình mới là yêu cầu cấp bách và quan trọng. Với các cấp Hội Nhà báo địa phương, Chỉ thị là cơ sở chính trị để Hội Nhà báo tỉnh tham mưu và thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội trong tình hình mới. Đồng thời, là cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan chủ quản đề ra chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho Hội Nhà báo tỉnh và các hội viên hoạt động hiệu quả hơn nữa.
Theo Hà Vân/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên