Ca ngợi hay phê bình thì cũng cần hướng đến xây đắp niềm tin của xã hội vào giáo dục

Thứ sáu - 13/11/2020 10:30
Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tại buổi Họp báo tổng kết Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2020 được tổ chức chiều ngày 12/11, tại Hà Nội.
111
Từ trái sang: Tổng Biên tập Triệu Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN Hồ Quang Lợi,
Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT Trần Quang Nam chủ trì họp báo.

Năm 2020 là năm thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam". Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực, tổ chức thực hiện.

Giải nhằm tôn vinh các tác giả có tác phẩm xuất sắc về sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà và tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Qua đó, nhằm tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp của ngành giáo dục với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu khai mạc buổi họp báo, ông Triệu Ngọc Lâm – Tổng biên tập Báo Giáo dục & Thời đại cho biết: GD-ĐT luôn được Đảng và Nhà nước coi là quốc sách hàng đầu. Ngày 4/11/2013, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Sự  nghiệp giáo dục luôn nhận được sự quan tâm của nhân dân và toàn xã hội, cùng đồng hành của báo chí cả nước những năm qua.

111
Ông Triệu Ngọc Lâm – Tổng biên tập Báo Giáo dục & Thời đại phát biểu khai mạc

Nội dung các tác phẩm đề cập chân thực, sâu sắc, phản ánh góc nhìn đa chiều đến nhiều khía cạnh của lĩnh vực GD-ĐT: Từ sự hy sinh cống hiến của các giáo viên vùng khó khăn, sự nỗ lực của những học sinh vượt khó học giỏi, học sinh đạt thành tích cao trong học tập; tới tinh thần mạnh dạn, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của nhiều giáo viên và học sinh, cũng như nhiều cơ sở giáo dục, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, khiến học sinh phải tạm dừng đến trường.

Thống kê cho thấy, đã có hơn 700 tác phẩm được gửi về tham dự Giải. So với 2 mùa Giải trước, mặt bằng chung các tác phẩm đạt chất lượng hơn; đề tài khá toàn diện, có sự đầu tư công phu về cách thức thể hiện và văn phong bút pháp.

Với tinh thần trách nhiệm cao, công tâm và nghiêm túc, Hội đồng giám khảo- là những nhà báo giàu kinh nghiệm đã hoàn thành tốt việc chấm các tác phẩm báo chí tham dự Giải. 

Khẳng định đây là giải báo chí toàn quốc quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, thể hiện sự đồng hành của báo chí với ngành giáo dục, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chung khảo Giải nhận định: Hội đồng chung khảo do tôi được giao trách nhiệm làm Chủ tịch đã chấm rất kĩ lưỡng, cân nhắc từng tác phẩm. Hội đồng đã trao đổi thảo luận và bỏ phiếu thông qua để quyết định trao tặng giải thưởng cho 50 tác phẩm, trong đó đặc biệt các tác phẩm được trao giải đặc biệt, A, B đều là tác phẩm xuất sắc, thể hiện trách nhiệm, tinh thần lao động sáng tạo, sự dấn thân của các nhà báo.

111
Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chung khảo Giải phát biểu

Ông Hồ Quang Lợi đánh giá rằng, không chỉ riêng Hội đồng giám khảo, mà các nhà giáo và dư luận xã hội đều ghi nhận, Giải năm nay có sự lan tỏa sâu rộng trong đội ngũ những người làm báo chuyên và không chuyên trên mọi miền Tổ quốc; các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương. Qua đó, kịp thời thông tin, phản ánh đa chiều về lĩnh vực GD-ĐT. Có thể nói, các tác phẩm dự Giải đã góp phần cổ vũ, động viên rất lớn đến đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Từ đó, họ có thêm động lực để làm việc, học để cống hiến hết mình, và dạy học để hướng đến cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

“Không chỉ có tôn vinh hay phản ánh một chiều, các tác phẩm dự thi cũng đề cập đến các bất cập, thiếu sót của ngành Giáo dục nhưng với tinh thần xây dựng phù hợp với tinh thần vì sự nghiệp giáo dục. Chúng ta ca ngợi hay phê bình thì cũng cần hướng đến xây đắp niềm tin của xã hội vào giáo dục. Nhà báo có trách nhiệm lớn trong nhiệm vụ xây đắp niềm tin đó” – Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Hồ Quang Lợi cũng chia sẻ về một số những bài báo ấn tượng như tác phẩm viết về lễ khai giảng đầy xúc động trên đỉnh Ngọc Linh – một lễ khai giảng đơn sơ nhưng vô cùng ấm cúng, thấm đượm tình thầy – trò và chạm đến tận cùng của cảm xúc. Đó là những câu chuyện về “Cha mẹ đã thay đổi”, với thông điệp: Hãy lắng nghe con trẻ để kết nối cảm xúc; đó là cách tốt nhất để mở cửa trái tim giữa cha mẹ và con cái.

Đó là câu chuyện về tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục, mà ở đó vẫn còn nhiều bất cập, rất cần có giải pháp căn cơ. Đó còn là “Năm học đáng nhớ” với vô vàn khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19, nhưng toàn ngành Giáo dục đã chủ động, nỗ lực quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học, sẵn sàng các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới…

Về hình thức thể hiện, Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN Hồ Quang Lợi nhận định: Các tác phẩm dự Giải năm nay đều được các tác giả, nhóm tác giả đầu tư công phu. Các tác phẩm báo điện tử, báo in được thiết kế, trình bày đẹp, kỹ lưỡng. Nhiều tác phẩm báo điện tử được trình bày sáng tạo, sinh động và thân thiện dựa trên nền tảng đa phương tiện phổ biến, phát huy thế mạnh loại hình Long - form hay Emagazine. Nhiều tác phẩm truyền hình được chăm chút kỹ hậu kỳ, kỹ lưỡng, sáng tạo trong khâu thể hiện và cách dẫn dắt lôi cuốn. Các tác phẩm ở loại hình phát thanh được xử lý theo hình thức hiện đại, với cách đặt vấn đề và trình bày sinh động, hấp dẫn.

Ông Ray Gordon - Hiệu trưởng Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) – nhà tài trợ Kim Cương trong 3 năm liên tiếp của Giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” 2020 chia sẻ mong muốn được tiếp tục sát cánh cùng Bộ GD&ĐT, Báo Giáo dục & Thời đại đồng hành cùng Ban tổ chức Giải. “Tôi rất vinh dự được Bộ GD&ĐT trao cơ hội chung tay góp sức làm nên thành công của Giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2020” – ông Ray Gordon nói.

Cũng tại Họp báo, Chánh văn phòng Bộ Giáo dục & Đào tạo Trần Quang Nam đánh giá rất cao vai trò Thường trực Giải của Báo Giáo dục và Thời Đại trong suốt 3 năm qua, đặc biệt là sự phối hợp tích cực cùng các đơn vị trong tổ chức, chấm giải, hậu cần...trong đó có Hội Nhà báo Việt Nam. 
 

Theo Hà Vân/NB&CL

Giải thưởng của Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” gồm: Biểu trưng Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”; Chứng nhận của Bộ GD&ĐT; tiền thưởng bằng tiền mặt: giải đặc biệt: 30.000.000 đồng; giải nhất: 30.000.000 đồng; giải nhì: 15.000.000 đồng/giải; giải ba: 10.000.000 đồng/giải; giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải. Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải được nhận biểu trưng Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam và phần quà (hoặc tiền mặt) trị giá: 10.000.000 đồng/tác phẩm. Buổi Lễ Tổng kết và trao giải được Truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2 vào 9h00 ngày 14/11/2020.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây