Nhà báo Nguyễn Anh Tú
Phó Chủ tịch TT Hội Nhà báo Hải Phòng
Thay mặt Hội Nhà báo Hải Phòng tôi xin phép trình bày tham luận: “Ba yếu tố góp phần nâng cao chất lượng hoạt động Hội”.
Năm 2020 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và báo giới trong nước có tác động to lớn tới hoạt động Hội nhà báo các cấp. Đó là: Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam; Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam; Kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước CHXH Việt Nam; tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng; Đại hội Thi đua yêu nước Hội Nhà báo Việt Nam giai đoạn 2020-2025 hướng tới Đại hội đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 11. Cũng trong năm 2020, những người làm công tác Hội Nhà báo cùng báo giới cả nước phấn khởi đón nhận Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi Hội Nhà báo Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hội và Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới. Đây là nguồn động viên to lớn đối với những người làm báo và người làm công tác Hội.
Trước hết, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn của mình tới Hội Nhà báo Hưng Yên đã sáng kiến tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nâng cao chất lượng hoạt động Hội Nhà báo các cấp”, tạo điều kiện cho những người làm công tác Hội chuyên trách chia sẻ kinh nghiệm và giao lưu với các Hội Nhà báo các tỉnh phía Bắc. Sau đây, thay mặt Hội Nhà báo Hải Phòng tôi xin trình bày tham luận “Ba yếu tố góp phần nâng cao chất lượng hoạt động Hội”.
Muốn Nâng cao chất lượng hoạt động Hội Nhà báo các cấp, theo tôi cần có 3 yếu tố, thứ nhất đó là Cán bộ Hội chuyên trách phải dám dấn thân, nêu cao trách nhiệm của bản thân với tổ chức Hội; thứ hai là hội viên phải tích cực tham gia công tác hội; thứ ba là có sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, Hội Nhà báo Việt Nam và các bộ, ban, ngành của Trung ương.
Thứ nhất đối với cán bộ Hội chuyên trách: Đây là yếu tố hết sức quan trọng, bởi trong bối cảnh hiện nay, việc giới thiệu nhân sự tham gia công tác Hội rất khó khăn, nhiều người ngại tham gia đội ngũ cán bộ Hội chuyên trách vì thu nhập không hấp dẫn. Ngoài lương ra, cán bộ Hội không còn khoản thù lao khác, nên sự lựa chọn tham gia công tác Hội đối với nhiều người này là rất nan giải.
Bên cạnh đó, người làm công tác Hội lại đòi hỏi các phẩm chất đặc thù như: biết quy tụ hội viên, có phương thức và kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo đối với phong trào của Hội, đặc biệt là phải dám dấn thân, nêu cao trách nhiệm của bản thân đối với tổ chức Hội cũng như hoạt động Hội.
Muốn có phong trào phải dành nhiều thời gian để “nhảy vào việc”, phải dám hy sinh nhiều công việc cá nhân và gia đình, thậm chí còn phải sử dụng cả mối quan hệ cá nhân của mình để phục vụ công tác Hội. Xuân thu, nhị kỳ, Hội Nhà báo phải tham gia nhiều hoạt động, phong trào văn hóa, thể thao, xã hội của địa phương, tham gia các cuộc thi báo chí do Trung ương và địa phương phát động, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, tọa đàm, hội thảo, kết hợp đi sáng tác và hoạt động xã hội từ thiện. Bên cạnh đó còn phải dành thời gian để giải quyết văn bản. Người làm công tác Hội phải xác định rõ như vậy thì mới yên tâm tham gia công tác Hội được.
Thực tế hiện nay, Hội Nhà báo Hải Phòng mới được bố trí 02 biên chế hưởng lương ngân sách, 01 lao động hợp đồng, trong khi Hội có tới 450 hội viên công tác tại các cơ quan đài, báo của thành phố, chưa kể hơn 100 hội viên là phóng viên thường trú, hoặc văn phòng đại diện. Cơ quan Hội Nhà báo Hải Phòng là một đầu mối tổ chức chính trị xã hội, hằng ngày chúng tôi tiếp nhận khá nhiều văn bản của thành phố và Trung ương chỉ đạo, vì vậy để hoàn thành nhiệm vụ chúng tôi phải hết sức nỗ lực. Một mặt nêu cao sự đoàn kết, thống nhất trong Thường vụ, Thường trực, trong Ban Chấp hành và cán bộ cơ quan Hội, chấp hành tốt Quy chế hoạt động của Ban chấp hành và Quy chế làm việc của cơ quan Hội, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao đối với từng vị trí cán bộ. Mỗi khi có công việc gấp, quan trọng, Thường trực Hội trao đổi trực tiếp, sau đó lấy ý kiến Ủy viên Ban chấp hành để ban hành văn bản, hoặc triển khai công việc bảo đảm dân chủ, thống nhất cao trong toàn cấp Hội.
Thông thường sau khi tổ chức Đại hội, cơ quan Hội, ở đây là vị trí Phó Chủ tịch Thường trực và cán bộ văn phòng phải tham mưu đề xuất kiện toàn, bổ sung một loạt văn bản, quy chế, quyết định mới cho phù hợp với tình hình thực tế…(Ví dụ như việc kiện toàn Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức đối với người làm báo, phải thường xuyên cập nhật tình hình nhân sự, đề xuất Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức đối với người làm báo của Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Quyết định mới, bảo đảm tính pháp lý và địa vị pháp lý của Hội đồng đủ hiệu lực ra các quyết định xử lý khi có hội viên vi phạm)…
Mặt khác, cán bộ Hội chuyên trách cần cháy hết mình trước công việc được giao, không ngại khó, ngại khổ, biết vận dụng linh hoạt các mối quan hệ để tổ chức sân chơi cho hội viên. Một trong những thế mạnh của Hội Nhà báo Hải Phòng là hoạt động sáng tác Ảnh báo chí hết sức sôi động. Hội hiện có CLB Ảnh Báo chí, đa số hội viên là nhà báo, cộng tác viên và cả hội viên của CLB Ảnh Báo chí của Nhà Văn hóa Hội Nhà báo Việt Nam chi nhánh Hải Phòng đang tham gia sinh hoạt. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên nêu cao vai trò đầu mối định hướng, tổ chức các chuyến đi sáng tác trên địa bàn Hải Phòng và các tỉnh bạn. Sau mỗi chuyến đi đều tổ chức thu hoạch, rút kinh nghiệm cho các chuyến đi tới. Với cách làm này, chất lượng ảnh do các hội viên sáng tác nâng cao rõ rệt, đây là nguồn ảnh phong phú cung cấp cho các cơ quan báo chí của thành phố và là tư liệu phục vụ tuyên truyền cổ động trực quan tại các sự kiện chính trị diễn ra tại Hải Phòng.
Thứ hai đối với hội viên cần có sự tự giác, nhiệt tình ủng hộ các phong trào và các công việc của Hội. Đây là yếu tố không dễ, bởi hầu hết các hội viên đều là phóng viên của các cơ quan báo đài, bản thân anh em phải chú tâm dành nhiều thời gian cho công việc chuyên môn, sau đó mới dành thời gian cho công việc liên quan đến Hội. Nếu hội viên các cơ quan báo chí không ủng hộ thì Hội khó lòng hoàn thành nhiệm vụ! Khi triển khai các cuộc thi báo chí, phong trào văn hóa - xã hội - thể thao mà không có lực lượng tham gia, coi như thất bại. Trong khi thu nhập, đời sống của anh em hội viên, phóng viên phụ thuộc vào cơ quan báo chí, nên ưu tiên số một của hội viên là công việc chuyên môn. Nếu hội viên không mặn mà với hoạt động của Hội, chưa thấy rõ vai trò của tổ chức Hội, thì việc huy động hội viên tham gia các phong trào của Hội cũng hết sức nan giải.
Thứ ba, nếu thiếu sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, Hội Nhà báo Việt Nam cũng như các cơ quan của trung ương thì hoạt động Hội cũng khó có chất lượng. Thực tế cho thấy, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã có những quan tâm cụ thể đối với hoạt động của Hội Nhà báo Hải Phòng. Trước hết, đối với các hoạt động của thành phố, lãnh đạo Hội được thành phố mời dự các sự kiện như: Đại hội Đảng bộ thành phố; Họp Phiên thường kỳ hằng tháng do UBND thành phố tổ chức; Các Kỳ họp của HĐND thành phố; Tham gia Hội nghị báo cáo viên hàng tháng do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức…Thông qua các sự kiện trên, lãnh đạo Hội có được thông tin chuẩn xác về tình hình chính trị, kinh tế xã hội của thành phố để thực hiện tốt chức năng giám sát báo chí.
Bên cạnh đó, thành phố tin tưởng vào đội ngũ cán bộ Hội Nhà báo, giao dự thảo nhiều văn bản quan trọng liên quan đến công tác báo chí và hoạt động Hội Nhà báo và các lĩnh vực quan trọng khác liên quan đến công tác tuyên truyền quảng bá hình ảnh thành phố. Tham gia xử lý các vấn đề nhạy cảm liên quan tới báo chí và dư luận xã hội. Nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Hội Nhà báo Hải Phòng, Hội Nhà báo Việt Nam, Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam…lãnh đạo thành phố cùng đại diện các ban, ngành đến thăm, động viên đội ngũ cán bộ Hội và hội viên. Đây là nguồn cổ vũ ý nghĩa để Hội Nhà báo tổ chức tốt các hoạt động của mình.
Cùng với sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, Hội Nhà báo Hải Phòng cũng nhận được sự quan tâm to lớn và thường xuyên của Hội Nhà báo Việt Nam trong chỉ đạo, lãnh đạo Hội nhà báo địa phương hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, cũng như tham gia đầy đủ các hoạt động của Trung ương Hội.
Tuy nhiên để “Nâng cao chất lượng hoạt động Hội Nhà báo các cấp”, tôi xin kiến nghị và đề xuất như sau:
1. Hội Nhà báo Việt Nam cần thống nhất với các Bộ, ban ngành Trung ương như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ tài chính trong việc định biên số lượng cán bộ Hội được hưởng lương từ ngân sách. Ví dụ Hội nhà báo cấp tỉnh, thành phố có 100 hội viên thì được bố trí bao nhiêu biên chế, 200 hội viên thì được bố trí bao nhiêu biên chế? Vấn đề này chúng tôi đã kiến nghị Hội Nhà báo Việt Nam và nhận được thông tin rằng: Bộ Nội vụ đã phân cấp cho địa phương! Vấn đề ở đây là nếu Hội cấp tỉnh, thành phố được bố trí thêm biên chế, thì kinh phí ngân sách cấp cho Hội hằng năm cũng sẽ tăng hơn, bảo đảm cho hoạt động của Hội.
2. Để nâng cao chất lượng hoạt động Hội Nhà báo các cấp, chúng tôi cùng đề nghị lãnh đạo các cơ quan báo chí quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện để các nhà báo, hội viên tham gia các hoạt động do Hội tổ chức như: tập huấn nghiệp vụ, tọa đàm, hội thảo cũng như các hoạt động văn hóa, thể thao, xã hội từ thiện. Nếu lãnh đạo cơ quan đài, báo chỉ tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn mà thiếu quan tâm tới hoạt động Hội thì không thể có phong trào tốt. Để tăng cường sự quan tâm phối hợp giữa lãnh đạo cơ quan báo chí và Hội, chúng tôi đã có Kế hoạch Ký kết giao ước thi đua giữa các Liên chi hội và Cơ chế phối hợp giữa lãnh đạo các cơ quan báo đài và lãnh đạo Hội, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh và chờ kết quả quy hoạch các cơ quan báo chí, nên vào dịp tổng kết công tác năm 2020 và triển khai công tác năm 2021, chúng tôi sẽ thực hiện.
Để nâng cao chất lượng hoạt động Hội nhà báo các cấp nói chung và công tác tập hợp những người làm báo vượt qua khó khăn, chúng tôi mong muốn đề nghị: đội ngũ hội viên cần tích cực học tập nâng cao trình độ tác nghiệp báo chí trong tình hình mới, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và ý thức xây dựng Hội. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí với các cấp hội chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn. Cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí tạo điều kiện cần thiết hơn nữa để Hội hoạt động và phát triển./.
Xin trân trọng cảm ơn!