Tới dự Đại hội có các đại biểu: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung Ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Hồng Lĩnh, đồng chí Thuận Hữu - Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi.
Ngoài ra, còn có các đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, đồng chí Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính; đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo Thứ trưởng Bộ TT&TT; đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Đại hội còn có các nhà báo lão thành như: Nhà báo Hà Đăng, nhà báo Hồng Vinh, nhà báo Tạ Ngọc Tấn,... cùng các nhà báo là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ và gần 300 đại biểu là những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của các cấp hội nhà báo Việt Nam.
Trước khi bắt đầu Đại hội, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã thông tin về tình hình diễn biến thiên tai trong thời gian qua, nhất là ở khu vực miền trung. Đặc biệt sự cố tối 28-10, tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam xảy ra vụ sạt 11 đất vùi lấp 45 người dân. Lực lượng cứu nạn đang trên đường vào hiện trường...Với tinh thần tương thân tương ái các đại biểu tham dự đại hội đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung. Theo đó, Ban tổ chức đã nhận được hơn 47 triệu đồng tại lễ phát động ủng hộ.
Một giai đoạn hoạt động với nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu
Phát biểu khai mạc Đại hội thi đua, nhà báo Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất’, những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2015 – 2020, công tác xây dựng và phát động các phong trào thi đua, công tác khen thưởng của các cấp Hội có bước chuyển biến tích cực, đưa phong trào thi đua yêu nước của Hội lên tầm cao mới, tạo khí thế thi đua sôi nổi, trở thành động lực quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết, động viên người làm báo không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt trọng trách của mình.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cho biết thêm: "Trong đại dịch Covid-19 hay trong những ngày này, bà con nhân dân các tỉnh “khúc ruột miền Trung” đang phải hứng chịu những tổn thất to lớn về người và tài sản do sự tàn phá nặng nề của thiên tai, người làm báo đã nêu cao tinh thần dấn thân để cống hiến, sẵn sàng đối mặt với gian khổ, hiểm nguy, thậm chí hy sinh cả tính mạng để kịp thời đưa những thông tin chính xác nhất, đầy đủ nhất đến với công chúng. Tấm gương dũng cảm của liệt sỹ- nhà báo- hội viên Hội Nhà báo Việt Nam Phạm Văn Hướng, hy sinh trong khi tác nghiệp tại thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa qua đã để lại cho chúng ta niềm xúc động, khâm phục lớn lao".
"Cũng chính nhà báo là những người đi đầu trong các phong trào thiện nguyện, các đợt cứu trợ bà con vùng lũ, kêu gọi tinh thần tương thân tương ái. Mỗi cơ quan báo chí, mỗi cấp Hội, mỗi một hội viên tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của mình mà thực hiện hỗ trợ, vận động quyên góp thiết thực và hiệu quả. Riêng cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, chỉ trong 1 tuần đã phối hợp thực hiện cứu trợ đồng bào vùng lũ miền Trung bằng tiền mặt hơn 400 triệu đồng", nhà báo Thuận Hữu chia sẻ thêm.
Theo nhà báo Thuận Hữu, Đại hội thi đua yêu nước Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan phong trào thi đua, công tác khen thưởng của Hội trong 5 năm qua và đề ra phương hướng nhiệm vụ, các giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới. Đồng thời, Đại hội có ý nghĩa rất quan trọng trong việc động viên, cổ vũ đội ngũ người làm báo ra sức phấn đấu, thi đua, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước cũng như sự nghiệp của nền báo chí cách mạng Việt Nam, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Báo cáo kết quả phong trào thi đua 2015-2020, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo cả nước. Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước, sự ủng hộ, cổ vũ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, sự nỗ lực phấn đấu của từng cán bộ, hội viên, tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam không ngừng lớn mạnh, vị trí, vai trò của Hội ngày càng được khẳng định và tôn vinh.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2015-2020, công tác xây dựng và phát động các phong trào thi đua, công tác khen thưởng của các cấp Hội có bước chuyển biến tích cực, đưa phong trào thi đua yêu nước của Hội lên tầm cao mới. Phong trào phát triển đều khắp các vùng miền, tạo khí thế thi đua sôi nổi, trở thành động lực quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết, động viên người làm báo không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt trọng trách của mình, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước cũng như sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Với phương châm thi đua để thúc đẩy việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Hội, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương Hội và các cấp Hội luôn đổi mới, sáng tạo trong việc tổ chức các phong trào thi đua, tạo được khí thế thi đua sôi nổi. Có phong trào thi đua chung, có phong trào gắn với từng chuyên đề hoạt động cụ thể. Nội dung các phong trào thi đua phong phú, thiết thực, sát với nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Việc đánh giá, bình xét thi đua, xếp loại tổ chức, đề xuất các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng, tuân thủ nguyên tắc công khai, công bằng, không khen thưởng tràn lan, cân đối giữa các vùng miền, tăng tính chủ động, sáng tạo cho các cấp Hội.
Nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh: Giai đoạn 2015 - 2020 là giai đoạn hoạt động Hội có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, với nhiều sự kiện nổi bật, góp phần nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò, hiệu quả của tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của người làm báo và có sức lan tỏa trong đời sống báo chí cũng như đời sống xã hội.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, các cấp Hội tăng cường công tác rà soát, kiện toàn bộ máy tổ chức Hội, thông qua công tác đổi Thẻ hội viên và việc kết nạp hội viên mới hàng năm. Trước khi đổi Thẻ hội viên giai đoạn 2016-2021 có 24.297 hội viên, sau khi đổi thẻ còn 19.203 hội viên, giảm hơn 5.000 trường hợp không đủ điều kiện. Số người làm báo gia nhập Hội tăng nhanh, tính đến tháng 10/2020, Hội Nhà báo Việt Nam có 26.183 hội viên đang sinh hoạt tại 287 đơn vị cấp hội gồm 63 Hội nhà báo tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội, 205 chi hội trực thuộc Trung ương. Trong nhiệm kỳ kết nạp 8.314 hội viên mới, bình quân mỗi năm kết nạp gần 2000 hội viên, đây là con số cao nhất từ trước đến nay.
Với 14.018 hội viên, chiếm hơn 50% số lượng hội viên trong toàn quốc, 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố tham gia tích cực và hiệu quả vào các phong trào thi đua do Trung ương Hội phát động. Điển hình trong phong trào thi đua xây dựng tổ chức Hội vững mạnh là các đơn vị: Hội Nhà báo TP Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, TP. Cần Thơ; HNB các tỉnh: Yên Bái, Quảng Ninh, Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Bạc Liêu, Lâm Đồng…19 Liên Chi hội trực thuộc Trung ương Hội có 6.669 hội viên.
Trong những năm qua, bám sát chủ đề và nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nhà báo Việt Nam, các Liên Chi hội tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức các phong trào thi đua, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. 205 Chi hội trực thuộc Trung ương Hội có 5.496 hội viên. Các Chi hội đều xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ gắn các phong trào thi đua với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan báo chí.
Công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho người làm báo là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt cả nhiệm kỳ, vì vậy luôn được Trung ương Hội và các cấp Hội quan tâm chỉ đạo, tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp nhằm không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, hội viện, đáp ứng yêu cầu của nghề báo trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0.
Giải Báo chí Quốc gia ngày càng có quy mô lớn, thu hút được nhiều tác phẩm báo chí tiêu biểu thuộc tất cả các loại hình báo chí tham gia, có sức lan tỏa sâu rộng, có tác dụng thiết thực động viên người làm báo thi đua sáng tạo, nâng cao chất lượng tác phẩm. Bên cạnh Giải Báo chí Quốc gia, Hội còn phối hợp và tham gia với các ban, bộ, ngành trung ương tổ chức thành công nhiều giải báo chí chuyên ngành và các giải báo chí liên ngành khác.
Bên cạnh các tập thể Hội, nhiều hội viên đã có nhiều nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động về nghiệp vụ, liên tục đạt những Giải thưởng cao tại các mùa giải Báo chí Quốc gia. Điển hình là các hội viên nhà báo: Tấn An (HNB Quảng Ngãi); Trần Lan Anh - Nguyễn Hà Vân (Báo Nhà báo & Công luận); Lê Biết (Đài PTTH Phú Yên); Đặng Thị Chung (Báo Lao động); Phan Minh Đạo (HNB Lâm Đồng); Lưu Trọng Đạt (Ảnh(TTXVN); Nguyễn Xuân Giang (HNB An Giang); Võ Mạnh Hùng (VietnamPlus/TTXVN); Nguyễn Thu Hương (Đài PTTH Quảng Ninh); Nguyễn Thị Hương Lan (Đài Tiếng nói VN); Trần Quang Minh (Đài Truyền hình VN); Phan Thanh Phong (Báo Nhân Dân); Hồ Quang Phương (Báo Quân đội Nhân dân); Đặng Thị Diễm Quỳnh (Đài Truyền hình VN), Dương Đình Tường (Báo Nông nghiệp Việt Nam); Đăng Trường (Báo Công an Nhân dân); Từ Thị Xuân Yến (Đài PTTH Quãng Ngãi)…
Bên cạnh đó, Hội Nhà báo Việt Nam tập trung đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động chấp hành Điều lệ Hội, thực hiện 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp, tổ chức nhiều đợt giám sát tại các Liên chi hội, chi hội trực thuộc Trung ương Hội và một số Hội Nhà báo ở các địa phương, góp phần thắt chặt nền nếp, kỷ cương, nâng cao vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam.
Công tác kiểm tra của các cấp Hội có những chuyển biến tích cực, được coi trọng và đi vào chiều sâu. Công tác bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên, nhà báo được quan tâm và đạt kết quả cao. Xử lý nghiêm các trường hợp nhà báo, hội viên vi phạm pháp luật, Điều lệ Hội và Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
Hoạt động văn hóa, thể thao, an sinh xã hội của tổ chức Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí là hoạt động thường xuyên, hiệu quả, tạo thành phong trào sôi nổi, có sức lan tỏa trong đời sống xã hội, thể hiện nét đẹp nhân văn của người làm báo Việt Nam, đồng thời góp phần nâng cao vị thế của tổ chức Hội. Tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn, từ nhiều năm qua, hoạt động nhân ái, từ thiện của các cấp Hội nói chung và Cơ quan Trung ương Hội nói riêng tiếp tục được thực hiện với những việc làm thiết thực, hiệu quả, góp phần giúp đỡ những mảnh đời khó khăn trong xã hội.
Nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định: Công tác xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong các cấp Hội được quan tâm đúng mức, kịp thời phát hiện những nhân tố mới. Công tác tuyên truyền về thi đua, khen thưởng được đẩy mạnh trên các kênh thông tin của Hội là báo Nhà báo và Công luận, tạp chí Người làm Báo, Cổng Thông tin điện tử, đặc san của các cấp Hội và trên một số phương tiện thông tin đại chúng khác. Một số Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố đã có nhiều sáng tạo trong hoạt động nghiệp vụ cũng như hoạt động từ thiện, xã hội, thu hút đông đảo hội viên, nhà báo tham gia, có sức lan tỏa trong đời sống báo chí cũng như đời sống xã hội.
Thẳng thắn, trách nhiệm góp ý vào mục tiêu, giải pháp trong giai đoạn tới
Đóng góp ý kiến tại Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Hà Nội Kiều Thanh Hùng với tham luận “Tiếp tục đổi mới, nâng cao phương thức, nội dung hoạt động của Hội Nhà báo trong tình hình mới” cho rằng, thời gian qua, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình với vai trò là “mái nhà chung” của những người làm báo Thủ đô. Hội đã tổ chức và vận động hội viên tham gia nhiều hoạt động như: Hội khoẻ Hội Nhà báo, Hội báo Toàn quốc, các giải báo chí của Thành phố, giải báo chí Quốc gia…
Mỗi năm, Hội tổ chức từ 3-6 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày, tổ chức nhiều chuyến đi thực tế viết bài…Để phát huy hiệu quả những thành quả đạt được, Hội Nhà báo Hà Nội đề xuất Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện để Hội phát triển vững mạnh hơn như: tham mưu đề xuất với Nhà nước hỗ trợ kinh phí sáng tạo chất lượng các tác phẩm báo chí giai đoạn 2020 – 2025; khen thưởng kịp thời nhằm tạo động lực, cổ vũ các cấp Hội Nhà báo, hội viên nhà báo thi đua lập thành tích; xây dựng và chuyển giao phần mềm quản lý hội viên nhà báo cho Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, đặc biệt là những Hội Nhà báo có đông hội viên như: Hội Nhà báo Hà Nội, Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh…
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh Trần Trọng Dũng cho rằng, để phát huy hiệu quả hơn hoạt động báo chí trong thời gian tới thì phát triển báo chí phải đi đôi với quản lý tốt, theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, phong phú về nội dung, sắc bén về tính định hướng, tính chiến đấu…
Về việc thực hiện đề án quy hoạch đối với từng cơ quan báo chí, giải quyết kịp thời các thắc mắc, theo nhà báo Trần Trọng Dũng: “Bài học kinh nghiệm rút ra là cần nắm chắc chức năng nhiệm vụ của Hội, sâu sát, lắng nghe từ cơ sở, để nắm chắc tình hình từ đó chủ động tham mưu đề xuất giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn, tạo đồng thuận khi thực hiện”.
Là địa phương có nhiều phóng viên thường trú trên địa bàn, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An Trần Minh Ngọc đóng góp ý kiến tại Đại hội với tham luận “Phát huy vai trò đội ngũ phóng viên văn phòng đại diện, thường trú trên địa bàn”. Nhà báo Trần Minh Ngọc cho biết, hiện Nghệ An đã thành lập Chi hội nhà báo thường trú tại Nghệ An với 20 hội viên của 19 cơ quán báo chí của các văn phòng đại diện.
Để phát huy tốt hơn vai trò của đội ngũ phóng viên thường trú, nhà báo Trần Minh Ngọc đề nghị Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các Liên chi hội, Chi hội nhà báo, cơ quan báo chí có đặt văn phòng đại diện và phóng viên thường trú tại địa phương cần phối hợp với Hội Nhà báo địa phương trong các hoạt động nghiệp vụ; Hội Nhà báo Việt Nam cần chấn chỉnh kịp thời đối với những phóng viên, cộng tác viên thường trú không đủ năng lực chuyên môn, có những biểu hiện tiêu cực khi tác nghiệp; cần có quy định cụ thể về đề nghị kết nạp hội viên mới…
Tiếp đó nhà báo Đồng Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam giai đoạn 2015-2020 có phần tham luận về đổi mới hoạt động để tạo cảm hứng sáng tạo cho hội viên. Theo nhà báo Đồng Mạnh Hùng: Trong thời gian qua, LCH xác định phải nắm bắt được nhu cầu của hội viên. Với một LCH đông hội viên như VOV, thì việc nắm bắt nhu cầu không thể có cách nào khác là thông qua mạng lưới các chi hội. Hàng năm, LCH đề nghị các đơn vị báo cáo nhu cầu hoạt động, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ thông qua các báo cáo tổng kết, hoặc phiếu thăm dò, điều tra...
Để thu hút hội viên và đáp ứng nhu cầu được giao lưu với công chúng, và nhu cầu thể hiện tài năng của mình, tại Hội báo toàn quốc hàng năm, LCH VOV đều tạo ra những chủ đề cụ thể và giao cho các hội viên chủ trì tổ chức các hoạt động thu hút công chúng đến với Hội Báo như: Làm phát thanh trực tiếp với VOV1 (2016); Cùng dẫn chương trình với MC VOV Giao thông (2017); Sâu lắng với Tiếng Thơ VOV2 (2018) hoặc cùng làm báo với VTCnow (2017); Dạy hát Dân ca (VOV3)... Các hoạt động này thực sự đã tạo ra điểm nhấn của LCH VOV tại Hội báo toàn quốc hàng năm và năm nào Gian trưng bày của VOV cũng được đánh giá cao về tính sáng tạo.
Liên chi hội đã mời các nhà quản lý báo chí cấp trên và các nhà báo giỏi nghề, nói hay trong Đài làm diễn giả. Hội thảo vừa đề cập tổng thể hiện trạng đạo đức báo chí vừa hấp dẫn với các câu chuyện tác nghiệp báo chí an toàn, không vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp. Ngay sau đó, Văn phòng LCH đã hướng dẫn các chi hội cơ sở tiến hành hoạt động nghiệp vụ xoay quanh chủ đề đạo đức nghề nghiệp. LCH VOV quan tâm và đầu tư dài hơi, thực hiện một vệt hoạt động nghiệp vụ nhằm hỗ trợ người làm báo ở Đài Tiếng nói Việt Nam làm chủ kỹ năng sử dụng kiến thức và công nghệ trong môi trường làm báo đa phương tiện, đa loại hình.
Cũng tại Đại hội, phát động phong trào thi đua giai đoạn 2020-2025, nhà báo Mai Đức Lộc – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Mục tiêu tổng quát của công tác thi đua, khen thưởng Hội Nhà báo Việt Nam giai đoạn 2020-2025 là: Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đoàn kết, bản lĩnh, tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động, thi đua xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, đội ngũ người làm báo giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về chính trị tư tưởng, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Đại hội thi đua yêu nước Hội Nhà báo Việt Nam giai đoạn 2020-2025 phát động toàn thể hội viên, người làm báo các cấp hội từ Trung ương đến cơ sở hưởng ứng tham gia tốt phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó cần tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; Chỉ thị số 34-CT/TƯ ngày 17/04/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, thực hiện Luật thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành của Trung ương, của Hội Nhà báo Việt Nam về công tác thi đua, khen thưởng. Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Mỗi cán bộ, hội viên phải phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở các cấp Hội.
Đẩy mạnh các phong trào thi đua, thực hiện Chỉ thị 43 CT/TƯ, ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới” và Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Luật Báo chí, Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Làm tốt chức năng báo chí là phát hiện, thông tin, nhân rộng điển hình, nhân tố điển hình. Thực hiện phương châm lấy xây để chống, đảm bảo nguyên tắc khách quan, công tâm, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển mọi mặt. Đội ngũ những người làm công tác thi đua, khen thưởng cần có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua - khen thưởng, có bề dày kiến thức và kinh nghiệm, gắn bó với tổ chức Hội và phong trào thi đua để tích cực tham mưu cho các cấp uỷ, chính quyền trong công tác thi đua, khen thưởng.
Phát biểu bế mạc Đại hội, nhà báo Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam kêu gọi toàn thể hội viên, tổ chức các cấp Hội nhiệt tình hưởng ứng và tham gia tích cực vào các phong trào thi đua của Hội Nhà báo Việt Nam; Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đội ngũ những người làm báo trong giai đoạn 2020-2025; thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam, xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, trung thực và nhân văn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tại Đại hội, Hội Nhà báo Việt Nam đã tặng bằng khen cho 22 tập thể Hội và 17 cá nhân “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Thi đua yêu nước trong 5 năm 2015 - 2020”. Ngoài ra, còn có 14 tập thể, 15 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc về nghiệp vụ và xây dựng Hội năm 2019. 1 tập thể Hội có nhiều đóng góp trong công tác từ thiện.
Theo NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên