Tinh thần thi đua ấy đã và đang nhen lên thành ngọn lửa, lan tỏa rộng khắp, tạo thành sức mạnh thúc giục, cổ vũ, động viên, khích lệ đội ngũ hội viên, nhà báo cùng đoàn kết, nỗ lực thực hiện tốt sứ mệnh của người làm báo cách mạng Việt Nam.
+ Chặng đường trong 5 năm qua (2015-2020), công tác thi đua, khen thưởng đã được các cấp Hội coi trọng và từng bước đi vào nền nếp. Thưa Phó Chủ tịch Thường trực, ông đánh giá như thế nào về tinh thần thi đua của giới báo chí nói chung và các cấp Hội Nhà báo Việt Nam thời gian qua nói riêng?
- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi: Có thể nói, 5 năm vừa qua là một giai đoạn rất đặc biệt đối với Hội Nhà báo Việt Nam chúng ta. Hội ta đứng trước những đòi hỏi cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về nội dung và phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng và hiệu quả, để Hội ngày càng có sức thu hút với hội viên, tạo động lực trong hoạt động báo chí, hoạt động nghề nghiệp. Rõ ràng, phong trào thi đua thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội X, Luật Báo chí, Quy định về đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo đã tạo bước chuyển mạnh trong nhận thức của hội viên về trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp. Theo đó, các nội dung thi đua được xác định rõ ràng, cụ thể, nhấn mạnh vào nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của hoạt động Hội. Nhiệm kỳ qua, thi đua mang tính thực chất, nhờ thế tạo được không khí sôi nổi, hào hứng lan tỏa mạnh mẽ từ Trung ương xuống các cấp Hội cơ sở. Có thể khẳng định, giai đoạn 2015 - 2020 là giai đoạn hoạt động Hội có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, với nhiều sự kiện nổi bật, góp phần nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò, hiệu quả của tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của người làm báo và có sức lan tỏa trong đời sống báo chí cũng như đời sống xã hội.
+ Vậy thưa ông, từ việc xác định thi đua hướng đến thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của hoạt động Hội, chúng ta đã đạt được những kết quả như thế nào trong nhiệm kỳ nhiều khởi sắc vừa qua?
- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi: Với phương châm thi đua để thúc đẩy việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Hội, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương Hội và các cấp Hội luôn đổi mới, sáng tạo trong việc tổ chức các phong trào thi đua. Có phong trào thi đua chung, có phong trào gắn với từng chuyên đề hoạt động cụ thể. Nội dung các phong trào thi đua phong phú, thiết thực, sát với nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Chúng ta đã tăng cường công tác củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức Hội, thông qua đổi Thẻ và kết nạp hội viên mới hằng năm. Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy, đảng đoàn, ban cán sự các bộ ngành điều chỉnh linh hoạt thời gian tiến hành đại hội các cấp Hội để phù hợp với nhiệm kỳ của HNBVN. Đến nay hầu hết các cấp Hội Nhà báo đã tiến hành Đại hội theo đúng tinh thần này. Tổ chức tổng kết rất hiệu quả Chỉ thị 37 của Ban Bí thư từ Trung ương đến địa phương, từ đó đề nghị Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị 43 CT/TƯ “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”. Đây là chỉ thị rất quan trọng không chỉ đối với Hội Nhà báo Việt Nam mà còn đối với giới báo chí cả nước, tiếp tục khẳng định sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm ủng hộ, tạo điều kiện của cả hệ thống chính trị đối với tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam, một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương. Nâng cao trình độ nghiệp vụ là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt cả nhiệm kỳ, vì vậy luôn được Trung ương Hội và các cấp Hội quan tâm chỉ đạo, tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp nhằm không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, hội viên, đáp ứng yêu cầu của nghề báo trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0. Trong 5 năm qua, đã có hơn 500 lớp học bồi dưỡng được tổ chức, đề án tác phẩm báo chí chất lượng cao được coi trọng, các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về các vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội... được cập nhật, tổ chức thường xuyên. Đặc biệt, Giải Báo chí Quốc gia ngày càng có quy mô lớn và uy tín, thu hút được nhiều tác phẩm báo chí tiêu biểu, có sức lan tỏa sâu rộng, có tác dụng thiết thực động viên người làm báo thi đua sáng tạo, nâng cao chất lượng tác phẩm. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp tham gia nhiều giải báo chí chuyên ngành, liên ngành khác, tiêu biểu phải kể đến Giải Báo chí xây dựng Đảng mang tên “Búa liềm vàng”, Giải Báo chí về phòng chống tham nhũng lãng phí… có ý nghĩa sâu sắc, khích lệ tinh thần cống hiến, dấn thân, thể hiện tính chiến đấu của báo chí.
Không chỉ vậy, lần đầu tiên chúng ta tổ chức Hội báo Toàn quốc thay vì Hội báo Xuân 5 năm một lần; Khai trương Bảo tàng Báo chí Việt nam, tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm và khánh thành Bia Di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, xây dựng con đường vào khu di tích lịch sử HNBVN...
+ Được biết, trong nhiệm kỳ qua, vấn đề rèn giũa đạo đức báo chí đã được HNBVN đặc biệt coi trọng trong bối cảnh nghề nghiệp nhiều thách thức hiện nay, thưa ông?
- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi: Đúng vậy! Trong nhiệm kỳ này, Hội đã ban hành 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội cho hội viên nhà báo, thành lập Hội đồng xử lý kỷ luật các cấp, chủ động và kịp thời can thiệp, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên - nhà báo, kiên quyết đấu tranh và lên án các hành vi sai trái cản trở các nhà báo hoạt động đúng pháp luật. Song song với đó, Hội cũng đưa vào sử dụng phần mềm theo dõi việc đăng và gỡ bài trên báo điện tử; Ban hành Quyết định số 979-QĐ/HNBVN ngày 16/4/2018 về chế độ sinh hoạt Hội, nhằm tăng cường công tác quản lý hội viên, kịp thời phát hiện và ngăn chặn hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức người làm báo. Hội phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, tham gia có trách nhiệm vào thực hiện quy hoạch báo chí, luôn coi trọng bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp, lợi ích chính đáng của hội viên. Thực hiện tốt chức năng phản biện, xây dựng chính sách báo chí... Ngoài ra, Hội Nhà báo rất coi trọng đời sống tinh thần của hội viên thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao, an sinh xã hội, thể hiện nét đẹp nhân văn của người làm báo Việt Nam, đồng thời góp phần nâng cao vị thế của tổ chức Hội. Giải bóng bàn Cúp Hội Nhà báo Việt Nam hằng năm, Liên hoan Tiếng hát người làm báo 2 năm một lần là những sự kiện thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia... Tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn, từ nhiều năm qua, hoạt động nhân ái, từ thiện của các cấp Hội nói chung và Cơ quan Trung ương Hội nói riêng tiếp tục được thực hiện với những việc làm thiết thực, hiệu quả, góp phần giúp đỡ những mảnh đời khó khăn trong xã hội. Ngoài ra, hoạt động đối ngoại, nhất là trong vai trò Chủ tịch Tổ chức Nhà báo Asean đạt nhiều hiệu quả, từ đó nâng cao vai trò của giới báo chí Việt Nam trong khu vực.
Có thể nói, qua phong trào thi đua, hội viên nhà báo nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của người làm báo, của các cấp Hội Nhà báo, từ đó nỗ lực hơn nữa để triển khai nhiệm vụ theo hướng thực chất, thiết thực và ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, việc tổ chức phong trào thi đua của Hội luôn gắn với việc kiểm tra, giám sát theo từng quý, từng năm. Tất cả điều này vừa khích lệ tinh thần cống hiến của hội viên, vừa góp phần ngăn chặn sai phạm trong bối cảnh đạo đức báo chí đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự suy thoái. Mỗi dịp tổng kết thi đua khen thưởng hằng năm, Hội Nhà báo đều có báo cáo riêng về thi đua khen thưởng. Việc đánh giá, bình xét thi đua, xếp loại tổ chức, đề xuất các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng, tuân thủ nguyên tắc công khai, công bằng, không khen thưởng tràn lan, tránh việc khen thưởng cào bằng, “cả làng cùng vui”. Ngoài việc khen thưởng theo định kỳ, Hội cũng luôn chú trọng khen thưởng đột xuất.
+ Khen thưởng đột xuất, cụ thể là như thế nào thưa ông?
- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi: Chúng tôi mong muốn công tác thi đua của chúng ta không chỉ đến kỳ hạn, đến lúc tổng kết nhiệm kỳ hay tổng kết năm thì mới bình xét, khen thưởng mà công tác thi đua khen thưởng phải bám sát vào từng thời điểm, từng tình huống mà đánh giá và ghi nhận kịp thời. Chẳng hạn như năm 2019, chúng ta khen thưởng cho Cổng Thông tin điện tử HNBVN vì đưa vào sử dụng có hiệu quả phần mềm theo dõi đăng, gỡ bài trên báo điện tử, khen thưởng nhóm phóng viên của Báo Lao Động thực hiện loạt bài về Chùa Ba Vàng, hay tôn vinh những gương sáng có tinh thần cống hiến và hy sinh trong hoạt động nghiệp vụ như nhà báo Đinh Hữu Dư và vừa rồi là nhà báo Phạm Văn Hướng... Chúng ta đề nghị khen thưởng đột xuất cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam với nỗ lực và những thành tích xuất sắc thời gian qua. Chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh điều này là bởi, việc khen thưởng đột xuất, đúng người đúng việc thì tác dụng rất to lớn. Tất nhiên, điều này đòi hỏi việc thẩm định, xem xét phải linh hoạt, chính xác, thuyết phục. Khen thưởng có nhiều mức độ, khen về nghiệp vụ, khen về hoạt động xã hội, khen về công tác hội, khen tấm gương điển hình có tính toàn diện... Khen một tấm gương phải đánh giá toàn diện cả một quá trình, cả năng lực, cả phẩm chất đạo đức, còn khen thưởng đột xuất thì chủ yếu đánh giá tác động lan tỏa tích cực tại thời điểm đó, cần khen thưởng ngay để khích lệ tinh thần... Khen thưởng kịp thời đúng người, đúng việc thì rất có tác dụng, không chỉ riêng cá nhân mà có tác dụng thúc đẩy phong trào chung. Điều quan trọng nhất là phải dành vinh dự cho người xứng đáng - đó mới là bản chất và ý nghĩa thực sự của công tác thi đua.
+ Những ngày này, cả nước đang hướng đến miền Trung ruột thịt, những người làm báo đang nỗ lực không ngừng lao vào rốn lũ tác nghiệp, cung cấp, cập nhật thông tin từng giờ, từng phút... Trước đó là tinh thần tiên phong tuyến đầu trên mặt trận chống đại dịch Covid-19. Ông đánh giá như thế nào về sự xung kích trên mặt trận thông tin của hội viên, nhà báo hôm nay?
- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi: Quả thực, năm 2020 là một năm nhiều biến động, đại dịch Covid-19 rồi lũ lụt ở miền Trung ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội. Ở cả hai sự kiện này, những người làm báo đều thể hiện rõ tinh thần tiên phong, luôn luôn có mặt trên tuyến đầu, ở mọi điểm nóng, ở các mặt trận khó khăn của đất nước. Truyền thống ấy được nuôi dưỡng, phát huy từ những năm đầu của Báo chí Cách mạng Việt Nam cho đến ngày hôm nay. Tôi cho rằng, đây là một nét vàng truyền thống, một phẩm cách cao quý của người làm báo, được thấm nhuần vào lao động báo chí hiện nay. Khi thực hiện nhiệm vụ, báo chí luôn nêu cao trách nhiệm, khi gặp những tình huống đòi hỏi sự cống hiến, hy sinh, chúng ta cũng sẵn sàng đương đầu và dấn thân. Tôi thấy xúc động là ở các cấp Hội, các cơ quan báo chí đều cảm thấy đó là trách nhiệm, là niềm tự hào khi được đảm đương những công việc như thế. Bao giờ cũng vào cuộc với một tinh thần không quản ngại khó khăn, gian khổ và sẵn sàng vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Tôi chưa nghe thấy thông tin một nhà báo nào từ chối nhiệm vụ đi vào những nơi khó khăn. Có những nhà báo còn xung phong đi vào vùng rốn lũ, “nằm vùng” nhiều ngày qua. Họ đã thể hiện tinh thần “thư ký trung thành của thời đại”. Như vậy, tinh thần thi đua là phải hướng đến làm sao khuyến khích, khích lệ những việc làm, hành động tốt đẹp. Đó là tinh thần giữ lửa cho ngòi bút - giữ cho ngòi bút ngay thẳng, giữ cho ngòi bút có dũng khí và giữ cho ngòi bút thẫm đẫm tinh thần nhân văn.
+ Để tiếp tục “giữ lửa” trong thi đua, với vai trò là nơi tập hợp, quy tụ hội viên nhà báo, là mái nhà chung của người làm báo, thời gian tới, HNBVN sẽ thực hiện những nhiệm vụ như thế nào để phong trào thi đua ngày càng thiết thực, hiệu quả và lan tỏa hơn nữa, thưa ông?
- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi: Trong nhiệm kỳ tới, chúng ta cần phải tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trọng điểm được xác định trong Nghị quyết Đại hội XI HNBVN. Các nhiệm vụ đó được thực hiện trong một bối cảnh hoạt động báo chí, hoạt động Hội có cơ hội cùng với nhiều thách thức rất gay gắt. Ở đó, đang đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để thích ứng hơn nữa trong môi trường truyền thông số. Ở đó, yêu cầu đưa nền báo chí của chúng ta hoạt động theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại cũng ngày càng bức thiết hơn. Từ bối cảnh mới với nhiều vấn đề khó nảy sinh, đòi hỏi báo chí cần tiếp tục nêu cao chức năng định hướng dư luận xã hội. Báo chí phải trở thành luồng thông tin chính thống, chủ lưu trong môi trường truyền thông rất đa dạng và phức tạp hiện nay.
Trong công tác thi đua, cần nhấn mạnh và đề cao tính gương mẫu của người đứng đầu ở các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo. Đó là những người tiên phong “giữ lửa bút”, là những người tiếp tục lan tỏa thông điệp thi đua trong bất cứ hoàn cảnh nào. Dù thực hiện nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn, thi đua vẫn luôn phải tập trung vào việc khích lệ điển hình tiên tiến, đồng thời ngăn chặn đẩy lùi hiện tượng tiêu cực trong hoạt động báo chí, lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu... Do vậy, thi đua phải được xác định bằng tinh thần trách nhiệm, tính chuẩn mực và đạo đức làm nghề của người làm báo. Từ đó, xây dựng một môi trường truyền thông lành mạnh, trong đó báo chí đóng vai trò quan trọng.
Trong kỷ nguyên số, cách thức làm nghề, phương thức làm nghề có thể khác, cần không ngừng đổi mới nhưng đạo đức làm nghề, lý tưởng làm nghề của chúng ta thì không thể khác. Chúng ta làm nghề vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì những giá trị tốt đẹp mà chúng ta bảo vệ và hướng tới. Thấm nhuần tinh thần ấy, công tác thi đua của Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục hướng đến xây dựng đội ngũ những người làm báo vững vàng bản lĩnh chính trị, tinh thông nghiệp vụ, trong sáng đạo đức nghề nghiệp; xây dựng nền báo chí giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
Sông Mây (Thực hiện)
Nguồn tin: Báo Nhà báo & Công luận
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên