Variety Show là loại hình chương trình xuất hiện trong những bảng xếp hạng thế giới về xu hướng biểu diễn, trong đó, để chuyển tải một cốt truyện xuyên suốt, đạo diễn lựa chọn và kết hợp nhiều loại hình biểu diễn từ múa, hát, kịch, xiếc... kết hợp với các kĩ thuật âm thanh, hình ảnh hiện đại để đem đến trải nghiệm thưởng thức nghệ thuật mới cho khán giả. Gần đây, các đơn vị nghệ thuật tại Việt Nam đã dàn dựng một số chương trình theo hướng này, nhất là khi có một số đạo diễn được đi học tập, đào tạo tại nước ngoài về. Nhà hát Tuổi trẻ là một trong những đơn vị như vậy mà chương trình ca múa nhạc Trời biếc Thu sang vừa diễn ra là một nỗ lực mới nhất.
Trời biếc thu sang được biểu diễn một đêm duy nhất vào thứ 7, ngày 24/10/2020 tại rạp Tuổi trẻ với giá vé khá cao trong mặt bằng sân khấu hiện nay (3 mức vé 500.000đ – 700.000đ và 1.000.000đ). Tuy vậy, khán phòng vẫn kín ghế ngồi. Có lẽ một phần do công tác truyền thông cũng như mục đích chương trình có hướng đến hoạt động thiện nguyện khi phối hợp với quỹ “Thiện Nhân” của nhà báo Trần Mai Anh để hỗ trợ các ca phẫu thuật cho một số trẻ em thiếu may mắn.
Chương trình đã sử dụng 20 tác phẩm thi ca, múa, hội họa và âm nhạc qua các thời kì, đặc biệt đã coi thơ như một đối tượng để trình diễn và dành cho nó một vị trí xứng đáng, điều dường như chỉ xuất hiện trong các sự kiện văn chương chứ rất hiếm thấy trong các chương trình nghệ thuật bán vé. Các thi phẩm của Xuân Quỳnh (với các bài thơ “Trời trở rét”, “Thơ tình cuối mùa thu”, “Lại bắt đầu”, “Hoa cỏ may”) và nhà thơ Bùi Kim Anh (với bài thơ “Ngược lối thu sang”) đã được các nghệ sĩ thể hiện trong một kịch bản xen kẽ các tác phẩm âm nhạc với mong muốn tạo nên sự hòa quyện, cộng hưởng giữa thơ và nhạc. Tổng đạo diễn của chương trình là NSƯT Ngọc Ánh, kịch bản của Ly Vũ. Chương trình đã chọn cách thổi cho những tác phẩm thơ một lối thể hiện trẻ trung và chất đương đại, các bài thơ được trình diễn theo ý đồ tổng thể chung thay vì theo âm hưởng và phong cách thơ quen thuộc của tác giả cũng như cách tiếp nhận truyền thống.
"Trời biếc Thu sang là sự sáng tạo lại các bài thơ với tiết tấu hiện đại được hình tượng thông qua chất liệu múa đương đại và lưu giữ cảm xúc sống động bởi sự trình diễn hội họa ngay tại sân khấu. Chương trình mong muốn khán giả có được những trải nghiệm mới với thơ”, tổng đạo diễn NSƯT Ngọc Ánh chia sẻ.
Cũng theo chia sẻ của nữ đạo diễn, kịch bản của chương trình xoay quanh những kí ức của một hoạ sĩ. Khi đất trời giao mùa cuối thu sang đông, người họa sĩ đi tìm lại những vần thơ đã mất, hoài niệm về tình yêu đã xa. Từng chút từng chút một, miền kí ức dần hiện lên qua nét phác họa của bức tranh mùa thu, qua giai điệu âm nhạc và lời thơ dâng tràn cảm xúc… Tình yêu ấy của hoạ sĩ đã nảy nở vào mùa thu, chất chứa bao đam mê mãnh liệt của tuổi trẻ, cùng trải qua những phút nhớ nhung da diết, những phút giận hờn vu vơ, những ngày chưa giông bão… Và ngậm ngùi khi mùa đông tới. Nữ họa sĩ Lê Vi là người đảm nhiệm vai trò này.
Tuy vậy, trong đêm diễn duy nhất vào tối 24/10, có vẻ như khán giả vẫn chưa cảm nhận hết ý đồ kịch bản, dường như dây dẫn chưa đủ mạnh để kết nối các tiết mục đơn lẻ nên người xem vẫn có cảm giác như đi xem ca nhạc nhiều hơn là một chương trình tổng hòa giữa thơ và nhạc theo một kịch bản kết dính xuyên suốt. Phần trình chiếu tuy hỗ trợ tốt cho chương trình nhưng việc chọn lọc hình ảnh còn phần nào xa lạ với văn hóa Việt Nam, một số cảnh thu đẹp đến hoàn mĩ nhưng của châu Âu và nước ngoài, cảnh lá phong rơi tràn lan cả trên màn hình và rải đầy sân khấu xuyên suốt đêm diễn tạo ra những khập khiễng khi chuyển cảnh, chuyển tiết mục cũng như khiến người xem cảm thấy kĩ xảo bị lạm dụng.
Đạo diễn phần kịch thơ là NSƯT Sỹ Tiến, một người có nhiều kinh nghiệm dựng các chương trình trình diễn thơ, đã từng cộng tác, hỗ trợ Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam trong dàn dựng Sân thơ Trẻ, Ngày thơ Việt Nam. Các nghệ sĩ thể hiện phần thơ khá tốt và nhuần nhuyễn, đã nhập thân vào tác phẩm. Nhạc sĩ Tường Văn đóng vai trò đạo diễn âm nhạc. Ban nhạc chơi trực tiếp trên sân khấu, các nhạc sĩ hòa âm phối khí từ góc nhìn, cảm xúc của giới trẻ về những ca khúc xưa tạo nên không khí tươi trẻ và nhịp điệu đương đại.
Bên cạnh ekip sản xuất nhiều kinh nghiệm, dàn nghệ sĩ biểu diễn trẻ cũng là những cái tên khá sáng như ca sĩ Việt Anh, Phương Thảo, Yên Hà, Hà My và đôi múa chính Anh Tuấn và Hương Ly. Những cung bậc tình yêu của một đời người được đạo diễn chuyển tải qua sự kết nối của thơ và nhạc. Ngoài các thi phẩm như những điểm ráp nối nhẹ nhàng, phần âm nhạc có thể thấy rõ hai nhóm ca khúc truyền thống và các bài hát mới. Ở nhóm truyền thống là các ca khúc “Nhớ mùa thu Hà Nội” (Trịnh Công Sơn), “Đâu phải bởi mùa thu”, “Khúc mùa thu” (Phú Quang), “Thu cạn” (Giáng son). Bên cạnh đó là các ca khúc trẻ “Chỉ còn những mùa nhớ” (Minh Min), “Ngày chưa giông bão” (Phan Mạnh Quỳnh), “Chỉ là giấc mơ” (Kim Ngọc), “Nồng nàn Hà Nội” (Nguyễn Đức Cường)...
"Hãy cứ sống từng giây phút biếc xanh, rồi tình yêu và những điều tốt đẹp sẽ đến và nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta trẻ mãi với thời gian". Đó là thông điệp mà chương trình Trời biếc Thu sang mong muốn đem tới cho các thế hệ khán giả.
Có thể ghi nhận những nỗ lực của Nhà hát Tuổi trẻ trong việc thể nghiệm những cách làm mới với một số hoạt động nghệ thuật gần đây, từ chương trình “Sức sống kịch Lưu Quang Vũ” đến các vở có tính tìm tòi và tương tác với văn học như vở nhạc kịch “Trại hoa vàng” của đạo diễn Lê Ánh Tuyết, chuyển thể kịch bản từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nhìn vào kịch mục biểu diễn của Nhà hát thấy khá sôi động, đó là một nỗ lực để kéo khán giả đến với sân khấu trong tình hình hiện nay.
Một số hình ảnh đêm diễn Trời biếc Thu sang:
Theo VNQĐ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên