"Vị trí số 1 bị thử thách"

Thứ sáu - 13/11/2020 14:20
Theo báo cáo chính thức của Bộ Thông tin và Truyền thông: “Năm 2008 Bộ đã xử lý vi phạm hành chính 65 trường hợp của 41 cơ quan báo chí, 4 tổ chức và 01 cá nhân với tổng mức xử phạt là 561 triệu đồng. Năm qua có tới 15 nhà báo bị thu hồi thẻ nhà báo, trong đó có tới 6 người là lãnh đạo cơ quan báo chí; có 5 trường hợp bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt giam; 03 trường hợp bị cơ quan chủ quản xử lý kỷ luật cảnh cáo, miễn nhiệm chức vụ và điều chuyển công tác khác”.

Nhìn từ góc đối tượng bị quản lý, bị kiểm soát sẽ dễ chấp nhận tình cảnh chợ chiều hàng ế của báo viết. Thật ra đó chỉ một phần trong toàn cảnh truyền thông đại chúng sử dụng tiếng Việt. Thử ngồi ở ghế người đọc, lướt qua một vài cơ quan truyền thông thường được nhắc đến trong giới thạo nghề ta sẽ thấy cái mới của năm 2009:

- BBC tiếng Việt giảm đầu tư phát thanh, tăng ưu thế vượt trội của WEB tiếng Việt, tham dự sâu vào nhưng vấn đề thời sự chủ lưu ở Việt Nam, mở rộng diễn đàn và lôi cuốn ngày càng nhiều người đọc tham gia làm báo.

- VNN trở thành trang thông tin thời sự chính trị mạnh nhất Việt Nam. TTO mất vị trí tranh chấp một thời ở top 3 (VNN, TTO, VN EXPRESS). Theo các số đo đáng tin cậy thì TTO vẫn đang tiếp tục trên đà suy giảm.

- Báo điện tử lại phát triển mạnh cả quy mô và chất lượng, đặc biệt là khả năng phúc đáp nhu cầu của người đọc trẻ có ảnh hưởng xa hội. Theo các thống kê chưa đầy đủ, đến năm 2009,Việt Nam đã có 24 triệu người sử dụng Internet, gần 3 triệu trang web cá nhân (blog) sử dụng tiếng Việt. Từ vị trí độc giả, thính giả, khán giả, người có trang web trở thành người tạo ra nội dung, chia sẻ thông tin bày tỏ chính kiến nối kết thành mạng xã hội đa dạng nhiều chiều.

Nếu trước đây blog chỉ được xem là thú tiêu khiển cá nhân thì giờ đây đã trở thành một mạng xã hội. Họ tham gia vào tất cả những vấn đề thời sự chủ lưu từ lạm phát đến suy giảm kinh tế trong nước và khủng hoảng kinh tế toàn cầu; tranh chấp Biển Đông hay Bôxít Tây Nguyên... Điều đáng lưu ý là diễn đàn báo mạng thu hút cả những người có tư cách phát ngôn bàn thảo tự do những vấn đề bạn đọc, dư luận xã hội quan tâm mà các tờ báo có giấy phép không được nói đến. Sức hấp dẫn của nó không chỉ kịp thời, đa ngôn ngữ mà còn là sự đa dạng, đa chiều của thông tin, là diễn đàn trực tuyến đưa người đọc vào cuộc trao đổi tranh luận, và giải phóng sự thật ra khỏi những rào cản và lăng kính của các thiết chế quyền lực truyền thống, thách thức ngay cả các tập đoàn truyền thông đang áp đặt thông tin ở quy mô quốc gia hay toàn cầu. Báo mạng trên thực tế đã là sân chơi, điểm hẹn, nơi giãi bày và trao đổi học tập vui chơi giải trí của bạn đọc tuổi học đường, lực lượng bạn đọc mà Tuổi Trẻ hướng đến như là đội hậu bị bỗ sung bạn đọc mới lúc họ vào đời.

- Các nhà đầu tư là các công ty trong và ngoài nước (IDG) tăng vốn đầu tư vào Media và thật sự làm chủ nhiều kênh truyền hình, nhật báo, tạp chí, trang web thông tin kinh tế, tài chánh, thương mại, thể thao, thời trang, sức khỏe, vui chơi giải trí.

Họ đã có người đọc, người xem và giành được một nguồn thu quảng cáo ngày càng lớn, đặc biệt là quảng cáo dịch vụ, hàng tiêu dùng có giá trị cao, giành thị phần ngày càng lớn ở các thị trường chính: địa ốc, chứng khoán, hàng điện tử (PC, mobiphone) và điện gia dụng, ôtô xe máy, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm.

Mạng lưới truyền thông đa phương tiện tăng. Người đọc tăng, văn hóa báo chí vẫn phát triển, đặc biệt là sự phát triển của báo điện tử, sự hình thành của mạng xã hội. Chỉ có Tuổi Trẻ và mội vài tờ báo viết có số lượng phát hành lớn như Thanh Niên, Pháp Luật suy giảm. Với Tuổi Trẻ lần đầu tiên trong lịch sử vị trí số 1 bị thách thức. Lần đầu tiên Tuổi Trẻ không còn được chờ đợi khi dư luận xã hội nổ ra những vấn đề lớn như:

+ Lạm phát, suy giảm kinh tế, khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

+ Tranh chấp Biển Đông.

+ Khai thác bauxite ở Tây Nguyên và những lo ngại về môi trường, hiệu quả kinh tế, an ninh quốc phòng và môi trường sống của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên.

Nguồn thu tăng, lợi nhuận tăng, cơ sở kinh tế kỹ thuật phát triển, tài nguyên dữ liệu gồm tin tức, hình ảnh, phim đã được số hóa vẫn còn đó. Nhưng vì sao vị trí số 1 bị thách thức?

Ngoài các lý do khách quan “thời cuộc xoay vần”, theo tôi cần khảo sát đánh giá lại các nhân tố quyết định cái riêng làm nên Tuổi Trẻ sẽ ra sao?

Đội hình các nhà báo đã và đang được đào tạo theo những chuẩn mực chuyên nghiệp, những cây bút có bạn đọc (nghị trường, kinh tế, pháp đình...) còn lại bao nhiêu? Sản phẩm của họ ở đâu? Nguồn tin chính thức từ Thủ đô Hà Nội, các cuộc phỏng vấn độc quyền từ những người có trách nhiệm phát ngôn, và những người có tư cách phát ngôn liệu có còn là ưu thế của Tuổi Trẻ hay không?

Mạng lưới cộng tác viên là chuyên gia đầu ngành, trí thức đầu đàn, chính khách, doanh nhân, những người hoạt động sáng tạo có đủ tư cách phát ngôn về tất cả các lãnh vực mà người đọc quan tâm và tin cậy... Họ còn chọn Tuổi Trẻ là ưu tiên 1 hay không?

Cái mới trong bộ máy cộng tác bạn đọc, năng lực tổ chức bạn đọc làm báo của Tuổi Trẻ là gì? Lợi thế nguồn tin từ bạn đọc còn có khả năng tạo ra cho ta những cuộc điều tra như “đồng hồ điện tử”, “cơm tù xe cướp", hay cuộc vận động bạn đọc hưởng ứng vụ kiện và giúp đỡ nạn nhân “chất độc màu da cam” hay không? Nếu có, ai sẽ là cây bút điều tra?

Cách tồn tại của báo viết trong điều kiện phát triển của báo điện tử ở Việt Nam? Tuổi Trẻ đón trước thách thức này như thế nào? Liệu có cần xây dựng kế hoạch sản phẩm mới Tuổi Trẻ 2009, theo đó có thể trả lời được câu hỏi “Làm thế nào để sống chung với báo điện tử?”. Hay đúng hơn là có cần xây dựng kế hoạch sản phẩm mới, tái cấu trúc bộ máy theo tầm nhìn của một “tổ hợp báo chí truyền thông đa phương tiện, đa ngôn ngữ không thể thay thế trong bất cứ tình huống nào của đất nước?”.

Ngoài quản trị bạn đọc, quản trị nguồn tin (với tòa soạn mở open - newsroom) cũng rất cần xem lại mức đầu tư phát triển sản phẩm chính thể hiện trực tiếp qua giá của một tác phẩm báo chí là bao nhiêu? Và gián tiếp qua đào tạo, đào tạo lại, săn tìm tuyển dụng nhân tài là phóng viên, biên tập viên, người bình luận, và phát triển mạng lưới cộng tác viên. 
 Rút từ cuốn "Sinh thành từ khát vọng tự do" 
của nhà báo Huỳnh Sơn Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây