Tác giả cuốn sách có cái tên khá đặc biệt: Paris+14 (Nxb Hội nhà văn, 2020), chị Cù Thu Hương trước đó chưa bao giờ viết văn! Đúng thế! Vậy mà trước mắt tôi là tập truyện ký hơn ba trăm trang. Vẫn biết chị Cù Thu Hương là người thông minh, nghị lực, giàu tình cảm. Chị học giỏi, được sang Liên Xô (cũ) học, rồi được chuyển tiếp sinh, đã bảo vệ luận án tiến sĩ ngành Tâm lý học tại Trường Đại học Tổng hợp Sankt Peterburg danh tiếng. Vẫn biết chị cũng thuộc hàng “con nhà tông”; cha là nhà ngôn ngữ học một thời nổi tiếng, nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn của hai trường đại học lớn, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay thuộc Đại học Thái Nguyên) và Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh; mẹ cũng nguyên là Chủ nhiệm một khoa của Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh. Tôi cứ ngỡ học xong, chị sẽ thành giảng viên đại học hoặc nghiên cứu ở một viện nghiên cứu rất oách nào đó. Con người ấy, tố chất ấy, chắc sẽ thành công! Nhưng chị không nối nghiệp gia đình, đùng một cái, rẽ ngang, thành doanh nhân; chưa đến mức đại gia nhưng thành đạt. Là người thân của gia đình chị đã lâu, hồi sang Liên Xô học lại được vợ chồng chị hết lòng giúp đỡ trong những ngày đầu lớ ngớ tại Kinh thành Sankt Peterburg giữa mùa đông rét mướt, sau này cũng thi thoảng gặp chị, thú thật tôi cũng chưa bao giờ nghĩ chị viết văn. Đùng một cái, chị gửi tôi tập bản thảo cuốn sách này với lời dặn í ới “Đọc góp ý cho em với!”.
Đọc cuốn sách, nhiều đoạn tôi đã khóc. Lại thêm bất ngờ! Càng thấu hiểu, văn chương trước hết là tiếng nói của cảm xúc. Văn chương sẽ đến khi người ta thấy cần phải viết, không thể không viết.
Đây là những trải nghiệm, quan sát, suy nghĩ sâu sắc, tinh tế của tác giả trong những tháng ngày chắc chắn sẽ không thể nào quên, cả nhân loại đã và vẫn đang tiếp tục phải đối diện. Không ai trên thế gian có thể hình dung loài người, trái đất lại phải sống những tháng ngày khủng khiếp trước kẻ thù vô hình mang tên Covid-19 Hơn cả chiến tranh! Hơn cả động đất, sóng thần! Covid từ Vũ Hán, lan sang các tỉnh thành Trung Quốc, rồi ập tới các nước châu Á, rồi châu Âu, châu Mỹ, châu Phi. Nó chẳng “ngán” màu da nào, thời tiết nào, tấn công mỗi người theo những cách khác nhau. Ngay đến Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Anh đương nhiệm, những người được bảo vệ, chăm sóc y tế tốt nhất tại các nước có ngành Y học tốt nhất, cũng bị nó quật. Cả hành tinh chao đảo khốn khổ. Đường đi của kẻ thù bé nhỏ, đến nỗi mắt thường không thể nhận ra, còn tinh quái trực tiếp và gián tiếp thử thách cách ứng xử của từng nền văn hóa, từng cộng đồng và mỗi cá nhân…
“Bàng hoàng, hoảng sợ, ngơ ngác, lo lắng, nuối tiếc, xót xa, nhớ thương, biết ơn, tự hào, bình tâm, hạnh phúc”, những cảm xúc như tác giả đã viết, cứ đan xen suốt mười hai phần của cuốn sách. Một tác phẩm nhiều thông tin, dẫn người đọc từ lo âu, ngạc nhiên, xúc động này tới lo âu, ngạc nhiên, xúc động khác. Qua khá nhiều quốc gia, vùng đất. Gặp gỡ nhiều gương mặt. Đối diện với nhiều cảnh huống, tính cách chưa gặp bao giờ. Có những sự kiện, chi tiết làm người đọc dẫu đã biết vẫn xúc động: Paris khủng hoảng, bàng hoàng khi Covid-19 ập tới, có lúc tưởng như bóng tối đang dần nuốt chửng kinh đô ánh sáng; những trớ trêu của sự va đập giữa các nền văn hóa trước tai họa thế kỷ; hành trình chuyến bay và phi hành đoàn của Vietnam Airline cùng đội ngũ bác sĩ không quản hiểm nguy, bay từ Việt Nam đến tâm dịch, đưa bà con, đồng bào về nước; những người lính dời doanh trại, ngủ trong rừng, nhường chỗ cho đồng bào đến ở, ngày đêm chăm lo cho đồng bào từ bữa ăn, nước uống đến giấc ngủ hàng ngày; các lưu học sinh trong khu cách ly vẫn chăm chỉ học online, v.v… Những người trong cuộc đã ngộ ra sự thay đổi của nhiều thang giá trị. Ở hoàn cảnh bất thường, người ta mới nhận ra, trân quý hơn những cái bình thường mà mọi khi không thấy. Biết quý trọng, lo âu, bảo vệ mạng sống, sự sống. Biết xa rời giá trị ảo, nhất thời, quan tâm tới những giá trị thật, những cái thiết thân. Nhiều lối sống, thói quen phải điều chỉnh. Thấm thía hơn về đời sống và tình cảm gia đình. Yêu hơn vẻ đẹp vừa xôn xao vừa lặng lẽ, vừa da diết vẫy gọi, vừa như khẩn thiết khẩn cầu hãy giữ gìn bảo vệ nó của thiên nhiên. Đặc biệt, mọi người càng thấy yêu thương và tự hào hơn về Tổ quốc, đất mẹ quê hương. Đất nước dẫu còn nghèo và cũng đang trong thời kỳ dịch bệnh covid hoành hành nhưng dù ở bất kì phương trời nào, về đến Tổ quốc là thấy an tâm, thấy mình được chở che đùm bọc.
Cũng trong truyện ký này, bạn đọc sẽ thấy, tưởng lúc gian nguy, cái ác, cái dã tâm sẽ lui, nhưng “Đục nước béo cò”, “Té nước theo mưa”, nó vẫn mọc lên, thiên hình vạn trạng. Cả ở những nơi ta không hề ngờ tới. Cái lố bịch cũng thế, vẫn diễn hề.
Và, chính vì thế, tôi như được nghe trong tập sách này giọng hát của nhiều bè. Nhưng xuyên suốt và trên hết vẫn là tiếng nói này, thầm thì nhưng mãnh liệt: Rằng, hành tinh xanh của chúng ta, nơi ta và con cháu ta, những người thân yêu của ta đang sống, tưởng như rộng lớn hóa ra lại vô cùng bé nhỏ. Rằng, hãy trân trọng hơn những tháng ngày, phút giây ta đang được sống! Rằng, hãy gắn kết lại, yêu thương nhau hơn! Thử thách với hành tinh và loài người vẫn còn đó! Phía trước! Thông điệp kín đáo, đầy nhân văn trong ca khúc “Để gió cuốn đi…” về tấm lòng, tình yêu thương con người, đồng loại, đồng bào của Trịnh Công Sơn như đang vẫn vang lên!
Tập truyện ký giàu chi tiết, đẫm sự sống, thời sự nhưng không dừng ở thời sự, nhiều trang xúc động. Paris+14 không chỉ có bức tranh, sự kiện được chọn lọc, đắt giá của Paris cộng 14 ngày tác giả sống trong khu cách ly, mà còn cộng thêm những 14 khác. Nhiều chi tiết tưởng nhỏ nhưng lại mang những vấn đề lớn. Nhiều trang mô tả thiên nhiên, hồi ức về quá khứ, quê hương, tình yêu thương con người xúc động. Tác giả nhìn thực tại đặc biệt trong những tháng ngày đặc biệt bằng cái nhìn nữ tính và trái tim phụ nữ mộc mạc, chân thành, da diết. Kết cấu truyện ký chặt chẽ, lôi cuốn. Phải là người sống, trải nghiệm thực sự trong hoàn cảnh như tác giả đã kể, mới viết được như thế!
Tác giả: Bùi Mạnh Nhị
Nguồn Văn nghệ số 52/2020
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên