Từ 12 tác phẩm lọt vào chung khảo, Hội đồng giám khảo đã quyết định trao thưởng 1 giải Hiệp sỹ Dế Mèn và 4 giải Khát vọng Dế Mèn. Từ kết quả này, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan vào cả số lượng lẫn chất lượng các sáng tác cho thiếu nhi.
Chia sẻ tại lễ trao giải, nhà báo Lê Xuân Thành - Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), Trưởng Ban tổ chức giải thưởng nói: “Đó là một minh chứng cho cái gọi là “Nghệ thuật kiên cường” – như tên gọi của chiến dịch mà UNESCO đang phát động (ResiliArt). Tôi muốn gọi đó là phẩm chất hiệp sĩ của nghệ thuật. Và đáng kinh ngạc hơn là 2 trong số đó là các em thiếu nhi. Tôi không biết có quá nồng nhiệt không khi gọi các em là thần đồng, nhưng tôi tin vào điều đó.
Ngay từ mùa giải đầu tiên này đã cho thấy một thực tế là, lực lượng sáng tác cho thiếu nhi của chúng ta không hề ít ỏi hay mờ nhạt, đặc biệt là ở khu vực phía Nam. Có thể chúng ta chưa có những đỉnh cao “xuất chúng” ngay, nhưng một mặt bằng chung, với những tác phẩm đáng đọc, đáng nghe, đáng xem là khá nhiều, đến mức làm đau đầu Hội đồng giám khảo khi phải “nâng lên đặt xuống” số lượng giải cho mùa đầu tiên.
Và như thế, dường như bức tranh nghệ thuật thiếu nhi cần phải được nhìn từ cả hai phía, trong đó có phía công chúng: Liệu các độc giả chúng ta đã biết tắt bớt các phương tiện nghe nhìn giải trí ồn ào để tìm đọc, tìm nghe, tìm xem các sáng tác, trình diễn nghệ thuật đích thực cho thiếu nhi mang tinh thần hiệp sĩ vẫn đang “kiên cường” trỗi dậy, bất chấp sự khắc nghiệt của thị trường nghệ thuật?
Đa số chúng ta có thể không phải là những văn nghệ sĩ có khả năng sáng tác cho thiếu nhi, nhưng bằng thái độ trân trọng, bằng việc dành thời gian thưởng thức và bằng gu tiêu thụ nghệ thuật của mình, chúng ta có thể góp phần quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định, vào việc thúc đẩy mảng sáng tác này”.
Từ trường Tiểu học Thuận Hòa 2, xã Thuận Hòa, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, thầy giáo trẻ Nguyễn Chí Ngoan (sinh năm 1991) đã ra Hà Nội để nhận giải thưởng “Khát vọng Dế Mèn”. Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi nhanh với nhà văn trẻ ngay sau khi anh nhận giải thưởng.
+ Tác phẩm đoạt giải của anh nói về điều gì?
- Tác phẩm được giải tôi viết trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid-19. Thời điểm ấy mọi thứ có vẻ tù túng, tôi nhớ về tuổi thơ của mình và đã viết tập truyện “Mộng giang hồ”. Tôi viết cho bản thân mình trước rồi sau đó mới nghĩ đến đối tượng là thiếu nhi và không ngờ đã đoạt giải thưởng trong cuộc thi này.
+ Tập truyện này do anh gửi hay có người giới thiệu?
- Trước đó tôi đã có hai truyện ngắn về thiếu nhi. Sau khi nhận được thông báo trên mạng internet, quá trình viết tiếp theo thì còn rất là “ngắc”, nhưng tôi đã cố gắng để hoàn thành tập truyện sau đó tự gửi để tham dự.
+ Tập truyện có một chủ đề hay nhân vật cụ thể không?
- Tập truyện này tôi viết chủ yếu về tuổi thơ của mình, những gì tôi đã trải nghiệm từ xung quanh. Ví dụ: Trong “Mộng giang hồ” là nhân vật một đứa trẻ muốn trở thành một tay giang hồ để bảo vệ người thân của nó trước hoàn cảnh bị áp bức, nhưng trong thâm tâm nó là một đứa trẻ hết sức bình thường. Trong truyện “Ngược” thì tôi lại phê phán thói dị đoạn về những đứa trẻ bị sinh ngược. Nhiều người quan niệm trẻ sinh ngược sẽ mang lại điều xui xẻ, nhưng tôi nghĩ mỗi đứa trẻ đều có tuổi thơ của nó, mình không được quyền tước đi tuổi thơ ấy hay áp đặt điều gì cho trẻ con…
+ Viết cho thiếu nhi rất khó. Anh dùng cách nào, văn phong nào để tiếp cận lứa tuổi này?
- Như đã nói, ban đầu tôi không hề có dự định viết cho trẻ con, trước mắt là mình viết cho mình. Không ngờ, qua thẩm định mình thấy mình có một xíu gì đó phù hợp với thiếu nhi. Sau này tôi sẽ cố gắng hoàn thiện và khai thác, phát triển thêm, học hỏi thêm để viết cho trẻ con được chân thật nhất, trong sáng nhất.
+ Anh là một giáo viên, có phải môi trường công việc của anh cũng là một chất liệu để anh khai thác cho chuyện viết?
- Đúng rồi. Thật ra, là một giáo viên tiểu học, hằng ngày đều đối diện với học trò. Tôi quan sát được thái độ của trẻ, những biểu hiện tính cách của học trò của mình. Từ lòng yêu trẻ, tôi sẽ cố gắng viết gì đó dành tặng cho bản thân, dành tặng cho tuổi thơ của các em thiếu nhi. Đấy cũng là một điều thú vị.
+ Học sinh của anh đã đọc tác phẩm của anh chưa?
- Thật ra tôi dạy lớp Một nên độc giả ở tuổi này không có nhiều. Tôi thường khuyến khích các bạn nhỏ đọc một số loại sách khác để phù hợp với sự phát triển hơn.
+ Có khi nào anh sợ điều anh viết ra là lăng kính chủ quan của người lớn thay vì của chính trẻ em không?
- Tôi cũng từng có cảm giác đó. Nhưng đến một lúc, tôi nghĩ rằng mình cứ viết với một tâm thế vô tư nhất đi, đón nhận của độc giả sẽ là phản ánh chân thực nhất. Cứ để thời gian sẽ trả lời cho tôi về điều này.
+ Anh nghĩ những tác phẩm văn chương sẽ hoàn thiện tâm hồn của trẻ nhỏ như thế nào?
- Từ nhỏ tới lớn tôi không phải là một cậu học sinh giỏi giang. Tôi học khối A nhưng có đọc sách nhiều. Đọc sách khiến tôi nhìn nhận xung quanh ấm áp hơn, có lối sống tử tế hơn. Sách là một người bạn rất tốt của những đứa trẻ.
+ Cảm ơn anh. Xin được chúc mừng anh thêm một lần nữa về giải thưởng.
Theo Tử Hưng/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên