Trao giải cho 31 tác giả trong Cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017 – 2020

Thứ hai - 12/10/2020 16:36
Ngày 11/10, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương tổ chức kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2020), Đại hội Thi đua yêu nước ngành Dân vận, tuyên dương điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc và trao giải cuộc thi viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017-2020.

Tới dự buổi lễ còn có các đồng chí: Tòng Thị Phóng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam;  các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương; các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Ban Dân vận Trung ương các thời kỳ, cán bộ làm công tác dân vận trong cả nước và 203 điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc... Đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam có đồng chí Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định: 90 năm qua, với quan điểm xuyên suốt “Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, công tác dân vận luôn là bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

111
Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước thăm triển lãm ảnh tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng.
Ảnh: Sơn Hải

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ, trải qua các thời kỳ cách mạng, cơ quan làm công tác dân vận với những tên gọi khác nhau: Ban chuyên môn về từng giới vận (1930-1945 và 1951-1962), Ban Mặt trận và các Tiểu Ban vận (1962-1976), Ban Dân vận – Mặt trận (1976-1980), Ban Dân vận (1947-1951 và từ 1981 đến nay) nhưng chức năng, nhiệm vụ chung không thay đổi, là cơ quan tham mưu cho Đảng về công tác vận động quần chúng.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị đã đạt được những kết quả tích cực, hướng mạnh về cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; nâng cao trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu trước Nhân dân. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sâu sát cơ sở, làm cầu nối quan trọng giữa Đảng với Nhân dân. Động viên Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, trong những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đất nước phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Đặc biệt, năm 2020, nước ta kiểm soát thành công đại dịch COVID-19, góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với công tác dân vận được nâng cao, gắn với chăm lo cuộc sống, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

111
Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tham dự buổi lễ. Ảnh: Sơn Hải

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được phát động từ năm 2009 đã trở thành trọng tâm của phong trào thi đua yêu nước ngành dân vận, được cấp ủy, hệ thống chính trị tích cực hưởng ứng, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hàng vạn mô hình, điển hình, kinh nghiệm hay trong công tác vận động Nhân dân. Công tác dân vận đã gắn liền với trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị; với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nêu gương của cán bộ, đảng viên, qua đó không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được phân công, quan trọng hơn là nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, xây dựng hình ảnh cán bộ, đảng viên trước Nhân dân, động viên, thuyết phục Nhân dân ủng hộ, đồng thuận, tham gia thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

111
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Sơn Hải

Để ghi nhận những đóng góp to lớn của công tác dân vận, Đảng, Nhà nước đã trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, nhiều Huân chương Lao động hạng Nhất, trong đó có Huân chương Lao động hạng Nhất trong phong trào xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2015-2020.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: Những thành tựu của Đảng ta 90 năm qua, có sự đóng góp rất to lớn, quan trọng của công tác dân vận của Đảng và cả hệ thống chính trị. Chúng ta đã phát huy cao độ sức mạnh của Nhân dân, dựa vào dân, tin ở dân, gắn bó với dân, vận động, tập hợp, tổ chức và hướng dẫn quần chúng nhân dân theo lời Bác dạy: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”.

Theo Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, để phù hợp với yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, thấm nhuần sâu sắc lời Bác Hồ dạy “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, năm 2009, Ban Dân vận Trung ương đã phát động trong toàn quốc phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Hơn 10 năm qua, cả nước đã có hơn 900 nghìn mô hình, điển hình tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”các cấp.

111
Các đồng chí: Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân điển hình “Dân vận khéo”. Ảnh: Sơn Hải

Trân trọng ghi nhận thành tích xuất sắc của hơn 900.000 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong suốt 10 năm qua, đồng chí Trần Quốc Vượng cho biết, đây là những tập thể, cá nhân điển hình, có nhiều thành tích vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng nông thôn mới; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, tệ nạn xã hội; vận động nhân dân tham gia bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… ở các địa phương, đơn vị.

“Chúng ta trân trọng, ghi nhận thành tích của những tấm gương “Dân vận khéo”. Đó là những cán bộ hưu trí, người cao tuổi, cựu chiến binh, già làng, trưởng bản, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang…, đã không ngại khó khăn, bất kể ngày đêm, đồng cam, cộng khổ, gắn bó mật thiết, tận tụy giúp đỡ nhân dân, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân, vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho đồng bào mình. Các bác, các anh, các chị và các đồng chí chính là minh chứng sống động về hình ảnh của Đảng, Nhà nước ta trong con mắt của Nhân dân”, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.

Nhận định những năm tới đây, đất nước ta đứng trước nhiều thuận lợi, đan xen với những khó khăn, thách thức, cùng nhiều vấn đề mới đặt ra cần phải giải quyết, đồng chí Trần Quốc Vượng cho rằng, những vấn đề đó sẽ tác động không nhỏ đến nhân dân, đến công tác dân vận.

111
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam Lương Cường trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân điển hình “Dân vận khéo”. Ảnh: Sơn Hải

Để công tác dân vận thời gian tới đạt kết quả cao; nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tích cực góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị cần tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về vai trò quan trọng của công tác dân vận; về mối quan hệ gắn bó, máu thịt giữa Đảng với Nhân dân; công tác dân vận là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đề cao vai trò, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị trong công tác dân vận, với tinh thần phải “thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”. Không ngừng đổi mới hoạt động dân vận theo hướng thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, để “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị tiếp tục khẳng định, thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, thực chất là tôn trọng con người, phát huy sức sáng tạo của mọi tầng lớp Nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; đồng thời động viên, tổ chức Nhân dân tham gia vào quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách hiệu quả; tuân thủ cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, có thêm nhiều cán bộ, đảng viên, nhiều tấm gương dân vận khéo được quần chúng tin yêu, qua đó phát huy sức mạnh, trí tuệ, sức sáng tạo của nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

111
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân điển hình “Dân vận khéo”. Ảnh: Sơn Hải

Đồng chí Trần Quốc Vượng cho rằng, muốn vận động được nhân dân, được dân tin yêu, trước hết, phải bằng mọi cách tuyên tuyền, giải thích, thuyết phục để nhân dân hiểu và tin tưởng, tự giác thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không để các thế lực thù địch gây nhiễu loạn tư tưởng nhân dân, chống phá, tạo bất ổn xã hội. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là tấm gương sáng trong cuộc sống để nhân dân noi theo. Bác Hồ đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị cần tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ làm công tác dân vận. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải thực sự quan tâm, tạo mọi điều kiện để tiến hành công tác dân vận; chú trọng, kịp thời khen thưởng, tuyên truyền, nhân rộng các tấm gương cá nhân điển hình, có thành tích trong công tác dân vận, nhất là ở cấp cơ sở…

Với truyền thống vẻ vang 90 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, cùng những tấm gương điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đồng chí Trần Quốc Vượng tin tưởng, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, cùng những tấm gương điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” sẽ tiếp tục phấn đấu, giành được nhiều thành tích, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo báo cáo về phong trào thi đua "Dân vận khéo”, từ năm 2009, được sự đồng ý của Ban Bí thư, Ban Dân vận Trung ương phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên cả nước. Qua hơn 10 năm thực hiện, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở tích cực hưởng ứng và thực hiện. Phong trào “Dân vận khéo” đã góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị các địa phương, đơn vị và trở thành một phương thức hiệu quả trong công tác vận động quần chúng, góp phần tạo đồng thuận xã hội; vận động các tầng lớp Nhân dân ủng hộ và tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; huy động được nhiều nguồn lực trong Nhân dân tham gia công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

111
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trao thưởng cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải cuộc thi viết về tấm gương 

Qua hơn 10 năm thực hiện, hệ thống chính trị trên cả nước đã bình chọn tôn vinh được hơn 900 nghìn mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở các cấp, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Dân vận, Ban Dân vận Trung ương đã phối hợp, lựa chọn 203 điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc giai đoạn 2015 – 2020 để tôn vinh, nhân rộng.

Tại buổi lễ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao tặng bằng khen của Ban Dân vận Trung ương cho 72 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016 - 2020.

Trước đó, ngày 10/10, tại buổi gặp mặt tuyên dương điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Bằng khen của Chính phủ cho 64 tập thể và cá nhân; đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã trao tặng Bằng khen của Ban Dân vận Trung ương cho 67 tập thể và cá nhân.
 

Theo Lê Tâm - Sơn Hải/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây