Chống tin giả là điều vô cùng khó khăn trong thời đại kỹ thuật số
+ Được biết, Dự án chống tin giả của Thông tấn xã Việt Nam đã giành giải Vàng ở hạng mục Best Project for News Literacy trong khuôn khổ Giải thưởng Truyền thông Digital Châu Á 2020 của WAN-IFRA. Đây là lần thứ 3 TTXVN nhận được giải thưởng quốc tế. Vậy có điều gì đặc biệt ở giải thưởng lần này thưa Phó Tổng Giám đốc?
- Nhà báo Lê Quốc Minh – Phó Tổng Giám đốc TTXVN: Hai giải thưởng quốc tế trước đây của TTXVN đều dành cho những sản phẩm báo chí hoặc công nghệ hỗ trợ hoạt động báo chí: vào năm 2014 là sản phẩm RapNewsPlus kết hợp tin tức với nhạc rap, và vào năm 2019 là sản phẩm chatbot để tự động tương tác với độc giả báo điện tử. Giải thưởng lần thứ 3 này dành cho sản phẩm hướng tới cộng đồng nhằm tăng cường nhận thức và hiểu rõ cách thức phòng chống tin giả - hiện là một vấn nạn trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam.
Hạng mục “News Literacy” hiện diện trong nhiều giải thưởng báo chí quốc tế từ lâu nhưng theo tôi được biết thì chưa từng có cơ quan báo chí nào của Việt Nam đoạt giải tương tự. Dự án này gồm 3 cấu phần: 1/ Bài hát chống Fake News bằng 15 ngôn ngữ; 2/ Tài khoản Factcheckvn trên mạng xã hội TikTok hướng vào giới trẻ; 3/ Dự án "Nói không với Fake News" đào tạo kỹ năng phòng tránh tin giả cho học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông, đã triển khai tại nhiều tỉnh thành trong toàn quốc.
+ Dự án của TTXVN với tên gọi “Cuộc chiến chống tin giả - Những ý tưởng sáng tạo và giải pháp hiệu quả” gồm 3 cấu phần đều hướng đến mục tiêu chống tin giả, tin thất thiệt, thông qua hàng ngàn nội dung chuyên sâu bằng nhiều loại hình báo chí, chủ động bóc trần những thông tin sai lệch bằng các sản phẩm báo chí... Ông có thể chia sẻ vì sao TTXVN lại tâm huyết và dày công thực hiện những nội dung liên quan đến tin giả, thưa ông?
- Nhà báo Lê Quốc Minh – Phó Tổng Giám đốc TTXVN: Có thể khẳng định rằng TTXVN là đơn vị báo chí đi tiên phong tại Việt Nam trong cuộc chiến chống tin giả bởi chúng tôi đề cập tới vấn đề này khá sớm, từ khoảng năm 2015-2016 thông qua rất nhiều bài báo đánh động nguy cơ và hướng dẫn cách phát hiện tin giả, cũng như tham luận tại các hội nghị báo chí-truyền thông, vào thời điểm mà ít người quan tâm và chưa thực sự hiểu về tin giả, thậm chí coi thường fake news. TTXVN đã có nhận định rằng tin giả sẽ phát triển mạnh mẽ, nếu không tìm cách ngăn chặn sẽ gây tác hại khủng khiếp tới xã hội, đặc biệt là khi công nghệ phát triển quá nhanh chóng và người ta thậm chí có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để sản xuất và phát tán tin giả với quy mô lớn gấp nhiều lần so với con người.
Tuy có rất nhiều sản phẩm thông tin và có đội ngũ đông đảo các phóng viên, biên tập viên, chúng tôi vẫn luôn trăn trở tìm ra các biện pháp đa dạng trong cuộc chiến chống tin giả này, từ việc hợp tác với các hãng thông tấn đối tác, các công ty công nghệ cho đến việc trực tiếp truyền tải thông tin, cách thức phòng chống tin giả trong những bài viết, hình ảnh, phóng sự truyền hình, tận dụng cả những nền tảng truyền thống đến truyền thông xã hội. Chúng tôi biết rằng chống tin giả là điều vô cùng khó khăn trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, nhưng nó cũng hiệu quả không kém việc đăng tải thông tin chính xác, công bằng và cân bằng – vốn là những nguyên tắc cốt lõi của báo chí.
-Tôi thấy nổi bật nhất là dự án “Nói không với Fake News” hướng tới cộng đồng nhằm tăng cường trách nhiệm xã hội của cơ quan báo chí thông qua những hoạt động bên ngoài tòa soạn. Cụ thể là Dự án do Đoàn Thanh niên TTXVN triển khai, đào tạo kỹ năng phòng chống tin giả cho học sinh từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông. Tôi tò mò là vì sao lại hướng vào đối tượng là học sinh, thưa ông?
+ Nhà báo Lê Quốc Minh – Phó Tổng Giám đốc TTXVN: Chúng tôi rút ra kinh nghiệm trong nhiều năm công tác cũng như theo dõi việc triển khai một số dự án quan trọng, ví dụ như dự án tuyên truyền về an toàn giao thông đường bộ. Người lớn luôn cho rằng họ “smart” (thông minh), rằng cái gì họ cũng biết và không nhất thiết phải học hỏi ai cả. Hoặc khi người lớn học được kiến thức mới thì nhiều người chỉ giữ cho riêng bản thân, không phải do ích kỷ mà họ ngại bị cho là “lên mặt rao giảng.”
Trẻ em thì khác! Các em như tờ giấy trắng nên tiếp thu kiến thức mới rất nhanh, tiếp thu rồi thì sẵn sàng chia sẻ với bạn bè, cha mẹ, anh chị em trong gia đình. Đương nhiên chúng tôi không chỉ đào tạo trên lớp thông qua lối giảng dạy truyền thống mà còn có những trò chơi online và offline thú vị phù hợp với từng độ tuổi, chúng tôi cũng phát các tờ rơi với những hướng dẫn rất cụ thể và dễ hiểu để các em có thể xem lại hoặc chia sẻ với người khác.
Cũng đã có người hoài nghi hiệu quả khi chúng tôi hướng đến đối tượng học sinh, nhất là học sinh tiểu học, nhưng thực tế rõ ràng là ngược lại. Nhiều thầy cô giáo được trải nghiệm các giờ học về phòng chống tin giả do các nhà báo trẻ của TTXVN đứng lớp, sau đó đã đề nghị TTXVN mở rộng quy mô để nhiều học sinh trong trường có thể tiếp cận. Lãnh đạo phụ trách thông tin truyền thông của một số tỉnh thành cũng liên hệ với chúng tôi, đề nghị triển khai chương trình cho các trường học tại địa phương của họ.
Nếu có sự chung tay, mỗi năm dự án có thể mang lại lợi ích cho hàng triệu học sinh
+Theo dõi quá trình triển khai tôi thấy, dự án thực hiện rất đa dạng, phong phú, rất dễ tiếp nhận bởi sự gần gũi, dễ hiểu. Cách triển khai này trên Thế giới đã có chưa và chiến lược của TTXVN sẽ tiếp tục kiên trì “đồng hành” cùng các thế hệ trẻ trong cuộc chiến chống tin giả chứ, thưa ông?
- Nhà báo Lê Quốc Minh – Phó Tổng Giám đốc TTXVN: Trên thế giới có rất nhiều dự án chống tin giả, có thể thuộc về các cơ quan báo chí hoặc các tổ chức độc lập. Một số trường đại học và tổ chức dân sự cũng phát hành những cuốn sách hoặc tài liệu về chống tin giả dành cho đối tượng là người trẻ trong xã hội. Vài nhà báo tổ chức các lớp hướng dẫn phòng chống tin giả cho học sinh, nhưng dường như đó chỉ là nỗ lực cá nhân và được thực hiện với quy mô nhỏ. Do TTXVN có đội ngũ nhà báo trẻ khá đông đảo trong tổng số gần 900 Đoàn viên thanh niên, làm việc tại cơ quan thường trú ở 63 tỉnh thành, nên chúng tôi mới đặt kế hoạch đào tạo trên quy mô toàn quốc như vậy, và điều này là hoàn toàn khả thi. Theo tính toán tương đối khiêm tốn, nếu không gặp những trở ngại do dịch Covid-19 thì mỗi năm chương trình có thể tiếp cận 30-40.000 học sinh.
Sau một thời gian hoạt động, chúng tôi nhận được sự quan tâm của một số cơ quan báo chí lớn cũng như Thành Đoàn Hà Nội và Trung ương Đoàn. Nếu có sự chung tay vào cuộc của những đơn vị như thế, tôi tin rằng mỗi năm dự án có thể mang lại lợi ích cho hàng triệu học sinh – những chủ nhân tương lai của đất nước. TTXVN mong muốn và sẽ nỗ lực triển khai dự án này trong thời gian dài bởi chúng tôi hiểu giá trị mà mình đang đóng góp cho xã hội, cho dù nhỏ nhoi nhưng vô cùng cần thiết.
+ Tôi vẫn còn nhớ, chương trình đầu tiên được tổ chức vào tháng 12/2019 cho khoảng 100 học sinh trường trung học cơ sở tại Đà Nẵng, sau đó là các trường tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Tháp... Ở đâu, những thông điệp chống tin giả đều được đón nhận rất tích cực từ những người trẻ. Nhưng điều này cũng sẽ đặt ra những thách thức khi mà sáng tạo cần phải không giới hạn và người trẻ thì “cả thèm chóng chán”. Điều mới mẻ gì sẽ chờ đợi họ trong thời gian tới, thưa ông?
- Nhà báo Lê Quốc Minh – Phó Tổng Giám đốc TTXVN: Với quy mô lớn của dự án này thì mỗi học sinh thông thường chỉ có thể tiếp cận lớp học 1 lần, tuy chúng tôi còn có tham vọng sau một khoảng thời gian nhất định, ví dụ 6 tháng hay 1 năm, thì cần bổ sung kiến thức mới cho các em. Đương nhiên, không vì thế mà chúng tôi đi theo một khuôn mẫu, vì nếu chỉ áp dụng một cách thức đào tạo thì bản thân những nhà báo trẻ đứng lớp cũng cảm thấy nhàm chán. Lãnh đạo ngành và lãnh đạo Đoàn Thanh niên TTXVN đưa ra định hướng và cung cấp những tài liệu cơ bản, từ đó các nhà báo trẻ ở mỗi khu vực lại có những cách thức thể hiện khác nhau, tùy vào đối tượng học.
Và thực tế cho thấy các thanh niên của TTXVN rất sáng tạo trong cách thức truyền cảm hứng và hướng dẫn cho các em học sinh về cách thức phát hiện và phòng tránh Fake News. Cũng cần nhắc thêm rằng dự án này gồm 3 cấu phần nên khi hướng dẫn cho các học sinh thì chúng tôi có thể cho nghe bài hát rap hoặc giới thiệu về các clip kiểm chứng thông tin (fact-check) trên TikTok là nền tảng rất quen thuộc với đối tượng thuộc thế hệ Z. Và chắc chắn chúng tôi sẽ còn nhiều ý tưởng sáng tạo nữa, hãy chờ xem nhé.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hà Vân (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên