Hội đồng sơ khảo Giải báo chí Quốc gia họp đánh giá kết quả chấm sơ khảo tuyển chọn các tác phẩm vào chung khảo (Lược ghi).

Thứ tư - 29/05/2019 17:31
Sáng ngày 17/5 tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam - Dương Đình Nghệ, dưới sự chủ trì của nhà báo Mai Đức Lộc, Phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải báo chí Quốc gia đã họp xem xét kết quả chấm sơ khảo để tuyển chọn các tác phẩm vào vòng chung khảo. Giải báo chí Quốc gia lần này có tác phẩm thuộc 11 tiểu ban. Sau đây là lược ghi tóm tắt nhận xét đánh giá của các tiểu ban:
Toàn cảnh Lễ Khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải báo chí quốc gia lần thứ XIII năm 2018. Ảnh: Nguyệt Hồ.
Toàn cảnh Lễ Khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải báo chí quốc gia lần thứ XIII năm 2018.
1. Nhà báo Đinh Như Hoan - Phó TBT báo Nhân dân -Trưởng tiểu ban Báo in dành cho tin, bài phản ánh, phỏng vấn:  Lần này có 335 tác phẩm và theo chỉ tiêu được chọn 20 tác phẩm. Như vậy số lượng tăng và chất lượng cũng cao hơn so với giải trước. Các tác phẩm được vào chung khảo thường là nhiều kỳ (loạt bài 5 kỳ). Các vấn đề được phản ánh đa dạng, nhiều vấn đề nổi cộm bức xúc được các tác giả phân tích. Một số báo địa phương đã có những bài phản biện sâu sắc thể hiện chính kiến và sự dũng cảm của bản báo.Về hạn chế có nhiều bài còn dài, lan man hoặc có quá nhiều tác phẩm tập trung một đề tài về nông thôn mới hoặc kinh tế tư nhân.


2. Nhà báo Phạm Tất Thắng - Nguyên Phó TBT tạp chí Cộng Sản -Trưởng tiểu ban Báo in dành cho xã luận, bình luận, chuyên luận: Nhiều bài hơn năm trước tập trung chủ yếu tại các cơ quan báo chí TW, khối tạp chí ít tham gia.Về chất lượng đã bám sát sự chỉ đạo của TW;  Công tác tuyển chọn tác phẩm dự thi có tiến bộ tốt hơn; Nhiều tác phẩm công phu có tính phát hiên, có cách nhìn mới. Tuy nhiên còn hạn chế về cách viết. Nhiều bài chính trị khuôn cứng, bài về mô hình nhân tố ít; Tính chiến đấu ý cũng như chính kiến cá nhân còn hạn chế; Một số bài  gần như không có luận đề luận điểm; Phong cách viết còn chung chung, nửa phản ánh, nửa bình luận hoặc mang tính nghiên cứu.  Nhà báo Thắng kiến nghị thể loại xã luận, bình luận là kén viết kén đọc nên cần đầu tư bồi dưỡng để có đội ngũ viết bình luận; Cần sớm định hướng về các vấn đề thời sự trọng tâm để xây dựng nội dung tuyên truyền; Hội nên có văn bản rút kinh nghiệm cho các cơ quan báo chí cũng như Hội nhà báo các cấp về chất lượng các tác phẩm dự thi, đánh giá Hội làm tốt cũng như Hội làm cho có…

3. Nhà báo Song Hà - Uỷ viên BBT báo Nhân Dân -Trưởng tiểu ban Báo in dành cho phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép: Vòng sơ khảo có 296 bài chọn 17 vào chung khảo . Nhìn chung các tác phẩm dự thi phản ánh kịp thời các vấn đề thời sự của đất nước, tính chiến đấu cao, trong đó có những tác phẩm phản ánh về nạn xã hội đen cũng như nạn bảo kê, những đường dây đánh bạc ngàn tỷ; Một số tác phẩm khác điều tra về tình trạng lãng phí tham nhũng tiêu cực trong lĩnh vực đất đai. Có một số phóng sự tốt về đề tài văn hoá xã hội, bảo vệ quyền lợi người lao động. Hạn chế là đề tài văn hoá xã hội chưa được phản ánh đầy đủ, nhiều bài tập trung cho đề tài kinh tế và đề tài chống tham nhũng.

4. Nhà báo Phạm Tiến Dũng - Nguyên TBT tạp chí Nhiếp ảnh - Trưởng tiểu ban Ảnh báo chí dành cho ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh: Các cơ quan báo chí trung ương gửi nhiều ảnh về dự thi, chỉ có 14 tỉnh gửi ảnh tham gia giải. Chỉ tiêu của Tiểu ban được chọn 10 ảnh nhưng chỉ chọn được có 7. Nhìn chung chất lượng ảnh của báo địa phương hạn chế.

5. Nhà báo Kiều Thanh Hùng - Nguyên Phó TGĐ Đài PTTH Hà Nội Trưởng tiểu ban Phát thanh dành cho tin, bài phản ánh, bình luận, chuyên luận, toạ đàm, chuyên đề, phát thanh tổng hợp: các tác phẩm dự thi bám sát vào các vấn đề thời sự của đất nước trong đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo cũng như trong phát triển kinh tế xã hội…  Tiểu ban chọn 10 tác phẩm vào chung khảo. Về hạn chế: Một số Hội tuyển chọn chưa tốt nên còn những tác phẩm non yếu về cách thể hiện, việc trình bày vấn đề không sinh động và có những tác phẩm dài dòng, cá biệt có giọng đọc chưa chuẩn. 

6. Nhà báo Phan Quang Hưng - Nguyên Giám đốc Đài PT-TH Lào Cai - Phó Trưởng tiểu ban Phát thanh dành cho phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký đánh giá số lượng các tác phẩm dự thi có tăng và có nhiều tác phẩm phản ánh người tốt việc tốt. Một số phóng sự đi sâu vào các vấn đề bức xúc của xã hội. Hạn chế là có những tác phẩm sơ sài về tài liệu; Giữa đài địa phương và đài TW có khoảng cách khá xa.

7. Nhà báo Vũ Ngoc Minh - Nguyên Phó TGĐ Đài PTTH Hà Nôi - Trưởng tiểu ban Báo hình dành cho tin, phóng sự, ký sự cho biết có 269 tác phẩm dự thi, chất lượng đồng đều, thể hiện vai trò dũng cảm dấn thân của ê kíp phóng viên, nhiều phóng sự có hình ảnh và chi tiết đắt giá sinh động. Các tác phẩm phản ánh sinh động các mặt đời sống kinh tế xã hội. Hạn chế là ít có tác phẩm về đề tài công nghiệp cũng như về đề tài tái cơ cấu kinh tế, cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước… Về thể hiện một số tác phẩm dễ dãi, không chú trọng vào hình ảnh mà như phát thanh trám hình…

8. Nhà báo Nguyễn Công Đán - Chủ tịch HNB Hưng Yên - Phó trưởng tiểu ban Báo hình dành cho Toạ đàm giao lưu, bình luận: Phần bình luận, toạ đàm đã nêu nhiều vấn đề thời sự của đất nước, tập trung vào bảo vệ chủ quyền biển đảo, xây dựng nông thôn mới, những mô hình phát triển kinh tế đẩy mạnh sản xuất hàng hoá đảm bảo xuất khẩu… Phần giao lưu đã giới thiệu được nhiều tập thể và cá nhân sáng tạo thi đua yêu nước. Hạn chế là các đài địa phương không có chương trình bình luận dự thi, phần giao lưu, toạ đàm cũng chỉ có chưa đến ¼ số đài tham dự.

9. Nhà báo Nguyễn Quang Phóng - Nguyên Giám đốc Trung tâm phim Tài liệu và phóng sự - Trưởng tiểu ban Báo hình dành cho  Phim tài liệu: Có 90 tác phẩm dự thi, đề tài phong phú trên các lĩnh vực nhưng không có tác phẩm thật sự xuất sắc, sự chênh lệch giữa các đài TƯ và địa phương đã giảm, không còn tình trạng báo cáo trám hình; Đài địa phương có nhiều cố gắng. Về hạn chế: có một số mảng thiếu đó là thiếu các mô hình kinh tế; đề tài chống tiêu cực yếu và chưa tới tầm; vẫn còn lẫn lộn khi đưa ký sự hoặc lưỡng tính giao thoa giữa phóng sự và phim tài liệu; Một số nơi gửi đi cho có nên tác phẩm dự thi chất lượng không đảm bảo…

10. Ông Lê Quốc Minh - Phó Tổng giám đốc TTXVN -Trưởng tiểu ban Báo điện tử dành cho tin bài phỏng vấn, bình luận, toạ đàm, giao lưu trực tuyến: Có sự tiến bộ của báo chí địa phương, số lượng dự thi nhiều hơn nhưng còn chênh lệch giữa TW và địa phương. Hạn chế là dường như không có sự chỉ đạo của BBT nên một số chất lượng quá thấp, không có sự chọn lọc tốt.

11. Nhà báo Nguyễn Thành Lợi, TBT tạp chí Người làm báo Việt Nam - Trưởng tiểu ban báo điện tử dành cho Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép: Chất lượng các tác phẩm được giữ vững, phản ánh đa dạng cuộc sống, đã phát hiện được nhân tố mới cách làm hay.

Kết luận phiên họp của Hội đồng sơ khảo Giải báo chí Quốc gia, nhà báo Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng sơ khảo: Các tiểu ban làm việc công tâm và trách nhiệm. Trong số 1668 tác phẩm dự thi đã tuyển chọn147  tác phẩm vào chung khảo, điểm cao nhất là vào 9,6 thấp nhất 7,1. Các tiểu ban đã chấm và nhận xét nghiêm túc. Nhiều tác phẩm tập trung vào đề tài Xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng lãng phí, biểu dương các nhân tố mới điển hình tiên tiến; Các tác phẩm tương đối đồng đều giảm được sự chênh lệch giữa TƯ và địa phương nói lên sự chỉ đạo của các BBT. Về hạn chế: Một số tác phẩm dự thi chưa theo kịp các vấn đề của đất nước, còn tác phẩm dự thi chủ đề cũ và cách thể hiện cũng cũ thiếu tính phát hiện. Nhà báo Mai Đức Lộc chỉ đạo các Tổng biên tập và các Giám đốc đài địa phương cần đầu tư và chỉ đạo đội ngũ phóng viên chuẩn bị tốt hơn để có một tác phẩm dự thi. Đồng thời Hội Nhà báo cấp tỉnh cần tuyển chọn chính xác các tác phẩm tham dự giải.
 
Nguyễn Công

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây