Nhận thức về vai trò, vị trí của Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục được nâng lên, tạo sự chuyển biến rõ nét

Thứ bảy - 12/09/2020 10:53
Tại hội nghị trực tuyến quán triệt Thông báo Kết luận số 173-TB/TW, Chỉ thị 43-CT/TW, Chỉ thị số 44-CT/TW vừa diễn ra, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng về việc thực hiện tốt Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Báo Điện tử congluan.vn trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Bài phát biểu có chủ đề: Quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”.
111
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội nghị trực tuyến
quán triệt Thông báo Kết luận số 173-TB/TW, Chỉ thị 43-CT/TW, Chỉ thị số 44-CT/TW vừa diễn ra.

Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, có hệ thống tổ chức chặt chẽ, thống nhất từ Trung ương xuống các cơ sở. Hội Nhà báo Việt Nam có hơn 26.000 hội viên là các nhà báo đang công tác tại các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan báo chí của trung ương và địa phương, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 19 Liên Chi hội Nhà báo và hơn 200 Chi hội Nhà báo trực thuộc Trung ương Hội, hoạt động hiệu quả theo Luật Báo chí và Điều lệ Hội đã được Chính phủ phê duyệt.

Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 18/3/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng được củng cố, kiện toàn, đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng và phát triển đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu, nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng là chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng.

Xác định tầm quan trọng của việc tổ chức tổng kết Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 18/3/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với hoạt động của tổ chức Hội trong thời gian qua, ngày 27/02/2019, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam có Tờ trình số 39-TTr/ĐĐ gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng; Tờ trình số 62-TTr/ĐĐ gửi đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư về việc tổ chức tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW và ban hành Chỉ thị mới về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo trong thời kỳ mới.

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội và công tác thi đua khen thưởng năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 đã đề ra 14 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ở cấp tỉnh, thành phố và cấp trung ương. Để chủ động công tác chuẩn bị cho việc tổng kết, ngày 26/4/2019 Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 10 (khóa X) có Thông báo số 113/TB-HNBVN về việc tổ chức tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW.

Ngày 29/7/2019, Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn số 10126-CV/VPTW gửi Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam, trong đó nêu rõ: “Đồng ý về chủ trương và giao Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới. Trên cơ sở kết quả tổng kết, báo cáo trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị mới về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam”.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam đã có Công văn số 67-CV/ĐĐ ngày 12/8/2019 và Kế hoạch số 68-KH/ĐĐ, ngày 15/8/2019 gửi Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương về việc tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư. Và ngày 16/10/2019, Đảng đoàn tiếp tục có công văn số 77-CV/ĐĐ đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện việc tổng kết đúng tiến độ thời gian. Chỉ trong một thời gian ngắn, hầu hết các địa phương, bộ ngành, các cấp Hội đã hoàn thành việc tổng kết Chỉ thị số 37-CT/TW.

Thông qua đợt nghiên cứu, quán triệt, sơ kết 5 năm, 10 năm, đặc biệt là việc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị từ cơ sở, hầu hết các đơn vị, địa phương, các cấp Hội và hội viên đều nhận thấy rằng Chỉ thị 37-CT/TW ra đời đã tạo được luồng sinh khí mới, thể hiện sự quan tâm sâu sát và thiết thực của Đảng và Nhà nước đối với tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp của những người hoạt động báo chí, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để người làm báo hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Qua 15 năm thực hiện, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam có những bước chuyển biến rõ nét, vai trò của Hội được nâng lên, tổ chức Hội ngày càng được củng cố và hoàn thiện, phương thức hoạt động từng bước được đổi mới, phong phú hơn, hiệu quả hơn, thu hút nhiều hội viên tham gia. Các cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện cho Hội hoạt động. Hội chủ động tham gia vào công tác quản lý, chỉ đạo báo chí, đóng góp nhiều ý kiến vào việc xây dựng các chủ trương, chính sách đối với báo chí. Chất lượng hội viên và những người làm báo được nâng lên.

Nhìn chung, 6 nhiệm vụ Ban Bí thư nêu ra trong Chỉ thị nhằm nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới đã được triển khai nghiêm túc và đạt được những kết quả đáng mừng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, hoạt động của các cấp Hội vẫn còn tồn tại những hạn chế, yếu kém cần phải nghiêm túc nhìn nhận và kịp thời có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Thứ nhất, việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 37 ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, chưa nghiêm túc nên nội dung Chỉ thị chưa thực sự đi vào cuộc sống, hiệu quả chưa cao;

Thứ hai, một số cấp Hội chưa làm tốt công tác tham mưu, chưa chủ động tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền để nâng cao chất lượng hoạt động. Vẫn có những cán bộ Hội chưa nhiệt tình, chưa dành thời gian cần thiết cho hoạt động Hội. Việc bố trí cán bộ chuyên trách cho Hội gặp nhiều khó khăn do những người có năng lực, trình độ thì không muốn sang làm công tác Hội;

Thứ ba, việc tổ chức quán triệt, học tập Luật Báo chí và 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo tại một số cơ sở Hội thực hiện chưa nghiêm, dẫn đến một số hội viên chưa ý thức được đầy đủ trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo, vẫn còn một số hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức người làm báo;

Thứ tư, công tác bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ mặc dù được quan tâm và đạt được nhiều kết quả nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của hội viên và với sự phát triển nhanh của đội ngũ, nhất là đội ngũ những người làm báo trẻ;

Thứ năm, hoạt động hợp tác quốc tế của Hội chưa phong phú về hình thức, nhỏ về quy mô và khó khăn về nguồn lực;

Thứ sáu, vai trò của Hội Nhà báo trong việc tham gia ý kiến với các cơ quan Đảng và Nhà nước về chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự lãnh đạo các cơ quan báo chí cũng như việc xử lý kỷ luật các nhà báo vi phạm chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 43-CT/TW, ngày 08/4/2020 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới” với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với báo chí theo hướng bảo đảm báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và quyền tự do, dân chủ của nhân dân.

Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo. Chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để người làm báo nhận thức sâu sắc làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng.

Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong các cơ quan báo chí và các cấp hội nhà báo, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.

Cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chủ quản báo chí định kỳ làm việc với các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam để cung cấp thông tin cần thiết đối với những vấn đề dư luận quan tâm, kịp thời định hướng tuyên truyền, phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động báo chí và hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam. Tạo điều kiện thuận lợi để hội nhà báo các cấp hoạt động hiệu quả, phát huy tốt vai trò, vị trí của hội trong hoạt động báo chí và đời sống xã hội.

2. Các cấp Hội Nhà báo Việt Nam tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho người làm báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Thường xuyên tổ chức cho các nhà báo, hội viên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với thực hiện Luật Báo chí, Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

Củng cố, xây dựng hệ thống tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam thống nhất, chặt chẽ theo Điều lệ Hội. Phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực. Việc kết nạp và cấp thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam phải đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của Điều lệ Hội. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh người làm báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Lãnh đạo các cấp hội phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển và quản lý báo chí, đội ngũ người làm báo. Tham gia công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, lãnh đạo các cấp hội, có cơ chế để thu hút cán bộ có kinh nghiệm, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý làm công tác hội.

Quan tâm hơn nữa việc bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của hội viên, của người làm báo; có hình thức động viên, khen thưởng xứng đáng, kịp thời đối với các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động báo chí, công tác hội, nhất là các tổ chức hội, hội viên trực tiếp hoạt động ở những lĩnh vực, địa bàn có nhiều khó khăn.

Người làm báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam cần nhận thức sâu sắc trách nhiệm của người làm báo, ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần cống hiến, tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân.

3. Ban Cán sự đảng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về báo chí.

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí; có cơ chế, chính sách khuyến khích cán bộ làm công tác hội; làm tốt công tác bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật; quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người làm báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam, cấp ủy đảng, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo việc học tập, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Ban Tuyên giáo Trung ương có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi việc triển khai và thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Ban Bí thư. Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ra đời trong bối cảnh hiên nay là kim chỉ nam cho hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, thể hiện sự đánh giá cao vai trò vị trí, sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người hoạt động báo chí, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nhà báo Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Nhận thức về vai trò, vị trí của Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục được nâng lên một bước, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong hành động. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan báo chí, các cấp Hội và bản thân các hội viên nhận thức đầy đủ hơn, có giải pháp đúng đắn, mạnh mẽ hơn để tiếp tục nâng cao vai trò, vị trí, trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp Hội.

Thời gian tới, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường tác động mạnh đến nước ta và trong kỷ nguyên truyền thông số, bên cạnh những thuận lợi và cơ hội, hoạt động báo chí và hoạt động Hội Nhà báo đang gặp nhiều khó khăn, thách thức rất gay gắt.

Vì vậy, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và các cấp Hội Nhà báo Việt Nam. Từ đó, nâng cao vai trò nòng cốt của lực lượng báo chí, của Hội Nhà báo Việt Nam trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, định hướng đúng đắn dư luận xã hội, góp phần nâng cao dân trí, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo căn cứ vào nội dung của Chỉ thị số 43-CT/TW và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tình hình, đặc điểm cụ thể của địa phương, đơn vị, cơ quan mình, chủ động chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ sau:

Nắm những nội dung định hướng cơ bản, xây dựng kế hoạch, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị để thực hiện thật tốt Chỉ thị số 43-CT/TW.

Tập trung phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc nâng cao chất lượng, tính chủ động, hiệu quả trong các hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí, các loại hình truyền thông mới, sử dụng hiệu quả Internet và mạng xã hội trong việc tăng cường và nâng cao hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động báo chí nói chung và hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo phối hợp chặt chẽ, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư, nhằm củng cố, xây dựng hệ thống tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam vững mạnh theo đúng Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam.

Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội Nhà báo trực thuộc tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho người làm báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng trong các cấp Hội Nhà báo; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh người làm báo vi phạm pháp luật, vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội, quan tâm hơn nữa việc bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của hội viên; chú trọng công tác bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho các nhà báo - hội viên, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần cống hiến, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

* Tiêu đề do Tòa soạn đặt

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây