Làm thử mà đi vào sự thật lịch sử
Đến dự lễ kỷ niệm 50 năm (1947 - 1997) lần đầu tiên Bác Hồ đọc thơ chúc Tết trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, được tổ chức long trọng, đầm ấm và thiêng liêng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xúc động nói: “Tôi có duyên với Đài Tiếng nói Việt Nam”.
Cái duyên ấy chính là Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Bác Hồ giao nhiệm vụ cùng Bộ Thông tin lập Đài Phát thanh Quốc gia. Chủ ý của Bác là làm sao để ngày Quốc khánh, đồng bào trong nước và nhân dân thế giới được nghe Tuyên ngôn một nước Việt Nam mới ra đời. Chính vì lẽ ấy mà các ông Trần Lâm, Trần Kim Xuyến, Chu Văn Tích cùng các cộng sự Nguyễn Văn Nhất (biên tập), Nguyễn Cung (kỹ thuật truyền dẫn phát sóng), Lê Quang Lân (kỹ thuật Studio) ngày đêm miệt mài làm việc kịp phát thanh trực tiếp lễ Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Đến tối 1/9/1945, Studio ở số 4 Phạm Ngũ Lão vẫn chưa xong. Lúc này ông Nguyễn Cung, một cán bộ kỹ thuật dày dặn trong nghề sửa chữa và quản lý máy phát sóng phụ trách trực tiếp Điện đài Bạch Mai ở 128C Đại La cùng một số kỹ thuật viên đã cải tiến xong máy VTĐ thành máy phát sóng phát thanh bằng sóng ngắn 19m, 25m, 31m, 41m, 49m, công suất từ 100W đến 500W. Tổng biên tập Trần Lâm hỏi ý kiến ông Cung liệu có tường thuật trực tiếp Lễ Quốc khánh được không? Sau một hồi suy nghĩ, ông trả lời “làm được, nhưng chỉ dám làm thử thôi”.
Ông Trần Lâm kể lại: “Ngày 2/9, bác Cung đưa một máy 300w lên số 4 Đinh Lễ truyền thử cuộc mít tinh ở Ba Đình về bằng đường giây trần. Lời Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập được phát lên không trung qua ăng ten đặt trên nóc nhà và truyền từ Ba Đình về bằng giây trần nên vùng phủ sóng không rộng và âm thanh bị nhiễu, không được tốt. Tuy nhiên cũng có một số nơi lắng tai nghe vẫn được” (Nửa thế kỷ Tiếng nói Việt Nam- NXB CTQG - 1995 - tr 18).
Cuộc phát sóng phát thanh thử trực tiếp truyền tiếng Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 đã đi vào sự thật lịch sử của dân tộc.
11h30' ngày 7/9/1945, chính thức phát sóng chương trình phát thanh đầu tiên
Ông Nguyễn Văn Nhất, phóng viên, biên tập viên, nam phát thanh viên đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam, sau này là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam, Phó Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam nhớ lại: “Sáng 7/9/1945, bọn mình đến trụ sở sớm hơn mọi ngày, trao đổi, bàn bạc sôi nổi ngay từ đầu bắt tay xây dựng chương trình phát thanh đầu tiên, khai sinh Đài Phát thanh Quốc gia. Ai cũng thấy quan trọng, ai cũng xúc động, nhưng bắt đầu như thế nào thì ai cũng ngỡ ngàng. Cuối cùng anh Trần Lâm chủ trì cuộc họp phân công mình chấp bút và viết lời phi lộ. Anh Lâm nói: “Anh hãy soạn toàn bộ buổi phát thanh để tôi còn lo công việc chung và tổ chức các bộ phận biên tập tuyên truyền ra nước ngoài”.
Các thành viên cuộc họp nhất trí cao là lấy Toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9 làm nội dung chính của chương trình. Ông Trần Lâm quyết và giao cho các bộ phận tiếng nước ngoài dịch ngay bản Tuyên ngôn Độc lập ra tiếng Pháp, Anh và Trung Quốc. Hơn một giờ sau ông Nguyễn Văn Nhất viết xong lời phi lộ.
“Thưa đồng bào toàn quốc và thính giả thân mến!
Bắt đầu từ hôm nay, ngày 7/9/1945, Tiếng nói của Việt Nam chính thức ra mắt đồng bào trong cả nước và thính giả khắp năm châu.
Dân tộc Việt Nam từ 2/9/1945, sau hơn 80 năm bị giặc Pháp đô hộ và phát xít Nhật xâm lược đã giành được Độc lập Tự do, thực sự đã Độc lập Tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trong bản Tuyên ngôn Độc lập trước Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Dân tộc Việt Nam đã giành lại được toàn bộ đất nước của mình, đã lập nên chính quyền cách mạng với chính thể Dân chủ Cộng hòa. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có thủ đô của mình là Hà Nội, và hôm nay cất lên Tiếng nói Chính nghĩa của mình, đấu tranh cho nền Độc lập non trẻ vừa giành lại, đồng thời góp phần cùng tiếng nói của nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới đấu tranh cho dân chủ hòa bình, hữu nghị và bình đẳng giữa các dân tộc.
Dưới ngọn cờ đỏ sao vàng, “Tiếng nói Việt Nam” sẽ cùng đồng bào cả nước đấu tranh cho cuộc sống ấm no và hạnh phúc của toàn dân tộc và cho sự đoàn kết của các dân tộc trên đất nước Việt Nam, cùng nhau thực hiện lời thề Độc lập, quyết không trở lại đời nô lệ. Đài chúng tôi mong rằng từ nay chúng tôi sẽ là người bạn thân mến của mỗi gia đình Việt Nam, và cũng là tiếng nói bạn bè với tất cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình khắp năm châu. Mong rằng các bạn hãy giúp đỡ chúng tôi về mọi mặt và góp ý kiến nhận xét cho Đài chúng tôi ngày một phát triển và tiến bộ.
Xin cảm ơn đồng bào toàn quốc và bạn bè thính giả khắp thế giới”.
11h30 ngày 7/9/1945 trên bầu trời thu Hà Nội, trong không gian mênh mang của nước Việt Nam mới phát đi tín hiệu mới, vang lên khúc quân hành “Tiến Quân ca”, bài hát hiệu chính thức “Diệt phát xít”, tiếp ngay là lời xướng “Đây là Tiếng nói của Việt Nam phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Theo ông Nguyễn Văn Nhất thì trong ban nội dung lúc ấy, biên tập viên kiêm luôn phát thanh viên giọng nam. Các ông Trần Lâm, Nguyễn Văn Nhất, Trần Kim Xuyến, Hoàng Tuấn, Lê Hồng Giang đều có giọng tốt. Nhưng ai sẽ là giọng nam đầu tiên đọc lời xướng? Mọi người nhìn nhau, ông Lâm quyết: “Trong mấy anh em ta, giọng anh Nhất là tốt nhất”. Vậy là bà Dương Thị Ngân đọc lời xướng đầu tiên và ông Nguyễn Văn Nhất xướng lại. Với chất giọng sáng, rõ ràng, mạch lạc, mạnh mẽ, tự tin ông Nguyễn Văn Nhất đọc Toàn văn Tuyên ngôn Độc lập.
Bà Ngân đọc lại lần nữa. Sau đó là danh sách các vị thành viên trong Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Tiếp theo là đọc toàn văn lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi đồng bào cả nước trong những ngày sôi sục Cách mạng tháng Tám, giành chính quyền về tay Nhân dân. Tiếp đến là nhật lệnh của Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang cách mạng Võ Nguyên Giáp kêu gọi toàn dân đoàn kết, giúp đỡ, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, quân đội cách mạng. Sau cùng là tin tức các nơi khởi nghĩa thành công đang bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng cùng với tin thế giới.
Sau chương trình tiếng Việt 30 phút là chương trình Ca nhạc “sống”. Thuở ban đầu chưa có máy ghi âm nên phát trực tiếp dài 30 phút do đoàn quân nhạc Đinh Ngọc Liên và phụ nữ Cứu quốc ở ngoài sân biểu diễn, kỹ thuật viên dòng giây từ micro đến máy truyền âm theo đường giây cáp đến máy phát sóng của Điện đài Bạch Mai phát lên không trung. Sau chương trình ca nhạc là các thứ tiếng nước ngoài gồm tiếng Pháp, Tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, dài khoảng 30 phút.
Trong lời tựa cuốn “Nửa thế kỷ Tiếng nói Việt Nam”, NXB CTQG xuất bản năm 1995, Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Khoảnh khắc thời gian ấy chỉ diễn ra trong 90 phút, nhưng mãi mãi in đậm vào ký ức của người Việt Nam”.
Không thể quên những thời khắc lịch sử.
Trụ sở đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam là nhà số 4 Đinh Lễ. Trong căn phòng ở tầng 2 đã diễn ra cuộc họp quyết định các vấn đề quan trọng, cơ bản của Đài Phát thanh Quốc gia, nơi biên tập chương trình phát thanh đầu tiên.
Nhà số 4 Phạm Ngũ Lão là Studio đầu tiên. Và đây cũng là nơi đầu tiên đón Bác Hồ đến trực tiếp nói chuyện với đồng bào Nam Bộ cùng đồng bào chiến sỹ cả nước vào trưa 9/3/1946, qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau khi phân tích kỹ càng tình hình cách mạng và việc ký Hiệp định sơ bộ 6/3 cũng như vạch trần những luận điệu xuyên tạc vu cáo Hồ Chủ Tịch bán nước, Người xúc động nói: “Đồng bào hãy tin rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước". Sau đó, trước khi lên đường đến Paris với tư cách là thượng khách của nước Pháp, Bác Hồ gửi thư cho đồng bào Nam Bộ, Người viết: “Tôi xin đồng bào cứ bình tĩnh. Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước. Đồng bào Nam Bộ đã hy sinh, tranh đấu mấy tháng trường để gìn giữ non sông cho toàn nước Việt Nam, cho nên đồng bào cả nước đều phải nhớ ơn đồng bào Nam Bộ.
Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam.
Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Bức thư tâm huyết này được Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi từ Đài phát sóng Bạch Mai, 128C Đại La, Hà Nội. Đồng bào chiến sỹ Nam Bộ nghe được vô cùng xúc động hướng về Cụ Hồ, hướng về Chính phủ Kháng chiến quyết chiến với quân thù với niềm tin chiến thắng.
Nhà Phát sóng của Điện đài Bạch Mai ở 128C Đại La là khâu cuối cùng, để lần đầu tiên truyền đi Toàn văn Tuyên ngôn Độc lập đến đồng bào chiến sỹ cả nước, kiều bào ở nước ngoài và nhân dân thế giới tuyên bố Nước Việt Nam mới ra đời, Đài Phát thanh Quốc gia đầu tiên ở Việt Nam và Đông Dương chào đời, khai sinh ngành báo Nói Việt Nam bên cạnh báo In đang phát triển. Từ đây giới báo chí trong nước và thế giới biết đến một Đài Phát thanh bằng tiếng Việt đầu tiên ra mắt công chúng.
Như vậy với chương trình phát thanh đầu tiên được phát sóng đã hình thành các đơn vị có truyền thống ra đời từ 7/9/1945. Đó là chương trình Thời sự (Nay là Ban Thời sự), hình thành đội ngũ phát thanh viên (Nay là phòng Phát thanh viên thuộc Ban thư ký biên tập), là phòng biên tập Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, nay thuộc Ban Biên tập Đối ngoại, chương trình Ca nhạc, nay phát triển thành Ban biên tập Âm nhạc và Nhà hát Phát thanh, là hình thành phát triển đội ngũ kỹ thuật truyền dẫn phát sóng (nay là Ban Kỹ thuật phát thanh), là đội ngũ bá âm (nay là Trung tâm Âm thanh).
Sự kiện ngày 15/9/1945
Hồi ký của Trần Lâm viết: “Ngày 15/9/1945 chúng tôi lấy hai bản tin tiếng Anh và tiếng Pháp soạn lại thành thể văn thông tấn như các hãng thông tấn Reuters, AFP, UPI, đặt tên cho bản tin này là VNA (Vietnam News Agensy) và AIV (Agence d’Infornation du Vietnam) – Hãng Thông tấn Việt Nam truyền đi bằng ký hiệu moóc, ta thường gọi là “tích tè”. Lúc ấy và trong suốt thời kỳ chống Pháp người đánh bản tin VNA và AIV là bác Tạ. Những lúc bác Tạ tạm thời nghỉ phát thì người đánh máy thay là anh Tâm B, vốn là một cầu thủ nổi tiếng của đội bóng “Racing Club” thời Pháp thuộc. Bác Tạ được giới đánh moóc coi là bậc thầy, giỏi nhất Đông Dương. Như vậy là một tuần, sau khi Đài Tiếng nói Việt Nam chào đời thì Hãng Thông tấn Việt Nam (tiền thân của Thông tấn xã Việt Nam) cũng ra mắt thế giới bằng những bản tin tiếng Anh và tiếng Pháp. Cho đến nay bản tin tiếng Anh của Thông tấn xã Việt Nam vẫn lấy tên VNA và Thông tấn xã Việt Nam lấy ngày 15/9/1945 là ngày ra đời của Hãng Thông tấn Quốc gia hiện đại ngày nay.
Suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, VNA và AIV vẫn hoạt động đều cùng Đài Tiếng nói Việt Nam và cùng do anh chị em làm chương trình phát thanh tiếng Anh, tiếng Pháp biên soạn. Có thể nói Hãng Thông tấn Việt Nam đối ngoại ra đời trước, rồi mấy năm sau, trong kháng chiến, Nha Thông tin mới lập ra một bộ phận do anh Vũ Tá Duyệt phụ trách chuyên khai thác các nguồn báo cáo ở các nơi gửi về, các thông báo của Chính phủ và khai thác các báo nước ngoài để làm bản tin hàng ngày cung cấp cho Đài Tiếng nói Việt Nam và các báo trong nước. Bộ phận này có thể coi là tiền thân của Việt Nam Thông tấn xã Đối nội. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Nha Thông tin giải thể, lập Bộ Văn hóa, Văn nghệ thì Nha Thông tin chuyển thành Việt Nam Thông tấn xã. Anh Vũ Tá Duyệt chuyển về Đài Tiếng nói Việt Nam”.
Đài Truyền hình Việt Nam ra đời từ trong lòng Đài Tiếng nói Việt Nam
Nhà báo lão thành, Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam Trần Lâm nhớ lại “Năm 1966 Bộ biên tập nhận được tin Mỹ trang bị cho Sài Gòn hai đài truyền hình, một cho ngụy quyền Sài Gòn và một phục vụ binh sỹ Mỹ. Chúng tôi rất sốt ruột là ở Miền Bắc đang có chiến tranh phá hoại không thể làm truyền hình được. Mà đã chậm thì có thể khi giải phóng Sài Gòn ta phải tạm đóng cửa, ngừng phát sóng truyền hình một thời gian. Nếu vậy ảnh hưởng chính trị sẽ rất xấu. Chúng tôi nghĩ Miền Bắc có thể chậm có truyền hình cũng được, vì nhân dân chưa có tập quán xem truyền hình. Nhưng Miền Nam khi được giải phóng không thể ngừng phát truyền hình”.
Trong chuyến đi thăm Cuba đầu tiên vào quý 2 năm 1967 do Tổng biên tập Trần Lâm dẫn đầu, Đài Tiếng nói Việt Nam đã ký với Viện Phát thanh Truyền hình Cuba (ICRT) một hiệp định song phương, trong đó có điều khoản: Cuba nhận giúp Việt Nam đào tạo cán bộ làm truyền hình. Tháng 4/1968, Bộ biên tập Đài TNVN chọn 16 người từ các đơn vị biên tập, kỹ thuật âm thanh, kỹ thuật phát sóng có trình độ đại học, có kinh nghiệm trong các lĩnh vực đang làm việc sang Đài Truyền hình Cuba học tập. Đầu quý 4 năm 1969 đoàn trở về mang theo những kiến thức, trải nghiệm và tay nghề được bạn đào tạo. Ngày 2/1/1970 Tổng biên tập Trần Lâm triệu tập cuộc họp lãnh đạo với đoàn học tập truyền hình từ Cuba về quyết định phát thử chương trình Truyền hình vào ngày 7/9/1970, nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chương trình truyền hình đầu tiên phát vào tối 7/9/1970 tại phòng thu M, 58 Quán Sứ Hà Nội, gồm có 15 phút thời sự và 30 phút ca nhạc. Nữ xướng ngôn viên truyền hình đầu tiên là phát thanh viên Lan Hương có gương mặt xinh đẹp, giọng Sài Gòn dịu dàng, chuyên đọc cho chương trình Thành thị Miền Nam và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Giọng nam đầu tiên là phát thanh viên gạo cội Nguyễn Thơ với chất giọng Hà Nội sáng, vang, mạnh mẽ.
Để bảo đảm tổ chức đài Truyền hình thành công đúng tiến độ, đầu năm 1971 Bộ Biên tập Đài TNVN đã thành lập Ban Truyền hình, tương đương Ban Đối Nội, Đối ngoại của Đài, cử ông Lê Quý, phó Tổng biên tập Đài làm trưởng ban, ông Trịnh Lý Thản làm phó ban, phụ trách kỹ thuật.
Vậy là Đài Truyền hình Việt Nam đã ra đời, phát triển ban đầu từ trong lòng Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong lời tựa cuốn “Nửa thế kỷ Tiếng nói Việt Nam”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Một tuần lễ sau (Đài TNVN ra đời 7/9/1945) từ hai bản tin tiếng Anh và tiếng Pháp của Đài Tiếng nói Việt Nam soạn thành thể văn thông tấn, đánh dấu sự ra đời của Thông tấn xã Việt Nam ngày nay.
Hai mươi lăm năm sau (mùng 7/9/1970) từ trong lòng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam ra đời, xuất hiện một loại hình báo chí mới, báo hình điện tử.
Từ một gốc nảy ra ba cành. Từ chủ trương của Đảng, của Bác Hồ đã hình thành phát triển ba cơ quan báo chí lớn trong nền báo chí cách mạng Việt Nam”./.
Nhà báo Trần Đức Nuôi/VOV
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên