“Thành công của cuộc thi thể hiện sự quan tâm của các tác giả, nhà báo, cơ quan báo chí đối với sự phát triển của ngành GTVT. Tất cả những bài báo đều phản ánh thực tế, thực trạng phát triển của hạ tầng giao thông, từ đó, đề xuất giải pháp để khắc phục hạn chế. Trong đó, có nhiều đề xuất hay Bộ GTVT đã tiếp thu đưa vào Luật GTĐB sửa đổi”, Bộ trưởng Thể khẳng định.
Ông cũng cho rằng, việc tham gia của các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên thể hiện tinh thần trách nhiệm của công dân, của những “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa, góp phần chung tay cùng Bộ GTVT tạo nên hệ thống giao thông tốt nhất, phục vụ phát triển KT-XH.
Phát động Cuộc thi báo chí viết về ngành GTVT năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể mong muốn, cuộc thi lần thứ hai do Bộ GTVT tổ chức sẽ tiếp tục nhận được sự hưởng ứng và những bài viết chất lượng, đề xuất những giải pháp mang tính đột phá hơn nữa liên quan đến các lĩnh vực/dự án giao thông trọng điểm của đất nước như: lĩnh vực hàng không, hàng hải, dự án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông,… để cùng ngành giao thông xây dựng lên những dự án mang tính chiếc lược, tạo động phát triển KT-XH.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng Biên tập Báo Giao thông, Phó trưởng Ban thường trực của cuộc thi cho biết, sau một năm phát động, Cuộc thi “Báo chí viết về ngành GTVT lần thứ nhất năm 2020” được phát động nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành GTVT (28/8/1945 - 28/8/2020) có sức lan tỏa lớn khi thu hút được đông đảo các nhà báo chuyên và không chuyên và các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tham gia với gần 200 tác phẩm, trong đó có đến 60 loạt bài dài kỳ của gần 50 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương gửi bài tham dự.
Các tác phẩm dự giải năm nay đa phần đảm bảo đúng thể lệ, có chất lượng tốt, có góc nhìn tươi mới về những thành tựu của ngành GTVT từ khi đất nước đổi mới. Nhiều bài viết có những sáng kiến, đề xuất, ý tưởng mới đóng góp vào công cuộc phát triển ngành GTVT.
Trong số này, có nhiều bài viết thực sự đã chạm đến đáy cảm xúc của người đọc, khi kể câu chuyện cũ dưới góc nhìn mới về sự hy sinh không thể đo đếm của hàng ngàn thanh niên xung phong hơn 6 năm ròng treo người trên đá xây dựng cung đường Hạnh Phúc trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), với tác phẩm: “55 năm cung đường hạnh phúc trên núi đá Hà Giang” của nhóm tác giả Báo Tuổi trẻ TP HCM.
Hay loạt bài “Phá thế ốc đảo” của nhóm tác giả Báo Thái Bình lại hấp dẫn bạn đọc bằng câu chuyện “người thực việc thực” với những chi tiết rất riêng chỉ có ở “quê lúa” Thái Bình khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Một tác phẩm khác cũng được đánh giá rất cao về sự công phu và tính phát hiện đề tài là loạt bài: “Chênh lệch địa tô từ làm đường vào túi ai?” của nhóm tác giả Báo Giao thông lại lôi cuốn bạn đọc bằng cách đặt vấn đề sắc sảo, đeo bám công phu và giải quyết vấn đề đến tận cùng.
Sau hai vòng sơ khảo và chung khảo, với sự tham gia chấm giải của lãnh đạo Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; Lãnh đạo Văn phòng Bộ GTVT và các nhà báo chuyên nghiệp, có uy tín, Ban Tổ chức đã lựa chọn và trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 5 giải Ba và 15 giải Khuyến khích cho các tác phẩm dự thi (Không có giải Đặc biệt).
Cụ thể, 1 giải Nhất trị giá 30 triệu đồng cho tác phẩm: “55 năm cung đường hạnh phúc trên núi đá Hà Giang” thể loại: Megastory (Nhóm tác giả: Lê Đức Dục, Đức Bình, Ngọc Quang, Nam Trần - Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh).
Hai giải Nhì mỗi giải 15 triệu đồng cho các loạt bài phản ánh: “Phá thế ốc đảo” (Nhóm tác giả: Trần Thị Thoa, Nguyễn Thị Nguyệt, Phạm Bá Hưng, Nguyễn Trung Kiên - Báo Thái Bình); Loạt bài phản ánh: “Chênh lệch địa tô từ làm đường vào túi ai?” (Nhóm tác giả: Báo Giao thông).
Năm giải Ba mỗi giải 10 triệu đồng, gồm các loạt bài phản ánh: “Giải bài toán hạ tầng giao thông để khai thác tiềm năng đất “chín rồng” (Nhóm tác giả: Văn Đức, Trần Lĩnh, Văn Vĩnh và nhóm PV ĐBSCL - Báo Công an nhân dân); “Phát triển giao thông nông thôn: Từ chủ trương đến thực tế” (Nhóm tác giả: Minh Hạnh, Phùng Nguyên - Mạnh Việt, Hoàng Dung, Khánh Linh - Lan Hương - Báo Nhân dân); “Thu phí không dừng: Lợi ích thấy rõ nhưng vẫn quẩn quanh” (Nhóm tác giả: Phan Trang, Thái Hòa, Văn Cường - Báo Điện tử Chính phủ); “Khơi thông sông Cổ Cò, kết nối vùng đô thị xứ Quảng” (Tác giả: Triệu Văn Tùng - Báo Đà Nẵng); “Tăng tốc cho cao tốc Bắc - Nam” (Tác giả: Lê Hữu Việt - Báo Tiền Phong).
Cùng đó, Ban tổ chức cũng đã lựa chọn, trao giải 15 giải Khuyến khích mỗi giải 5 triệu đồng gồm: Loạt bài phản ánh: “Nối mạch giao thông ĐBSCL - Mệnh lệnh từ thực tế” (Tác giả Hoàng Minh - Báo Vĩnh Long); Chùm bài: “Tăng kết nối các phương thức vận tải tạo giá trị phát triển logistics” (Tác giả: Nhóm PV Tạp chí GTVT); Tác phẩm: “Phát triển giao thông nông thôn - Đường mới thỏa mong ước” (Tác giả: Thu Phong - Báo Bắc Giang); Tác phẩm: “Căng thẳng bên trong “bộ não” giao thông thông minh” - Thể loại Phóng sự (Nhóm tác giả: Nguyễn Thu Dung, Trần Ngọc Ân - Báo Tuổi trẻ).
Tác phẩm: “Người đến, kẻ đi ở các dự án đường sắt” (Tác giả Lê Anh Quân - Thời báo Kinh tế Sài Gòn); Tác phẩm: “Tiết lộ đặc biệt về 2 tiếp viên hàng không từng nhiễm Covid-19” - Thể loại Phóng sự (Tác giả: Châu Như Quỳnh - Báo điện tử Dân trí); Tác phẩm: “Thu phí tự động khó vì đâu?” - Thể loại bài Phản ánh (Tác giả: Mai Hà - Hà Mai - Báo Thanh niên); Tác phẩm: “Lan tỏa những mạnh máu giao thông” - Thể loại Longform (Tác giả Anh Minh. Thiết kế: Hồ Hạ - Báo Đầu tư); Tác phẩm: “Nhịp cầu nối đôi bờ vui khơi “mạch máu” làm đổi thay nông thôn” - Thể loại E-Magazine (Nhóm tác giả: Thế Anh - Bảo Phương, Việt Anh, Hiếu Phạm - Báo điện tử Dân Việt).
Tác phẩm“Những người “thắp đèn” ở Trường Sa” thể loại E-Magazine (Tác giả Cao Văn Tuân - Báo Gia đình & Xã hội); Tác phẩm: “Nguy cơ phá sản cao, làm gì để giải cứu doanh nghiệp hàng không” - Thể loại Loạt bài phản ánh (Tác giả Chiến Thắng, Mạnh Hưng - Báo Quân đội nhân dân); Tác phẩm: “Quá tải hạ tầng Hà Nội: Những lỗ hổng cần bịt” - Thể loại bài phản ánh (Nhóm tác giả: Trần Lan Anh/Khánh An - Báo Nhà báo và Công luận); Tác phẩm: “Tiếp viên hàng không: “Tôi đau toàn thân lúc nhiễm nCoV” - Thể loại bài phản ánh (Tác giả: Đoàn Loan - Báo điện tử VN Express); Chùm bài “Bay thẳng tới Mỹ: Không phải cứ nói bay là bay được” - Thể loại bài phản ánh (Nhóm tác giả: Nguyễn Trí Mẫn, Phạm Anh Minh (CTV Tạp chí Heritage); Tác phẩm: “Xe buýt Hà Nội sống mòn, chờ bàn tay can thiệp từ nhà nước” - Thể loại Loạt bài phản ánh (Tác giả: Đỗ Mạnh Hùng - Báo Vietnam Plus).
Ban Tổ chức cũng trao 3 giải tập thể cho các cơ quan báo chí có số lượng bài tham gia dự giải nhiều nhất gồm: Báo Thừa Thiên - Huế, Báo Quân đội nhân dân, Báo Bắc Giang.
Theo PV/ NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên