Đánh giá một nền thơ cần bao quát, phân tích, mổ xẻ nhiều yếu tố: Từ tác giả, tác phẩm đến bạn đọc, từ nội dung đến hình thức, từ giá trị tự thân qua văn bản tác phẩm đến ảnh hưởng tác động tới công chúng bạn đọc; ngoài giá trị văn chương còn là vai trò xã hội của nó. Phải đặt thơ Hưng Yên vào xu hướng vận động của thơ cả nước cùng thời kỳ. Vấn đề lớn và cần dày công nghiên cứu. Ở phạm vi bài này tôi chỉ xin trình bày: Thơ Hưng Yên 20 năm từ một góc nhìn, chủ yếu là ở phương diện đóng góp những phong cách tác giả để tạo nên diện mạo chung nền thơ Hưng Yên.
Tháng 4/2017, Tạp chí Phố Hiến số 107 ra, Đàm Huy Đông có bài “Đi đến đâu cũng gặp mình thổn thức” giới thiệu tập thơ “Đi” của Nguyễn Thành Tuấn. Trong đó có những câu so sánh liên hệ làm phật lòng không ít người: “Đi suốt hai thập kỷ qua, thơ anh (NTT) như một ngọn núi kiêu hãnh và ít nhiều lẻ loi, cô đơn giữa cánh đồng thơ ca Hưng Yên buồn bã và triền miên thất bát”. Ngay sau đó, Tạp chí Phố Hiến số 108, ra tháng 7/2017 có bài “Từ cánh đồng thơ Hưng Yên, đôi lời với nông phu Đàm Huy Đông” của tác giả Nguyễn Thành Tuấn, có ý nói lại làm dịu bớt căng thẳng.
Vậy, thơ Hưng Yên 20 năm qua (tạm tính từ ngày tái lập tỉnh tháng 1.1997) phát triển ra sao?
1. Quá dồi dào về số lượng tác giả, tác phẩm:
Ở đây chỉ tính các nhà thơ là hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật Hưng Yên, không tính những cây bút người quê Hưng Yên nhưng đang sinh sống ở nơi khác, sinh hoạt ở Hội khác.
Số lượng cây bút tham gia ban Thơ của Hội đến 2018 là 36 người, hầu như ai cũng có ít nhất một tập thơ. Có người 7-8 tập thơ như Lê Hồng Thiện. Ngoài ra, có một số cây bút “tay ngang” như Lê Hoàng Thao cũng ra đôi tập. Những cây bút chủ lực trên trang thơ Báo Hưng Yên và Tạp chí Phố Hiến đa số là Hội viên ban Thơ.
Số lượng bài thơ, tập thơ vừa nêu phản ánh trào lưu làm thơ chung của cả nước. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã ước định “dễ có đến 3,4 ngàn tập xuất bản hàng năm trong cả nước”. Trước nhận xét này của ông, tôi thật xót lòng khi nghĩ đến những cánh rừng mà không biết nói sao!
2. Về chất lượng
Thời gian đã hình thành khá nhiều cây bút xác lập được phong cách riêng, để lại dấu ấn trong người đọc, trong giới văn chương và người yêu thơ nói chung.
Thơ Ngô Hoàng Anh ngôn từ dân dã mà mang chiều sâu triết lý. Ông có biệt tài về thơ lục bát. Thơ Trần Đăng Ninh chắt lọc, hình ảnh và ý tưởng táo bạo, thông minh phản ánh trí tuệ uyên bác. Hoàng Thế Dân mộc mạc, thành thật đi thẳng vào thế sự nhân tình. Trước khi giữ cương vị lãnh đạo tỉnh, Nguyễn Khắc Hào là nhà giáo, nhà quản lý. Rất dễ hiểu vì sao lại để nhiều dấu ấn nghề nghiệp trong thơ. Thơ ông lớp lang, khít khao trong cấu tứ, tròn trịa trong hình ảnh, mạch lạc và vuông vắn, có chiều sâu tư tưởng nhưng hình như còn thiếu ít nhiều bay bổng, mơ màng.
Nguyễn Thành trăn trở việc đời, phận người tuy có chút cầu kỳ bí hiểm trong câu chữ. Nguyễn Thị Hương có giọng thơ nhẹ nhàng, tình cảm và tinh tế trong ngôn ngữ, giản dị mà thấm thía. Nguyễn Văn Thích có cái nhìn thật sâu sắc về mọi thứ mà ông cảm nhận. Thơ ông có nhiều tầng nghĩa, buộc người đọc phải suy nghĩ, trong đó có những ý thơ gai góc mà kín đáo tạo liên tưởng đa chiều. Thơ Nguyễn Xuân Dương chặt chiệm, cân nhắc chữ nghĩa, đăng đối tề chỉnh, xúc cảm hồn nhiên, rất giỏi ở thơ Đường luật và nhuần nhuyễn trong thể lục bát; nói như nhà thơ Vũ Quần Phương đây là “một tài năng chín muộn”. Ông công bố thơ mình chưa nhiều, chỉ một phần nhỏ trong gia tài thơ hiện có, nhưng rất ấn tượng. Phạm Ngọc Động có thiên hướng về thơ tình yêu (trong tập “Chuyển mùa” có 23/38 bài viết về đề tài này). Nét riêng trong thơ ông là khi miêu tả và cảm nhận cái đẹp của tạo vật, ông thường dùng các từ ngữ, hình ảnh thuộc về con người, đặc biệt người phụ nữ để miêu tả, những từ ngữ dân dã: “phổng phao, thây lẩy, lằn lẳn”, “cởi áo heo may”, “buông lơi vạt cúc”, “liếc ngang”…Không táo tợn, lập lờ 2 nghĩa như thơ Hồ Xuân Hương, không tình tứ, kín đáo như thơ Nguyễn Bính, cách tạo hình của ông cơ hồ như ở khoảng trung gian. Phạm Ngọc Động viết không nhiều nhưng có một số bài hay (Cây cau, Thu, Thao thức trăng). Lưu Tuấn Kiệt nay có thể gọi là đã già, nhưng hồn thơ ông luôn luôn trẻ trung. Sự độc đáo trong thơ Lưu Tuấn Kiệt mà ông hay nói đi nói lại là ở nghệ thuật “ảo hóa”. Ông đã sử dụng các biện pháp tu từ một cách sáng tạo. Tư tưởng trong thơ Lưu Tuấn Kiệt chìm dưới lớp hình ảnh. Những hình ảnh quen nhưng nhờ cách nhìn mà trở thành mới lạ, không hoặc ít ai nói thế. Ví dụ: “Cánh đồng sinh nở/ Bờ ruộng mới khâu”, “Ngày mùa/ lúa trên đồng/ Mênh mông chiếu trải”, “Mưa xuân vắt sữa thơm”. Thủ pháp ông thường dùng là giản ước tối đa các thành phần trong một cấu trúc so sánh để chỉ còn lại đặc điểm nổi bật nhất của vật được miêu tả. Đây không phải là thủ pháp “ngây thơ hóa sự vật”, sản phẩm của kiểu tư duy đồng dao, đồng thoại như có người đã nhận định mà là sản phẩm của cái nhìn trẻ trung, luôn nhìn cuộc sống ở khía cạnh thơ ngây, mơ mộng. Còn cách cắt thành các câu thơ ngắn, dễ cho ta một ngộ nhận chúng mang dáng dấp đồng dao đó thôi. Chẳng hạn: “Tháng Tư/ Trời đất gọi nhau/ Ì ầm tiếng sấm”. Nguyễn Thành Tuấn được Đàm Huy Đông thổi tới mây xanh trong bài giới thiệu tập thơ “Đi” vừa kể. Ví thơ Nguyễn Thành Tuấn như ngọn núi kiêu hãnh, tập thơ “Đi” như “vệt sao băng lóe xuyên thế kỷ”. Nếu là tôi, tôi sẽ rất ngượng và chắc Tuấn cũng thế. Thơ Tuấn không phải hay tất cả nhưng bài nào cũng đọc được trở lên. Nhờ ý tưởng sáng rõ mà bài thơ vừa gần gũi vừa mới, cách cấu tứ mạch lạc, chất liệu sống ngồn ngộn, cách tạo hình ảnh rất có nghề. Đôi khi anh nói huỵch toẹt: “Tôi nay tuy cũng có hèn/ Nhưng mà chỉ rút lõi tiền vợ tôi/ Vẫn còn hơn chán vạn người/ Chỉ lo bớt xén mồ hôi kẻ ngoài” (Đùa với sinh viên sư phạm). Giọng điệu thật là “đanh đá”, đáo để, nghe rất thích.
Nguyễn Thanh Tùng viết lục bát nhuyễn nhưng thơ tự do mới là thế mạnh thực sự của Tùng. Hình như anh làm thơ một cách khó nhọc vì luôn tìm cách đưa vào thơ ám ảnh triết học và hừng hực một tinh thần đổi mới tiếp cận với xu thế cựa mình của thơ đương đại. Hơi thơ của Tùng có tiếng thở mạnh mẽ, đầy nội lực nhưng rất kén người đọc vì mạch thơ và hình ảnh không rõ nét như thường tình. Lê Hoàng Thao chuyên nhiếp ảnh – săn tìm cái đẹp ở những khoảnh khắc. Vì vậy, thơ của anh có nhiều hình ảnh đẹp, tuy đôi câu còn thô vụng làm giảm đi vẻ đẹp toàn bích của cả bài.
Tôi dành nhiều ưu ái cho ba cây bút tuổi đời còn trẻ: Đàm Huy Đông, Khương Thị Mến và Khúc Hồng Thiện. Đàm Huy Đông viết truyện ngắn rất hấp dẫn – nổi tiếng trong giới trẻ từ lâu vì anh có kiến văn sâu rộng, trí nhớ rất tốt. Câu văn của anh thường chứa điển cố, điển tích. Ngôn ngữ linh hoạt và gợi cổ kim, đông tây Anh rất sành sỏi thứ ngôn ngữ tuổi “ten”. Thơ Đàm Huy Đông có giọng điệu riêng, trầm buồn, sâu lắng, tràn ngập tình yêu và hoài niệm. Đọc thơ Đông, người đứng tuổi như được sống lại thuở hoa niên. Thơ Đông vừa sâu vừa mượt, mới trong cấu tứ, trong hình ảnh và nhạc điệu.
Khương Thị Mến ít trông cậy vào biến hóa tu từ. Thơ chị nhiều khi như lời nói thường nhưng hấp dẫn bởi giọng điệu nhẹ nhàng, thủ thỉ, pha một chút buồn mơ hồ rất phù hợp với tiếng lòng luôn khao khát, trông mong cái đẹp và hạnh phúc viên mãn. Đó là tiếng thơ khắc khoải, nặng về ấn tượng. Cấu trúc câu thơ mới, co duỗi nhịp nhàng phảng phất giọng thơ Lê Đạt: “Hương bưởi rắc vần vào tháng Giêng/ Ngọt ngào ngõ nhỏ/ Nắng thơm má em hồng đào cuối chợ/ Chiều cuối năm/ Đợi/ Tràng pháo hoa lay thức phút giao thừa” (Tháng Giêng); “Thèm cơn gió đồng lúa thì con gái/ Hong giọng cười nghiêng ngả nắng đong đưa” (Bà lão hàng xóm). Đó là những câu thơ khá hay.
Khúc Hồng Thiện tuổi còn trẻ mà suy nghĩ rất sâu. Nhiều ý thơ của anh như muốn tranh biện, muốn “cãi lại” những điều tưởng như đã thành chân lý trong quá khứ “Sống cõi tục/ thác cõi tiên/ Ở lành thì sẽ gặp hiền, chắc không?”. Ra cả tập thơ viết toàn lục bát mà hầu như đọc một mạch vẫn không chán. Có thể thấy, một phương diện của hình thức câu thơ lục bát Nguyễn Du mang tính cách tân so với ca dao cổ là ở cách ngắt nhịp tạo thành các vế đối xứng ở cả hai câu lục và câu bát, làm dầy lên tầng nghĩa, khi tả, khi kể, kiểu như:
“Khi chén rượu/ khi cuộc cờ Khi xem hoa nở/ khi chờ trăng lên” “Khi tỉnh rượu/ lúc tàn canh Giật mình/ mình lại thương mình/ xót xa”
Thì sự cách tân lục bát hiện nay là ngắt nhịp ở câu bát bằng cách tách một từ thành 2 từ tố để hiệp vần với chữ thứ 6 của câu lục. Khúc Hồng Thiện đã thực hiện thủ pháp này khá thành công:
“Em về phía những triền miên Còn tôi lại phía miền biên/ viễn lòng” (Ban trắng miền biên viễn – TCPH Xuân Kỷ Hợi 117+118)
“Tóc ngời buông ngang bờ xuân Nàng Bân vét gió đem tần/ ngần đi Chạm va tiếng bấc tiếng chì Chập chờn nhan sắc ru ì/ oạp sông”
Tuy nhiên cách này có lúc thành quá đà, hỏng:
“Nắng ươm màu gái chưa chồng Long lanh đáy biếc những bồng/ bông mi” (Thủy – TCPH số 73/2011)
Tôi vừa nói tới 3 tác giả trẻ (Đông – Thiện – Mến). Thơ của họ như nguồn sống tươi mới, trẻ trung và chúng tôi đặt vào họ nhiều hy vọng vì đường đời và đường thơ đối với họ còn dài lắm.
Có một “nhà thơ cho thiếu nhi”, hầu như là đáng kể nhất của đất Hưng Yên này. Đó là Lê Hồng Thiện. Không ai thay được anh ở mảng thơ này vì không ai giống anh ở cách nhìn, cách cảm trước thế giới mà gần gũi, thơ ngây như con trẻ. Có cố bắt chước anh cũng không được. Chả tin, cứ thử mà xem! Nhưng cũng xin cảnh báo, anh đã và đang lặp lại mình trong mảng thơ này.
Trở lên, tôi đã điểm qua 15 nhà thơ hội viên Hội VHNT Hưng Yên với những chấm phá về nét riêng trong sáng tác thơ của họ. Theo thời gian, họ đã xác lập được phong cách cá nhân. Không phải ai làm thơ cũng có được phong cách. Phong cách nghệ thuật là nét riêng độc đáo làm nên sự khác biệt giữa thơ của người này với thơ của người kia, được lặp đi lặp lại trong nhiều tác phẩm. Cái tạo nên sự thống nhất lặp lại, biểu hiện tập trung ở cách cảm nhận độc đáo về thế giới và ở hệ thống bút pháp nghệ thuật phù hợp với cách cảm nhận ấy. Bắt nguồn từ tâm lý, khí chất, cá tính, kiến văn, sự từng trải, sự học hành… nghĩa là gồm cả yếu tố tự nhiên lẫn yếu tố cố gắng của từng cá nhân.
Một nền thơ của một tỉnh trong khoảng 20 năm mà có được từng ấy phong cách thơ, thiết nghĩ đã là quý lắm.
Thơ Hưng Yên còn có nhiều cây bút khác cần phải kể đến như: Đàm Đức Lợi, Vũ Văn Toàn, Phạm Dụng, Phan Chu Bình, Hương Sinh, Mai Xuân Sổ, Đỗ Tề Tặng, Nguyễn Quốc Lập, Vũ Lập, Nguyễn Đức Minh, Văn Diên, Nguyễn Trường Sinh, Phạm Văn Hà, Nguyễn Thị Mỹ Oanh, Nguyễn Hoàng Việt Cường, Lương Sơn, Nguyễn Kim Bang, Lê Đình Tâm, Nguyễn Tiến Bình, Lê Quý Trưng v…v… Những tác giả này xuất hiện nhiều trên Tạp chí Phố Hiến, Báo Hưng Yên, Hưng Yên hàng tháng và không phải thơ của họ không có bài hay.
Những ý kiến đánh giá có phần khe khắt về thơ Hưng Yên theo tôi, bắt nguồn từ mấy lý do:
1. Người đánh giá khi đọc một số bài rải rác của các cây bút đăng Báo Hưng Yên, tạp chí Phố Hiến có thể xuất phát từ nhiệt tâm thái quá cho sự cách tân thơ. Họ chưa hiểu một thực tế là ngay bản thân các tác giả hầu như chỉ gửi đăng những bài hợp “gu” với từng báo, đáp ứng phần nào yêu cầu tuyên truyền và phù hợp với công chúng rộng rãi. Phố Hiến là tạp chí chuyên ngành nhưng do gần đây định hướng đoàn kết, đã cho đăng “búa sua” các tác phẩm gửi đến mà thiếu sự thẩm định, sàng lọc. Vì vậy, dần dần đã tạo thành cái ấn tượng về thơ Hưng Yên “nhàn nhạt, đều đều, lười nhác và cũ kĩ” (chữ dùng của Đàm Huy Đông). Thực ra, tinh hoa thơ của mỗi tác giả thường ở tập thơ mà họ xuất bản chứ không phải ở báo.
2. Bản thân người làm thơ còn mang nặng tâm lý “văn mình, vợ người”, tâm lý “tự thỏa mãn”không quyết liệt, không khổ công tìm tòi trăn trở, không chịu đọc ai khác. Thơ mình thì đọc đi đọc lại, thơ người thì chẳng ngó ngàng hoặc lướt qua.
3. Đổi mới thơ là đòi hỏi chính đáng nhưng thực tế vài chục năm qua, thành tựu chưa nhiều, ít thuyết phục. Tôi nghiêng về quan điểm, đổi gì thì đổi, nhưng thơ phải hay, phải để người đọc hiểu được rồi mới cảm được.
4. Thơ hay xưa nay vẫn luôn là của hiếm. Đặc sắc mỗi nhà thơ chỉ ở trong những bài hay. Và ngay ở những nhà thơ nổi tiếng cũng chỉ có một số bài hay. Trong mục “Nhỏ to” ở cuối sách “Thi nhân Việt Nam”, nhà phê bình lỗi lạc Hoài Thanh bộc lộ: Để chọn ra 169 bài thơ của 46 nhà thơ đưa vào tập sách này, ông đã “đọc tất cả 1vạn bài thơ, trong đó có non 1 vạn bài dở. 4 nghìn người có thơ đăng báo, in sách may mắn ra 4 người có tên lưu truyền hậu thế”. Cả một thời đại trong thi ca lừng lẫy thời 30-45 mà còn như thế, huống hồ…
Ngay từ năm 1942, Hoài Thanh đã viết “Trong nước ta có bao nhiêu người biết đọc, biết viết thì có chừng ấy thi sĩ”. Thời ấy mà đã thế, thì số người Hưng Yên làm thơ đông đảo như hiện giờ cũng không phải sự lạ. Chúng ta không khuyến khích thơ dở, không nên in thơ lấy được, nhưng cũng cần có thái độ tôn trọng nhất định đối với nhóm thơ ở những Câu lạc bộ. Bởi, đây là một thú chơi tao nhã, không hề hấn gì, chỉ làm cho cuộc sống vui tươi hơn mà thôi. Thứ nữa, “trong đám đông chọn được một vài”, thể nào cũng sẽ có cây bút nổi trội, vì lí do này khác mà chưa hoặc không là thành viên của Hội VHNT tỉnh nhà.
Tuy nhiên, cũng chính Hoài Thanh đã cảnh báo từ năm 1935: “Ở xã hội bây giờ mỗi lần có thể viết một câu văn (thơ) nhảm mà không viết, tôi cho là một việc đại nghĩa…”. Nhà thơ dân gian Bảo Sinh có câu thơ vui: “Những người in thơ không hay/ Cũng là lâm tặc đốt cây phá rừng/ Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ”.
Đó chẳng phải là điều đáng để chúng ta suy nghĩ đó sao?