Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh vừa ban hành Công văn số 52/BCH-PCTT, ngày 10/9/2024 về việc ứng phó với mưa lũ sau bão số 3 để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều . Theo đó Ban Chỉ huy PCTT và TKCN đề nghị cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức, thực hiện Văn bản số 50/BCH-PCTT ngày 06/9/2024 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh về việc ứng phó với bão số 3 (YAGI). Trong đó, lưu ý một số nội dung sau:
1. Ủy ban nhân dân các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên:
- Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu, phương án hộ đê toàn tuyến; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện và các điều kiện đảm bảo thực hiện phương án theo phương trâm “4 tại chỗ” để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố đê điều xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho tuyến đê.
- Chỉ đạo các xã, phường thông báo nhân dân thu hoạch hoa màu ở ngoài bãi sông (nhất là bãi sông ngoài đê bối), ưu tiên trước hoa màu ở vùng trũng, hoa màu đến thời kỳ thu hoạch.
- Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, đặc biệt là các vị trí trọng điểm, xung yếu. Kiểm tra các điểm canh đê đảm bảo phục vụ công tác canh gác bảo vệ đê. Chỉ đạo các xã, phường chuẩn bị sẵn sàng lực lượng canh gác điểm canh đê, tuần tra đê, tổ chức thực hiện công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009 để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu.
- Tổ chức trực ban theo quy định, báo cáo kịp thời sự cố công trình đê điều trên địa bàn (nếu có) về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh (qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh - Chi cục Quản lý đê điều và PCLB; địa chỉ email:ccqlddhungyen@gmail.com).
2. Sở Nông nghiệp và PTNT:
- Theo dõi chặt chẽ mực nước lũ trên sông, tình hình diễn biến thời tiết, mưa lũ, tình hình về công trình đê điều, nhất là các vị trí trọng điểm xung yếu, các hoạt động nuôi thủy sản trên sông Hồng, sông Luộc; chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo phòng, chống lũ và sự cố công trình đê điều xảy ra.
- Chủ động đôn đốc UBND các huyện, thành phố và Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hưng Yên triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác, phương án phòng, chống, ứng phó với mưa lớn, bão, lũ.
- Tổ chức trực ban theo quy định, tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh về tình hình thiệt hại do mưa, bão, lũ (nếu có).
3. Công an tỉnh:
- Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận tải đường thủy, nhất là các bến khách, bến đò ngang sông để đảm bảo an toàn về người và phương tiện vận tải khi có mưa, lũ lớn.
- Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận tải đi trên mặt đê, nhất là các phương tiện vận tải vật liệu xây dựng từ các bến, bãi ở bãi sông đi lên đê (đường 378) không vượt tải trọng cho phép đi trên đê để đảm bảo an toàn cho tuyến đê.
4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:
Rà soát nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để sẵn sàng tham gia ứng trực, cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.
5. Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hưng Yên:
Thường xuyên kiểm tra an toàn hệ thống cống qua đê tả Hồng, qua đê tả Luộc để đảm bảo an toàn cho cống chống lũ. Báo cáo kịp thời sự cố công trình cống qua đê nếu có) về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh (qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh - Chỉ cục Quản lý đê điều và PCLB; địa chỉ email:ccqlddhungyen@gmail.com).