Dự kiến phương án sắp xếp cán bộ khi sáp nhập Hưng Yên và Thái Bình

Thứ ba - 22/04/2025 20:47
Theo định hướng được Trung ương Đảng thống nhất, sáp nhập tỉnh Thái Bình và tỉnh Hưng Yên thành 1 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Hưng Yên, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay, có diện tích tự nhiên 2.514,8 km² và quy mô dân số 3.208.400 người. Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Hưng Yên và Thái Bình thực hiện sắp xếp là 64.628; trong đó có 11.697 cán bộ, công chức, 51.250 viên chức.

Tại Dự thảo Đề án nêu rõ, nhập nguyên trạng số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp của tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hưng Yên mới sau sắp xếp quản lý, bố trí, sử dụng biên chế theo quy định hiện hành của pháp luật; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thực hiện tinh giản, bố trí, sắp xếp lại cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quy định.

Dự thảo Đề án cũng định hướng nhập nguyên trạng số lượng viên chức, người lao động tại đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên khi thực hiện sắp xếp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình. Đồng thời, đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng đề án vị trí việc làm, tổ chức thẩm định và trình người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị. Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập có Hội đồng quản lý thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trình Hội đồng quản lý thông qua trước khi quyết định phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, làm cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng viên chức, người lao động theo quy định.

Theo dự thảo Đề án, việc bố trí, sắp xếp chức danh lãnh đạo, quản lý, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại tỉnh Hưng Yên hình thành sau sắp xếp được thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Cán bộ, công chức; Nghị quyết số 76/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025 và các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành. Dự thảo Đề án cũng đề cập phương án và lộ trình giải quyết chế độ, chính sách tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau sắp xếp đơn vị hành chính. Các chế độ, chính sách về tuyển dụng, sử dụng, quản lý và các chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy thực hiện theo quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. Đề án định hướng giữ nguyên chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức chịu ảnh hưởng của việc sắp xếp đơn vị hành chính mà vẫn là cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trong thời gian 6 tháng kể từ khi có văn bản bố trí công tác. Sau thời hạn này, thực hiện chế độ, chính sách và phụ cấp chức vụ theo quy định.


Đến nay, UBND tỉnh Hưng Yên và UBND tỉnh Thái Bình đã hoàn thành lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo đề án hợp nhất hai tỉnh.
 
PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây