Chuyện làng văn nghệ: Ba bố con nhà văn “sum họp” trong một nghĩa trang liệt sĩ

Thứ năm - 16/07/2020 23:17
Ở nước ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, không ít các nhà văn vừa cầm bút, cầm súng trực tiếp ra mặt trận chiến đấu, góp phần xương máu của mình để bảo vệ Tổ quốc. Trong số này, đã có một số nhà văn, nhà thơ hy sinh tại mặt trận hoặc trên đường đi công tác phục vụ chiến đấu: Đó là nhà văn Nam Cao, Trọng Định, Lê Anh Xuân (chống Mỹ)... Nhà thơ Lê Anh Xuân, là con trai nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, GS Ca Văn Thỉnh (quê Bến Tre). Lê Anh Xuân là bút danh của Ca Lê Hiến. Các nhà thơ lão thành khác như Trần Lê Văn, Khương Hữu Dụng, Học Phi có từ 1 đến 3 con là liệt sĩ, hy sinh tại chiến trường miền Nam, họ đều là dũng sỹ, liệt sỹ chống Mỹ. Lại có một nhà văn hiện thực phê phán nổi tiếng như Ngô Tất Tố (1894-1954) tác giả tiểu thuyết "Tắt đèn", ông mất ngày 20-4-1954 tại Yên Thế, Bắc Giang. Nhà văn Ngô Tất Tố có hai con trai là liệt sĩ. Người con thứ nhất là Ngô Thúc Liêu, sinh năm 1927 mất năm 1947 khi ấy mới 20 tuổi trong một trận chống càn của giặc Pháp, khi chúng đổ bộ lên Bắc Giang. Người con thứ hai là Ngô Hải Cao, khi anh vừa tốt nghiệp phổ thông trung học trường Nguyễn Gia Thiều thì làm đơn tình nguyện đi bộ đội. Ngô Hải Cao lúc đó còn thấp bé, nhẹ cân, nhưng vẫn hăng hái lên đường nhập ngũ. Hội đồng nghĩa vụ quân sự địa phương mãi mới chấp nhận nguyện vọng của anh. Vì anh là đối tượng gia đình liệt sĩ.
111
Hội Nhà báo TP Hà Nội dâng hương tưởng niệm nhà văn hóa, nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố. (Ảnh: Hồng Giang)
Trong thời gian Ngô Hải Cao huấn luyện tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ) để chuẩn bị vào Nam chiến đấu thì nhận được giấy báo của Bộ Đại học và chuyên nghiệp (nay là Bộ giáo dục và Đào tạo) cử đi học Đại học ở nước ngoài. Gia đình Ngô Hải Cao có cử chị gái anh mang giấy báo đó lên nói với đơn vị để cho anh về đi học Đại học, nhưng Ngô Hải Cao khăng khăng từ chối và quyết định ở lại đơn vị sau ba tháng huấn luyện rồi vào Nam chiến đấu. Mùa xuân năm Mậu Thân 1968, Ngô Hải Cao tham gia Tổng tiến công vào Sài Gòn và anh đã hi sinh tại đây.

Sau ngày 30-4-1975, gia đình nhà văn Ngô Tất Tố đã chuyển hài cốt liệt sĩ Ngô Cao Hải từ nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh về mai táng tại nghĩa trang quê nhà là Ngọc Hà, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Trước đó, hài cốt nhà văn Ngô Tất Tố và hài cốt con trai lớn Ngô Thúc Liêu cũng đã quy tụ về nơi đây.

Vậy là ba cha con nhà văn Ngô Tất Tố cùng sum họp trong một nghĩa trang nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Chắc chắn ở cõi vĩnh hằng, nhà văn Ngô Tất Tố toại nguyện lắm, ông yên nghỉ với hai người con trai cầm súng bên cha cầm bút.
                                                                                      Lê Hồng Bảo Uyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây