Mỗi lần bắt gặp dáng mẹ đổ dài giữa đường quê gập ghềnh sỏi đá, trên tay chiếc gậy chống trong chiều nâu, Huy Trụ xót xa trong tâm thế một đứa con mang nhiều ám ảnh: Mẹ có gì? Ngoài chiếc gậy lần đi… (Với mẹ). Để rồi trong khoảng khắc ấy ông nhận ra rằng: Hơn mọi điều to tát, bóng bẩy, nặng thuyết giáo là chiếc gậy chống vô cùng giản đơn kia mới thật sự là thứ cần thiết, thật sự hữu dụng đối với mẹ: Nắng thật nắng không lộn màu hư ảo/ Chiếc gậy mẹ cầm hơn trăm lời thuyết giáo. (Với mẹ)
Một bà mẹ hữu hình với chiếc gậy chống bên một bà mẹ vô hình mang bóng dáng ruộng đồng, sông núi, cỏ cây… Quê hương cứ ám vào ông với một làng Bồng Thượng buồn buồn, vui vui man mác thuở thiếu thời: Quên thì không thể quên/ Nhớ cũng không ra nhớ. (Làng Bồng Thượng)
Để rồi, có cái kết không thể khác hơn lẽ bình thường; nhưng chắc nịch, chính trực, lãng mạn, đầy chất phù sa bồi lắng: Đành làm tiếng chim kêu/ Cứ quay về hướng ấy. Cái hướng mà nơi đó Núm rau vùi giữa đất trời/ Nửa cho đất, nửa thành tôi bây giờ cùng với mồ mả tổ tiên bỏ sao được, quên sao được…
Huy Trụ không những có nhiều bài thơ viết riêng về mẹ, về cha mà ngay trong một số bài tưởng chừng không liên quan, nhưng mỗi khi trí tưởng tượng được kích hoạt, trường liên tưởng của ông bao giờ cũng tỏa sóng lan về nơi thiêng liêng ấy: Mùa đông ngậm lá trầu cay/ Mùa hè cởi áo vắt vai ra đồng/ Vui buồn treo ở đâu bông/ Sợi rơm vàng buộc, vợ chồng thương nhau. (Chuyện cây lúa)
Hay khi tâm sự với Xuân Ba, bạn viết cùng quê với ông: Thương mẹ nghèo ta viết lúa viết khoai/ Ta quên viết những điều mẹ nghĩ…/ Ở ngọn bút chứa bao điều giản dị/ Con chữ chồng lên con chữ trốn, tìm… (Cứ mỗi lần)
Trong đời, không ai không nghĩ về mẹ, viết về mẹ đôi lần. Khi buồn nhớ về mẹ, khi vui nhớ về mẹ. Mẹ là nguồn cảm xúc vô tận của mỗi đứa con, của thi ca. Những để diễn đạt chính xác cảm xúc ấy, trong không gian ấy thật không dễ. Huy Trụ có nhiều câu thơ hay về đề tài này: Ngày trở lại vầng trăng chờ đã xế/ Mảnh ruộng cằn gốc rạ đứng trơ vơ (Vùng đất bão)
Hay: Tháng sáu mây giăng ngột ngạt cả trời/ Mẹ lại quạt cho con bằng chiếc mo cau rụng/ Con thương mẹ ngước nhìn bồ thóc rổng/ Tiếng mưa rơi lút mặt cánh đồng (Trao lại cho con)
Thơ vốn cảm hơn nghĩ, gợi hơn tả. Huy Trụ nhiều lúc cũng không tiết chế, điều phối được cảm xúc dẫn đến nghĩ nhiều hơn cảm: Mẹ ơi,/ Cuộc đời này/ Họ ca ngợi quá nhiều về mẹ/ Bao trang chữ làm sao con đếm xuể/ Mẹ là/ Mẹ là/ Mẹ là… (Mẹ ơi)
Tả nhiều hơn gợi: Miếng ngon để bát người ta/ Bát mình rau muống, quả cà vậy thôi/ Quanh năm nốt lạt buộc người/ Buộc cây mạ, buộc một đời đa mang/ Ở đời hạt lúa cắn ngang/ Mấy ai cắn dọc, bẽ bàng lắm thay!/ Con nhìn dáng mẹ chiều nay… (Dáng mẹ chiều nay)
Trong thơ, quê hương như người mẹ thứ hai luôn luôn có mối quan hệ gắn bó một cách mật thiết với người mẹ bằng da bằng thịt, là người bồi bổ hoàn thiện tiếp sức vóc, tâm hồn để mỗi chúng ta có thể đến với thế giới xung quanh như vừa là chủ thể độc lập vừa là mắt xích của những mối quan hệ bền vững của tự nhiên. Một người mẹ “gập gầy trong đất” ứng với một vùng quê không thiếu “Gió trở mặt thành cơn bão dữ” có gì đó đeo bám, ám ảnh Huy Trụ để rồi nó như một chất xúc tác đặc trưng, riêng biệt cho quá trình tôi luyện, hoàn thiện con người ở chính nơi đây: Một vùng đất lắm đền đài vua chúa/ Gió trở mặt thành cơn bão dữ/ Sông cũng thành sông ngựa/ Chảy ngang tàng qua bãi mía nương dâu. (Vùng đất bão)
Tình với cảnh là mối quan hệ thủy chung của thi nhân với thiên nhiên. Đồng cảm và giao hòa đưa đến sự gắn kết, đẩy lên đến độ tuy hai mà một, tuy một mà hai thân thuộc nhau, yêu thương nhau. Thiên nhiên và con người trở thành một sinh thể thống nhất, quả là một tương tác siêu phàm: Ở ngoài kia mùa xuân đang tới/ Ở trong này mẹ kiêu hãnh sinh con. (Tản mạn về con)
Hay: Còn em cứ dửng dừng dung/ Như trong trời đất chưa từng…có tôi!/ Tóc chi như suối của giời/ Cái đuôi mắt buộc chết người như không! (Bông Hồng có gai)
…
Cũng cảnh làng quê thân thuộc: Dòng sông, bến nước, cây đa, sân đình… như bao làng quê khác trên đất Việt. Nhưng hình ảnh dòng sông, bến nước… trong cảm thức của Huy Trụ cá tính hơn, riêng biệt hơn “Con sông cứ đổ thác ghềnh vào nhau”, cây đa bỗng dưng hồn hơn - Chứng nhân cho những hiển hiện của bao thăng trầm “Làng có người nghênh ngang võng giá/ Làng có người như chị Dậu, anh Pha”, một góc ngõ quê bộn bề ca dao “Ngõ quê nơi xếp cày bừa? Quần xăn móng lợn, cha lùa trâu đi”. Quê hương còn là dấu ấn trầm bỗng của tuổi mới lớn “tuổi nhìn con gái phía sau lưng”, là mối tình đầu dang dở man mát, tê tê “Chỉ có em, em một lần rực rỡ/ Để suốt đời hương sắc thắm vào anh”, là tiếng mô tê răng rứa dù đi đâu, ở đâu “Vẫn thương một bóng cau già trước sân”, là người vợ hiền, là những đứa con hiếu thảo, là người đàn bà điên…, Thật rành rẽ, khác biệt, chung mà không chung, giống mà ám ảnh, đau đáu trong ông, đôi lúc như vò xé, lại lắm khi thoảng hoặc, nhẹ nhõm như lông hồng: Nỗi buồn thả nước sông trôi/ Niềm vui em cất thành lời mong manh… (Em về)
Viết về mẹ, về quê hương thơ Huy Trụ tìm đâu cũng dễ dàng bắt gặp nhiều câu hay, sâu sắc trong cách nghĩ, gợi được nhiều cung bậc cảm xúc, âu cũng nói lên một điều gì đó về độ chín của sự liên tưởng, về “tay nghề” của một con người luôn khao khát hướng về điều thiện, về sự mới mẻ cho thơ cảm xúc hơn : “Câu thơ con giá một lần được chui xuống mộ/ Cha gạch bớt đi rỗng tuếch những ngôn từ”,“Gối mềm tua tủa lên chông/ Dựng con người dậy, thức cùng nỗi đau”, “Nhớ cây trầm khuất nẻo cánh rừng kia/ Trăm thứ gỗ đua chen bằng sắc lá”, “Tội tình nào có gì đâu/ Đến bàn tay chẳng nắm lâu một lần”, “Đành rằng cây lá tơ non/ Cái già cỗi cứ che con mắt người”…
Huy Trụ hấp dẫn chúng ta bằng những câu thơ lên đồng, nhưng lại thiếu những bài thơ toàn bích. Nói như thế, cũng không có nghĩa là không có. Bài Bất chợt là một ví dụ, cấu tứ chặt chẽ, liên tưởng thành động năng cho quá trình biến đổi về chất, nghĩ và cảm tựa nhau cho câu thơ vút bay, chấp chới như cánh diều giữa tịnh mịch chiều quê: Cái ta gọi một đời/ Mỏng tang như tờ giấy/ Vui buồn đong đếm lại/ Viết chưa đầy câu thơ.
Tác giả: Lê Quang Sinh
Nguồn Văn nghệ số 26/2020