“Hỡi Tây phương, ta đã trở thành nhà văn theo phong cách của ngươi. Ta chắt lọc từ đó một lối diễn đạt riêng có khả năng giải mã các vấn đề của riêng ta bằng ngôn ngữ của ngươi: đó là những cuộc khai phá hình thức chuyển tải các giai điệu của trí tuệ, nối kết với ý nghĩa thanh tao, với dư vang mới lạ, với những tương giao chân thực, những sức mạnh cảm ứng ngôn từ của ngươi!”.
Thuở bước chân vào làng văn, người kết nối hai bờ văn hóa Đông Tây, đã cất lên một tiếng gọi đò mãnh liệt, và thông tin rằng ông vừa cập bến. Bến đỗ của ông là một Paris hoa lệ, kinh đô của ánh sáng, nhét giới luật nho phong vào túi xách, “không còn ở bên một lục địa gần gũi, một dòng giống lân cận, một thần linh thân quen”. Ông là nhà văn Phạm Văn Ký (1910-1992), quê làng Thanh Liêm, thị xã An Nhơn, Bình Định, anh cả trong gia đình mười ba anh chị em, có hai người em trai là nhà thơ Phạm Hổ nức tiếng trên văn đàn miền Bắc và nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ dậy sóng trong sóng nhạc miền Nam. Năm 1936, Phạm Văn Ký đoạt giải Nhất kỳ thi thơ viết bằng tiếng Pháp “Premier prix de Poésie aux Jeux Floraux d’Indochine” cho tập thơ Une voix sur la voie (Một tiếng trên đường) và năm 1961, Viện Hàn lâm Pháp vinh danh với Giải thưởng lớn cho tiểu thuyết Perdre la demeure - giải thưởng mà cho đến nay, chỉ ông là nhà văn gốc Việt duy nhất sở hữu. Viết chủ yếu bằng tiếng Pháp, độc giả trong nước hồi những năm ba mươi của thế kỷ trước biết đến ông là một trí thức thượng thặng, có tư tưởng chống đối chính sách thực dân ở các nước thuộc địa, từ chối lời đề đạt làm tri huyện Nam triều.
Với quyết tâm dùng trường văn trận bút đề cao giá trị tự do, nhân bản, ngoài chủ bút tờ Impartial (Vô tư) ở Sài Gòn, rồi chủ bút Gazette de Huế, nhiệt thành diễn thuyết cho phong trào Thơ Mới giai đoạn này, trong đó cổ vũ Hàn Mặc Tử từ thơ cũ sang thơ mới qua lời đề tựa tập thơ Gái quê, ông còn là tác giả tập thơ Huế éternelle (Huế vĩnh cửu), vở kịch La citadelle d’Escargot (Thành Ốc), các tiểu thuyết Kiếm Hoa, Con đường thiên lý số I. Ở nước Pháp từ 28 tuổi, được đào tạo bởi trường Sorbonne danh tiếng, Phạm Văn Ký ngoài phụ trách chương trình phát thanh truyền hình, ông mở rộng việc cộng tác với những tờ tạp chí chuyên ngành văn học nổi tiếng như Esprit của Emmanuel Mounier, Les Temps Modernes của Jean Paul Sartre, Cahiers du Sud của Jean Ballard, Preuves của François Bondy… Hoạt động và trước tác của ông đã hình thành một gương mặt tài năng đa diện, uy tín trong trí thức văn nghệ và báo giới Pháp quốc. Ông để lại một gia tài trước tác đồ sộ hiện còn lưu giữ ở Pháp, tiêu biểu như các tập thơ, bút ký, kịch, tiểu thuyết La femme Trương (Vợ chàng Trương), Fleurs du Jade (Hoa Ngọc), Celui qui régnera (Người sẽ ngự trị ), Les yeux Courroucés (Những đôi mắt giận dữ ), Frères de sang (Anh em ruột thịt ), Les uns font les étoiles (Người làm nên các vì sao), Perdre la demeure (Mất nơi ở), Mémoires d’un eunuque (Hồi ức một hoạn quan ), Des Femmes assise çà et là (Phụ nữ ngồi đây đó), Poèmes sur soie (Thơ trên lụa), Le défi Vietnamien (Sự thách thức của Việt Nam)… Khoảng năm 1970, ông có về Việt Nam, đi vào vùng tuyến lửa và một số nơi trên miền Bắc, sáng tác một số bài thơ tiếng Việt, sau khi ông qua đời Nhà Xuất bản Hội Nhà văn chọn in trong tập Đường về nước.
Nhân vật chính trong tiểu thuyết lừng danh Perdre la demeure của Phạm Văn Ký (Mất nơi ở - Phạm Văn Ba dịch, Nxb Hội Nhà văn và Công ty truyền thông văn hóa Nhã Nam phát hành) là một samurai Nhật rất thông thạo Anh và Pháp ngữ - đại úy Watakashi Hiyen, chỉ huy đại đội binh sĩ Thiên Hoàng, có nhiệm vụ bảo vệ công nhân chính quốc, Triều Tiên, Ainô và gia đình họ, khi họ gồng gánh đến công trường thực hiện việc xây dựng các đường sắt xuyên núi nối Tokyo với Yokohama, Hokkaido với Sapporo, trong lộ trình canh tân Nhật Bản của Minh Trị nửa cuối thế kỷ XIX. Đảm trách việc dạy lính Nhật vận hành các vũ khí Tây phương, đại úy Pháp Neufville trò chuyện với đại úy Nhật Watakashi: “Điểm mấu chốt hiện nay mà anh cần phải thấy rõ là: trong khi canh tân theo đường lối Tây phương, nước Nhật có nên Âu Mỹ hóa cả về mặt tinh thần không?”. Watakashi Hiyen với bản sắc samurai quyền quý, vừa trầm tư mặc tưởng vừa phóng khoáng, vừa thấm nhuần những tư tưởng mới vừa do dự với những nguyên tắc truyền thống, từ những tín ngưỡng tôn giáo đến những quy luật về danh dự, về lòng hy sinh, đã thể hiện: “Không, đại úy Neufville ạ, tôi không bao giờ chấp nhận như thế. Chúng tôi tiếp thu khoa học kĩ thuật của Tây phương nhưng vẫn nhất định không từ bỏ những gì mà người Nhật đã có từ bao ngàn đời nay”. Trung thành với những giá trị của tinh thần võ sĩ đạo của mình, Watakashi buộc phải chấp nhận bi hài kịch lớn của thời đại bấy giờ, ngoài việc bị tước đi trái tim người vợ, tâm linh đứa con, vị trí quyền lực của bản thân, cao hơn hết thảy là mất chốn nương thân của tâm hồn - nước Nhật truyền thống với ý nghĩa thiêng liêng cội nguồn. Mất nơi ở là ẩn dụ cho sự băng hoại của văn hóa xã hội các dân tộc phương Đông trước sự du nhập ồ ạt của công kỹ nghệ Tây phương, bào mòn căn tính dân tộc, để nơi trú ngụ tinh thần bị tan rã, kéo theo hệ lụy lưu vong trên chính quê nhà. Ở tiểu thuyết Des Femmes assise çà et là (Phụ nữ ngồi đây đó), ông đặt thứ tự tám chương bằng tám bát quái: đất, núi, nước, gió, sét, lửa, mây, bầu trời, kết cấu theo một cấu trúc biểu tượng, diễn đạt sự tuần hoàn của vũ trụ và quan hệ với sự tồn tại con người, huyền thoại của các nền văn hóa khác nhau, đối chất và cộng sinh. Hình tượng con bướm lột xác bốn lần, nối sợi dây cáp từ Mẹ của người kể chuyện: “Và đó là một bông hoa thực sự nổi lên từ đất của xác chết, tất cả các cơ quan vô dụng, và thậm chí cả mảnh vỡ của chúng, được tiêu hóa, các chức năng quan trọng được phục hồi, sẵn sàng, nếu không làm bầm đầu chúng trước khung của Werther, ít nhất là nảy nở dưới ánh mặt trời, để bất động trên những cây cỏ của mình, để hút chất lỏng ngọt từ mật hoa, mật ong thu thập trên bề mặt của lá cây, chất chảy ra từ thân cây, thậm chí sẵn sàng, không thấm nước, Peregrine, vượt Đại Tây Dương, chạm vào Ý, Azores, Antilles, Bắc Mỹ, để bay qua Thái Bình Dương, đến Nhật Bản, để vượt qua đất nước tôi và đến bãi biển Nam Cực”. Như một sứ giả văn hóa Việt ở xứ người, luôn xót xa về cội nguồn bản thể, phần “gia phổ” của quốc gia, dân tộc và cảm hứng xuyên suốt của ông là cuộc vật vã trong cuộc xung đột, tích lũy và hòa giải giữa hai nền văn hóa Đông Tây, như tên một luận án tiến sĩ về ông của Lucy Nguyễn Hồng Nhiệm, Đại học Massachusetts, Amherst: “Bàn cờ và sự tương phản Je/ Moi như một dấu hiệu và bản chất của cuộc xung đột Tây/ Viễn Đông trong các tác phẩm của Phạm Văn Ký”, đã khái quát. Trước đây, ở hai tác phẩm Frères de sang (Anh em ruột thịt) và Celui qui régnera (Người sẽ ngự trị), hình thức tự sự thể hiện các giằng xé và phân cực. Ở Frères de sang, nhân vật người kể chuyện trở về làng trong đêm, sau khi nhận bằng tiến sĩ tại Pháp, tìm người bạn ấu thơ Lê Tâm đã bị mù, lại không thể giữ im lặng trước sự độc đoán bất công của người cha đầy quyền lực Nho giáo và sẽ bị kết án vì đã nói và thách thức: “Tuy nhiên, tôi đã mất ngay sau khi trở về, vì lúc đó tôi đã tìm lại được những phản ứng cũ, phản xạ cũ, những ý tưởng cũ, được giấu dưới lớp veneer châu Âu”. Ở Celui qui régnera, nhân vật người kể chuyện con một quan chức triều đại đương thời, được thúc đẩy bởi nền giáo dục Pháp ở Quy Nhơn và Hà Nội, cũng trở về ngôi làng truyền thống, từ chối kết hôn với người phụ nữ được mẹ anh chọn, muốn biến đổi, thành lập một trường học mở cho tất cả mọi người và khai thác nông nghiệp theo hướng công nghệ để cải thiện cuộc sống cho mọi người, do đó thách thức hệ thống phân cấp Nho giáo lâu đời. Giằng xé giữa “giáo dục truyền thống” và “ngay lập tức phải thoát ra khỏi vòng tròn”, nhân vật lọt vào vòng xoáy cuộc lưu vong nội tâm trong đối lập giữa hai thế giới Đông Tây.
Phạm Văn Ký là hiện tượng sáng chói trong gia đình trí thức văn nghệ tiêu biểu miền đất võ trời văn, được dư luận đánh giá là nhà văn Việt viết bằng Pháp ngữ có nhiều tác phẩm được xuất bản và tán thưởng vào hạng nhất đương thời. Với giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp, ngoài ý nghĩa văn hóa xã hội, là việc dành cho các nhà văn có cống hiến nghệ thuật đặc biệt trong việc làm đẹp và làm giàu tiếng Pháp, một giải thưởng đâu chỉ các nhà văn nhập cư mà ngay các nhà văn chính quốc cũng khát khao ngưỡng mộ. Việc tên tuổi ông được đặt bên cạnh những tên tuổi lớn Francois Mariac, Saint Exupery, Patrick Rambaub, Pierre Schoendorffer, Jean d’Ormesson… đã là một khẳng định tuyệt vời về trí tuệ và nhân cách Việt trong thế giới văn chương phương Tây.
Tác giả: Nguyễn Thanh Mừng Nguồn Văn nghệ số 24/2020