Nghĩa lễ người làng

Thứ hai - 07/12/2020 07:55
111

Ông ngoại mất khi mẹ tôi lên bảy, người em trai tròn một tuổi. Cảnh mẹ góa con côi bao trùm mái nhà tranh cuối xóm. Dẫu cố gắng đến mấy, gia đình bà ngoại chỉ thoát cảnh mẹ con dắt díu nhau bỏ làng tha phương cầu thực. Đó là khoảng những thập niên đầu thế kỷ XX, bà tôi đã phải cầm cố 7 sào ao, 3 sào vườn cho một nhà giàu ở làng Đông Sàng, xã Đường Lâm, TX Sơn Tây, Hà Nội. Văn tự khi làm ghi rõ: Nếu trong 3 năm không chuộc được (ao, vườn) coi như đoạn mại (mất hẳn). Người đứng làm văn tự là ông phó Bái. Tiếng là ông “phó lý” nhưng chỉ là “lý vọng” (dùng tiền mua) làm sang chứ không có thực quyền gì.

111

Mông Phụ và Đông Sàng là làng liền thổ, làng nọ sang làng kia chỉ hơn cây số qua con đường liên thôn. Gia đình bà ngoại tôi lại nhận “làm rẽ” (làm chia sản lượng) ngay số ao vườn của nhà mình. Những năm tháng ấy gian nan lắm, mẹ tôi bảo bà ngoại tôi chỉ còn lại diện tích đất từ giọt tranh (giọt chảy của mái nhà) ngôi nhà ba gian trở vào…

Hơn chục năm sau mẹ tôi đi lấy chồng, cơ hồ không có tiền chuộc ao vườn hiển hiện trước mặt. Lúc bấy giờ trong làng có ông quản Trà. Nguồn gốc tên ông gắn liền với chữ “quản” là thế này: Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, nước Pháp phải chiêu mộ lính ngay cả ở những nước thuộc địa của mình. Ông Trà đăng lính, chẳng hiểu lý do gì mà gần hai chục năm sau, ông Trà về làng với phẩm hàm hưu trí “chánh quản khố - lít” (cảnh sát) ở Hồng Kông. Có tiền ông quản mua ruộng, tậu nhà…

Một hôm, ông quản Trà sang Đông Sàng đặt vấn đề mua lại đất của bà ngoại tôi với ông phó Bái (về lý bà ngoại tôi không có quyền gì trên mảnh đất này vì quá hạn lâu rồi). Số tiền đặt mua lớn hơn số tiền bà tôi đã cầm cố rất nhiều… Ông phó Bái bảo: Nhà cô ấy mẹ con góa bụa, “quan quản” thiếu gì tiền mà phải mua mảnh đất cuối làng ấy!
 

111

Vụ mua bán không thành, có người bảo: Ông phó Bái muốn giữ lại làm tài sản của mình! Có ai ngờ mấy năm sau bà ngoại tôi có đủ tiền để chuộc lại. Bà tôi nhờ người sang nói giúp, ông phó Bái đồng ý cho chuộc không kèm theo điều kiện gì. Cậu tôi bước vào tuổi thanh niên, đang sức lại là người cần cù và biết tính toán. Năm 1958, trước khi bước vào thời kỳ hợp tác xã, cậu tôi đã làm được một nếp nhà ngói khang trang theo lối truyền thống. Nếp nhà ấy đến nay vẫn là một nếp nhà đẹp trong danh mục nhà ở “Làng cổ Đường Lâm”!

Sau “cải cách ruộng đất”, nhà ông phó Bái dính thành phần địa chủ, tan tành tất cả. Mẹ tôi bảo: Nếu năm ấy ông phó không cho chuộc thì số ao vườn của bà tôi sẽ được chia cho bần cố nông trong làng. Năm 1964, trước chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, người con trai duy nhất nhà ông phó Bái bị bắt đi tù vì trong kháng chiến chống Pháp, ông này là lý trưởng “tề” đương nhiệm. Mãi cho đến khi hiệp định Paris được ký kết mới được thả về…

111

Mặc cho giặc dã, tao loạn, nhiễu nhương… từ ngày mang ao vườn đi cầm cố cho đến hôm nay, gia đình bà ngoại tôi vẫn giữ lễ với nhà ông phó Bái như một thứ “lệ” bất thành văn. Mẹ tôi bảo, căng thẳng nhất là sau “cải cách ruộng đất”, đã nhiều lần chính quyền có ý kiến với cậu tôi vì quan hệ với… thành phần bóc lột. Bà tôi bảo, lễ lạt có đáng gì đâu, trong những năm hợp tác xã có khi chỉ là mấy thứ hoa quả hái ở vườn nhà. Giữ lễ là giữ cái tình ở đời, để nhớ đến người đã cưu mang mình trong lúc khó khăn hoạn nạn.

Mấy năm sau bà tôi cũng chẳng giữ được ao vườn, tất cả đều được “sung công” dưới hình thức nhập hợp tác xã làm tài sản chung. Sau “đổi mới”, số ao vườn này lại được giao thầu cho một nhà khác trong làng… Gần đây, nhà này quai đất đắp nền phân lô, chuyển đổi diện tích mặt nước cho người khác, thu những khoản tiền không nhỏ! Cả làng Mông Phụ chép miệng: Lộc đến nhà ấy! Cũng chỉ mấy năm sau, “của thiên trả địa”, số tiền bán đất lại chui vào rượu chè cờ bạc… vì mấy đứa con hư!

111

Đôi khi rảnh rỗi, tôi xuống ngồi với người em con cậu. Ngay trước mặt nhà vẫn ao, vẫn vườn, vẫn những kỷ niệm gắn với mẹ tôi thủa thiếu thời… nhưng đã trải qua bao biến động thăng trầm. Cái được, mất chẳng biết thế nào đong đếm cho vừa. Song, sâu thẳm lòng tôi còn lại câu chuyện ân tình mà ba, bốn thế hệ của hai nhà (mua và bán) vẫn gìn giữ đến tận hôm nay.

Làng tôi định cư trên một quả đồi thấp, đình làng là đỉnh đồi. Từ sân đình 5 con đường dẫn vào 5 xóm xòe ra như năm cánh hoa. Mọi con đường vào làng đều phải đến đình rồi mới tỏa vào các xóm. Đầu mỗi con đường vào làng đều có cổng, tên cổng đặt theo tên xóm như cổng Sải, cổng Hè, cổng Chim… Tôi lớn lên làng chỉ còn lại 2 cổng. Cổng trên con đường chính dẫn vào làng là cổng Đình (thuộc xóm Đình). Cổng phía sau làng là cổng Sui (thuộc xóm Sui). Số cổng kia đều bị phá trong “tiêu thổ kháng chiến” (1947) hoặc trong thời kỳ “cải cách ruộng đất” (1954).
111

Đến năm 1980, thời kỳ tiến lên hợp tác xã lớn, 9 làng trong xã thành một hợp tác xã. “Trên” tăng cường cho Đảng bộ Đường Lâm một ông bí thư, ông bí thư cũng người địa phương. Nghe nói ông này là một chuyên gia từ Lào về. Bên Lào không biết ông làm công tác gì, nhưng về làng chỉ đạo phong trào sít sao lắm. Trong rất nhiều chuyện của thời kỳ này, tôi chỉ xin kể về chuyện… “phá cổng làng”!

Nguyên nhân phá cổng làng theo ông bí thư là: “Trên” chuẩn bị tăng cường cho xã máy cày, máy kéo, máy gặt đập liên hợp… Nếu để cổng làng thì không máy móc nào vào được. Làng Mông Phụ còn lại 2 cổng phải phá tất, vì mục tiêu to đẹp rộng rãi…

Cổng Đình được xây dựng vào triều vua Minh Mạng thứ 12 (1832), dân làng dựng tấm bia có hai chữ Nho “hạ mã” phía ngoài cổng. Cổng có 4 cánh, 2 cánh to và 2 cánh nhỏ. Cổng rộng 4m, hai cánh nhỏ ở trong lòng 2 cánh to, rộng 2m. Thường ngày cổng chỉ mở hai cánh nhỏ để dân làng ra vào. Ngang 2 cánh cổng nhỏ có một cái ngưỡng cao 25cm. Mọi người ra vào làng đều phải bước qua ngưỡng cổng. Trước kia là kiệu, cáng, võng, người cưỡi ngựa… sau này là xe tay, xe đạp đều phải xuống đi bộ vào làng.

Mãi đến sau này khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cụ Tuần phủ Phan Kế Tiến (thân phụ của cụ Phan Kế Toại) có ô tô, mỗi lần về làng rất khó khăn, quan Tuần đề nghị với dân làng xin được cắt đi cái ngưỡng để cho xe vào. Dân làng đồng ý nhưng quan Tuần cũng chỉ đem xe về để ở cái trại đầu làng, không dám đưa xe đi ngang qua đình. Từ đó mọi loại phương tiện về làng không phải xuống nữa…

111

Năm ấy tôi vừa học xong cấp III, đang ở nhà đợi kết quả thi đại học. Nếu thi không đỗ, chúng tôi sẽ là lực lượng lao động hùng hậu bổ sung cho hợp tác xã. Thực tế, kỳ nghỉ hè nào chúng tôi cũng phải tham gia lao động giúp gia đình lấy công điểm ngay từ thủa vị thành niên. Ngày ấy tôi cũng nằm trong số người được phân công ra phá cổng làng. Thấy vậy, mẹ tôi bảo: Không được làm cái việc thất đức ấy đâu con nhé, lụn bại đấy! Thế là tôi lấy cớ phải đến trường để… trốn!

Sau rất nhiều lần huy động nhưng chỉ được lèo tèo vài người, việc phá cổng Đình không thành. Sau này tôi mới biết, dân làng tôi, vợ nói với chồng, cha mẹ nói với con cái, anh em truyền tai nhau… mỗi người một lý do để không có mặt làm cái việc phá hoại ấy!

Cho đến năm 2005, làng tôi, làng cổ Đường Lâm được Nhà nước công nhận là “Di tích kiến trúc nghệ thuật” cấp quốc gia, cổng Đình làng Mông Phụ… “thoát chết” trở thành nổi tiếng cả nước. Trong thời kỳ này, cổng Sui, cổng làng Đông Sàng (một cái cổng đẹp) đều bị phá. Cổng làng Đông Sàng hiện nay là cổng mới xây lại, không nằm đúng vị trí cổng cũ. Cũng trong thời gian này rất nhiều công trình như đình đền, miếu mạo đều bị phá. Phá “cái cũ” phong kiến đế quốc để xây “cái mới”!

111

Mấy chục năm sau, đôi khi thong thả có dịp đi dọc đường làng, qua cổng Đình là đồng ruộng ngay trước mặt. Tôi ngẩn ngơ nhìn đồng đất quê mình, một vùng bán sơn địa với đặc trưng đồi gò, ruộng đã nhỏ hẹp lại bậc thang… Nếu máy cày, máy gặt đập liên hợp về sẽ xoay sở thế nào...

Tôi may mắn đến làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An được nghe câu chuyện: Đường vào làng Quỳnh Đôi xưa kia uốn khúc mềm mại. Trong thời kỳ hợp tác xã lớn, có một đồng chí nêu ý kiến: Không thể để con đường ngoằn ngoèo rồng rắn thế được, nắn thẳng để tiến lên, các cụ xưa thật… rách việc! Nghe thấy vậy có một cụ già thưa lại: Tiền nhân làm con đường như này để các ông học trò thi đỗ, “vinh quy bái tổ” làng tổ chức đón rước cho đẹp đấy ạ!

111

Năm 1945, cả nước lâm vào nạn đói. Làng Mông Phụ vườn tược xơ xác, ngoài đồng đến rau khúc cũng chẳng còn để mà hái, cái đói rình rập trước cửa nhà! Một số gia đình kha khá trong làng tổ chức nấu cháo luân phiên. Buổi trưa, từng “nồi ba mươi” cháo được khênh ra ngoài cổng làng cứu tế. Một số gia đình trong làng đóng cổng nhà không ra nhận. Đến bữa, chuối xanh, thân đu đủ gói với bột sắn cầm hơi.

Mẹ tôi bảo: Đói thì cái gì cũng phải ăn nhưng đừng ăn thân cây đu đủ. Món này ăn vào bị phù thũng, nếu nhiều ngày như thế người sưng bằng con bò, rồi chết… Sau này tôi gặp được vài người trải qua năm đói, họ bảo: Đã đành là nhường phần của mình cho người khác khó khăn hơn, nhưng đấy chỉ là một.

Cái sâu xa là… nhục, cũng là người làng khỏe mạnh, sao lại để xảy ra nông nỗi này! Trong thời kỳ hợp tác xã, cậu tôi đã từng mắng một người em họ: Chú đói là do lười, cả ngày không cắt đầy được sọt cỏ bằng cái mõm bò. Nay lại vác rá đi nhận gạo cứu tế…

Dân gian có câu: Ăn mày là ai, ăn mày là ta / Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày. Đời người không ai lường trước được những hoàn cảnh trớ trêu có thể đến với mình. Những lúc ấy, nhận được sự sẻ chia của cộng đồng thật là trân quý. Gần đây, Nhà nước có những trợ giúp cho một số đối tượng chính sách xã hội. Rất nhiều gia đình nhận được ân tình này đã vượt lên được. Song, cũng không thiếu người lợi dụng.

111

Làng tôi có ông Th làm chân “chạy cờ” cho ủy ban. Xét gia cảnh ông này không đến nỗi nào, vợ chồng khỏe mạnh con cái đứa nào cũng được đi học… Nghe nói ông Th được xã chứng nhận cho “hộ nghèo”. Mấy năm sau biết chuyện, người em ông Th đến tận nhà bảo: Nhà mình bao đời nay không ai phải chịu mang tiếng nghèo. Nay anh lại tự nhận, thật đáng xấu hổ! Ông Th bảo: Của “trên” cho chứ có phải của ai đâu, ngoài đời chán vạn người nhận chứ riêng gì tôi. Vả lại, tôi nhận “hộ nghèo” để được miễn giảm học phí cho mấy đứa con đi học…

Mấy năm sau, con ông Th dẫu có được miễn giảm học phí cũng chẳng đứa nào học hành đến đầu đến đũa. Trong khi đó rất nhiều nhà bòn mót để con được đến trường lại nên công quả… Ngẫm nghĩ thấy liêm sỉ chính là điều nâng người ta lên. Không tự trọng mình (vô liêm sỉ) chính là thứ làm con người hèn đi!

Hiện nay, trong phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa, Làng văn hóa”… với những tiêu chí rất cụ thể. Để đạt được tiêu chí ấy có thể có rất nhiều cách để “lách” mà vượt qua. Song, thiết nghĩ những cái nhìn thấy được là cái nhỏ, cái không nhìn thấy được mới là cái lớn… Có thể ví, “Danh hiệu văn hóa” như một tấm áo đẹp nhưng không vừa với văn hóa truyền thống đã được đúc kết hàng thế kỷ của dân tộc!

111


Theo NNVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập13
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm12
  • Hôm nay512
  • Tháng hiện tại118,819
  • Tổng lượt truy cập3,219,574
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây