Học Văn – Học để làm người

Thứ sáu - 25/09/2020 12:25
Là một giáo viên Văn đứng trên bục giảng hơn 40 năm, tôi khẳng định rằng: Môn Văn trong nhà trường phổ thông giữ một vị trí rất quan trọng. Song, hiện nay học sinh phần lớn chú trọng học Toán, Lý, Hóa, Sinh để thi khối A và B là chủ yếu. Còn việc học Văn trong nhà trường phổ thông cũng như ở đại học đang đứng trước những thử thách, trái với những kỳ vọng của chúng ta về môn Văn. Ở đại học, nhiều sinh viên khoa Ngữ văn rất lười đọc sách, ít tự học với tư duy sáng tạo, phần lớn sao chép lại các giáo trình trên mạng hoặc bài giảng của thầy để đưa vào bài làm, luận văn. Đặc biệt những bài viết về Nghị luận xã hội rất yếu, vì nhiều em ít tìm hiểu thực tế, ít giao lưu với bạn bè, thầy cô, ít tham gia các hoạt động xã hội… Và khi ra trường nhiều em “ngơ ngác” trước thực tế cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Vì thế, trước hết cần xác định: Học Văn là học để làm người.
111

Mấy năm gần đây Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có nhiều cải cách về chương trình, sách giáo khoa, thi cử, phương pháp giảng dạy… thu được một số kết quả bước đầu, tuy vẫn còn nhiều bất cập. Hiện nay đa số học sinh, sinh viên không thích học văn, ít thi vào lớp văn ở các trường THPT chuyên, ít đăng ký thi Đại học - khối C. Ở đây có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan về phía xã hội, thời đại, người dạy, người học. Đó là khó khăn về chương trình văn chưa thật đổi mới, còn quá tải, phương pháp giảng dạy văn còn nặng nề, thiếu hấp dẫn. Và đặc biệt, việc tìm kiếm công ăn việc làm của sinh viên khối C sau khi tốt nghiệp rất khó. Song, điều quan trọng là: Việc dạy và học Văn lâu nay xa mục tiêu “Học để làm người”.

Từ xa xưa cha ông chúng ta đã quan niệm “Văn dĩ tải đạo” (Trong nội dung văn chương phải chứa đạo làm người). Nhà văn M.Góc-ki (người Nga) đã nói “Văn học là nhân học”. Còn ở phương Tây, A-ri-xtốt đã nêu “Văn học phải mang sứ mệnh thanh lọc”, tức là hướng con người tới những phẩm chất tốt đẹp. Ở Việt Nam, ngay từ thế kỷ XV, trong Lĩnh Nam chích quái, các tác giả Vũ Quỳnh và Kiều Phú đã nói rõ: “… Văn tuy thần bí nhưng không nhảm nhí, tuy nói những chuyện hoang đường mà tung tích vẫn có bằng cứ, há chẳng phải là khuyên điều thiện, trừng điều ác, bỏ giả theo thật để khuyến khích phong tục đó sao”.

Và biết bao tác phẩm như Tấm Cám, Thạch Sanh (cổ tích), Thánh Gióng (Truyền thuyết), Ca dao - dân ca - tục ngữ (dân gian), Truyện Kiều (Nguyễn Du), Chí Phèo, Đời thừa, Sống mòn (Nam Cao), Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi), Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) Tuyên ngôn độc lập  (Hồ Chí Minh) và biết bao bài thơ, bài văn khác trong và ngoài nước được đưa vào chương trình sách giáo khoa… là những áng văn hay giúp ta đạo làm người.

Cách dạy và cách học chưa khơi dậy được tình yêu văn chương

Điều quan trọng của việc dạy và học Văn là lòng đam mê, yêu thích văn chương. Đó là điều cực kỳ quan trọng. Nhưng một thực tế mà không ai chối cãi là lâu nay các em ít mặn mà với môn văn, vì các em không cảm được cái hay của nó ở chỗ nào. Điều đó có lý do ở người dạy. Nhiều thầy cô quên mất đặc trưng của văn học, dạy văn mà cứ như dạy chính trị, dạy giáo dục công dân. Suốt 45 phút không thấy có một lời bình văn, không khai thác được những “điểm sáng thẩm mỹ” của hình tượng văn học. Quanh đi quẩn lại chỉ thầy trò vấn đáp rời rạc, rồi nếu có màn hình vi tính thì cho các em xem vài cảnh đẹp thiên nhiên, con người, tác giả, tác phẩm… Học sinh ra khỏi lớp là quên tất cả.

Những giờ dạy văn, những bài giảng văn tạo được dấu ấn khiến học sinh nhớ lâu có khi đến hàng chục năm sau, chính là nhờ những phút giây được “thăng hoa” cùng lời bình văn của các thầy. Những giây phút đó trí tưởng tượng của học sinh được “bay lên” cùng những vần thơ giàu tính họa, tính nhạc, hoặc được sống với những nhân vật trong văn xuôi, kịch. Một lời bình hay, đúng lúc, đúng chỗ sẽ nâng cao giá trị thẩm mỹ của bài văn, bài thơ, khơi dậy ở trái tim non trẻ của các em tình yêu người, yêu đời để các em biết ghét cái ác, cái xấu mà hướng tới chân, thiện, mỹ.

Từ thời phong kiến, người ta đã quan niệm: Văn chương là điểm quy chiếu của triết học, lịch sử, đạo đức… là một thứ giáo lý “văn sử bất phân”, “văn triết bất phân”, “văn dĩ tải đạo”. Từ Tam tự kinhSơ học vấn tânẤu học ngũ ngôn thi, cho tới Tứ thưNgũ kinh… đều được quán triệt ý thức Nho giáo, lấy đạo thánh hiền làm chân lý tuyệt đối, được truyền thụ từ đời Tam hoàng, Ngũ đế cho đến bấy giờ, áp dụng khắp bốn biển không sai, muôn đời vẫn đúng… Vì thế, đã hình thành một phương pháp học thuộc lòng, nhớ suốt đời theo sách, theo lời thầy giảng nên đã hạn chế rất nhiều đến sự suy nghĩ độc lập của người học về tư tưởng và bị gò bó tính sáng tạo về học thuật.

Tuy nhiên, nhiều người đã vượt qua rào cản của lối học văn “tầm chương trích cú”, thoát ra khỏi những khuôn mẫu cứng nhắc của văn chương cổ Trung Hoa và tạo nên những tác phẩm lớn mang bản sắc dân tộc. Đó là các nhà văn hóa, nhà thơ, nhà văn lớn, như: Trương Hán Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Trãi, Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Lê Qúy Đôn, Phan Huy Chú, Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan… mà đỉnh cao là Nguyễn Du với kiệt tác Truyện Kiều.

Từ Cách mạng tháng 8 đến nay, việc dạy và học văn luôn đổi mới theo tinh thần cải cách giáo dục. Trong dạy và học văn, học trò được đưa lên vị trí số một. Người thầy chỉ làm “đạo diễn” đứng sau “sân khấu”, ở vị trí thứ hai. Thầy và trò cùng tìm hiểu, khám phá bài văn ở phần “Đọc hiểu tác phẩm”. Thầy không cảm thụ thay cho trò, mà chỉ gợi mở, dẫn dắt… Một bài thơ, bài văn có nhiều tầng nghĩa chìm hoặc nổi khác nhau, tùy trình độ mỗi em mà có cách cảm thụ, phát hiện cái hay, cái đẹp hoặc những mặt còn hạn chế của tác phẩm theo một cách riêng. Và cuối buổi học thầy chỉ chốt lại những ý chính và những liên tưởng, bài học từ tác phẩm. Còn phần “tảng băng chìm” các em tiếp tục khám phá.

Học văn trước hết là phải đọc văn

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và sự ứng dụng rộng rãi các phương tiện nghe nhìn của công nghệ thông tin vào đời sống đã tạo ra những biến đổi đa dạng trong nhu cầu thị hiếu của con người. Văn hóa nghe, nhìn đang lấn át văn hóa đọc. Điều đáng buồn là “văn hóa đọc” đang bị xuống cấp một cách đáng báo động. Hứng thú đọc của các em đang chịu sự chi phối của tâm lý xã hội, hệ thống thẩm mỹ của thời đại. Phim chưởng, truyện tranh, truyện trinh thám, băng đĩa… đã hút các em xa dần các tác phẩm văn học. Mặt khác một số tác phẩm văn học chọn đưa vào SGK chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của học sinh. Có những tác phẩm không còn đáp ứng được đòi hỏi của lịch sử, xã hội hiện nay nữa. Nhiều học sinh không có thói quen đọc sách. Nếu có đọc thì chỉ đọc các trang blog, web trên mạng internet. Thậm chí một số thầy cô cũng chưa đọc hết những tác phẩm có trong chương trình mà chỉ đọc những đoạn trích, nhất là những tác phẩm văn học nước ngoài. Ví dụ: Học đoạn trích Uy- lit- xơ trở về mà chưa được đọc sử thi Ô- đi- xê của Homer thì làm sao thấy được tâm trạng của Uy- lít- xơ. Học Hồi trống cổ thành (hồi 28) mà chưa đọc Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung thì làm sao hiểu được một phần tính cách của nhân vật Quan Công, Trương Phi. Học Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu mà không đọc thơ Đường, thơ Tống thì làm sao cảm được hết cái hay của nó. Chỉ bốn câu Nguyễn Du tả tiếng đàn của Thuý Kiều buổi đầu đánh cho Kim Trọng nghe mà người dạy không đọc Tì bà hành của Bạch Cư Dị thì làm sao thấy được cái tài “vay mượn” rất khéo léo và sáng tạo của Nguyễn Du trong việc tả tiếng đàn trực tiếp hay gián tiếp… Đa số thầy và trò không có thì giờ nên chỉ đọc đoạn trích và những bài giới thiệu về tác phẩm đó. Ngay tuyệt tác Truyện Kiều mà nhiều thầy cô chưa đọc hết chứ chưa nói tới học sinh. Thật buồn thay.

Nếu không đọc để hiểu sâu về tác phẩm thì không thể thấy hết được cái hay cái đẹp của tác phẩm đó. Đọc lần thứ nhất chỉ là “bì phu” (mới sờ tới phần “da” của tác phẩm), đọc lần thứ hai hiểu thêm một tầng nghĩa nữa, là cách đọc “cốt nhục” (hiểu được xương, thịt của tác phẩm), và đọc đến lần thứ ba, thứ tư là đã hút được chất “tuỷ” của tác phẩm. Song, nếu thầy và trò không được đọc toàn tác phẩm, hoặc có tác phẩm mà không biết cách đọc thì khó hiểu hết ý nghĩa của đoạn trích.

Học văn là học nhiều điều trong cuộc sống

Việc quan niệm “Văn học là nhân học” ta có thể hiểu “văn tức là người” và suy rộng ra học văn cũng là để hiểu con người, để làm người và hiểu cuộc sống. Đó còn là sự khám phá đối với bản thân mình nữa. Còn thầy “dạy văn” cũng là “dạy người”. Đôi khi văn chương đem đến cho ta sức mạnh về tinh thần hơn cả sức mạnh vật chất. Những bức thư trong Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi, theo Phan Huy Chú “có sức mạnh hơn mười vạn tinh binh”… Nhà văn lấy chất liệu từ cuộc sống và con người, và qua hư cấu, tưởng tượng làm nên tác phẩm văn học như con ong hút ngàn vạn bông hoa để làm nên mật ngọt cho đời. Tác phẩm đến với người đọc qua kênh “cảm thụ”, qua các thao tác phân tích, giải thích, chứng minh, bình luận theo một định hướng nào đấy sẽ tác động đến bản thân và cuộc sống. Tác giả xây dựng những hình tượng văn học, còn người đọc sẽ giải mã những “hình tượng” ấy theo một cách riêng, đôi khi trái ngược hoặc đồng sáng tạo với tác giả.

Biết bao điều hay và dở của cuộc sống ùa vào tác phẩm qua sự chọn lọc của nhà thơ, nhà văn. Người đọc sẽ tìm thấy ở mỗi trang viết bao điều kỳ diệu của thế giới tự nhiên, xã hội, và cả tâm linh nữa. Nhưng “cuộc sống là một trường học lớn”. Vì vậy, học sinh cũng cần phải học bao điều ngoài sách vở. Phải sàng lọc lấy những cái hay, cái đẹp, cái tốt mà học, chứ không phải thấy cái gì cũng “bắt chước”. Kiến thức của tiền nhân và của nhân dân ở đông tây, kim cổ là một kho vô tận làm sao có thể học hết được. Vì vậy rất cần phải sàng lọc. Thông qua sàng lọc, tiếp thu, các em sẽ tự thổi bùng ngọn lửa văn chương trong trái tim của mình trước cuộc đời để hướng tới những điều tốt đẹp.

Tóm lại

Việc dạy và học văn “không có nấc thang cuối cùng”. Ngoài những bài thầy cô dạy trên lớp, chúng ta còn phải học biết bao điều ở sách vở và cuộc sống. Và sách là “người thầy thứ hai” giúp ta mở ra những “chân trời mới”. Vì vậy, việc chọn lựa học cái gì, học như thế nào để giúp việc “Học Văn là học để làm người” luôn là một câu hỏi lớn, là một điều trăn trở để mỗi chúng ta tự tìm ra được lời giải tốt nhất.

Tác giả: Lê Xuân
Nguồn Văn nghệ số 39/2020

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay1,457
  • Tháng hiện tại87,482
  • Tổng lượt truy cập3,188,237
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây