Tỉnh Hòa Bình bỏ ra gần 11 tỷ đồng để dựng khẩu hiệu chỉ 11 chữ, tính ra, mỗi chữ có giá xấp xỉ 1 tỷ đồng, đang gây 'bão' trong dư luận.
Thông tin về việc tỉnh Hòa Bình bỏ ra gần 11 tỷ đồng để dựng 1 khẩu hiệu chỉ có 11 chữ (đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại) trên đồi Ông Tượng (dự án do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Anh Kỳ thực hiện), tính ra, mỗi chữ có giá xấp xỉ 1 tỷ đồng, đang gây “bão” trong dư luận.
Gần 1 tỷ đồng 1 chữ? Giá trị này xứng đáng được ghi vào Guinness là những con chữ đắt nhất thế giới, không phải là chữ sáng tác của một đại văn hào hay chữ trong một phát minh của một nhà khoa học, mà là chữ chép lại: gần 20 lạng vàng 1 chữ.
Dù bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hòa Bình luôn miệng rằng việc triển khai dự án trên là “cần thiết và hợp lý”, nhưng người dân lại nhìn dự án bằng con mắt khác.
Thứ nhất, việc “trưng” cái khẩu hiệu đó ra là thừa. Bởi hơn 90 triệu dân Việt Nam, có ai không khắc sâu trong lòng câu đó, đời đời kiếp kiếp, nhân dân ta có bao giờ, có ai quên được công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Thứ hai, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn kêu gọi tiết kiệm, chống lãng phí, và bản thân Người là một tấm gương sáng ngời về tiết kiệm. Có ai quên được đôi dép cao su cũ (nhớ đôi dép cũ, nặng công ơn - Tố Hữu), và cái áo ka ki sờn vai (mong manh áo vải hồn muôn trượng - Tố Hữu) của người?
Phô trương một cách rất hình thức như cái khẩu hiệu đang làm rầm rộ như một đại công trường kia, không phải là cách biểu hiện lòng biết ơn đối với Người, mà là đang làm trái ý Người.
Và thứ ba, Hòa Bình là một tỉnh nghèo, 80% chi tiêu hàng năm phải trông vào Trung ương. Đời sống của nhân dân còn trăm bề thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Tại rất nhiều xã vùng sâu vùng xa, cơ sở hạ tầng như điện - đường - trường - trạm còn xập xệ, xuống cấp.
Như trường học chẳng hạn. Theo thống kê, đến tháng 9 năm 2018, trong tổng số 1.215 phòng học của huyện Lạc Sơn thì có đến 999 phòng bán kiên cố, 93 phòng tạm, phòng xuống cấp, 27 lớp đang học nhờ, học tạm, nghĩa là chỉ có 96 phòng học đáng gọi là phòng học.
Đó mới chỉ là một huyện, còn nếu thống kê trên cả tỉnh, con số đó còn lớn hơn gấp nhiều lần. Theo các chuyên gia, để nâng cấp một phòng học bán kiên cố lên thành phòng học kiên cố, chỉ hết từ 50 đến 60 triệu đồng. Để xóa những lớp học nhờ, học tạm, chỉ cần 100 triệu đồng cho mỗi lớp.
Đặt cạnh những con số trên, mới thấy cái công trình gần 11 tỷ đồng cho 11 chữ kia là sự phô trương, lãng phí đến kệch cỡm. Bởi nếu bớt đi 1 chữ, thì có thể nâng cấp từ bán kiên cố lên thành kiên cố cho gần 20 phòng học, và nếu bớt đi 3 chữ, có thể xóa sạch 27 lớp đang phải học tạm, học nhờ.
Gần 11 tỷ đồng đó, là tiền thuế của mấy chục ngàn người dân?
Theo Vũ Hữu Sự/NNVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên