Bế mạc Liên hoan sân khấu Thủ đô lần IV: Sân khấu Thủ đô thiếu bóng dáng cuộc sống hôm nay

Chủ nhật - 04/10/2020 12:53

Đó là nhận xét của Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần IV, NSND Hoàng Dũng, trong Lễ bế mạc Liên hoan diễn ra tối 3/10 tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Điều này rất dễ nhận thấy nếu như nhìn vào 13 vở tham dự liên hoan lần này. Tuy nhiên, nó lại ít được đề cập đến.

Bế mạc Liên hoan, NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Liên hoan, đánh giá, trải qua 8 ngày diễn ra liên hoan, công chúng đã được thưởng thức 13 tác phẩm sân khấu thuộc các loại hình nghệ thuật chèo, cải lương, kịch nói với các nội dung, những câu chuyện về đề tài lịch sử, dã sử, dân gian, hiện đại, trong đó, có nhiều tác phẩm đề cao tinh thần chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng nhân cách, phẩm chất con người Việt Nam trong chiến lược đổi mới phát triển bền vững đất nước. "Sự tham gia nghiêm túc của các đoàn nghệ thuật, sự hưởng ứng nhiệt thành của khán giả đã góp phần làm cho sức sống nghệ thuật sân khấu được lan tỏa tích cực, góp phần tạo nên không khí sôi động, chào mừng kỉ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và nhân kỉ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô", NSND Trịnh Thúy Mùi nói.

111
Ban Tổ chức trao thưởng cho các nghệ sĩ, diễn viên tham dự Liên hoan. Ảnh: PV

Có một khoảng trống không chỉ trong Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần IV mà cả trong đời sống sân khấu gần đây, đó là sự thiếu vắng đề tài đương đại, các vấn đề nóng bỏng của đất nước, của thời đại hôm nay ít được tái hiện trên sân khấu. Các nhà hát thường dựng lại các vở cũ đã định hình và mang lại tiếng vang lớn, làm nên diện mạo sân khấu Việt trước đây của một số tác giả như Lộng Chương, Xuân Trình, Lưu Quang Vũ… hoặc tìm về các đề tài lịch sử, dựng nước và giữ nước. Điều đáng nói là trước thềm Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần IV có một loạt các gương mặt đạo diễn trẻ mới tốt nghiệp, có thể coi đây như “thời điểm vàng” về khát vọng tạo dựng tên tuổi, khẳng định mình trên vai trò đạo diễn của họ, nhưng thật đáng suy ngẫm khi hiện tại đều bị lắc đầu. Từ Tạ Tuấn Minh, Phùng Tiến Minh, Duy Anh, Lê Ánh Tuyết… của các đơn vị nghệ thuật tiêu biểu của cả nước, nhiều người đã có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú trước khi trở thành đạo diễn sân khấu nhưng vẫn không mặn mà hoặc chưa thể chạm tới các vấn đề đương đại của đời sống hôm nay. Trong đó, có Lê Ánh Tuyết của Nhà hát Tuổi trẻ đã có tìm tòi riêng khi quyết dựng kịch bản chuyển thể “Trại hoa vàng” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thành nhạc kịch, nhưng vở diễn lại không tham dự liên hoan lần này. Đạo diễn Tạ Tuấn Minh của Nhà hát Kịch Việt Nam, dù khá tâm huyết với kịch bản chuyển thể từ “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư nhưng đến phút cuối đành chọn “Người tốt nhà số 5” của Lưu Quang Vũ làm vở tốt nghiệp, dù rằng anh cũng làm rất tốt vở này, là một trong hai vở đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan. Lí do chưa thể dựng kịch bản từ tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư là do “thầy hướng dẫn tốt nghiệp khuyên không nên mạo hiểm”. Một lí do trực tiếp trong những lí do cơ bản được nhìn nhận, đó là việc thiếu vắng những kịch bản mới. Dường như có một xu hướng tìm về lịch sử, soi rọi lại lịch sử mà ít chú ý hơn đến các vấn đề đương đại. Chủ đề Hà Nội hôm nay cũng mờ nhạt và dường như bị lãng quên. Các vở diễn tập trung khai thác phần kí ức nhiều hơn là hiện tại.

Chủ tịch Hội đồng giám khảo, NSND Hoàng Dũng cũng chỉ ra điều này tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần IV: “Có điều chúng ta thấy rõ là sự thiếu vắng kịch bản mới, đa phần là những tác phẩm được dàn dựng lại. Thiếu bóng dáng của những vở diễn phản ánh cuộc sống ngày hôm nay một cách chân thực và sâu sắc”. Còn NSND Trịnh Thúy Mùi, dù cho rằng, “sự thay đổi nhanh chóng, sâu sắc trong mọi mặt đời sống xã hội tác động trực tiếp đến chính quá trình sáng tạo, tiếp nhận văn học, nghệ thuật” nhưng khoảng trống ngày hôm nay thì không thấy bà đề cập đến.

Tại Lễ Bế mạc, Ban Tổ chức Liên hoan đã trao nhiều giải thưởng có giá trị cho các tác phẩm, tác giả và cá nhân xuất sắc. Cụ thể: 2 giải Vàng của Liên hoan được trao cho vở "Bạch đàn liễu" – Đạo diễn NSƯT Trần Lực (Sân khấu Lucteam) và vở "Người tốt nhà số 5" – Đạo diễn NSƯT Tạ Tuấn Minh (Nhà hát Kịch Việt Nam).

111
Hai Huy chương Vàng tại Liên hoan được trao cho vở "Bạch đàn liễu" của Sân khấu Lucteam và "Người tốt nhà số 5" của Nhà hát Kịch Việt Nam được cho là đánh giá đúng, khách quan chất lượng Liên hoan. Đạo diễn của hai vở này là NSƯT Trần Lực và NSƯT Tạ Tuấn Minh cũng được trao giải Đạo diễn xuất sắc.  Ảnh: PV

3 giải Bạc được trao cho các vở: "Tình sử Thăng Long" – Đạo diễn NSƯT Lê Tuấn (Nhà hát Chèo Hà Nội); "Truyền tích Cổ Loa xưa" – Đạo diễn Nguyên Đạt (Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh); "Trương Chi - Mị Nương", Đạo diễn NSƯT Phùng Tiến Minh (Nhà hát Kịch Hà Nội). Giải thưởng “Đạo diễn xuất sắc” được trao cho Đạo diễn, NSƯT Trần Lực (vở “Bạch đàn liễu”, sân khấu Lucteam) và Đạo diễn, NSƯT Tạ Tuấn Minh (vở "Người tốt nhà số 5", Nhà hát Kịch Việt Nam). Giải thưởng Họa sĩ xuất sắc được trao cho NSƯT Doãn Bằng (vở "Người tốt nhà số 5" của Nhà hát Kịch Việt Nam). Giải Biên đạo múa xuất sắc được trao cho Biên đạo Hoài Anh (vở "Tình sử Thăng Long" của Nhà hát Chèo Hà Nội).

Ban Tổ chức cũng trao tặng Bằng khen cho các đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và sáng tạo nghệ thuật về đề tài Hà Nội, gồm: Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội với vở "Những người ở lại", Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội với vở "Huyền thoại Hà Nội" và Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu với vở "Cánh chim trắng trong đêm". Bên cạnh đó, Ban Tổ chức còn trao tặng 21 Huy chương Vàng và 31 Huy chương Bạc cho các cá nhân là các nghệ sĩ có thành tích xuất sắc tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV.

111
Các diễn viên xuất sắc được Ban Tổ chức trao Huy chương Vàng. Ảnh: PV

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng đánh giá cao những tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật có hiệu quả của tác giả, đạo diễn, diễn viên và những thành phần sáng tạo, tạo nên sức truyền cảm và ấn tượng sâu sắc, mang đến cho công chúng những tác phẩm sân khấu có giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mĩ cao. Đồng thời, bà cũng hi vọng các đơn vị, cá nhân tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế để phấn đấu xây dựng nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, các nghệ sĩ biểu diễn không ngừng trau dồi nghề nghiệp có nhiều vai diễn xuất sắc để phục vụ nhân dân.

Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần IV do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội tổ chức, diễn ra từ 26/9 đến 3/10 tại một số rạp trên địa bàn Hà Nội. Ngoài các đơn vị nghệ thuật đóng trên địa bàn Thủ đô còn có sự tham gia của một số đơn vị khác như Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu, Nhà hát chèo Bắc Giang.

Theo Bảo An/VNQĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây