Tôi có duyên gặp Nguyễn Thế Khải nguyên giám đốc Trung tâm Quy hoạch vùng và đô thị (Bộ Xây dựng ) - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Quy hoạch và Kiến trúc Việt Nam vào một sáng tháng Năm năm 2020 tại cống Xuân Quan, khi ông đi làm phim với VTV1 về Bảo vệ môi trường dòng sông Bắc Hưng Hải. Ông được giới kiến trúc mệnh danh là “phù thủy kiến trúc của Việt Nam”, “người tạc hồn dân tộc trên mỗi công trình”. Với tôi, ông không chỉ là một kiến trúc sư giỏi mà còn là một nghệ sĩ tài hoa.
KTS Nguyễn Thế Khải sinh năm 1943 ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình có truyền thống hiếu học và cách mạng. Chi họ Nguyễn của ông là một trong ba chi họ thành đạt ở Nghĩa Trụ, trong đó có 4 tiến sĩ, một phó bảng. Thủa nhỏ, ông theo học trường Tiểu học Nghĩa Trụ, lên cấp II học trường Dân lập Cửu Cao. Điều đặc biệt trong những tháng ngày ngồi trên ghế nhà trường ông được học một thầy giáo dạy toán giỏi, thường giải các bài toán bằng hình học. Những nét vẽ diệu kì ấy đã thôi miên cậu học trò Nguyễn thế Khải để nuôi dưỡng ước mơ trở thành thành kiến trúc sư sau này. Năm 17 tuổi, ông trúng tuyển vào trường Trung cấp Kiến trúc Hà Đông. Sau một năm học tập ông được chọn đi học lớp kiến trúc sư của Bộ kiến trúc liên kết với Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ông theo ngành Quy hoạch đô thị và nông thôn. Năm 23 tuổi ông tốt nghiệp, được phân công về Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn. Thời điểm đó, Viện cũng chỉ có khoảng hơn chục Kiến trúc sư còn phần lớn là các Kỹ sư đô thị và trung cấp có nhiều kinh nghiệm. Trải qua 50 năm học tập và làm việc trong ngành kiến trúc quy hoạch, đến nay ông và các đồng nghiệp đã hoàn thành hơn 100 đồ án. Ông là tác giả của nhiều công trình xây dựng mang quy mô lớn như Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng (Phú Thọ), Quy hoạch Khu di tích Kim Liên gắn với phát triển du lịch huyện Nam Đàn (Nghệ An), Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị An toàn khu (ATK Định Hóa Thái Nguyên), Quy hoạch vùng tỉnh Quảng Ninh, Quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội. Trong đó có 5 công trình do ông chủ trì được giải thưởng Kiến trúc quốc gia, gồm: Quy hoạch chi tiết Khu du lịch Núi Quyết - Bến Thủy, TP Vinh, tỉnh Nghệ An (1996); Quy hoạch chi tiết Công viên trung tâm TP Việt Trì, Phú Thọ (1998); Quy hoạch chi tiết Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng, Thanh Hóa (2000); Đài liệt sĩ huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; Tượng đài thống nhất TP Hồ Chí Minh (2000). Năm 2003, ông cùng một số đồng nghiệp thành lập Công ty Cổ phần Kiến trúc và Đô thị Việt Nam, nay là Công ty Cổ phần Quy hoạch và Kiến trúc Việt Nam và hoạt động cùng 2 người con cũng là cộng sự và đồng nghiệp của ông. Con trai Nguyễn Thế Hoàng, đã từng được giải thưởng Loa Thành 1999; con gái Nguyễn Lý Hồng đã đoạt giải bạc với đề tài: “Đô thị du lịch sinh thái Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh” trong trại sáng tác mùa hè của Cộng hòa Pháp tổ chức.
Các công trình kiến trúc của ông đều mang cảm hứng lịch sử gắn liền với giá trị văn hóa vùng miền, thấm đẫm hồn Việt trên mảnh đất hình chữ S thân yêu. Các công trình ấy đã được giới thiệu trên đài truyền hình VTV1, VTV3, VTV10, An ninh TV. Trong đó, tôi thực sự ấn tượng với vẻ đẹp và sự độc đáo của cây cầu Cầm Thi (ở Cần Thơ) được ông thiết kế với hình tượng chiếc đàn bầu với các thông số kĩ thuật là số 9 và bội số của 9. Dầm ngang trên trụ cầu là chín con rồng tượng trưng cho dòng Cửu Long huyền thoại. Thân cầu là cây đàn bầu lớn, dây căng neo trang trí những chiếc sáo diều, những chiếc đàn gió nhiều màu sắc, ngày đêm phát ra những âm thanh kỳ ảo nhờ gió trời Cần Thơ. Hệ thống chiếu sáng laze cùng dàn nhạc nước nhiều màu sắc phun lên từ hai thành cầu, từ miệng chín con rồng và được tạo hình hòa với bản nhạc ngân lên. Cây cầu là biểu tượng của nền kiến trúc tôn vinh âm nhạc mà Nguyễn Thế Khải đã tặng lại cho thành phố Cần Thơ, mảnh đất gạo trắng nước trong này.
Với quê hương Hưng Yên, ông đã để lại dấu ấn của mình qua thiết kế các công trình như:
1. Đài tưởng Anh hùng liệt sĩ huyện Tiên Lữ ( thị trấn Vương - huyện Tiên Lữ - tỉnh Hưng Yên)
2. Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ huyện Khoái Châu ( thị trấn Khoái Châu - tỉnh Hưng Yên)
3. Quy hoạch Di tích lịch sử Quốc Gia cây đa La Tiến ( xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên)
4. Khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Văn Linh (xã Giai Phạm - huyệnYên Mĩ - Hưng Yên)
5. Nhà tưởng niệm trung tướng Nguyễn Bình (thuộc xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên)
6. Nội ngoại thất đền liệt sĩ Yên Mỹ (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên)
7. Quy hoạch Khu đô thị sinh thái ngoài đê sông Hồng (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên)
8. Nhà văn hóa xã Mễ Sở (huyện Văn Giang - tỉnh Hưng Yên)
9. Nhà trẻ thôn Tam Kỳ , Nhà truyền thống xã Nghĩa Trụ (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên)
10. Đặc biệt Đài tưởng Anh hùng liệt sĩ huyện Khoái Châu là một công trình độc đáo đã đoạt giải kiến trúc quốc gia. Công trình được xây dựng với ý nghĩa : Ngọn lửa Bãi Sậy cháy mãi” .Ở đây ông đã sử dụng chất liệu gốm, hình ảnh cây sậy làm chất liệu chủ đạo. Bãi Sậy đã đi vào những trang sử hào hùng của dân tộc : anh hùng văn hóaChử Đồng Tử khai phá đầm lầy Bãi Giữa, Triệu Quang Phục đánh thắng quân Lương, chiến thắng Tây Kết, Hàm Tử của quân dân nhà Trần, Nguyễn Trãi cầu mộng ở đền Hoá Trạch để viết Bình Ngô Đại Cáo. Nguyễn Thiện Thuật đánh Pháp và sau này là du kích Hoàng Ngân…. Công trình đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã làm đẹp cho trung tâm huyện lỵ Khoái Châu và đã trở thành biểu tượng, niềm tự hào của người dân Khoái Châu, Hưng Yên.
11. Theo ông những công trình kiến trúc ở Hưng Yên qui hoạch chưa đồng bộ, cần chú trọng khai thác, phát huy hết giá trị lịch sử văn hóa để đáp ứng được yêu cầu của nhân dân và du khách tới viếng thăm. Bởi vì văn hóa là cội nguồn của dân tộc, là linh hồn của các công trình, đánh mất linh hồn thì công trình hoành tráng mấy cũng thiếu sức sống và mất đi phần nào giá trị. Những công trình quy hoạch của ông : Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Khoái Châu (Đài Bãi Sậy). Đền liệt sĩ huyện Yên Mỹ, Tiên Lữ, Khu Lưu niệm Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cũng đã trở thành những điểm đến của du lịch Hưng Yên. Với những đóng góp của mình cho mảnh đất Hưng Yên ông được UBND tỉnh, hội VHNT Hưng Yên trao giải thưởng Phố Hiến lần thứ IV.
12. Ngoài vẽ qui hoạch kiến trúc, Nguyễn Thế Khải còn đến với nghệ thuật như một cái duyên. Ông yêu thích hội họa và thường hay vẽ tranh chân dung của bạn bè để tặng cho họ. Những tác phẩm hội họa của ông có thể sánh ngang với gia tài của một họa sĩ thực thụ: trên 100 bức tranh thuốc nước, tranh lụa và agrinic ghi lại vẻ đẹp, phong cảnh quê hương đất nước nơi ông từng đặt chân đến. Ông đã thổi hồn vào những bức vẽ ấy với những cảm nhận rất riêng và rất lạNhững lúc rảnh rỗi, ông còn sáng tác thơ. Bài thơ Mây và Nước của ông đã được nhạc sĩ Lưu Ba chuyển thể thành bài hát với giai điệu ngọt ngào, sâu lắng do ca sĩ Kim Ngân trình bày. . Ngoài ra ông còn viết báo. Rất nhiều độc giả còn biết đến KTS Nguyễn Thế Khải từ những bài báo giới thiệu các công trình kiến trúc hiện đại, kiến trúc xanh, các công trình văn hóa hay những di tích lịch sử của quốc gia. Và gần đây nhất là bài Phóng sự về đại thủy nông Bắc Hưng Hải: Hãy cứu lấy dòng sông quê hương cũng được đánh giá cao.
13. Mặc dù đã bước sang tuổi bẩy mươi bẩy ( cái tuổi được nghỉ ngơi cùng con cháu) nhưng bước chân ông - kiến trúc sư Nguyễn Thế Khải vẫn rong ruổi trên khắp các nẻo đường của đất nước để tư vấn, đóng góp nhiều hơn nữa những ý tưởng sáng tạo, những kinh nghiệm trong qui hoạch công trình kiến trúc cho các địa phương trong đó có miền quê đất nhãn. Hiện ông đang thành lập quy hoạch xây dựng : Khu du lịch theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nam Đàn Nghệ An, khu tưởng niệm Bác Hồ ở Ninh Thuận và cùng các nhà tin học lập App cho tour du lịch này để giới thiệu hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.