Ê kíp phim tài liệu VTV Đặc biệt "Còn mãi nhịp đập trái tim": Biến những thử thách trở thành động lực

Chủ nhật - 27/09/2020 13:28

"Mất 5 năm tìm kiếm nhân vật, thuyết phục nhân vật tham gia…mọi thứ tưởng chừng như thất bại. Tôi chỉ nghĩ rằng mình phải cố gắng làm sao vượt qua được những khó khăn đó để bộ phim thực sự là VTV Đặc biệt”, đó là chia sẻ của nhà báo Trần Huy về bộ phim vừa được phát sóng.

Bộ phim tài liệu "Còn mãi nhịp đập trái tim" vừa được phát sóng trong chương trình VTV Đặc biệt ngày 23 tháng 9 vừa qua đã mang lại nhiều cảm xúc cho người xem. Một bộ phim tuy không dài nhưng đã đưa khán giả đến nhiều cung bậc cảm xúc. Từng cảnh quanh, từng hình ảnh đều mang đến sự chân thật, về tình người trong khốn khó và đó là thông điệp cho đi là còn lại mãi mãi.

Để hiểu rõ hơn về thành công và sức lan tỏa của bộ phim, Báo Nhà báo & Công luận đã có những cuộc trò chuyện Nhà báo Trần Huy - BTV Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam, người suốt 5 năm kiên trì theo đuổi triển khai đề tài.

Đã có những lúc tôi tưởng chừng phải bỏ cuộc

"Còn mãi nhịp đập trái tim" được anh và ê kíp phát hiện và tiếp cận như thế nào? Ý tưởng xuất phát từ đâu, thưa anh?
Cuối năm 2014, anh Đỗ Quốc Khánh - Trưởng Ban Khoa giáo đã trao đổi với tôi về ý tưởng thực hiện một bộ phim tài liệu đề cập đến những giấc mơ kỳ lạ của các bệnh nhân ghép tim. Sau đó tôi được giới thiệu, kết nối với các bác sĩ ở Bệnh viện Quân y 103. Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy các bệnh nhân ghép tim không chỉ gặp những giấc mơ kỳ lạ, mà còn có sự thay đổi về tính cách, thói quen.

111
5 năm làm VTV Đặc biệt "Còn mãi nhịp đập trái tim", có những lúc tôi nghĩ phải bỏ cuộc vì không có gì trong tay, nhà báo Trần Huy chia sẻ.

Điều kì bí là những thay đổi đó lại có sự trùng hợp với những người hiến tim.Tiếp tục nghiên cứu các tài liệu của nước ngoài, tôi thấy hiện tượng này đã từng được nhắc đến nhiều trên thế giới. Giáo sư Gary Schwartz, của đại học Arizona, Mỹ, người từng xuất hiện trên nhiều kênh truyền hình nổi tiếng như BBC, Discovery, …là người đưa ra giả thuyết Tế bào trí nhớ, để giải thích cho hiện tượng thay đổi ở những người ghép tim.

Từ đó, tôi quyết định tìm hiểu sâu hơn về hiện tượng này ở các bệnh nhân ghép tim tại Việt Nam. Càng nghiên cứu, càng tìm hiểu sâu về điều này thì tôi thấy càng thú vị. Nếu chỉ nói về kỹ thuật ghép tim thì đã có rất nhiều bộ phim nhắc đến nhưng để giải thích hiện tượng người hiến và người nhận có sự liên quan đến nhau về mặt khoa học như thế nào thì thực sự chưa có một bộ phim nào tại Việt Nam đề cập đến.

Trong 5 năm triển khai khó khăn của anh là gì? Có khi nào anh muốn bỏ cuộc vì rất nhiều áp lực xung quanh?

Khó khăn đầu tiên của tôi chính là tìm nhân vật. Số lượng người ghép tim của Việt Nam thì không nhiều. Thời điểm cách đây 5 năm thì mới chỉ có khoảng hơn 10 trường hợp được ghép tim. Điều khó khăn thứ hai là để đánh giá được sự thay đổi của họ thì cần thêm thời gian sau phẫu thuật. Lúc đấy gần như trong tay tôi không có bất cứ một nhân vật nào cả. Một điều khó khăn nữa là đề tài này, nếu chỉ dừng lại việc chúng ta nói chuyện với nhau hoặc đọc những bài báo thì cảm thấy rất ly kỳ và hấp dẫn.

111
Ê kíp chụp ảnh cùng PGS.TS Nguyễn Duy Thăng, Nguyên PGĐ BV Trung ương Huế.

Thế nhưng, đối với những người làm truyền hình như chúng tôi, làm thế nào để chuyển tải được những nội dung đó sang ngôn ngữ hình ảnh thì bắt buộc phải có những hình ảnh thể hiện được nhân vật đó thay đổi thế nào.

Đã có những lúc tôi tưởng chừng phải bỏ cuộc, bởi vì hai năm trôi qua không có một bệnh nhân nào có sự thay đổi như vậy. Tôi đã đến gặp không ít bệnh nhân tại bệnh viện Việt Đức sau khi được ghép tim thì sự thay đổi duy nhất của họ chỉ về mặt sức khỏe là tiến triển rất tốt.
Thế nhưng như vậy vẫn chưa đủ, nếu chỉ nói về mặt sức khỏe thôi thì bộ phim này không có gì đặc biệt. Điểm đặc biệt chính là sự thay đổi về mặt tính cách, thói quen của người được nhận. Sự thay đổi đó phải có sự tương đồng trùng hợp với người hiến. Sau đó tôi nghĩ rằng mình vẫn phải tiếp tục, không thể từ bỏ được, nếu không thì sẽ mất đi cả quá trình suốt 3 năm ròng rã tìm kiếm.

Khuyến khích mọi người nhìn nhận tích cực hơn về việc hiến tạng, cứu người

Ê kíp làm phim đã vượt qua những thử thách gì?

Sau khi vượt qua được thử thách đầu tiên là tìm được nhân vật, tôi lại vấp phải khó khăn khác. Tìm được rồi thì mới chỉ được 50% của chặng đường và 50% còn lại là làm thế nào để thuyết phục được bệnh nhân tham gia câu chuyện của mình? Có những bệnh nhân có sự thay đổi mà tôi thấy rất hay. Thế nhưng tôi rất tiếc phải chia tay với họ bởi vì họ đưa ra những lý do cá nhân mà mình cần phải tôn trọng. Họ không muốn xuất hiện, không muốn chia sẻ vì một lý do nào đó thì ở góc độ nhà báo thì tôi không thể làm gì khác.

111
Sự thay đổi của cháu bé 10 tuổi sau khi được ghép quả tim của người lớn hơn gói gọn trong 2 chữ 

Một trong những khó khăn nữa mà tôi cũng muốn nhắc đến đó chính là về mặt thể hiện hình ảnh. Ngay khi ý tưởng này của chúng tôi được trình bày với các đồng nghiệp thì đã có rất nhiều anh chị đóng góp ý kiến là bộ phim này có ý tưởng rất hay nhưng lại không khả thi. Bởi vì sao? Bởi vì chúng ta làm truyền hình thì việc thể hiện như thế nào những câu chuyện của nhân vật, về tính cách, thói quen, những gì ẩn sâu bên trong bộ não, bên trong trái tim của họ.
Tôi chỉ nghĩ rằng mình phải cố gắng làm sao vượt qua được những khó khăn đó để bộ phim thực sự là VTV Đặc biệt. Chính vì vậy, chúng tôi quyết tâm làm bằng được. Chúng tôi đã phải trao đổi rất nhiều với ê-kíp hình ảnh, đạo diễn hình và quay phim để có được những hình ảnh đắt giá và truyền tải được nhiều lời bình nhất có thể. Trong phim có đoạn nhân vật nằm mơ thấy người hiến tim cho mình. Đây là một trong những chi tiết mà được chúng tôi chọn cách thể hiện vô cùng đặc biệt để hình ảnh tăng thêm tính ly kỳ, hấp dẫn.

Đây là một đề tài khó, thậm chí là nhạy cảm nhưng anh vẫn cố gắng triển khai, vậy qua phóng sự anh muốn truyền tải những thông điệp gì?

Đây đúng là một đề tài vừa khó vừa nhạy cảm. Nhưng tôi nghĩ, để tạo ra một tác phẩm đúng tiêu chí của dự án VTV Đặc biệt, phát sóng trong khung giờ vàng của kênh VTV1, thì mình phải biến những thử thách đó trở thành động lực. Đối với bất kỳ một phóng viên, biên tập viên nào của Đài THVN, có được tác phẩm phát sóng trong khung giờ VTV Đặc biệt, thực sự là một niềm tự hào và vinh dự to lớn trong nghề nghiệp.

Thông điệp lớn nhất mà chúng tôi muốn gửi đến thông qua bộ phim này là việc khuyến khích mọi người có sự nhìn nhận tích cực hơn về việc hiến tạng, cứu người.

Bộ phim khắc họa sự tủi nhục của vợ và con của người hiến, khi phải chịu đựng những lời trách móc, nghi kị từ hàng xóm, láng giềng và chính những người họ hàng trong gia đình về việc vợ bán tạng của chồng. Bộ phim cũng khắc họa sự cô đơn của người vợ mất chồng, đứa con trai nhỏ non nớt thiếu đi tình thương và sự quan tâm của bố.

111
Ê kíp phải chờ đợi ngoài cửa 6 tiếng để gặp được nhân vật và khi đó nhân vật mới đồng ý ghi hình.

Những mất mát của gia đình người hiến cuối cùng cũng được bù đắp phần nào khi họ gặp lại gia đình người nhận, biết được rằng quả tim của chồng mình, vẫn khỏe mạnh, vẫn tồn tại và giúp cho một cháu bé bằng tuổi con gái của mình, được hồi sinh mạnh mẽ. Đối với họ, điều đó quan trọng hơn bất kỳ giá trị vật chất hay sự nghi kỵ nào. Thông qua bộ phim, chúng tôi cũng hy vọng rằng, người dân, đặc biệt là những người ở vùng nông thôn, sẽ có cái nhìn đúng đắn và sẻ chia đối với nghĩa cử hiến tạng cứu người.

Điều thứ 2 đó là sự thay đổi ở các bệnh nhân ghép tim là điều bình thường, có những người thay đổi về tính cách, thói quen, có thể ít, có thể nhiều. Điều quan trọng và ý nghĩa nhất đối với họ, đó là họ đã được hồi sinh kỳ diệu.

Tiếp cận nhân vật bằng chính sự tử tế và chân thật

Nhiều cảnh quay chân thật, đời thường nhưng vẫn mang lại xúc động cho người xem, không bị khô cứng… anh và toàn bộ ê kíp có những kinh nghiệm gì?

Bản thân tôi luôn quan niệm, mình làm phim để phục vụ khán giả truyền hình. Vì vậy, các hình ảnh, cách kể chuyện càng chân thật, càng giản dị, dễ hiểu càng tốt. Ngoại trừ các phần phục dựng, các hình ảnh khác của nhân vật đều được diễn ra theo đúng thực tế cuộc sống, suy nghĩ của các nhân vật, chứ không hề có sự gượng ép nào từ phía người làm phim.

Trước khi ghi hình, ê kip chúng tôi đã đến gặp các nhân vật rất nhiều lần, lắng nghe họ chia sẻ câu chuyện của mình, để tìm được sự đồng cảm giữa bản thân mình với họ. Sự thành thật, lắng nghe, chia sẻ với nhân vật có lẽ đã giúp chúng tôi trở nên thân thuộc với họ. Và có lẽ, xuất phát từ đó, họ mới thực sự trải lòng với ê kíp chúng tôi.

111
Nhà báo Trần Huy - BTV Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam.

Có một tình huống khiến cho chính bản thân chúng tôi từ các anh quay phim, ánh sáng, kỹ thuật âm thanh ngay tại hiện trường đã thực sự không cầm được nước mắt. Lúc đó chúng tôi chỉ cố gắng làm sao giữ máy của mình không bị run. Đó là khi người vợ của người hiến là chị Giang áp sát tai để lắng nghe nhịp đập trái tim của chồng mình được đặt trong lồng ngực của cháu Chi.

Ở thời khắc ấy, gần như mọi người cảm giác đều nghe được nhịp đập đó như thế nào. Tôi nghĩ đấy là khoảnh khắc rất khó để có thể quay lại lần thứ hai và nếu có quay lại được thì cảm xúc sẽ mất đi rất nhiều.

Sau cùng qua phim tài liệu này, anh rút ra điều gì, để trong thời gian tới tiếp tục có nhiều tác phẩm hấp dẫn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc hơn nữa?

Không bỏ cuộc, quyết tâm theo đuổi đề tài đến tận cùng. Tiếp cận nhân vật bằng chính sự tử tế và chân thật. Có như vậy, câu chuyện mình kể sẽ mang lại những giá trị nhân văn, cho khán giả, cho nhân vật và cho chính bản thân mình nữa.

Vâng, xin cảm ơn anh!

Theo Lê Tâm/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây