Tan hoang rừng Tây Nguyên

Thứ năm - 12/11/2020 15:52
Rừng Tây Nguyên đang suy giảm nghiêm trọng vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc buông lỏng quản lý của chính các đơn vị quản lý và bảo vệ rừng.
111
Rừng của Cty Chư Phả bị hủy hoại tan hoang chỉ còn là những bãi đất
Giao rừng để biến thành đồi trọc

Nguồn tin của Tiền Phong cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk gần hoàn tất điều tra 4 Cty TNHH MTV lâm nghiệp khi liên tục để mất rừng quy mô lớn. Cụ thể, Cty TNHH MTV lâm nghiệp Cư M’lan (Cty Cư M’lan), Cty TNHH MTV lâm nghiệp Rừng Xanh (Cty Rừng Xanh), Cty TNHH MTV lâm nghiệp Ya Lốp và Cty TNHH MTV lâm nghiệp Ea H’mơ, đều nằm trên địa bàn huyện Ea Súp.

Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Cty Cư M’lan hơn 14.700 ha rừng và đất rừng (trong đó hơn 11.500 ha sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp; hơn 3.100 ha còn lại là rừng phòng hộ). Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, doanh nghiệp này để mất hơn 10.500 ha rừng và đất rừng (Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Ea Súp).

Ngoài ra, theo UBKT Huyện ủy Ea Súp, Cty Cư M’lan đã lập 2.643 biên bản vi phạm với diện tích bị phá hơn 4.000 ha, nhưng không có giá trị pháp lý; không chuyển hồ sơ các vụ vi phạm hình sự cho công an xử lý; chiếm dụng 1,5 tỷ đồng kinh phí quản lý và bảo vệ rừng sản xuất nghèo kiệt năm 2013, 2014; nợ 16 tháng lương cán bộ, công nhân viên…

Dọc các tuyến đường dẫn vào các tiểu khu thuộc Cty Cư M’lan, đặc biệt 2 bên đường rất nhiều hộ dân lấn chiếm dựng nhà kiên cố lên đất rừng. Có nhiều diện tích, sau khi lấn chiếm còn diễn ra cảnh mua bán trao tay.

Theo Kết luận Thanh tra của UBND tỉnh Đắk Lắk, năm 2009, UBND tỉnh giao Cty Rừng Xanh gần 14 nghìn ha rừng và đất rừng nằm trên địa bàn 2 xã Ea Rốk và Cư Kbang. Từ năm 2010-2016, do quản lý không chặt chẽ, đơn vị này đã để lấn chiếm, xâm canh trái phép hơn 2.270 ha (trong đó có hơn 1.626 ha rừng tự nhiên).

Ngày 8/11, 1 cán bộ Cty TNHH MTV Chư Phả (huyện Ea Hleo) cho biết, Cty này được UBND tỉnh Đắk Lắk giao hơn 14.000 ha rừng, trong đó khoảng 2.500 ha rừng phòng hộ. Tuy nhiên, diện tích rừng tại Cty này bị suy giảm nghiêm trọng. Điển hình, tại tiểu khu số 8. Theo điều tra của Tiền Phong, tại tiểu khu này ngoài việc để mất rừng, đất rừng bị lấn chiếm trồng cây trái phép, còn bị người dân đưa xe vào khai thác cát trái phép.

Phá cả rừng thông ven quốc lộ

 Theo Báo cáo chính trị tại đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông, nhiệm kỳ 2015-2020 có 7 chỉ tiêu trọng yếu không đạt, trong đó có chỉ tiêu về độ che phủ rừng. Theo đó, chỉ tiêu theo Nghị quyết giao 42%, trong khi tỷ lệ che phủ rừng tỉnh này chỉ đạt 38%. Dọc Quốc lộ 14, Quốc lộ 28 của tỉnh này, rất nhiều cánh rừng thông bị đầu độc đến chết hàng loạt. Đến nay, vấn nạn suy giảm về diện tích rừng thông vẫn chưa được kiểm soát, xử lý dứt điểm.

Trong khi đó, trên cơ sở kết quả thanh tra tại 21 ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã có 14 kết luận và chuyển 8 hồ sơ sang công an tỉnh điều tra đúng thẩm quyền. Ngoài ra, diện tích rừng tự nhiên tại địa phương này bị suy giảm nghiêm trọng. Chỉ trong khoảng 5 năm (từ đầu năm 2016 đến tháng 5/2020), Thanh tra tỉnh Gia Lai phát hiện mất 7.700ha rừng tự nhiên. Nhiều vụ hủy hoại rừng tại địa phương này, PV Tiền Phong đã xâm nhập thực tế và có loạt bài phản ánh.

Theo thông tin tại Hội nghị tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng các tỉnh Tây Nguyên (ngày 22/6 tại thành phố Buôn Ma Thuột), năm 2019, tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên hơn 2,5 triệu ha (bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán), chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực Tây Nguyên đạt 45,92% (do được cộng dồn cả diện tích trồng cao su-PV). Diện tích rừng trồng tăng 18.387 ha so với năm 2018, trong đó 3 tỉnh có diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh là Đắk Lắk (11.419 ha), Đắk Nông (7.156 ha) và Gia Lai (494ha).

Kon Tum mất hơn 1,1 nghìn ha rừng do thủy điện

Khoảng 1,1 nghìn ha rừng bị mất từ việc hình thành các thủy điện tại Kon Tum. Sở Công Thương Kon Tum cho biết đã có nhiều định hướng về phát triển thủy điện thời gian tới.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Sở Công Thương Kon Tum cho biết, trên địa bàn hiện có 24 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã hoàn thành với tổng công suất 299,6MW và dự án Thượng Kon Tum công suất 220MW. Ở Kon Tum còn có 13 dự án đang triển khai xây dựng với tổng công suất 191,1MW.

Đặc biệt, tại tỉnh này, 32 dự án công trình thủy điện đang lập dự án đầu tư với tổng công suất 259,9MW. Ngoài ra, Kon Tum còn có 8 vị trí công trình thuỷ điện đang làm thủ tục chọn chủ đầu tư triển khai dự án với tổng công suất 81,2MW và 4 vị trí chưa có chủ trương đầu tư với công suất 19,5MW. UBND tỉnh Kon Tum đang trình Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt bổ sung 1 dự án thủy điện có công suất 9 MW.

Theo số liệu do Sở Công Thương Kon Tum cung cấp, tổng diện tích đất bị ảnh hưởng từ các công trình thủy điện vừa nêu hơn 4,1 nghìn ha; trong đó, đất rừng hơn 1,1 nghìn ha (rừng sản xuất hơn 951 ha, rừng phòng hộ hơn 43 ha, rừng đặc dụng hơn 163 ha), đất sông suối hơn 1 nghìn ha (đất trồng lúa hơn 72 ha, đất trồng cây lâu năm, cây hàng năm hơn 1,1 nghìn ha)…

Lê Tiền


Theo Vũ Long - Tiền Lê/Tiền phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây