Thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ: "Không thể đổ lỗi cho thiên tai"

Thứ năm - 05/11/2020 14:13
111
Thủy điện Đắk Mi 4 tiếp tục xả lũ với lưu lượng. Ảnh: Tường Minh

Sau vụ xả lũ kinh hoàng gây thiệt hại nặng của thủy điện Đắk Mi 4, chính quyền huyện Nam Giang đề nghị thủy điện không những phải có trách nhiệm hỗ trợ sụp đổ nhà cửa mà cần đền bù với những tài sản, vật dụng người dân bị trôi, hư hỏng bởi không thể đổ lỗi cho thiên tai.

"Không thể đổ lỗi cho thiên tai"

Theo ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, việc thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ gây hậu quả rất nhiều nhà cửa người dân bị ngập nước và sụp đổ; tài sản hư hại, vật nuôi bị cuốn trôi, có người dân suýt mất mạng. Vì vậy thủy điện phải có trách nhiệm với người dân lúc này.

111
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra tình hình thiệt hại do bão lũ ở huyện Nam Giang.

“Đề nghị Công ty CP Thủy điện Đắk Mi có trách nhiệm hỗ trợ người dân như thế nào chứ không chỉ là chuyện sụp đổ nhà cửa, bởi ngoài nhà cửa còn có tài sản, vật dụng, vật nuôi... của người dân bị trôi. Huyện cũng đề nghị tỉnh sớm phân bổ nguồn kinh phí để chi trả cho những thiệt hại của người dân, nhất là liên quan đến phục hồi sản xuất, cây giống, con giống ngắn ngày và dài hạn. Dự báo hết năm nay, sang năm tình hình người dân đói nghèo sẽ rất nhiều, thiếu lương thực thực phẩm nếu như lúc này chưa cung ứng kịp thời” - ông Sơn đề nghị.

Cũng theo ông Sơn, bây giờ không bàn về quy trình xả lũ, mà phải tập trung khắc phục thiệt hại cho người dân. “Chúng ta nói quy trình đúng, chẳng lẽ dân bị thiệt hại thì không lo sao? Cuộc sống của người dân sắp tới ra sao, nên trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ phải rõ ràng để chúng tôi báo lại với dân. Mấy hôm nay ngày nào chúng tôi cũng nhận được đơn thư của người dân yêu cầu thủy điện bồi thường, chúng tôi biết nói sao đây” - ông Sơn cho biết.

Bí thư Huyện ủy Nam Giang Lê Văn Hường cho rằng, thủy điện Đắk Mi 4 không thể thoái thác trách nhiệm bởi trời mưa lớn cũng không phải là trút nước xuống 1 lần 7.000m3/s.

"Giá như xả nước xuống hợp lý thì có lẽ chưa đến mức đột ngột như vậy và cũng không gây khó cho công tác chỉ đạo. Vì đợt mưa ngày 17.10 lớn hơn đợt mưa này gấp mấy lần nhưng vẫn bình thường. Thế thì tại sao trong ngày mưa nhỏ nhưng đến chiều tối thì nước lớn như vậy?"- ông Hường nói.

111
Chính quyền huyện đề nghị thủy điện Đắk Mi 4 đền bù, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do xã lũ.

Đồng thời ông Hường đề nghị: "Thủy điện Đắk Mi 4 phải có trách nhiệm đối với người dân. Thủy điện cùng với địa phương xác định thiệt hại để hỗ trợ cho người vượt qua khó khăn lần này. Không thể đổ lỗi cho thiên tai được".

"Đắk Mi 4 phải điều hành như vậy mới giảm lũ cho hạ du"?

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đắk Mi (chủ đầu tư) khẳng định việc xả lũ đúng quy trình và hợp lý, do nước về quá nhiều nếu không cắt nhanh sẽ ảnh hưởng hồ đập. Dù vậy, trước những thiệt hại của dân, đơn vị sẽ làm việc với tỉnh để có chủ trương phối hợp với địa phương hỗ trợ cho người dân tùy mức độ thiệt hại cụ thể nhằm nhanh chóng ổn định cuộc sống.

111
Nhà dân bị lũ lụt cuốn trôi.

“Thông thường với lưu lượng về 3.000m3/s thì một tiếng đồng hồ mới lên được 1m nước. Nhưng từ 14h ngày 28.10 nước về rất nhanh, 15 phút nước đã lên 1m nên chúng tôi phải ra thông báo tăng dần lưu lượng xả nhưng cũng theo mức từ thấp đến cao chứ không phải lập tức xả 7.000m3/s liền. Lúc đó nước về hồ là 15.500m3/s, có nghĩa chúng tôi đã cắt gần 50%” - ông Bình phân tích.

Theo ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, trong mùa lũ năm nay 4 hồ thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh như Sông Tranh 2, Đắk Mi 4, Sông Bung 4 và A Vương đều được vận hành đưa về mực nước đón lũ thấp nhất nhằm tạo dung tích phòng lũ tối đa theo quy định, thậm chí Đắk Mi 4 còn đưa mực nước về thấp hơn quy định đón lũ.

Tuy nhiên, vì đợt lũ vừa qua vô cùng đột biến nên khó ứng xử về mặt kỹ thuật. Do đó, việc điều hành đưa nước về hạ du dù đột ngột nhưng rất kịp thời nên đã cắt được đỉnh. “Trong bối cảnh đột xuất nước về nhiều, chủ hồ phải vận hành khẩn cấp như thế. Về mặt bảo vệ công trình đúng quy trình nhưng do nước đưa về hạ du nhanh, tăng đột ngột nên khó tránh khỏi thiệt hại cho người dân” - ông Tý thừa nhận.

Cũng theo ông Tý, việc xả lũ không vi phạm quy định và rất kịp thời nhằm giảm lũ cho hạ du. “Thủy điện đã tham gia cắt lũ cho hạ du 53 - 56% lượng nước về nên mong chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân hiểu và thông cảm cho Đắk Mi 4 là phải điều hành như vậy mới giảm lũ cho hạ du thời điểm đó, đặc biệt mới đảm bảo an toàn công trình. Tuy nhiên, trước thiệt hại của dân, huyện phải lập báo cáo thiệt hại rõ ràng để đơn vị báo UBND tỉnh nhằm có cách hỗ trợ người dân” - ông Tý nói.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng cho rằng thiên nhiên quá khắc nghiệt nên huyện cũng phải tuyên truyền cho người dân biết để đề phòng, cảnh giác. Riêng với thủy điện Đắk Mi 4, cần thông tin kịp thời hơn nữa, khẩn trương sửa hệ thống loa cảnh báo, chung tay cùng huyện hỗ trợ bà con trở lại cuộc sống bình thường.

Theo Thanh Chung/Lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây