Tôi đến Đà Lạt lần đầu sau Yersin hơn một trăm năm. Lần đó, tôi được đề nghị đi theo một đoàn khảo sát thực tế của nhóm giảng viên trường đại học. Nhiệm vụ của tôi cũng khá đơn giản, chỉ là viết một bài tường thuật lại chuyến đi. Mọi chi phí ăn nghỉ đoàn lo hết. Cô trưởng đoàn còn tế nhị nhét vào túi mấy trăm ngàn để tôi có thể đi ăn vặt hoặc uống cà phê, vì cô đã biết quá rõ hoàn cảnh một sinh viên mới tốt nghiệp. Khi ấy tôi vẫn chưa xin được việc làm chính thức, còn đi phụ hồ để chờ kết quả mấy bộ hồ sơ đã chăm chút tỉ mỉ gởi đến các cơ quan. Mỗi ngày tôi đều hi vọng có một cơ quan nào đó điện đến và nói về bộ hồ sơ, nói về những công việc tôi sẽ làm, về mức lương tôi sẽ nhận. Nhưng chẳng có nơi nào điện, cho đến khi cô trưởng đoàn gọi cho tôi để bắt đầu cơ duyên với Đà Lạt.
Tôi nhớ sau một giấc ngủ khá dài trên xe, đoàn có ghé lại nhà của một người quen ở Bảo Lộc. Giữa mùa hè nhưng cái lạnh ngọt ngào xứ cao nguyên đã bắt đầu miên man da thịt khiến ai nấy đều thích thú. Chủ nhà đãi chúng tôi những ly trà đặc sánh, thơm lừng. Tôi cầm ly trà mân mê cho ấm lòng bàn tay, rồi uống từng ngụm nhỏ. Vị trà đắng chát nhưng hậu ngọt, uống vào đến đâu thấy ấm lòng đến đó. Chủ nhà là một phụ nữ trung niên, mặc áo khoác màu hồng nhạt ngồi kể một cách chậm rãi về duyên nợ khiến bà rời An Giang lên định cư ở vùng đất Bảo Lộc này từ hơn 20 năm trước. Dường như trước mắt bà là một màn hình đang tua chậm lại những thước phim đời, có cay đắng ngọt bùi có tin tưởng và lo âu. Nhưng kết thúc của dòng phim ấy rất có hậu với một ngôi nhà khang trang trên triền dốc, với một người chồng chu đáo lịch thiệp và hai đứa con ngoan đang độ tuổi đến trường. Bà kể chậm nhưng không buồn, cơ hồ như cuộc đời bà đã chọn vùng đất cao nguyên này để sống mà tận hưởng nỗi hạnh phúc trong an lạc. Tôi đi dạo một vòng quanh ngôi nhà, thấy ngập tràn hoa và cây trái. Đó là bức tranh đẹp và thanh khiết được tạo nên bằng chính bàn tay của con người. Nó tác động vào tôi mạnh đến mức từ bận ấy đến nay, không lúc nào tôi thôi mơ ước về một ngôi nhà và khu vườn như thế. Tôi ước mỗi sáng sẽ được thức giấc trong cái lạnh se se bên tách trà nóng nghi ngút khói, trong lãng đãng sương mù và hương hoa quyện cùng tiếng chim hót líu lo. Tôi sẽ kê cái bàn viết ngay cạnh cửa sổ, hướng mắt ra khu vườn. Những trang văn nhất định sẽ đẹp đẽ và ngát hương.
Ý nghĩ về căn nhà mơ ước ấy khiến tôi chìm vào cơn ngủ thật dịu êm, đến khi thức giấc thì xe của đoàn đang qua đèo Prenn. Lần đầu trong đời tôi được nhìn thấy nhiều cây thông đến thế. Hàng ngàn cây cao lớn, đứng sừng sững giữa núi rừng, hiên ngang như các chiến sĩ trong buổi duyệt binh. Sương mù quấn lấy những gốc thông cổ thụ, có khi phủ lên đến ngọn khiến ta dễ liên tưởng tới một cuộc tình tự của thiên nhiên tạo hóa. Đến tận bây giờ tôi vẫn giữ nguyên ý nghĩ rằng, Đà Lạt không cần phải xây cổng chào như bao thành phố khác. Chỉ cần những hàng thông trong màn sương hư ảo trên đèo Prenn thôi đã là thông điệp ấn tượng mà bất kỳ nơi nào cũng không thể có được: “Chào mừng bạn đến với xứ sở sương mù, xứ sở ngàn thông”.
Đoàn chúng tôi đến một căn nhà trên con dốc gần ga Đà Lạt, có chia ra khu phòng nghỉ cho khách lưu trú và khu dành riêng cho gia chủ. Trong khi đợi xếp phòng, ông chủ từ tốn giới thiệu với khách về sự gắn bó của gia đình ông với xứ sở này mấy chục năm qua. Cô con gái út của ông trạc mười tám tuổi, mặc chiếc áo khoác xanh dương, cổ quấn khăn choàng màu trắng bưng ra cho chúng tôi mấy bình trà nóng, vài đĩa bánh mứt đặc sản. Ai cũng háo hức đón lấy những cốc trà để nhanh chóng xua tan cái lạnh ngày càng đậm đặc. Riêng tôi mãi đắm hồn mình với gương mặt thanh tú của cô gái. Hai má và mũi cô hồng lên do tiết trời lạnh, đôi mắt to, đen huyền sau hàng mi cong vút và đôi môi mọng đỏ như “đốm lửa hồng”. Mấy hôm sau, khi đã thôi bỡ ngỡ, cô mới cho tôi biết tên cô là Huyền My, vừa học xong bậc phổ thông, chuẩn bị học đại học dưới Sài Gòn. Tôi hỏi Huyền My nên đi đâu để hiểu về Đà Lạt, cô kêu tôi cứ đi bất cứ đâu, vì Đà Lạt đã ngấm vào hồn cỏ cây, phảng phất trong từng lối đi góc phố, trong mỗi con người đang trôi trên những cung đường mù sương. Đó là cách một cô gái mười tám tuổi nghĩ về Đà Lạt, giản đơn nhưng sâu sắc, mộc mạc và đầy thơ. Khi biết tôi vừa tốt nghiệp Văn khoa, Huyền My không ngại dẫn tôi xem kho sách của gia đình cô. Những quyển sách ố vàng được xếp trang trọng trên giá, kiêu hãnh sứ mệnh lưu lại bao nỗi thăng trầm của thế cuộc. Huyền My nói, trong mỗi gia đình của người Đà Lạt thường có tủ sách và một cây đàn, bấy nhiêu đó thôi đủ để họ sống cùng nỗi cô đơn và lãng mạn trác tuyệt. Tôi bỗng nhớ đến vị Khâm sứ Trung kỳ tên Jean Auvergne, khi đặt chân lên vùng đất Đà Lạt vào những năm 1900, ông đã cho người mang lên cây đàn piano. Có lẽ ông đã không chịu nổi sự cô đơn và giá lạnh nơi cao nguyên Lâm Viên trong những ngày lưu lại nơi đây. Để rồi những nốt nhạc dìu dặt phát xuất tận trời Tây đã vang vọng miền khói sương huyền ảo từ hơn trăm năm trước. Biết đâu rằng những nhạc sĩ tài hoa như Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Lê Uyên - Phương đã bắt gặp hồn phách của những tiếng đàn khởi nguyên còn quyện hòa trong cỏ cây mây nước Đà Lạt, để rồi tạo ra những nhạc phẩm bất hủ lưu lại cho đời. Và người dân Đà Lạt chẳng biết từ bao giờ, cũng đã xem âm nhạc như một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Tôi chọn một quyển sách cũ, lật từng trang tìm xem hành trình của các bậc tiền nhân khi chinh phục miền đất Đà Lạt. Huyền My ngồi bên chiếc đàn piano, lướt những phím tơ trầm bổng. Ngoài trời, mưa phùn lất phất, trong thư phòng có hai tâm hồn đang đắm chìm trong tiếng nhạc cùng với những giấc mộng phiêu bồng.
Tôi nghe theo lời Huyền My, cứ khi nào có thời gian rảnh là đi lang thang, mong tìm thấy hồn phách của trăm năm Đà Lạt. Tôi thường đi bộ theo các con đường mòn, rẽ vào bất cứ lối nào mình thích. Và không biết lý do gì, một đêm nọ tôi bỗng rẽ vào con đường nhỏ, đi miết, đi miết lên sườn đồi thinh vắng. Nhìn trong lờ mờ mưa, tôi thấy vài vệt sáng rung rinh, lại gần mới biết đó là những chiếc đèn nhỏ xíu dẫn lối vào một lữ quán. Quán nhỏ, chen với rừng. Những vòm cây được tỉa nhẹ nhàng lại để làm chỗ trú chân cho kẻ độc hành. Tôi ngồi ở góc quán, tựa vào thân cây xù xì, gọi ly đen nóng tê đầu lưỡi. Lát sau, vị chủ quán ra, giới thiệu bằng một chất giọng cuốn hút đến ma mị. Ông nói, bằng giọng âm trầm, về cuộc đời Trịnh, về những mối tình của Trịnh, về những nỗi đau của Trịnh. Sau mỗi câu chuyện ông kể là một bài hát mà Trịnh đã viết nên từ câu chuyện ấy. Tiếng guitar dìu dặt cất lên, tiếng hát khi vút cao giữa đại ngàn khi mượt mà âm vọng đưa hồn người vào những nỗi niềm sâu thẳm. Mặc cho mưa gió ngoài kia, trong góc quán ấy chỉ thiêng liêng hiện hữu thứ duy nhất chính là âm nhạc. Tôi nghe như bị thôi miên, đắm vào những câu chuyện vị chủ quán kể, đắm vào những du dương. Khi vị chủ quán nói lời từ biệt thì đã 12 gờ đêm. Bước lững thững ra về, một đứa sinh viên mới rời ghế giảng đường như tôi đã bắt đầu thấu hiểu huyền năng của nghệ thuật. Sáng hôm sau tôi kể cho Huyền My nghe về cuộc hội ngộ âm nhạc đầy xúc cảm ấy và rủ My cùng đi thưởng thức với tôi. Huyền My cười nhẹ bảo, du khách rất thích những góc quán ấy. Còn riêng người Đà Lạt, họ ít đến quán, vì trong căn nhà của họ đã có một lữ quán riêng rồi. Tôi thấy Huyền My nói đúng, vì những người Đà Lạt tôi may mắn được tiếp xúc đều tỏ ra thân thiện mến khách nhưng vẫn có chút gì đó thâm trầm, minh tuệ nhưng đơn độc. Cốt cách ấy khiến họ ngại hòa vào những đám đông. Họ như những căn biệt thự cổ kính sang trọng nằm lặng lẽ trên một ngọn đồi vắng, chứa đựng vẻ đẹp bất tuyệt. Chỉ một chút xô bồ cũng có thể làm vỡ đi cái đẹp hoàn mỹ ấy.
Bảy năm sau, tôi mới có dịp quay trở lại Đà Lạt lần thứ hai. Lần này, tôi dẫn đoàn sinh viên đi thực tế. Sau khi thu xếp công việc của đoàn, tôi tranh thủ đến khu vực gần ga để tìm Huyền My, người con gái đã để lại cho tôi những ấn tượng không thể xóa mờ trong suốt ngần ấy năm. Nhưng khi tôi đến nơi thì hỡi ôi, căn nhà của Huyền My đã không còn, thay vào đó là một quán ăn khá đông thực khách. Người chủ mới bảo rằng ba của Huyền My bán căn nhà này từ bốn năm trước, nghe đâu gia đình dọn về sống ở Đức Trọng hay Bảo Lộc gì đấy. Cũng phải thôi, vì khu vực này bây giờ đã quá ồn ã. Những đoàn du khách kéo qua con dốc như những dòng thác. Âm thanh của động cơ xe máy, của những tiếng còi dài đã làm vỡ đi giấc mộng Đà Lạt êm đềm, nên gia đình Huyền My đành tìm nơi khác, để sống cùng nỗi cô độc an yên. Tôi cố đi tìm lữ quán năm nào, giờ cũng không còn nữa, trên nền cũ người ta chuẩn bị xây một homestay. Con đường vắng tênh ngày nào giờ đây cửa nhà san sát. Ôi, bao nhiêu thứ đã được xây cất thêm trong những năm qua có ngờ đâu lại làm sụp đổ trong tôi những tượng đài đẹp đẽ về một Đà Lạt thiên đường. Có lẽ, những ngày cũ như một giấc Nam Kha, dù đẹp mấy thì vẫn là hư ảo.
Sau này, tôi có dịp trở lại Đà Lạt thường xuyên hơn. Tôi đã xem Đà Lạt như một phần của đời mình, như một người tình đầy say đắm. Dĩ nhiên, khi đã yêu thì vừa có hạnh phúc vừa có hờn ghen. Mỗi lần trở lại Đà Lạt, trái tim tôi lại phập phồng. Tôi khẽ chạm vào cái lạnh buốt đêm sương, lặng ngắm mặt hồ Xuân Hương phảng phất mây mù, ngất ngây như chìm vào một nụ hôn bất tận. Tôi thích ngồi hàng giờ trên thềm cỏ dưới những rặng thông, để lắng nghe tiếng thở của cây của đất, lắng nghe tim mình cuộn chảy nguồn năng lượng trẻ. Thế nhưng, tôi không ít lần xót xa nhìn cảnh phố xá ken dày những con đường xanh mượt mà của thuở trước. Đau đáu nhìn những dòng người thi nhau đẩy nỗi trầm lắng lùi xa. Sứ mệnh của Đà Lạt ngay từ ban đầu không hẳn là để làm một khu thị tứ bán mua sầm uất, nó là nơi dành cho những kỳ nghỉ dưỡng, là chốn để yêu đương. Bởi vậy, việc băm vằm Đà Lạt một cách bất chấp để xây cất, để kinh doanh như hiện nay dễ khiến ta liên tưởng đến một vụ xâm hại của một tên đồ tể với cô gái trẻ.
Khi người Pháp đặt chân đến và tiến hành đánh thức Đà Lạt, họ không ngại đuổi những tộc người bản địa lùi xa trung tâm. Họ muốn quy hoạch một Đà Lạt sang trọng quý phái, và sự hiện hữu của những làng bản người Lạch, người Chill, người Srê làm bức tranh Đà Lạt thành quê mùa. Các tộc người bản địa phải rút sâu vào rừng hoặc đến hạ nguồn dòng suối mà định cư, tránh vấy bẩn cảnh quan, ô nhiễm nguồn nước. Đến khi Đà Lạt thành hình, kiêu hãnh như một “tiểu Paris” giữa đại ngàn, những người Việt cấp tiến bắt đầu đến chiêm ngưỡng, thậm chí chọn cách gắn bó cuộc đời mình với xứ sở mộng mơ này. Ngày người Pháp rời khỏi Đông Dương, Đà Lạt bấy giờ mới hoàn toàn thuộc về người Việt. Phần lớn người Việt bén duyên từ ban đầu với Đà Lạt là vì họ say đắm vẻ đẹp của cảnh sắc, sự thanh khiết của khí hậu ôn hòa dịu mát nơi đây. Còn một lý do nữa mà bao lớp người đến đây đều thừa nhận, là Đà Lạt cho ta một cõi thinh lặng trong tâm hồn. Có một nữ tiến sĩ ở Sài Gòn đã không ngại dùng hết số tiền cô dành dụm được trong sự nghiệp giảng dạy ở trường đại học chỉ để mua một ngôi nhà nhỏ trên triền dốc ngoại ô Đà Lạt. Khi về hưu, cô cùng người bạn đời của mình đã sống những ngày tháng tuyệt đẹp nơi đây, nơi mà cô bảo rằng suốt ngày được đắm chìm trong hương sắc của cỏ hoa. Tôi đã đến nhà cô vào một buổi chiều muộn, ngồi bên mấy khóm hoa rực rỡ ngoài hiên ngắm nhìn thung lũng đang bị làm đầy bằng những khối sương mù khổng lồ. Cô kể hàng đêm, vợ chồng cô hay ra ngồi nơi đó, chồng cô đàn guitar và cô hát. Họ say đắm cùng âm nhạc, say đắm cùng Đà Lạt và say đắm vào nhau. Thoáng chốc tôi bỗng nghĩ, nếu vẽ một bức tranh về thiên đường thì chắc chỉ đẹp đến dường ấy là cùng.
Tiếc là, những dòng người cứ đổ xô lên Đà Lạt, mỗi năm một nhiều hơn. Những lớp người mới này đa số không phải vì tình yêu dành cho Đà Lạt mà đến như vợ chồng cô tiến sĩ tôi vừa kể. Họ chỉ đến vì Đà Lạt có thể khiến họ hái ra tiền. Chính cái tư duy kiểu con buôn ấy khiến cho Đà Lạt bị tổn thương, và những ai yêu quý Đà Lạt cũng tổn thương. Đà Lạt đang trong trạng thái lưỡng phân giữa việc gìn giữ các giá trị cao quý và đầu tư thực dụng để kiếm tiền. Viễn cảnh thế nào thì chắc ta cũng có thể hình dung. Có lần, chỉ trong một ngày ở Đà Lạt, tôi đã chứng kiến hai cảnh tượng đối lập. Buổi sáng, đang đi bộ thể dục trên đường Hùng Vương, tôi thấy một người bà lão đi phía trước bỗng dừng lại ngắm nhìn một thứ gì đó dưới đất, rồi bà đi vòng xuống lòng đường, sau đó trở lại vỉa hè đi tiếp. Tò mò, tôi đi nhanh đến xem có vật gì mà khiến bà ngại bước qua. Đến nơi tôi mới chưng hửng. Thì ra cây phượng tím ven đường rụng xuống một thảm hoa, bà lão ấy không nỡ giẫm lên những xác hoa nên đi vòng ra phía ngoài để tránh. Chỉ một hành động đó thôi đã khiến tôi cảm phục vô biên cái cách mà người dân Đà Lạt đối xử với thiên nhiên. Tôi từng nghe nói cây phượng tím được một người kỹ sư canh nông gốc An Giang là Lương Văn Sáu mang về từ Pháp, đem trồng trên Đà Lạt từ năm 1962. Ngoài phượng tím, ông còn mang đến Đà Lạt nhiều kỳ hoa dị thảo khác như vông kê đỏ, cẩm cù, kim giao, chuông vàng... Ông Sáu không nói được do bệnh hạch thanh quản, và mọi ngôn từ ông gởi hết vào các loài hoa. Điều đó càng khiến ta có cơ sở để khẳng định cỏ hoa cũng có tiếng nói, cũng có linh hồn. Bởi thế, cái hành động đơn sơ của bà lão người Đà Lạt khiến lòng tôi rộn vui khôn tả xiết. Cho đến chiều, tôi bần thần rất lâu khi bắt gặp một cô gái đẹp ăn mặc tân thời đi với tình nhân đã ném mấy chai nhựa xuống hồ Xuân Hương dù thùng rác cách chỗ cô đứng không xa. Tôi không thể tả nổi cảm xúc khi chứng kiến cảnh tượng đó. Nó là một cái tát trực diện vào cảnh quan, là một chiếc kim đâm vào tim những ai yêu Đà Lạt.
Có lẽ, không ít người gốc Đà Lạt đã từng nén những tiếng thở dài khi nhìn cái thành phố mình yêu thương bị làm vấy bẩn. Rồi cũng không ít người trong số đó đã chọn cách rời đi. Rời đi không phải họ hết yêu Đà Lạt, mà là họ không chịu nổi cảm giác chứng kiến bao điều trân quý dần dần biến mất. Tôi lại nghĩ đến gia đình của Huyền My. Biết đâu bố cô rời đi chỉ vì muốn có một không gian yên ắng đọc vài trang sách, uống mấy tách trà. Biết đâu cô rời đi vì muốn tiếng đàn được tự do bay vút trong thinh lặng. Biết đâu họ rời đi vì không thể chứng kiến sự giày vò bởi cái hồn cốt của Đà Lạt đang mất dần, mất dần.
Chiều nay đi dạo quanh bờ hồ, tôi thấy một cảnh tượng khá hi hữu. Có một nhóm người đầu đội khăn tang, quỳ gối bên bờ hồ cầu nguyện. Sau đó, họ lấy các hũ tro cốt rắc xuống mặt hồ cho dòng nước cuốn trôi. Tôi bỗng nhớ đến lần tôi đi sâu trong hẻm Hoàng Hoa Thám, bỗng bắt gặp nghĩa trang Trại Hầm. Hàng ngàn ngôi mộ nằm chen chúc nhau trên đồi thông. Có hưởng thọ có hưởng dương. Có Thiên chúa có Tin lành có Phật. Tất cả im phăng phắc. Trầm mặc. Tôi cũng lặng yên ở nơi ấy hàng giờ để ngẫm về nỗi nhân sinh. Ôi kiếp phù vân như những nhánh thông mục dưới chân đồi, như chút tro bụi tan biến vào hư ảo. Hơn một trăm năm qua, Đà Lạt đã chứng kiến bao người đi kẻ ở, đã ươm nở biết bao tình yêu cao đẹp và xoa dịu bao nhiêu nỗi thăng trầm? Chúng ta không thể nào biết được, Đà Lạt bằng tất cả sự rộng lượng đã dung chứa hết những gì mà cuộc đời đem đến. Đà Lạt vẫn luôn dịu dàng dù mỗi ngày người ta chạm khắc lên đó quá nhiều nỗi đắng cay.
Có lẽ đó là điều khiến ai cũng yêu Đà Lạt.
Tác giả: Trương Chí Hùng
Nguồn Văn nghệ số 33/2020
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên