Nhật ký dòng kênh "Chết" (Kỳ 1): Ô nhiễm kinh hoàng

Thứ hai - 06/07/2020 11:11
Trời nắng nóng, hệ thống kênh tiêu Đông - Thiệu - Thị trơ đáy, lộ ra ngồn ngộn chất thải. Tình trạng này đã tồn tại từ nhiều năm qua và ngày càng nghiêm trọng.
111
Kênh tiêu Đông – Thiệu – Thị ô nhiễm kinh hoàng. Ảnh: Võ Dũng.
Hệ thống kênh tiêu Đông - Thiệu - Thị gồm nhiều nhánh kênh, có từ rất lâu đời, chảy qua các huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa và TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Kênh được xây dựng với mục đích chính là tiêu thoát lũ cho 3 huyện, TP, trong đó quan trọng nhất là TP Thanh Hóa. Khi quá trình đô thị hóa diễn ra ngày một nhanh, mật độ dân cư tăng cao, cùng với sự thiếu ý thức của một bộ phận cư dân thành phố, bất cập trong công tác quản lý, vận hành và đầu tư xây dựng, dòng kênh này bị “bức tử”.

Tại TP Thanh Hóa, kênh tiêu Đông - Thiệu – Thị đi qua rất nhiều phường, xã như Đông Cương, Đông Tân, Lam Sơn, Đông Sơn, Nam Ngạn, An Hoạch, Quảng Thắng... trước khi nhập dòng với sông Mã rồi cùng đổ ra biển cả.

Nói thế để thấy, “sức khỏe” của hệ thống kênh tiêu này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân TP Thanh Hóa.
111
Nước thải sinh hoạt xả trực tiếp lên kênh, bốc mùi hôi thốiẢnh: Võ Dũng.
Theo phản ánh của người dân TP Thanh Hóa, vấn đề ô nhiễm hệ thống kênh này đã diễn ra từ nhiều năm qua, thể hiện rõ rệt nhất, trở thành vấn đề nhức nhối nhất là vào mùa hè. Hè đến, dòng kênh cạn kiệt, nhiều đoạn trơ đáy; các loài cây cỏ dại, rau muống mọc thành từng mảng lớn, bao nhiêu phế thải lộ thiên.

Ông Bùi Công Thành đã sống tại khu vực Trại Rắn thuộc khu phố 1, phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa) từ hàng chục năm nay nhưng chưa bao giờ thấy nước kênh ô nhiễm như bây giờ. Tình trạng ô nhiễm trên dòng kênh này đã xuất hiện khoảng 20 năm nay và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Theo ông Thành, khu vực ông đang sinh sống trước đây là khu đất ruộng, màu sản xuất. Sau đó, dân số phát triển, những thửa ruộng xanh tốt dần trở thành nơi sinh sống của rất nhiều hộ dân. Tại khu vực này hiện vẫn còn những mảnh đất ven kênh sản xuất rau màu. Điều đáng nói là, những hộ dân này, do thiếu nguồn nước tưới vẫn vô tư gánh nước từ kênh tưới cho cây trồng. Rau màu “uống nước” đen sì từ dòng kênh ô nhiễm, khi ra đến chợ vẫn xanh tươi và đi vào bữa ăn của nhiều gia đình.
111
Khi thủy triều xuống, đoạn dưới âu Bến Ngự chẳng khác gì một bãi rác. Ảnh: Võ Dũng.

“Nó chẳng khác gì sông Tô Lịch khi chưa được cải tạo. Gần như quanh năm suốt tháng bốc mùi hôi thối, nước kênh đen kịt nhưng nặng nhất về mùa hè, nhất là khi trời trở gió. Thì cũng phải thôi, bao nhiêu vòi nước thải sinh hoạt hoạt của các hộ dân ven kênh xả trực tiếp vào kênh; bao nhiêu rác thải được tuồn xuống đó. Dòng kênh bồi lắng qua năm tháng, đến mùa hè thì phơi bày ra hết. Cá trên dòng kênh này chỉ còn rô phi, cá lau bể may ra còn sống được. Hộ có điều kiện đã chuyển đi khỏi vùng ven kênh còn chúng tôi hiện chưa có nơi ở mới nên đành chịu”, ông Thành xót xa.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi ra dòng kênh đi qua các phường Đông Sơn, Lam Sơn, Đông Hương... Đúng như người dân TP Thanh Hóa miêu tả, cách xa dòng kênh này dăm bảy chục mét đã nghe mùi hôi thối sục vào tận mũi.

Nước trên dòng kênh gần như cạn kiệt, nhiều đoạn trơ đáy, cỏ dại, rau muống mọc thành từng mảng lớn, nước kênh đen kịt, nhiều đoạn chỉ còn lại một lớp bùn lỏng đặc quánh.

Vật liệu xây dựng đổ tràn ra dòng kênh, những chiếc vòi nước thải sinh hoạt chĩa thẳng ra kênh, vô tư xả thải; cứ cách khoảng vài ba trăm mét lại có một cống gom nước xả thải từ khắp nơi đổ ra dòng kênh này, bọt nổi trắng xóa. Có một vài đoạn đã được xây dựng kè, có những đoạn kênh đã bị rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng chiếm hết lòng kênh.
111
Cá dọn bể, loài cá có sức sống mãnh liệt cũng chết dạt vào mép kênh. Ảnh: Võ Dũng.
Đi qua những địa danh như cầu Cốc, cầu Lai Thành, cầu mới Đông Hương... đều có chung một cảm nhận về cảnh tượng ô nhiễm của dòng kênh này. Mùa hè nước kênh gần như cạn kiệt, lượng rác thải đọng lại dưới đáy càng thấy rõ; mùi hôi thối, tanh nồng bờn bợn bốc lên khiến người đi đường không tài nào chịu nổi.

Ấy thế mà, trên dòng kênh ô nhiễm như vậy vẫn có những con người, vốn là cư dân các làng chài tứ chiếng về đây neo đậu, sống chung với ô nhiễm. Có những chiếc thuyền nan mưu sinh của dân vạn chài gần như bất di bất dịch suốt cả mùa hè. Trên những chiếc thuyền ấy, bao thế hệ từ nhiều đời nay vẫn sống và... chịu đựng. Họ phải dùng điện từ nguồn ắc quy, nước sinh hoạt thì lên bờ mua hoặc xin, sử dụng dè sẻn..., bước chân ra khỏi thuyền là gặp ngay... ô nhiễm.

Đi đến cuối dòng kênh, chúng tôi đến xóm vạn chài Âu Thuyền (xưa nay vẫn gọi là Âu thuyền Bến Ngự), thuộc phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa). Đúng như người dân TP Thanh Hóa phản ánh, đây mới là “tận cùng của ô nhiễm”.

Ông Nguyễn Văn Danh, một công dân phường Đông Thọ hiện đang sinh sống cùng gia đình trên một chiếc thuyền tại xóm chài Âu Thuyền cho hay, đây là đoạn cuối của hệ thống kênh. Tại khu vực này có một cái âu, khi nước thủy triều dâng thì âu sẽ được đóng lại tránh xâm nhập mặn. Lúc âu không đóng cửa thì bao nhiêu nước bẩn, rác thải từ các tuyến kênh tràn về đây. Ô nhiễm nặng đến mức, cá lau bể chết dạt vào bờ vô số kể.
111
Nhiều hộ dân đã chuyển đi nơi khác. Ảnh: Võ Dũng.
“Tôi về đây sinh sống từ hơn 1 năm nay và đã thấy ô nhiễm rồi. Nếu âu được đóng lại thì nước bẩn không qua đoạn kênh này mà đọng lại ở phía trên. Nhưng khi âu mở ra thì bao nhiêu chất bẩn tràn xuống, hôi thối không tài nào chịu được. Những chất bẩn ấy, vào chiều tối lại được thủy triều cuốn cả ra sông Mã trước khi đổ ra biển. Anh thấy đấy, loài cá duy nhất có thể sống được ở đoạn kênh này là cá lau bể cũng chết dạt bám vào bờ. Điều đó cho thấy, ô nhiễm ở đây đã trầm trọng lắm rồi”, ông Danh cho hay.

Đến xóm vạn chài Âu Thuyền vào sáng sớm không khó để cảm nhận được sự tận cùng của ô nhiễm. Âu mở, nước từ thượng nguồn kênh tiêu Đông - Thiệu - Thị chảy xuống mang theo cơ man nào rác thải. Nhưng mùa này, nguồn nước cạn kiệt, lượng nước chảy xuống không nhiều, gần chục con thuyền của xóm vạn chài Âu Thuyền “mắc cạn”, phải chờ thủy triều lên mới dong ra sông Mã đánh cá mưu sinh được.

Điều cảm nhận rõ nhất ở đoạn cuối kênh này là mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Mùi thối của rác thải đã đành, mỗi một mét vuông bên bờ kênh có thể đếm được hàng chục xác cá lau bể chết thối. Ruồi nhặng bu vào lũ cá thối, một vài con cua, con cá cũng ngắc ngoải mé nước chuẩn bị đón nhận cái chết.
111
Có những phận đời 'sống chết' ở dòng kênh này. Ảnh: Võ Dũng.
Từ xóm vạn chài Âu Thuyền chúng tôi qua một chiếc cầu để sang bờ tả kênh tiêu Đông - Thiệu - Thị. Vẫn dòng kênh ấy, dưới chân những chiếc cầu còn vướng lại cơ man nào rác thải, xác cây cối ngổn ngang; rác thải xây dựng đổ tràn ra lòng kênh. Có những đoạn, người ta đang dùng máy múc chạy ra giữa dòng để khơi thông dòng chảy tạm thời. Một vài phường bỏ kinh phí thuê người dân ra những đoạn kênh đã trơ đáy dọn dẹp các loài cây dại, rau muống để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Điều dễ nhận thấy là, ven tuyến kênh này vẫn có những khu nhà ổ chuột. Ở đó có một vài hộ có điều kiện kinh tế đã chuyển đến sống nơi khác. Số còn lại nhà cửa lụp xụp, nhếch nhác. Có lẽ, khi đến đây xây dựng nhà cửa, định cư, họ cũng không ngờ, có một ngày, dòng kênh này là ô nhiễm đến vậy.
Võ Văn Dũng
(Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây