Những bài báo hay: Lỗ hổng trong quản lý chất thải công nghiệp
Chủ nhật - 26/07/2020 16:41
Những kẽ hở trong quản lý đã khiến tình trạng đổ trộm chất thải công nghiệp ra môi trường diễn ra phức tạp
Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh liên tục bắt giữ những trường hợp đổ trộm chất thải công nghiệp (CTCN). Điều này bộc lộ những kẽ hở trong quản lý loại CTCN trên địa bàn.
Đổ trộm tràn lan
Ngày 8.6, Công an phường Long Xuyên (Kinh Môn) bắt quả tang xe ô tô tải 34C-249.54 do Vũ Văn Hưng điều khiển đổ trộm CTCN xuống một bãi chứa than trên địa bàn phường. Qua đấu tranh khai thác, lái xe đã khai nhận xe chứa chất thải ở cây xăng Đồng Xuân, phường Ái Quốc (TP Hải Dương). Lái xe Hưng đã được chỉ đường và mô tả đến địa điểm để đổ chất thải là bãi chứa than nêu trên. Vụ việc đang được Công an thị xã Kinh Môn thụ lý, giải quyết.
Trước đó, ngày 29.3, Công an huyện Kim Thành phát hiện một trường hợp đổ trộm rác thải công nghiệp vào phần đất của gia đình ông Phạm Văn Lục ở ngoài bãi sông thuộc thôn Phù Tải 2, xã Kim Đính. Số rác thải này do một người trong xã dọn thuê cho một doanh nghiệp ở thị trấn Phú Thái sau đó mang về chôn lấp. Đến thời điểm này, Công an huyện Kim Thành vẫn đang tiến hành điều tra, xác minh khối lượng, chủng loại, nguồn gốc lượng rác trên để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó không lâu, cơ quan chức năng của tỉnh liên tiếp phát hiện 2 vụ đổ trộm rác thải với quy mô hàng trăm tấn ở TP Hải Dương và huyện Thanh Miện. Ngày 10.3, Công an huyện Thanh Miện phát hiện nhiều bao tải màu trắng, bên trong chứa vải vụn với tổng trọng lượng gần 4 tấn được đổ tại vườn vải của nhà chị Vũ Thị Lượt ở thôn Thống Nhất, xã Hồng Phong. Công an huyện xác định toàn bộ số vải vụn này là của Công ty TNHH Tuấn Trang ở cùng xã đổ ra đó để chôn lấp. Ngày 6.2, tại chân đê Lai Vu thuộc phường Ái Quốc (TPHải Dương), UBND phường này phát hiện hàng trăm tấn chất thải nguy hại, rác thải sinh hoạt bị đổ trộm trên khu đất đã được UBND tỉnh giao cho một doanh nghiệp quản lý. Rác thải được tập kết, đóng gói, chôn lấp sau đó phủ đất cát để xóa dấu vết.
Như vậy, chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương trong tỉnh đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ đổ trộm CTCN ra môi trường. Ngoài ra, rất nhiều trường hợp đổ trộm nhưng không bị phát hiện, bắt giữ.
Sẽ quản chặt hơn
Theo quy định, CTCN được chia thành 2 loại gồm chất thải thông thường và chất thải nguy hại. Mỗi loại chất thải có cơ chế quản lý khác nhau. Hiện nay, chất thải nguy hại có cơ chế quản lý khá chặt chẽ. Chủ nguồn chất thải nguy hại phải kê khai định kỳ với cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện công tác thu gom, lưu trữ, vận chuyển, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ chế quản lý chất thải thông thường dù đã được nêu trong luật và các nghị định hướng dẫn thi hành nhưng yêu cầu kỹ thuật chưa chặt chẽ. Tùy theo quy mô, tính chất ngành nghề, nhiều cơ sở sản xuất không thuộc đối tượng phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường nên báo cáo về chất thải không thường xuyên. Những đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải công nghiệp thông thường không cần giấy phép của cơ quan chức năng. Chính vì vậy, đường đi của rác không được kiểm soát chặt chẽ. Nhiều loại CTCN thông thường có thể tái chế, tái sử dụng, trở thành hàng hóa mua bán, trao đổi. Đây chính là kẽ hở dẫn tới hàng loạt vụ đổ trộm chất thải trong thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Quốc Hải, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Dịch vụ - Thương mại Môi trường xanh (khu công nghiệp Nam Sách), đơn giá để xử lý rác thải công nghiệp rất cao. Việc thu gom, vận chuyển, xử lý phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt. Thực tế đã có nhiều đơn vị cạnh tranh bằng cách hạ thấp giá xử lý để trúng thầu. Việc bỏ giá quá thấp sẽ dẫn đến hậu quả là doanh nghiệp trúng thầu phải giảm bớt quy trình xử lý, thậm chí câu kết với chủ nguồn thải để đổ trộm ra môi trường.
Một trong những nguyên nhân nữa khiến tình trạng đổ trộm rác thải công nghiệp diễn biến phức tạp là do nhiều chủ nguồn thải không có trách nhiệm với chất thải phát sinh của đơn vị. Sau khi ký hợp đồng với một đơn vị vận chuyển CTCN, chủ nguồn thải không quan tâm chất thải đó có được vận chuyển, xử lý theo đúng quy định hay không. Vì lợi nhuận, một số doanh nghiệp được thuê thu gom, vận chuyển nhưng lại xả CTCN ra môi trường.
Ông Vũ Mạnh Tưởng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết thời gian tới, chi cục tiếp tục tham mưu cho Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh các giải pháp siết chặt quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTCN; yêu cầu chủ nguồn thải phải chuyển giao chất thải cho các cơ sở đủ năng lực xử lý và phải có trách nhiệm đến cùng đối với nguồn thải. Chi cục Bảo vệ môi trường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan triển khai các biện pháp theo dõi, quản lý đối với những đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải công nghiệp.