Phóng sự điều tra: Chủ tịch xã Châu Phong – Bảo vệ hay phá hại sản xuất của dân

Thứ tư - 27/05/2020 15:08
Giữa trưa hè, nắng tháng 5 chói chang như đổ lửa. Ban Biên tập Đài Phát thanh -Truyền hình Bắc Ninh được tiếp 2 nông dân ở huyện Quế Võ lên gửi đơn kêu kiện nhờ các cơ quan ngôn luận can thiệp. Vụ một số cán bộ lãnh đạo xã Châu Phong đã cố ý hủy hoại, gây thiệt hại lớn về tài sản của công dân.

 Ba nông dân bị hại về tài sản là các ông Nguyễn Văn Trực ở thôn Thất Gian, ông Trần Văn Chung và ông Trần Văn Chí ở thôn Châu Cầu, xã Châu Phong. Cả ba ông đều là bộ đội đã về phục viên, xuất ngũ, về địa phương nay là xã viên HTX. Trong đơn của các ông trình bày: Là vùng đất ngoại đê úng ngập quanh năm, đời sống nhân dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Hưởng ứng phong trào người nông dân sản xuất giỏi, nông dân vươn lên làm giàu từ kinh tế gia đình, gia đình các ông và nhiều bà con khác đã được Nhà nước cho vay vốn ngân hàng về phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Riêng gia đình các ông đã đầu tư mỗi gia đình trên 3 triệu đồng để mua vịt tăng gia.

Ngày 10/6/2000, đàn vịt của các ông được chăn thả tại mương cái Quốc lộ 18 thì ông Chủ tịch UBND xã Phùng Hữu S chỉ huy một số cán bộ xã, thôn và nhân viên bảo vệ ào xuống mương lùa vịt vào trạm bơm và quây bắt nhét vịt vào từng bao tải chở về sân trụ sở UBND xã. Cả ba gia đình đều theo về xã vừa van khóc đề nghị UBND xã cho xin vịt về nuôi hoặc bán và các gia đình xin chịu mọi hình thức nộp phạt. Song ông Chủ tịch UBND xã Phùng Hữu S không chấp nhận và ra lệnh cho các cán bộ thôn, nhân viên bảo vệ dùng gậy đập chết toàn bộ 3 đàn vịt với tổng số trên 1.200 con. Trong đó có 150 con vịt đang đẻ trứng.

Việc ông Chủ tịch UBND xã Châu Phong chỉ đạo bắt và đập chết vịt của nông dân như vừa nêu có đúng không? Trách nhiệm thuộc về ai?

Để làm sáng tỏ vấn đề trên chúng tôi đã về Châu Phong - nơi xảy ra sự việc. Đến gia đình anh Nguyễn Văn Trực - người đứng đơn bị hại ở thôn Thất Gian, anh đi thăm đồng còn chị cùng 2 con nhỏ ở nhà tiếp chúng tôi, chị cho biết: đầu tháng 4 gia đình được Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh xét và đứng ra tín chấp được Ngân hàng người nghèo cho vay 5 triệu đồng, anh chị mua 600 con vịt, số tiền còn lại dùng vào việc mua cây con giống, vật tư phân bón và làm vốn sản xuất. Tính đến ngày 10/6 đàn vịt của gia đình mới được 25 ngày tuổi, vẫn còn chưa biết ăn thóc.

Còn đến nhà anh Trần Văn Chí và anh Trần Văn Chung ở thôn Châu Cầu chúng tôi được biết cả hai là anh em ruột, cũng đều là bộ đội chống Mỹ, phục viên xuất ngũ về đại phương, gia đình vốn thuần túy nghề nông, nhà còn nhiều khó khăn, gia đình anh Trần Văn Chí ngoài nuôi 3 con nhỏ còn có 1 mẹ già và nuôi 1 cháu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ. Được đoàn thể đứng ra tín chấp gia đình anh được Ngân hàng người nghèo xét cho vay 4 triệu đồng, anh đã cùng góp vốn với người anh là Trần Văn Chung mua một đàn vịt 600 con về gột và một đàn vịt đẻ 150 con.

Ngày 10/6 khi 2 đàn vịt của gia đình đang chăn thả tại trạm bơm (đường 18) thì một số cán bộ của xã dưới sự chỉ huy của Chủ tịch Phùng Hữu S đã lừa vịt vào trạm bơm bắt hết nhét vào bao tải đưa về trụ sở xã rồi tại đây, tự tay các ông dùng gậy đập chết hết. Mặc dù gia đình van xin để được nộp phạt mang vịt về bán song xã không chấp nhận.
Trong cuộc họp với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt xã và các thôn của Châu Phong chúng tôi đều được các đồng chí có cùng một tiếng nói và cùng một quan điểm thống nhất khẳng định: nuôi vịt nhiều, vịt thả đàn ngoài đồng phá hoại sản xuất xã đã có chủ trương cấm nuôi vịt từ nhiều năm nay, song nhiều hộ vẫn cứ nuôi, bảo vệ bắt phạt nhiều lần nhưng không được, xã phải dùng biện pháp cứng để làm gương cho gia đình khác cố tình nuôi vịt.

Về Châu Phong được nghe và được chứng kiến một sự việc diễn ra không thể tưởng được ở một nông thôn nghèo khó như ở Châu Phong này. Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay để hòa nhập đi lên cùng các miền quê trong tỉnh, trong cả nước. Châu Phong cũng không nên chỉ quẩn quanh một năm 2 vụ lúa bấp bênh chỉ một vụ ăn chắc, còn vụ mùa năm được năm mất. Châu Phong muốn đi lên phải có ngành nghề phụ, phải phát triển đẩy mạnh chăn nuôi, mà chăn nuôi không chỉ dừng lại đàn lợn, đàn trâu bò cày kéo mà phát triển cả gia cầm: gà, vịt, ngan, ngỗng.

 Lẽ ra ở vùng quê nghèo Châu Phong lãnh đạo xã, thôn phải biết khuyến khích, động viên nhân dân phát triển, đẩy mạnh sản xuất. Khi sản xuất càng mạnh thì làm ra sản phẩm càng nhiều, gia đình giàu hơn, địa phương mạnh lên. Điều quan trọng là trong sản xuất chúng ta phải đồng bộ với biện pháp quản lý và bảo vệ thành quả sản xuất sao cho hợp lòng dân, đúng chủ trương chính sách của Đảng, đúng pháp luật của Nhà nước.

Việc ông Chủ tịch UBND xã Châu Phong Phùng Hữu S và một số cán bộ xã đập chết trên 1200 con vịt của 3 gia đình nông dân là hoàn toàn có thật. Để bảo vệ tài sản của người sản xuất không bị xâm hại, giữ nghiêm kỷ cương pháp luật của Nhà nước, lấy lại lòng tin của bà con nông dân với chính quyền cơ sở chúng tôi đề nghị các ngành, các cấp hữu trách hãy nhanh chóng làm sáng tỏ vụ việc này trả lời trước công luận.
 
  Rút trong Cuốn "Làm báo phải được Đảng tin, Dân trọng"
của Nhà báo Huy Chương, Nguyên Trưởng phòng Thời sự, Đài PTTH Bắc Ninh

                                                                                                            

 

Nguồn tin: Làm báo phải được Đảnh tin, Dân trọng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây