Những bài báo hay: Lọt vào trang trại nuôi hàng trăm "chúa tể sơn lâm" để tuồn về Việt Nam

Thứ năm - 05/03/2020 15:57
Trại hổ của bà chủ Q. nằm ngay mặt tiền đường 8, cách trung tâm thị trấn Lạc Xao, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào) gần 3km.
111
Dãy chuồng hổ hình chữ U, một góc trại hổ. Ảnh: Vu Cát Tiên.
Trong bài “Rùng mình tận thấy cảnh phây thây hổ”, chúng tôi đã phản ánh cảnh tượng xẻ thịt hổ để nấu cao bán cho các đại gia. Trong bài này, phóng viên vào trang trại nuôi hàng trăm con hổ ở Lào để tuồn về Việt Nam.

Nếu một số vùng làng ở các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu (Nghệ An) nuôi hổ trái phép, lén lút, giấu kín như bưng thì trại hổ của bà chủ tên Q . ngang nhiên “mọc” ngay mặt tiền đường 8, cách trung tâm thị trấn Lạc Xao, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào) gần 3km.
Dãy hàng rào còn nguyên màu vôi sáng láng kéo dài hơn 100m phía mặt tiền, sát mép đường 8. Phía trong, cách dãy hàng rào tầm 50m hiện lên ngôi nhà cấp 4 với nhiều phòng ốc giống như một công sở. Tất cả đều im lìm, bí hiểm.

Lọt vào “rừng” hổ

Chỉ còn khoảng một giờ nữa chúng tôi rời bản Phôn Phen, huyện Khăm Cợt về Việt Nam. Thời gian ít ỏi còn lại khiến tôi càng thắc thỏm vì đã nghe chuyện bắn hổ, nấu cao hổ mà chưa được nhìn tận mắt trại nuôi hổ.

Thế rồi, như vận may chợt đến khi tôi “bám càng” một thành viên lọt vào trại hổ. Trộm nghĩ, cũng may mắn bởi hôm nay bà chủ trại vừa từ lên Vientiane bay ra nước ngoài nếu không thì khó bề lọt vô đây.

Chiếc xe dừng lại trước cánh cổng sắt tự động đang khoá. Ông S. gọi hai số điện thoại nhưng đều không được.

Sau cuộc gọi thứ ba, cánh cổng mới từ từ hé mở, vừa đủ chiếc xe đi lọt vào trong. Tôi hướng theo mũi xe lượn vòng vèo qua một góc trại, rồi chạy theo dãy bờ tường xây cao hơn 3m, phía trên là hàng dây thép gai.
111
Bờ tường xây cao hơn 3m, phía trên là hàng dây thép gai của trang trại nuôi hổ. Ảnh: Vu Cát Tiên.
Trước khi dừng lại khu vực cung cấp thức ăn cho hổ, ông S. chỉ tay về phía dãy chuồng hình chữ U đối diện, nói: “Chuồng hổ đấy”.

Tôi xoay người khỏi ánh mắt của ông S., mau lẹ bấm máy ảnh mini “chớp” một hình ảnh đắt giá. Nhưng dãy chuồng hình chữ U này mới chỉ là một góc rất nhỏ trong khu rừng rộng 200 hecta thuộc trại hổ.

Ông S. cho hay, trại rộng lắm, “ôm” trọn cả hai quả núi xanh mờ phía trước. Khu rừng gần đường nhất giành để nuôi khoảng 200 con hổ đủ mọi lứa tuổi nhưng đa số là hổ cái, hổ đực chỉ chiếm 1/3 tổng số. Nói đoạn, ông gọi điện thoại cho người ra mở cửa khu chuồng trại thứ hai, cách dãy chuồng hình chữ U không xa.

Tôi nín thở, nhón mũi giày nhưng cố bước đi chắc và nhanh vì lần đầu tiên tiến sát bên loài thú hung dữ, biết là nó ở trong chuồng lưới thép nhưng vẫn phải đề phòng như một phản xạ tự nhiên vậy. Dãy chuồng hổ nối dài, mỗi chuồng chỉ cách nhau một tấm lưới chia ô nhỏ xíu. Ông S. thì bước xăm xăm. Ông giục đi nhanh, xem nhanh và giao “không chụp ảnh, không đưa lên mạng, nguy hiểm đấy”.
111
Những con hổ 3-6 năm tuổi. Ảnh: Vu Cát Tiên.
Thoáng chốc chúng tôi lướt qua những chuồng hổ nối nhau hình chữ U, chữ L. Mỗi chuồng rộng chừng 30m2. Trong chuồng, hổ đứng, hổ đi, hổ nằm quanh những khúc xương bò còn tươi rói nhưng đôi mắt con nào cũng trừng trừng không chớp hướng về phía khách lạ. Chợt một tiếng gầm nhẹ rung lên như phát ra từ trong hang hốc.

Ông S. chỉ tay vào chuồng đối diện bảo: “Báo gầm đấy”. Tôi nhìn con báo khoảng một tạ gầm gừ rồi nhảy lên bệ xi măng nằm trong tư thế vồ mồi. Tôi trải lòng về tâm trạng bất an khi nghe tiếng báo gầm, ông S. trấn an: “Hổ, báo nuôi từ nhỏ ở đây nên hầu như mất hết khả năng săn mồi. Mà chuồng khoá cẩn thận, sắt thép ràng rịt như dệt, như đan, sợ chi”.

Vừa lúc đó, tiếng một con hổ bỗng rống lên từ phía chuồng hình chữ U:…A…au…A…au…Tôi chợt rùng mình theo tiếng rú kinh động giống như trong thước phim về rừng hổ hoang dã.

Đang đi, ông S. kéo tay tôi rẽ hướng khác để tránh chuồng hổ đang đẻ. Nghe thế, tôi sực “săn” chi tiết rất cần có trong “rừng” hổ này. Đó là hình ảnh của những chú hổ sơ sinh. Tôi hỏi về chuồng nuôi hổ sơ sinh, ông S. nói: “Hổ mới đẻ được tách ra nuôi riêng ở dãy nhà phía ngoài cùng”.

Đó là dãy nhà gồm những gian phòng không khác gì một khách sạn sang trọng. Nghĩ tôi đi xem để mua hổ con, người phụ trách ở đây nhẹ tay mở cánh cửa gỗ cho tôi nhìn thấy mấy chú hổ rồi nhẹ tay kéo cánh cửa lại. Đó là những chú hổ con mới 20 ngày tuổi, nặng khoảng 5 kí. Chúng đang nằm co lại, ngủ bên nhau như những con mèo khoang khổng lồ.

Hình ảnh cuối cùng tôi ghi được là chiếc container đang đậu dưới mái nhà, nơi cung cấp thức ăn. Cùng lúc anh tài xế mở cửa sau, lấy thức ăn của hổ thả vào trong bể nước để ngâm cho tan đá lạnh trước khi cho hổ ăn. Không khí lạnh phả ra tê buốt. Trong thùng xe, chật kín những hộp thức ăn đề chữ Thái Lan.

Ông S. cho biết, 10 ngày một container thức ăn 10 tấn chở từ Thái Lan về. Thức ăn gồm thịt bò, xương bò, thịt gà, chân gà đã được kiểm định chặt chẽ, không phải thức ăn lung tung ngoài chợ như ở làng nuôi hổ bên ta. Thức ăn do người phụ trách phân chia tuỳ theo từng lứa hổ. Hổ trẻ đang nuôi lớn thì ăn xương bò, chân gà. Một tuần ăn thịt bò tươi một ngày. Hổ già chủ yếu ăn xương cho bổ xương. Con nào hễ phát hiện tăng cân nhanh thì giảm khẩu phần. Vì hổ đực béo quá sẽ lười vận động ngoài “sân vui chơi”, hổ cái béo núc ních sẽ khó sinh sản.
111
Hổ, báo nuôi từ nhỏ ở đây nên hầu như mất hết khả năng săn mồi. Ảnh: Vu Cát Tiên.

Những con hổ xấu số

Con hổ 1,6 tạ vừa bị xẻ thịt thuộc lứa hổ già nhất trại này. Sở dĩ con hổ già bị bán để nấu cao là bởi không còn khả năng đi “tơ”. “Con hổ đực không tơ được nữa thì bán đi, thay lớp trẻ lên”, bà Q. nói.
Vòng đời con hổ chỉ sống trong vòng 20 năm. Sau 20 năm con hổ yếu dần rồi tự chết. Kinh nghiệm của dân nghiền cao hổ khẳng định hổ càng già, càng “rom” thì bộ xương càng quý bởi xương con hổ già rất dày, chắc, nhiều can xi nên nồi cao rất chất lượng.

Còn lớp hổ “trẻ” lên thay hổ “bố, mẹ” bắt đầu từ tuổi thứ 3. Lớp hổ này sẽ đảm nhận công việc đi “tơ” để sinh sản. Sinh sản, tạo giống là nhu cầu số một của trại để cung ứng giống cho các vùng làng nuôi hổ trái phép ở Nghệ An.

Kể chuyện hổ đi “tơ”, thành viên trại hổ khá rành: Ba tuổi là con hổ đực bắt đầu động đực, thích đi “tơ”. 15 tuổi hết “tơ” là giết. Riêng hổ cái đến tuổi thứ 7 mới bắt đầu sinh sản. Hổ đực đi “tơ” nhanh lắm, giống như ngựa, hươu chỉ chưa đầy hai phút một lần.

Đến tuổi, hổ “tơ” liên tục 20 ngày mỗi tháng. Khoảng 5 phút “tơ” một lần. Trước khi “tơ”, hổ đực dùng đuôi cà quanh mông hổ cái. Khi hổ cái nằm sấp xuống là tín hiệu cho hổ đực “tơ”.

Bà Q. nêu kinh nghiệm: “Con đực mà động đực đúng lúc con cái đòi “tơ” thì thụ thai tốt lắm. Con hổ vừa xẻ thịt đi “tơ” giỏi lắm. “Tơ” hàng trăm con rồi đó”. Cũng theo bà Q., muốn hổ sơ sinh khoẻ mạnh, làm giống tốt thì không nên cho hổ cái đẻ nhiều.
111
Chuồng nuôi hổ trong trại của bà chủ Q. Ảnh: Vu Cát Tiên.
Ngoài “chức năng đi “tơ”, lớp hổ này có thể bị bán bất cứ lúc nào nếu được giá. Có hai cách bán hổ. Bán nguyên con và bán con đã bắn chết. Mua hổ nguyên con khi vận chuyển qua biên giới phải tính toán thời gian tiêm thuốc mê thật chuẩn mới an toàn. Hổ bị bắn chết thì phải cho vào thùng đông lạnh. “Đa số dân buôn ưa mua hổ bị bắn chết bởi vừa vận chuyển an toàn vừa bơm được nước vào trước khi ướp lạnh. Thường một con hổ 1 tạ được dân buôn bơm 5 yến nước. Tha hồ lời”, ông S. nêu một thủ đoạn thường gặp của lái buôn.

Hổ cái sinh sản khá dày. 5 tháng một lần sinh. Bình quân một năm hai lứa rưỡi. Một lần sinh từ một đến ba con. Công đoạn nuôi dưỡng hổ con được ví như nuôi trẻ. Chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt như sữa, cháo, thực phẩm đều được tính toán bài bản. Riêng cái khăn dùng để lau miệng hổ sau mỗi lần ăn hoặc đi vệ sinh trắng, sạch như khăn chăm sóc trẻ lọt lòng.

Ông S. nêu một thực tế: “Hổ sinh nhiều nhưng chết cũng lắm. Tỉ lệ chết là 70%”. Chúng tôi hỏi lí do hổ sơ sinh chết nhiều, ông S. lắc đầu không biết. Đoạn, ông nói: “Có lẽ do trùng huyết thống cũng nên”. Tôi chợt nghĩ, có thể nhận xét của ông S. sẽ giúp ích cho các nhà khoa học khi họ quan tâm chi tiết này.

Một thành viên khác của trại hổ góp chuyện: “Hổ sơ sinh chết đều được rút sạch ruột rồi ngâm rượu nguyên con. Rượu ngâm lần thứ nhất và lần thư hai đổ đi. Lần ngâm thứ ba chôn dưới đất một thời gian, dùng rất tốt. Mặt hàng này dân Trung Quốc chuộng lắm”.

Nói thêm về số phận của những chú hổ sơ sinh, các thành viên trại hổ cho rằng, do tỉ lệ chết 70% và khó nuôi nên hổ sơ sinh trở thành mặt hàng quý hiếm. Một cặp hổ sơ sinh bán tại Lào, giá 400-500 triệu đồng, tiền vận chuyển qua biên giới do lái buôn lo. 
(Còn nữa)
Vu Cát Tiên
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay5,353
  • Tháng hiện tại15,925
  • Tổng lượt truy cập3,250,789
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây