Những ngày gần đây người dân đổ xô đi thu hoạch một loại cây để bán sang Trung Quốc. Đấy cũng là điều bình thường nhưng ngặt nỗi không ai biết họ thu mua cây đấy để làm gì? Và cây này cứ “chảy” dần sang bên kia biên giới, còn rừng bên này thì ngày một cạn kiệt.
Từ một cây lạ
Trong những ngày này, nếu để ý một chút độc giả sẽ thấy trên tuyến đường 1B qua huyện Văn Quan, Bắc Sơn , Bình Gia, tuyến 4A, 4B Lộc Bình, Tràng Định… Những người nông dân oằn vai gánh lớn, gánh nhỏ gánh những cây dược liệu đem bán ở những nơi tập trung. Nhưng tuyệt nhiên không biết đó là cây gì, giá trị của nó bao nhiêu, ngay cả với những chủ thu mua thì những điều này vẫn là tấm màn bí mật. Dưới cái nắng như hắt lửa xuống đường, anh Hoàng Văn Hòa mồ hôi nhễ nhại, xới xáo những cây thuốc đang phơi đã ngả sang màu nâu, cả đống cây bốc lên mùi ngai ngái rất dễ chịu. Không rời tay khỏi đống lá, không kịp lau những giọt mồ hôi vương trán, anh vừa thoăn thoắt bó lá vừa tâm sự: Không biết là cây gì chú ạ, người thì bảo là cây chè dại, người thì nói cây chè dây, tiếng dân tộc anh cũng không biết chỉ biết nó mọc rất nhiều, người ta thu thì anh đi lấy về bán thôi. Cũng không biết người ta thu để làm gì nhưng nhiều giá lắm, có khách trả năm trăm, người thì trả tám trăm, nói chung cả ngày chị và cháu cũng kiếm được trăm ngàn đồng, thế là khá rồi. Nhìn những bó cây thuôn thuôn y như cây chè, xanh mơn mởn bị đốn hạ mà không biết đó là cây gì, giá cả bao nhiêu chúng tôi không khỏi trạnh lòng. Để được trăm ngàn, cả nhà anh Hòa phải vào rừng từ sớm, cây này thuộc diện rễ chùm chỉ việc nhổ đem về rồi phơi hoặc sấy, sau đó bán cho người mua xuất khẩu. Nhưng gánh một gánh ra khỏi rừng cũng mất đứt một ngày công. Anh Chu Văn Sảo, trú tại thị tứ Điềm He suốt mấy hôm nay bận tíu tít vì một mặt phải đi thu mua cây, một phần phải lo xuất bán, nhà anh lúc nào cũng ngổn ngang lá cây hoa củ quả rừng. Không kịp rót nước mời khách, anh vừa đếm tiền trả cho khách hàng, vừa tâm sự. Cây này tiếng Trung Quốc người ta gọi là cây sản sài, tiếng Việt thì anh không biết chính xác, thu mua tại đây là hơn 1.000 đồng một cân, tươi cũng mua mà khô cũng mua, nhà anh còn đầu tư hẳn một lò sấy để sấy khô cho chủ động hàng đem bán. Theo anh Sảo, cây này không yêu cầu về kỹ thuật cao lắm, chỉ cần khô rồi chở vào cửa khẩu Chi Ma xuất bán, còn để làm gì anh cũng không biết. Trong thị tứ Điềm He có bốn nhà thu mua xuất khẩu, trong đó có người có công phát hiện ra giá trị của cây là bà Chu Thị Hồng. Chui vào một ngôi nhà thấp ven đường bề bộn những bao, những túi khiến ban ngày chúng tôi phải dò dẫm từng bước. Bà Hồng đang phân loại các loại lá, theo bà cho biết: Cách đây chỉ có hơn một tuần, chủ hàng hồi bên Trung Quốc cho bà biết họ cần mua loại lá như thế, theo như mô tả thì bà đoán đó là cây chè dại, thế là đặt bà con nông dân đi thu hái. Hiện nay, trung bình mỗi ngày riêng khu vực thị tứ Điềm He xuất bán được khoảng 60 tấn, các vùng khác cộng lại cũng gấn 40 tấn, như vậy con số xuất bán là không nhỏ. Nếu đây là một cây dược liệu quý thì đó là một điều đáng tiếc, vì chúng ta chưa quản lý chế biến khai thác được.
Sự thật về cây lạ và tiếng nói các nhà quản lý
Trước hiện tượng đó, chúng tôi đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Văn Quan, Chủ tịch Hoàng Đình Hoàn cho biết; Ngay khi có hiện tượng nhân dân khai thác ồ ạt cây gọi là chè dại xuất bán, huyện đã quan tâm và chỉ đạo ngành Kiểm lâm theo dõi chặt chẽ, một mặt để nắm thông tin, mặt khác theo dõi thị trường để cần thiết thì hướng dẫn nhân dân. Quan điểm của huyện đây là sản phẩm của thiên nhiên ban tặng vì vậy cũng phải có cách ứng xử cho hợp lý, tránh khai thác ồ ạt dẫn đến cạn kiệt tài nguyên, nếu thị trường ổn định có thể nghiên cứu hướng dẫn nhân dân trồng, khai thác, coi như đây là một loại cây để chuyển dịch cơ cấu kinh tế vì hiện nay với giá cả như vậy là rất khả quan. Qua tâm sự của Chủ tịch huyện, chúng tôi đã yên tâm phần nào vì cách làm và sự quan tâm của huyện, chúng tôi tin rằng nếu có cách ứng xử đúng với những sản phẩm thiên nhiên ban tặng thì đấy không chỉ riêng là xóa đói giảm nghèo mà còn là cách tạo ra cho người dân biết bảo tồn và trân trọng những gì thiên nhiên ban tặng. Làm việc tại Kiểm lâm huyện Văn Quan, đây là hiện tượng cây mới xuất hiện nhưng đã được hạt Kiểm lâm rất quan tâm, theo đánh giá của Hạt phó phụ trách Hoàng Văn Huyên thì chuyên môn gọi là cây chè dại, được xếp vào cây bụi, anh cũng biết đấy là một loại dược liệu, nhưng tác dụng, thành phần của nó thì phải do các nhà chuyên môn thẩm định. Về phía hạt sẽ hướng dẫn nhân dân khai thác đúng. Xuất bán theo quy định của pháp luật. Anh Huyên rất vui khi nói rằng: Cũng hay đấy vì người dân có những sản phẩm rừng, có thu nhập, mình hướng dẫn dân trồng biết đâu nạn phá rừng lại giảm. Vì vậy, có những nguồn thu nhập chính đáng từ rừng thì vui nhất phải là Kiểm lâm. Trên đường về, những bó cây to như cây rơm vẫn được người dân chở, gánh đi bán nhộn nhịp như đi hội, còn chúng tôi không biết nên vui hay nên buồn.
Tại Hội Đông y Lạng Sơn, tiếp chúng tôi, bác sỹ Đông y Hà Văn Đoàn khẳng định; Cây như mô tả và mẫu này là cây chè dại, còn gọi là cây dung hay cây duối dại. Đây là một cây dược liệu quý, có thể chữa các bệnh về đường ruột, rửa vết thương, dùng để uống cho tiêu thực, có lợi thanh nhiệt giải độc. Bác sỹ Đoàn cũng khẳng định họ thu mua chắc chắn dùng vào chế biến dược liệu và ông lo lắng nếu khai thác một cách ồ ạt như hiện nay chỉ sợ cây bị tuyệt chủng, khi chúng ta cần đến thì không còn nguồn dược liệu. Khai thác cũng là một cách xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên các nhà chuyên môn cần hướng dẫn khai thác thế nào, trồng bảo vệ thế nào cho thật hiệu quả.
Qua lời bác sỹ Đoàn, chúng tôi không còn băn khoăn về cây thuốc, về cách quản lý, hướng dẫn nhân dân, chúng tôi vẫn băn khoăn một điều, tại sao cây quý là vậy mà chúng ta vẫn chưa khai thác được, giá cả thì không rõ ràng, mỗi ngày hàng chục héc-ta cây bị khai thác đến tan hoang là tại vì đâu?
Nguyễn Đông Bắc